09/10/2013 09:31:14 AM
Lời can của quan nội tán Vân Hiên Hầu

Quan giữ chức Nội tán, tước Vân Hiên Hầu là người họ Phạm nhưng tên thật là gì, sinh và mất năm nào thì chưa rõ. Sử cũ chỉ cho biết đại để, ông làm quan trải thờ hai đời chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Nguyên và Nguyễn Phúc Lan, chức và tước nói trên của quan họ Phạm là do chúa Nguyễn Phúc Lan phong cho. Sinh thời, quan họ Phạm vốn rất tận tụy, có nhiều đóng góp cho xứ Đàng Trong, nhưng nổi danh với đời hơn cả có lẽ là lời ông thẳng thắn can ngăn sự ăn chơi xa hoa của chúa Nguyễn Phúc Lan, năm Canh Thìn (1640).


Sự kiện này được sách Đại Nam thực tục (Tiền biên, quyển 3) chép lại như sau:
 

“Bấy giờ Chúa thấy ở biên cương không có gì đáng lo (Thực ra, hai bên Trịnh - Nguyễn đang chuẩn bị cho cuộc ác chiến lần thứ ba, 1643 - ND), cho nên, thường hay tổ chức vui chơi, đãi yến tiệc và sai xây dựng liên tiếp nhiều cung thất, công quán...v.v. Quan giữ chức Nội tán, người họ Phạm, lúc này đã được ban tước Vân Hiên Hầu, thấy vậy liền can rằng:

- Thần nghe, bậc vương giả lấy người hiền tài làm cột, lấy đức tốt làm thành, (như thế thì) dẫu ung dung rũ áo chắp tay (ý nói rằng không phải lo nghĩ bận tâm gì - ND) mà rốt cuộc (xã tắc) vẫn vững bền như núi Thái Sơn. Xưa kia, vua Nghiêu, vua Thuấn ở nhà lợp cỏ tranh không xén, xà ngang bằng gỗ không đẽo, vậy mà chư hầu vẫn cảm phục, bốn rợ đều mến đức, thế thì hà tất cứ phải nhà cao cửa rộng? Nay họ Trịnh, ở trên thì lấn ép vua Lê, ở dưới thì ức hiếp công khanh, lại vốn có ý dòm ngó chúng ta, Chúa nên vì thế mà siêng năng lo lắng, xem xét thời cơ rồi mở mang bờ cõi. Nếu không nghĩ đến điều ấy mà chỉ chăm việc thổ mộc, thì thần cũng chẳng rõ rồi sẽ ra sao.

Chúa nghe, đổi sắc mặt mà nói:

- Việc này do thiên hạ xúi bẩy mà ra, thực ý ta không phải như vậy đâu. Nói xong, lập tức ra lệnh bãi bỏ các việc". 
 

Lời bàn:

Nước lên thì thuyền cũng lên, Chúa ăn chơi thì quần thần cũng có dịp để vơ vét, ấy là lẽ thường của thế sự, mấy thời nào thoát được đâu? Quan Nội tán người họ Phạm quả là cương trực, đáng khen lắm. Can Chúa khi Chúa mới thoáng có ý định đã khó, can Chúa khi Chúa quyết đoán một sự rồi thì lại càng khó hơn, và can Chúa khi Chúa đang cho tiến hành công việc, nghĩa là biến ý định thành hiện thực, thì mối nguy hại đối với người dám can ngăn thật khó mà lường. Nếu không có dũng khí hơn người, không thể nói được lời như vậy. Vân Hiên Hầu dẫu không có ý để chí ở sự lập ngôn, thì lời ông vẫn còn mãi với thiên cổ. Sử quên chép tên ông, ắt là bởi đồng cảm với ông một cách mãnh liệt quá, kính lời ông một cách đặc biệt quá mà để xảy ra vô ý lúc nào không hay đó thôi. Chúa nghe mà đổi sắc mặt, dẫu sử chẳng nói thêm thì ai cũng rõ, sắc mặt của Chúa sau khi nghe lời can ngăn là sắc mặt đầy vẻ hối lỗi, và đó là sắc mặt đẹp nhất của Chúa Nguyễn Phúc Lan. Nhận được lời can đúng là vội sửa ngay, các đấng chúa tể đông tây ít ai xử sự được như vậy. Trời sinh quan Nội tán họ Phạm thì trời cũng sinh ra chúa Nguyễn Phúc Lan. Đa tạ tạo hóa vô cùng.

(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Chính quyền Vua Lê – Chúa Trịnh thực sự có từ lúc nào?
Chuyện Thái sư Trần Thủ Độ
Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải
Cái chết của Trần Ích Tắc
Hội nghị Diên Hồng
An Thường Công chúa với món đuôi dê và nầm dê
Thân mẫu của vua Tự Đức sống thế nào?
Gương hiếu thảo của Nguyễn Văn Trình
Đông Sơn Đại tướng Đỗ Thanh Nhơn đã chết như thế nào?
Tướng Lê Văn Quân chết rồi vẫn bị đánh 100 gậy
Lê Chất ơi là Lê Chất
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang