12/11/2014 08:41:00 AM
Gương hiếu thảo của Nguyễn Văn Trình

Báo hiếu là đại đạo của muôn thuở nhưng lại cũng chính là nghĩa thường của tất cả mọi người , bởi vì thiếu nó, con người sẽ chẳng còn là con người nữa. Nhưng, khi mà ai cũng dốc lòng báo hiếu thì sự nổi danh với đạo hiếu ở đời chẳng phải là dễ chút nào. Hẳn nhiên, không ai báo hiếu cốt để được nổi danh, nhưng sự hiếu thảo đến một mức nào đó thì thiên hạ sẽ biết tới, sử sách sẽ trân trọng ghi tên, lưu tiếng thơm cho muôn thuở. Đọc Đại Nam chính biên liệt truyện (Sơ tập, quyển 29), thấy Nguyễn Văn Trình là một người như vậy.


Sách trên viết về Nguyễn Văn Trình như sau: "Nguyễn Văn Trình người huyện Quỳnh Lưu, trấn Nghệ An (nay là huyện Quỳnh Lưu thuộc tỉnh Nghệ An - NKT). Ông tính khí hiền hậu và cẩn thận lại rất có hiếu. Mẹ ông bị bệnh đau bụng đã lâu mà không khỏi, thầy thuốc đến khám, nói rằng:

 - Đấy là bởi ăn phải thịt chim công, nay chỉ có lấy được bao tử con nhím về ăn mới mong hết được. (Nghe vậy, Nguyễn Văn) Trình một mình vào núi, rình bắt nhím mãi mà không được, buồn quá, bèn cầu khấn các thần giúp sức. Quả nhiên đêm đến nằm mộng, thấy thần nói rằng:

 - Ngươi vì thương mẹ mà đi tìm thuốc, chẳng sợ gì ác thú cả, đó là hiếu thảo. Vậy, ta cho ngươi một con nhím.

Ngày hôm sau, ông bắt được một con nhím ở phía đông ngôi miếu đem về làm thuốc thì bệnh của mẹ ông khỏi liền.

Năm Minh Mạng thứ ba (tức năm 1822 - NKT), cha ông bị giặc bắt (không rõ giặc đây là ai - NKT). Chúng bắt gia đình ông phải chuộc bằng 150 lạng bạc. (Nguyễn Văn) Trình bán hết gia sản mà cũng chỉ được có 90 lạng, đem tới xin chuộc cha về. Giặc cho là số bạc chưa đủ, muốn đem giết cha ông đi. (Nguyễn Văn) Trình kêu khóc, xin được chết thay cha, giặc thấy ông là người chí hiếu, bèn tha cho cả hai cha con ông về. (Nguyễn Văn) Trình cõng cha về phủ thành và lo buôn bán để kiếm tiền phụng dưỡng cha. Khi cha mất, ông làm nhà ở trên mộ để canh giữ. Sau khi đoạn tang, ông đem hài cốt của cha về làng, lo an táng rất đúng lễ, chẳng hề so đo tính toán với anh em trong nhà. Năm Minh Mạng thứ mười một (tức năm 1830 - NKT), Nhà vua thưởng cấp cho ông nhiều gấm, đoạn và bạc, cùng với một tấm biển để tuyên dương".

Lời bàn:

Thầy thuốc chẩn bệnh đúng sai thế nào, sự ấy bất quá chỉ để làm cho chuyện này thêm chút li kì mà thôi. Có đến Quỳnh Lưu mới biết tìm nhím ở đất Quỳnh Lưu chẳng dễ, và có biết việc chẳng dễ ấy mới kính phục đức hiếu thảo của Nguyễn Văn Trình. Bởi thương mẹ và quên cả nguy hiểm, quên cả việc có thể bị thú dữ hại mình trong rừng bất cứ lúc nào, đức hiếu thảo ấy quả là phi thường. Chuyện có thêm một vị thần giúp sức cho Nguyễn Văn Trình, chẳng qua là để tỏ rằng, việc làm của Nguyễn Văn Trình, đến cả thần nhân cũng phải cảm động đó thôi. Có được đứa con như vậy, bảo bà mẹ nào lại không vui sướng mà khỏe ra, mà hãnh diện với đời?

Tìm thuốc cứu mẹ, Nguyễn Văn Trình đã khiến cho thần nhân cảm động mà giúp sức. Dốc hết gia tài để chuộc cha, lại còn xin chết để cho cha được sống, Nguyễn Văn Trình đã khiến cho cả bọn tống tiền bất lương cũng phải chùn tay. Hóa ra, sức thuyết phục lớn lao nhất của muôn thuở vẫn là tấm lòng. Như Nguyễn Văn Trình, bảo vua Minh Mạng không khen thưởng thế nào được?

(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Chính quyền Vua Lê – Chúa Trịnh thực sự có từ lúc nào?
Chuyện Thái sư Trần Thủ Độ
Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải
Cái chết của Trần Ích Tắc
Hội nghị Diên Hồng
An Thường Công chúa với món đuôi dê và nầm dê
Thân mẫu của vua Tự Đức sống thế nào?
Gương hiếu thảo của Nguyễn Văn Trình
Đông Sơn Đại tướng Đỗ Thanh Nhơn đã chết như thế nào?
Tướng Lê Văn Quân chết rồi vẫn bị đánh 100 gậy
Lê Chất ơi là Lê Chất
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang