15/10/2014 08:33:37 AM
Lê Chất ơi là Lê Chất

Lê Chất người huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, sinh năm Giáp Ngọ (1774), mất năm Bính Tuất (1826), thọ 52 tuổi.

Thời trẻ, Lê Chất từng tham gia phong trào Tây Sơn, lập được nhiều công, được phong tới chức Đô đốc. Bấy giờ, có Lê Trung là tướng của Tây Sơn, vì mến tài của Lê Chất, đem con gái là Lê Thị Sa mà gả cho. Lê Chất cùng cha vợ là Lê Trung gắn bó với nhau một thời gian khá dài.

Sau khi Quang Trung mất (1792), nội bộ Tây Sơn có sự mất đoàn kết. Lê Chất lấy đó làm lo lắng. Nhân thấy tướng của Nguyễn Phúc Ánh là Nguyễn Văn Tính đóng quân ở gần đấy, Lê Chất bàn với Lê Trung ra hàng, nhưng Lê Trung cứ chần chừ không quyết. Thấy không thể thuyết phục được, Lê Chất bèn viết thư xin hàng gởi cho Nguyễn Văn Tính, ước hẹn sẽ làm nội ứng cho Nguyễn Văn Tính. Nguyễn Văn Tính đem thư ấy dâng lên Nguyễn Phúc Ánh, Nguyễn Phúc Ánh nói với Nguyễn Văn Tính và các tướng rằng:

- Lê Chất là đứa giảo hoạt cho nên, lời này chưa hẳn đã là lời thực đâu.

Sau, Lê Trung biết việc Lê Chất gởi thư cho Nguyễn Văn Tính, bèn chỉ mặt quát mắng. Từ đó, Lê Chất rất lo sợ. Năm 1798, khi Lê Chất đang đóng quân ở Trà Khúc thì nội bộ Tây Sơn càng mất đoàn kết hơn, đã thế, quân của Nguyễn Phúc Ánh lại liên tiếp thắng được mấy trận liền, cho nên, Nguyễn Quang Toản ngờ rằng Lê Trung cùng con rể là Lê Chất thông đồng với giặc. Lê Trung bị giết còn Lê Chất thì thoát được nhưng bị truy lùng rất gắt gao. Bí quá, Lê Chất bắt một người có khuôn mặt giống mình, bỏ thuốc độc cho chết để đóng vai Lê Chất tự tử. Chuyện này, ngay cả mẹ của Lê Chất là Đào Thị cũng nhầm, ôm xác người bị bỏ thuốc độc chết mà khóc rất thê thảm. Tây Sơn thì tin là Lê Chất đã chết rồi nên không truy lùng nữa. Sau đó chẳng bao lâu, Lê Chất bí mật đem mẹ và vợ con vào ẩn náu trong núi Trà Bồng Tại đây, Lê Chất quen một người (không rõ họ tên) mà người này lại quen với một tướng của Tây Sơn là Lê Văn Thanh. Biết tướng quân này vốn trọng tài của Lê Chất, người ấy bèn nói:

- Ông biết tài làm tướng của Lê Chất, sao không nhờ Lê Chất đến đỡ cho một tay.

Lê Văn Thanh nói:

- Chất đã chết rồi, còn đâu nữa mà dùng.

Người ấy thưa:

- Tin dùng Lê Chất thì Lê Chất sống, còn như không tin dùng Lê Chất thì Lê Chất chết.

Lê Văn Thanh hỏi lại dầu đuôi, người ấy liền cứ tình thực mà kể lại, sau đó, về nhà dẫn Lê Chất vào. Lê Văn Thanh thấy Lê Chất, vui quá mà nói đùa rằng:

- Chất hay là ma đây ? Mày chết rồi, ai lấy da thịt đắp vào xương mày mà mày lại có thể đến đây.

Nói rồi, lấy rượu cùng uống và lưu lại trong quân của mình. Năm 1799, Lê Chất đem 200 người đến Quy Nhơn, gặp tướng của Nguyễn Phúc Ánh là Võ Tánh để xin hàng. Nguyễn Phúc Ánh cho Lê Chất làm thuộc tướng của Võ Tánh, đồng thời, cho người đón mẹ và vợ con của Lê Chất vào Gia Định để nuôi nấng. Từ đây, Lê Chất gắn bó với Nguyễn Phúc Ánh đến hết đời.

Bởi lập được nhiều công lao, Lê Chất luôn được trọng thưởng. Tuy nhiên, vinh nhục vốn chẳng cách xa nhau, mỗi lần được trọng thưởng là một lần Lê Chất bị kèn cựa hoặc gièm pha, vui buồn lẫn lộn, thật khó mà nói cho hết được. Nay theo sách Đại Nam chính biên liệt truyện (Sơ tập, quyển 24), dẫn chuyện vinh nhục của Lê Chất như sau:

"Năm Gia Long thứ nhất (tức năm 1802 - NKT) Vua đem đại quân đi đánh Bắc thành (tức vùng Bắc Bộ - NKT), thăng Lê Chất làm Khâm sai Chưởng Hậu quân, cờ hiệu Bình Tây Tướng quân, cùng với (Lê Văn) Duyệt đem bộ binh tiến lên trước. Quân ta (chỉ quân của Gia Long – NKT) đến đồn Tiên Lý ở dinh Vĩnh Định, gặp giặc là đánh tan, thừa thắng tiến mãi, thế như chẻ tre. Bắc Hà bình định xong, tin thắng lợi báo về, Vua ban thưởng rất hậu. (Lê) Chất được phong tước Quận công và được mang ấn Bình Tây Tướng quân. Các tướng là bọn Đặng Trần Thường bàn riêng với nhau rằng:

- (Lê) Chất mà Bình Tây thì ai bình (Lê) Chất ? (Lê) Chất mà Quận công thì lũ ta phải mười lần Quận công.

(Lê) Chất nghe biết được lời ấy, tự thấy không yên lòng, bèn dâng Vua tờ biểu, đại lược nói rằng:

- Tôi là kẻ bất tài mới quy phụ, nếu ví với các quan thì họ đến vạn phần gian nan mà tôi chưa được một. Tôi đã được phong đến tước Quận công lại còn được làm Chưởng Hậu quân, như thế là lạm ở hàng cao quý, xét không thể đảm đương được. Vậy, xin được xuống hàng Đô thống chế cho ngang với các quan khác.

Vua đem tờ biểu ấy cho triều thần bàn định. Triều thần bàn định rằng, phong tước là để đền đáp công lao, cũ mới nào có khác nhau gì, những lời đàm tiếu ở ngoài chẳng có gì đáng kể cả. Vua xuống dụ sai (Lê) Chất giữ chức tước như đã phong, lại cho mẹ của ( Lê) Chất mỗi tháng 40 phương gạo.

Năm (Gia Long) thứ hai (tức năm 1803 - NKT), Vua sai xây dựng kinh thành (Huế), bọn (Lê) Chất cùng Nguyễn Văn Khiêm, Phạm Văn Nhân được giao việc đốc suất. Đến tháng 8 (năm 1803), Vua đi Bắc tuần, (Lê) Chất cùng với Nguyễn Văn Trương và Nguyễn Đức Xuyên đem quân bản bộ theo hầu. Khi đến Thanh Hoa thì được tin ở Quảng Yên có giặc biển, quan Bắc thành Tổng trấn là Nguyễn Văn Thành đem việc ấy tâu lên. Vua liền sai (Lê) Chất cùng Nguyễn Văn Trương đem quân tiến lên trước để đánh giặc. (Lê) Chất nói với Nguyễn Văn Trương:

- Địa phương nào có giặc thì quan lại địa phương đó phải đánh. Nay, các quan ở Bắc thành đem giặc cho ta đánh, tướng quân sao không nói rõ chuyện này ?

(Nguyễn Văn) Trương nói:

- Đợi đến xong việc rồi nói cũng không muộn gì.

(Nguyễn Văn) Trương đến Quảng Yên thì giặc sợ mà chạy, bèn về uống rượu với (Nguyễn Văn) Thành và đem lời (Lê) Chất nói lại cho (Nguyễn Văn) Thành hay.

Từ đó, (Nguyễn Văn) Thành để bụng giận (Lê) Chất. Năm (Gia Long) thứ ba (tức năm 1804 – NKT) Vua ban yến cho quần thần, nhân đó triệu (Lê) Chất đến hỏi lại, (Lê) Chất chối.

Hỏi (Nguyễn Văn) Trương, Trương đáp:

- Những gì nói trong lúc uống rượu, giờ chẳng nhớ nữa.

Vua hỏi: - (Nguyễn Văn) Thành và (Nguyễn Văn) Trương có uống rượu với nhau hay không ?

(Nguyễn Văn Trương và Nguyễn Văn Thành) tâu rằng : có

Vua nói: - Ngươi (chỉ Nguyễn Văn Thành - NKT) cho (Nguyễn Văn) Trương uống rượu say, khiến hắn phải nói lầm, (Nguyễn Văn) Trương lại vì say rượu mà nói lầm. Như vậy, lỗi là ở lũ các ngươi chớ (Lê) Chất có lỗi gì đâu ? Ba người nghe vậy thì lạy tạ".

Suốt thời trị vì của Gia Long (1802 – 1819), Lê Chất luôn được trọng dụng. Sang thời Minh Mạng (1820 – 1840), Lê Chất vẫn được coi là một trong những đại thần uy danh lừng lẫy. Sách trên chép tiếp mấy sự kiện về Lê Chất như sau:

 “Lúc bấy giờ (đầu thời Minh Mạng - NKT) Vua đang để tâm  đến việc dùng văn trị, trọng dụng văn thần, bèn sai bọn Trịnh Hoài Đức tra cứu điển lễ, tâu lên để cho triều thần theo đó mà thi hành. (Lê) Chất và (Lê Văn) Duyệt, mỗi khi vào chầu thường làm sai lễ, đã thế còn cho bọn Trịnh Hoài Đức là đặt chuyện để ton hót với vua, nên cứ thế mà chỉ trích. Vua nghĩ, bọn (Lê) Chất và (Lê Văn) Duyệt đều là đại thần có nhiều công lao nên cũng gác việc qua một bên, vui vẻ đối đãi chớ chưa nỡ bắt tội.

Mùa thu năm Minh Mạng thứ hai (tức năm 1821 - NKT), Vua đi Bắc tuần, nên sai (Lê) Chất (là Bắc thành Tổng trấn - NKT) về trấn trước để lo sắp đặt công việc. Mùa đông năm ấy, Vua đến Bắc thành. Lê (Chất) được Vua ban một con dao bằng vàng Tây chạm khắc rất đẹp và một cây súng mạ vàng.

Bấy giờ có quan Hiệp trấn Sơn Nam Thượng là Lê Duy Thanh ăn của hối lộ và làm việc trái phép. Việc bị phát giác ra, Vua giao cho quan Bắc thành (Tổng trấn là Lê Chất) tra xét. (Lê Duy) Thanh lúc đó cũng nhân được vào chầu Vua (tại Bắc thành), liền khóc lóc trước mặt Vua và tâu xin đổi việc tra xét cho nha khác, vì nếu không sẽ bị quan Bắc thành (Tổng trấn) xử rất nặng. (Lê) Chất hặc tội rằng:

- (Lê Duy) Thanh là kẻ bề tôi nhỏ mọn mà dám tự tiện, ngạo mạn, vô lễ. Vậy, xin chém đầu hắn đế nghiêm giữ kỉ cương của triều đình.

Vua an ủi và hòa giải, sau, sai quan ở Bắc thành cứ việc theo lẽ công bằng mà xét hỏi. (Lê) Chất cùng với Hình Tào cùng tra xét muốn xử (Lê Duy) Thanh vào tội chết. Án chưa kịp dâng lên thì tháng chạp năm ấy, lễ bang giao (với nhà Thanh) đã xong, Vua trở về kinh, sai bộ Hình báo cho các quan ở Bắc thành lấy hồ sơ vụ án (Lê Duy) Thanh giao về cho triều thần nghị án. Sau, ( Lê Duy) Thanh bị kết án phải chịu phát phối đi Quảng Bình. (Lê) Chất nghe tin ấy, muốn dâng lời tấu để xin xét lại, nhưng lại sợ làm việc vượt chức phận của mình nên thôi". ..

“Năm Minh Mạng thứ năm (tức năm 1824 - NKT), con của (Lê) Chất là (Lê) Hậu được tuyển chọn cho làm chồng của Trưởng Công chúa (tức Công chúa Nguyễn Thị Ngọc Cửu, con gái thứ tám của vua Gia Long - NKT). Năm ấy, (Lê) Chất cùng với (Lê Văn) Duyệt dâng biểu xin từ chức Tổng trấn Bắc thành và Gia Định thành. Vua nói:

- Hai thành ấy là chốn trọng địa của phía Nam và phía Bắc, trẫm đang tin cậy mà ủy thác cho các khanh, sao các khanh lại có thể nói ra những lời ấy ?

Hai người quỳ khóc mãi không thôi. Vua hỏi nguyên do (xin từ chức) đến hai ba lần, (Lê) Chất mới tâu:

- Bệ hạ sai tôi vào chỗ chết, tôi cũng không dám từ chối, nhưng việc giữ chức (Tống trấn) ở thành thì thật là tôi không thể đảm nhận được.
Vua hỏi : - Việc gì mà khó đến thế ? (Lê) Chất tâu:

- Chẳng có gì khó cả. Tôi làm được hay không làm được đều là do ở bệ hạ cả mà thôi.

Vua nói : - Thế nghĩa là thế nào ? (Lê) Chất tâu:

- Trước đây có vụ án Lê Duy Thanh, tôi cùng với Hình Tào xử hắn vào tội chết, nhưng khi triều thần nghị án thì (Lê Duy) Thanh được giảm tội, thế là phép nước chẳng còn tin dân nữa. Tôi không thể làm việc được ở Bắc thành nữa cũng vì lẽ ấy.

Vua nói : - Đó là ý chung của đình thần, không phải ý riêng của trẫm.

Nói rồi, sai đem bản án (Lê Duy) Thanh trao cho (Lê) Chất  xử lại. (Lê) Chất biết ý Vua giận nên không dám nói thêm gì nữa. Rốt cuộc, (Lê Duy) Thanh vẫn được y án cũ, phải phát phối đi Quảng Bình làm quân tiền hiệu lực".

Mùa thu năm 1826, Lê Chất được phép về nhà lo việc tang cho mẹ. Nhưng về đến Bình Định là quê nhà chưa được bao lâu thì ông mất. Vua Minh Mạng nghe tin ấy, nghỉ chầu ba ngày để tỏ lòng thương xót, đồng thời ban cấp tiền lụa để lo đám tang Lê Chất rất hậu hĩ. Sách trên chép tiếp:

 “Mùa đông năm ấy (tức năm 1826 - NKT), giặc ở Nam Định lại nổi lên, Vua đổ lỗi cho (Lê) Chất làm việc cẩu thả nên mới có chuyện như vậy. Vua dụ Nguyễn Văn Trí (người Gia Định, trước cũng là tướng của Tây Sơn, năm 1799 thì theo về với Nguyễn Phúc Ánh, lúc này đang giữ chức Thống chế - NKT) rằng:

- ( Lê ) Chất là đại thần của nước nhà, giao việc trấn giữ ở Bắc Thành mà binh uy không chấn chỉnh, cho nên, nay mới có nhiều giặc đến thế. Vậy mà khi (Lê) Chất còn sống, không một ai dám nói cho trẫm biết là sao ?

(Nguyễn Văn) Trí tâu : - Bề tôi được vua tin thì ai dám hở miệng nói gì. Như tôi đây, dẫu là bất tài vẫn được vua yêu, thế thì đâu phải chỉ một mình (Lê) Chất khiến cho người ta giữ miệng ?

Năm (Minh Mạng) thứ mười bốn (tức là năm 1833 - NKT), giặc (Lê Văn) Khôi chiếm giữ thành Gia Định làm phản. Sang năm (Minh Mạng) thứ mười lăm (tức năm 1834 - NKT), vụ án Lê Văn phát ra. Đến năm (Minh Mạng) thứ mười sáu (tức năm 1835- NKT), quan Tả Thị lang bộ lại là Lê Bá Tú, truy xét và nói rằng, sinh thời (Lê) Chất nói và làm đều vô đạo, không xứng với danh phận của kẻ làm tôi, xin xử (Lê) Chất với sáu tội sau đây:

- Một là (Lê) Chất cùng với Lê Văn Duyệt ngầm mưu làm việc như Y Doãn và Hoắc Quang. Mưu này bị hai đứa ở nói lộ ra, bèn giết bọn chúng đi để hòng lấp miệng thiên hạ.

- Hai là nhiều lần khẩn thiết xin Hoàng tử làm con nuôi của mình, tức là muốn theo mưu khôn của lũ Dương Kiên thuở nào.

- Ba là muốn cho con gái của mình được chính vị ở trong cung nhưng không thỏa nguyện nên nói nhiều điều trách oán.

- Bốn là thường nói với Lê Văn Duyệt rằng : “Người ta bảo, trời cùng với vua và cha mẹ là những bậc mà phận làm tôi, làm con, dẫu có bất bình vẫn không dám giận, vậy mà ta vẫn cứ giận như thường"

- Năm là (Lê) Chất nói rằng : vua có bọn Trịnh Hoài Đức và Nguyễn Hữu Thận, ta chỉ cần vài trăm người vào triều đình, hét to lên một tiếng thì lũ kia tất phải phục xuống đất, ta muốn làm gì ta cứ làm.

- Sáu là dám nói rằng, việc đổi quốc tính (họ của vua- NKT) làm Tôn Thất, chẳng qua chỉ là do bọn Trịnh Hoài Đức bày trò, xúi giục, nhân đó, xin đem bọn này ra đầu cửa miếu mà chém đầu. (Bọn Lê Bá Tú) lại còn buộc cho (Lê Chất) mười tội to nữa. Đó là các tội sau đây:

 - Một là khi điềm binh ở Bắc thành, dám lên tận Ngũ Môn mà ngồi ở giữa, không biết giữ đúng lễ của kẻ bề tôi.

- Hai là hàng năm, khi vận chuyển hàng bằng đường biển (từ Bắc vào), dám lấy của riêng để vào thuyền chung để chở.

- Ba là cùng Lê Văn Duyệt dâng biểu xin từ quan để gây khó dễ cho vua. 

- Bốn là chuyên quyền ban ơn giáng họa, tước quan chức của lắm người, khiến việc (ở Bắc thành) rối ren.

- Năm là làm việc trái phép, ăn hối lộ, lấy tiền đến hàng ngàn hàng vạn.

- Sáu là tâu bày các việc không hợp lễ, đã có chỉ dụ lệnh vua mà vẫn không nghe, lại còn nạp trả chỉ dụ, phải đợi đến khi Lê Văn Duyệt can ngăn mới thôi.

- Bảy là dám nuôi riêng cung nhân của tiên triều mà không hề biết sợ hãi.

- Tám là dám tiếm làm lầu chuông lầu trống.

- Chín là án Lê Duy Thanh đã nghị bàn xong, thế mà dám cùng Lê Văn Duyệt xin nghị bàn lại.

- Mười là tự tiện điều bổ quân lính đến các phủ. (Lê Bá Tú) xin đem những lời trên cho đình thần bàn nghị để định rõ tội danh cho Lê Chất, khiến cho đến cả trăm đời sau kẻ gian tà còn biết để tự răn mình. Vua dụ rằng:

- (Lê) Chất lòng lang dạ sói, nét rất quỷ quái, làm tôi thì bất trung bất chính, xử sự thì đại ác đại gian, việc gì làm cũng sai trái, ai ai biết đến cũng đều phải nghiến răng, tội lỗi nào phải chỉ có mười sáu điều như Lê Bá Tú nêu đâu. Trước kia, trẫm nghĩ rằng, (Lê) Chất cùng Lê Văn Duyệt, dẫu lòng chúng chẳng đáng kẻ làm tôi mà chẳng có ai phụ họa vào thì tất chúng chẳng dám làm điều ác. Vả chăng, chúng là nhất phẩm đại thần, cho nên dẫu có mưu gian mà bá quan cùng trăm họ chưa ai tố cáo thì cũng không nỡ khép vào trọng tội. Lũ chúng đã bị Diêm Vương bắt đi tưởng như thế là lưới trời thưa mà lọt được, và trẫm cũng chẳng thèm hỏi đến. Nay có người truy xét thì công tội đã có triều đình nghị luận, cốt sao tỏ rõ khi sống bọn chúng đã làm điều trái phép. Tội ấy, cho dẫu là kẻ thân thuộc của chúng cũng phải nhận là xấu xa. Hơn nữa, người ta ai chẳng có chút trí năng để rồi không tức giận chúng, nhưng vì sợ uy của chúng mà không dám cáo giác đó thôi chớ đâu có ai a tòng để chuốc lấy tội chết. Nay, chẳnng cần tra cứu lan man, khiến người vô tội phải họa lây làm gì, đình thần chỉ việc lấy tờ sớ của Lê Bá Tú, dựa vào mười sáu tội đã bị vạch mà định rõ tội danh của mình Lê Chất. Vợ con của hắn cũng chiếu theo luật mà xử, duy đứa con gái lớn đã đi lấy chồng và con trai còn bé nhỏ thì được miễn tội.

Đình thần bàn nghị rằng : (Lê) Chất là kẻ bất trung, đại gian đại ác, nên khép cho sáu tội phải xử lăng trì, tám tội phải xử chém, hai tội phải xử treo cổ, còn con của phạm nhân mà thường ngầm bàn làm chuyện trái phép thì xử lăng trì. Tuy nhiên vì nó đã bị bắt về âm phủ nên xin truy thu bằng sắc, đào mả  quan tài và chém xác bêu đầu để răn. Những sắc phong tặng cho cha mẹ hắn đều thu lại. Vợ nó là Lê Thị Sa cũng là kẻ đồng mưu, xin xử chém ngay.

Án làm xong, đưa xuống cho các quan Đốc phủ ở các địa phương để họ đọc và gởi ý kiến vế triều đình, cốt sao việc xét xử được công bằng. Các (quan ở các) địa phương tâu xin y lời nghị bàn của triều thần. Vua lại dụ rằng:

- Xem thế cũng đủ biết rằng lẽ trời chính là lòng người, công luận nghiêm minh chẳng thể dứt. Lũ gian thần nuôi họa, muôn miệng cùng một lời phê, thế cũng đủ biết đây là vụ án minh bạch và thích đáng đến muôn đời. Lê Chất cùng Lê Văn Duyệt dựa nhau làm điều gian manh, tội ác nặng ấy thấm đến tai đến tóc, giá có bổ quan tài của chúng ra mà vằm xác cũng không có gì là quá đáng. Nhưng, (Lê) Chất và (Lê Văn) Duyệt tội ác giống nhau mà trước đây đã không bổ quan tài ra mà chém xác (Lê Văn) Duyệt, thì nắm xương khô của (Lê) Chất, ta cũng chẳng thèm gia hình làm gì. Vậy, sai Bình Phú Tổng đốc là Vũ Xuân Cẩn san bằng mồ mả của (Lê) Chất rồi dựng tấm bia đá lên đó, khắc lớn mấy chữ gian thần Lê Chất phục pháp xứ (nơi gian thần Lê Chất chịu hình pháp) cốt để răn những kẻ gian tặc cho muôn đời. Vợ (Lê) Chất là Lê Thị Sa vốn ở cùng chỗ với chồng nên dự biết mưu gian, nếu có đem xử cực hình cũng là phải, nhưng nó chỉ là đàn bà, không thèm chém vội, vậy, tạm cho Lê Thị Sa cùng lũ con của chúng là (Lê) Cận, (Lê) Trương và (Lê) Kỵ đều được giảm xuống tội trảm giam hậu (giam để sau đem chém - NKT).

Gia sản của (Lê) Chất bị tịch thu. tính ra được 22.000 quan tiền, vua hạ lệnh cho xung công, đồng thời sai Hà Ninh Tổng đốc là Đặng Văn Hòa xuất tiền ấy cứu cấp cho dân nghèo 12 tỉnh Bắc Kì. Trước đó, tỉnh thần bắt (Lê) Thị Sa ra tra hỏi, (Lê) Thị Sa liền thưa rằng:

- Vài mươi năm nay, tôi được đội ơn triều đình, từ đỉnh đầu đến gót chân cho tới da tóc... tất cả đều do triều đình ban cho. Nay, dẫu có thế nào thì tôi cũng cam lòng, bởi tội của chồng tôi cũng tức là tội của tôi, sống chết thế nào cũng xin vâng chịu.

(Lê) Chất trước có con gái tiến vào cung, sinh hạ ra Quỳ Châu Quận công Miên Liên (chỉ việc con gái Lê Chất được tiến vào cho vua Minh Mạng, sinh hạ ra Nguyễn Phúc Miên Liên và Miên Liên được phong làm Quỳ Châu Quận công – NKT). Thị ấy bị tội, phải giam cho đến chết. Con trưởng của (Lê) Chất là (Lê) Hậu lấy Công chúa (Nguyễn Thị Ngọc Cửu nhưng rồi Hậu chết, lũ em của hắn là (Lê) Cận, (Lê) Trương và (Lê) Kỵ đều bị xử chém vào năm Minh Mạng thứ mười chín (tức năm 1838 - NKT). (Lê) Thị Sa bị đưa về nguyên quán làm nô tì, cháu (của Lê Chất) là bọn (Lê) Luận được giảm tội, cho đi vùng biên giới xa xôi là Cao Bằng để làm lính, mãi đến năm Thiệu Trị thứ nhất (tức là năm 1841 - NKT), gặp kì ân xá mới được tha về.”

Lời bàn:

Cứ xét lí lịch cuộc đời thì Lê Chất có bốn lần làm phản. Lần thứ nhất là phản.Tây Sơn mà theo về với Nguyễn Phúc Ánh, nhưng mưu ấy không thành. Lần thứ hai là phản cha vợ, cũng là phản Tây Sơn, khiến cha vợ là Lê Trung bị nghi oan rồi bị giết. Lần thứ ba là phản người xấu số có gương mặt giống mình, bắt phải uống độc dược để chết thế mạng cho mình. Và, lần thứ tư là lần phản Lê Văn Thanh, cũng là phản một vị tướng Tây Sơn đã mở lòng cưu mang mình. Bốn lần làm phản, dẫu bào chữa cách gì cũng khó xóa được vết nhơ. Lê Chất là Lê Chất hỡi, đã có bao giờ ông tự xếp mình vào hạng nào giữa cõi trời cao đất dày này chưa ? Nguyễn Phúc Ánh từng nói, ông là kẻ giảo hoạt khôn lường, hậu sinh chẳng thể vì kém tình với Nguyễn Phúc Ánh mà cho lời ấy là sai được. Vua Minh Mạng cũng ít tin ở ông, hậu sinh chẳng thể vì không thích Vua mà cho sự ấy là sai được.

Sau phen do dự, Nguyễn Phúc Ánh đã dùng ông chẳng qua vì Nguyễn Phúc Ánh biết rõ rằng, ông là người dám chém giết đồng đội cũ của mình không gớm tay. Vua Minh Mạng tiếp tục dùng ông chẳng qua cũng là muốn mượn tay ông để trừng trị lực lượng đối kháng ở Bắc Thành. Tóm lại, ông trước sau chỉ được coi là kẻ võ biền thất đức, có phải là được thực lòng trọng dụng đâu.

Sẽ chẳng bao giờ có vụ án Lê Chất nếu vua Minh Mạng chẳng mớm lời cho lũ tiểu nhân. Trách Lê Bá Tú tâm địa hiểm độc và nịnh hót quá mức, kể cũng chẳng ích gì, bởi vì Vua dùng Lê Bá Tú chẳng qua cũng để khiến hắn mở lời vào những lúc đại để như thế đó thôi. Giá thử như ai cũng tương tự quan Thống chế Nguyễn Văn Trí thì Vua còn biết trông cậy vào đâu ?

(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần )

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Chính quyền Vua Lê – Chúa Trịnh thực sự có từ lúc nào?
Chuyện Thái sư Trần Thủ Độ
Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải
Cái chết của Trần Ích Tắc
Hội nghị Diên Hồng
An Thường Công chúa với món đuôi dê và nầm dê
Thân mẫu của vua Tự Đức sống thế nào?
Gương hiếu thảo của Nguyễn Văn Trình
Đông Sơn Đại tướng Đỗ Thanh Nhơn đã chết như thế nào?
Tướng Lê Văn Quân chết rồi vẫn bị đánh 100 gậy
Lê Chất ơi là Lê Chất
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang