25/06/2014 08:30:21 AM
Nguyễn Phúc Đài ba lần mắc lỗi

Nguyễn Phúc Đài là Hoàng tử thứ năm của Hoàng đế Gia Long, thân mẫu là bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu (1768 - 1846). Ông được phong là Kiến An Vương, bởi vậy, sử thường chép là Kiến An Vương Đài. Kiến An Vương Đài sinh năm Ất Mão (1795), mất năm Kỉ Dậu (1849), thọ 54 tuổi.

Ông có tổng cộng 81 người con, gồm 40 trai và 41 gái. Bình sinh, ông có nhiều điều được khen nhưng cũng có đến ba lần mắc lỗi. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện (Sơ tập, quyển 2) chép việc mắc lỗi của ông như sau:

"Khi mới lên ngôi, vua Minh Mạng từng đến nhà ông chơi, biết ông tiêu xài lớn, bổng lộc không đủ dùng, bèn cho 20 quan tiền và dụ rằng :

- Em phải biết suy nghĩ, vì bổng lộc chính là mỡ béo của dân, cho nên, phải kính cẩn dè xẻn, có thế mới nối được nghiệp nhà, chớ hoang phí mà tổn hại đến đức. Ta vì thiên hạ mà giữ của, há đâu lại có thể lấy của công mà ban ơn riêng được ?

Năm Minh Mạng thứ mười bốn (tức năm 1833 - NKT), ông sai tên thuộc viên trong phủ của mình là Lê Văn Quát ra Hà Nội để mua ngựa. (Lê Văn) Quát liền tìm đường lên tận Cao Bằng để sách hỏi tiền của ở trong dân. Quan Tuần phủ của phủ Lạng Sơn là Hoàng Văn Quyền biết được chuyện này, liền tâu Vua, (Lê Văn) Quát bị xử tử, còn ông thì bị cắt bổng lộc trong một năm.

Cũng vào năm ấy (tức năm 1833 - NKT), Lê Văn Khôi làm phản, ông lấy cớ có người vợ lẽ là cháu gọi Lê Văn Khôi bằng cậu, xin Vua cho được truất xuống làm hàng nô tì, nhưng Vua nói :

- Cháu gọi bằng cậu là bên ngoại, phép nước không khép tội bao giờ, nay đã truất xuống làm nô tì thì chuẩn cho được trở về đoàn tụ. Việc này em không can hệ gì, không nên sợ hãi quá như thế. Vậy, cứ chiếu theo lệ thường mà vào chầu hầu. Ông cúi đấu tạ ơn".

Lời bàn:

Lần thứ nhất, Nguyễn Phúc Đài mắc lỗi tiêu xài hoang phí, sử không chép rõ là hoang phí đến mức nào, nhưng chắc chắn là không nhỏ, bởi chưa tính đến hàng cháu và bao kẻ phục dịch, chỉ mới sơ bộ tính vợ và con, gia đình này cũng đã đông tới cả trăm người. Họ sống đạm bạc cũng đã hao tốn không biết bao nhiêu công quỹ, nói chi chuyện xài hoang. Cho nên, vua Minh Mạng trách là phải, chỉ tiếc là Nhà vua vừa trách vừa cho thêm tiền mà thôi.

Lần thứ hai, trăm tội đã có tên thuộc viên trong phủ của ông là Lê Văn Quát lãnh đủ, còn ông thìchỉ bị phạt cắt bổng lộc trong vòng một năm. Thôi thì âu cũng là của đi thay người vậy. Ắt là Lê Văn Quát chẳng thể hoàn toàn tự tiện làm chuyện bất  lương này, nhung hắn đã bị giết rồi, cũng đành phải nói là Nguyễn Phúc Đài vô can.

Lần thứ ba, Nguyễn Phúc Đài quả là bảo hoảng hơn vua, vội vã đẩy vợ xuống hàng nô tì, để mong mình vô sự, khiến cả nhà vua cũng không thể bằng lòng, gớm thay !

Thế ra, Nguyễn Phúc Đài đáo để lắm, đối với dân thì tham lam bòn rút, đối với thân thuộc thì rẻ rúng coi thường, đối với kẻ dưới quyền thì phủi tay mặc xác. Ví phỏng Nguyễn Phúc Đài nắm được xã tắc trong tay, sinh linh trăm họ sẽ như thế nào ?

Song, lỗi của Nguyễn Phúc Đài xem ra cũng có phần là lỗi của chính vua Minh Mạng. Cứ gẫm những điều Vua phán cũng đủ rõ, còn lâu Vua mới có thể sửa đức cho người.

( Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần )

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Chính quyền Vua Lê – Chúa Trịnh thực sự có từ lúc nào?
Chuyện Thái sư Trần Thủ Độ
Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải
Cái chết của Trần Ích Tắc
Hội nghị Diên Hồng
An Thường Công chúa với món đuôi dê và nầm dê
Thân mẫu của vua Tự Đức sống thế nào?
Gương hiếu thảo của Nguyễn Văn Trình
Đông Sơn Đại tướng Đỗ Thanh Nhơn đã chết như thế nào?
Tướng Lê Văn Quân chết rồi vẫn bị đánh 100 gậy
Lê Chất ơi là Lê Chất
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang