16/07/2014 09:03:27 AM
An Khánh Công Nguyễn Phúc Quang bị phạt

An Khánh Công Nguyễn Phúc Quang là Hoàng tử thứ mười hai của vua Gia Long, thân mẫu là Mỹ Nhân người họ Trịnh, không thấy sử chép tên bà là gì. Ông sinh năm Tân Mùi (1811), mất năm Ất Tị ( 1845), thọ 34 tuổi, không có con thừa tự.

Sinh thời, ông có hai lần mắc lỗi lớn, một lần bị quở, một lần bị phạt. Hai lần này được sách Đại Nam chính biên liệt truyện (Sơ tập, quyển 2) chép lại như sau:

“Năm Minh Mạng thứ mười hai (tức năm 1831 - NKT), thân mẫu ông qua đời, ông dâng sớ xin cấp thợ, phu dịch và vật liệu (để xây mộ cho thân mẫu), đều được (Nhà vua) gia ơn ban cấp rất hậu hĩ. Thế nhưng sang năm Minh Mạng thứ mười ba (tức năm 1832 - NKT), dầu việc an táng thân mẫu đã xong xuôi rồi, ông vẫn dâng sớ xin thêm gạch và xin được ứng trước bổng lộc của năm Minh Mạng thứ mười bốn (tức năm 1833 - NKT). Vua liền xuống dụ rằng: - An Khánh Công (Nguyễn Phúc) Quang, trước đây vì có việc tang riêng, mượn cớ nài xin những hai ba lần, và trẫm lấy lẽ đối đãi với thân công, đặc cách cấp phát cho rất hậu, lại còn phái lính và voi đến giúp đỡ công việc, ngoài ra còn cho mượn trước bổng lộc của năm Minh Mạng thứ mười ba để lo tang lễ. Nay, (An Khánh Công) không biết thế là đã quá đủ, còn dâng lời tâu xin này, thật đúng là mượn việc tang riêng để cầu lợi, hàm hồ và nhảm nhí quá lắm.

Tập tấu sớ ấy bị vất trả lại, đã thế, Nhà vua còn truyền lời quở trách nghiêm ngặt rằng:

- Từ đây về sau, nếu không biết tự an phận, còn cầu xin bất cứ điều gì, thì sẽ lập tức bị giao cho Tôn Nhân Phủ cùng với bộ Hình xét xử thật nghiêm chứ không tha.

Từ đấy về sau, ông không dám tâu xin việc gì nữa. Nhưng đến năm Minh Mạng thứ mười bốn (tức năm 1833 - NKT), trong dịp tết Nguyên đán, khi được sai đi tế ở các miếu, ông chậm trễ làm lỡ cả mọi việc, vì thế, bị Vua giao xuống cho Tôn Nhân Phủ nghị tội. Ông bị phạt cắt mất bổng lộc trong một năm".

Lời bàn:

Các con của vua Gia Long phần nhiều là ngổ ngáo, xấc xược hoặc tham lam, và xem ra cũng chẳng mấy ai được trường thọ. Mới hay, ngôi cao với đức lớn chẳng phải lúc nào cũng chịu đồng hành với nhau.

An Khánh Công Nguyễn Phúc Quang dâng sớ tâu xin lần thứ nhất, thiên hạ đều có thể thông cảm, vua Minh Mạng ban cấp cho hậu hĩ là rất phải, bởi vì nghĩa tử là nghĩa tận, ngoảnh mặt làm ngơ lúc đó là điều hoàn toàn không nên. An Khánh Công Nguyễn Phúc Quang dâng sớ tâu xin ban cấp lần thứ hai, lại còn xin nhiều không hể kém lần thứ nhất, thiên hạ thật khó mà cảm thông, vua Minh Mạng vừa trả tờ tấu sớ, lại còn xuống dụ nghiêm trách là rất phải, bởi vì làm vua mà nặng tình riêng đến quên cả phép nước, đại họa có thể giáng xuống bất cứ lúc nào. Thế mới biết An Khánh Công Nguyễn Phúc Quang là người tham lam, mà người tham lam thì xưa nay vẫn thể, có bao giờ được trọng đâu.

Người xưa rất coi trọng việc lễ. Đối với các bậc tôn nhân, việc lễ ở các miếu trong hoàng cung lại càng được coi trọng hơn. An Khánh Công Nguyễn Phúc Quang được tin cậy mà ủy thác cho việc tế ở các miếu đúng vào dịp tết Nguyên đán, vậy mà ông lại tỏ ra bê trễ quá mức Hóa ra, ông chỉ nhanh tay viết sớ xin ban cấp, còn việc lớn được giao làm thì lại rất chậm chân. Giá mà ông làm ngược lại thì may cho ông biết ngần nào.

(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Chính quyền Vua Lê – Chúa Trịnh thực sự có từ lúc nào?
Chuyện Thái sư Trần Thủ Độ
Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải
Cái chết của Trần Ích Tắc
Hội nghị Diên Hồng
An Thường Công chúa với món đuôi dê và nầm dê
Thân mẫu của vua Tự Đức sống thế nào?
Gương hiếu thảo của Nguyễn Văn Trình
Đông Sơn Đại tướng Đỗ Thanh Nhơn đã chết như thế nào?
Tướng Lê Văn Quân chết rồi vẫn bị đánh 100 gậy
Lê Chất ơi là Lê Chất
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang