04/01/2007 11:01:14 PM
Chương XVI. Công việc của Bảo hộ [1]

(Tiếp theo kỳ trước) 

 1. ĐÀ NẴNG, HÀ NỘI, VÀ HẢI PHÒNG THÀNH ĐẤT NHƯỢNG ĐỊA. Từ khi sự đánh dẹp ở các nơi đã yên rồi, các viên Tổng đốc toàn quyền lần lượt sang kinh doanh việc Đông Pháp và lo mở mang về đường chính trị, kinh tế và xã hội theo chính sách của nước Pháp.

Tháng ba năm Mậu Tí (1888) tức là năm Thành Thái nguyên niên, ông Richaud sang làm Tổng đốc toàn quyền. Tháng tám năm ấy, Triều đình ở Huế ký giấy nhường hải cảng Đà Nẵng, thành thị Hà Nội, và Hải Phòng cho nước Pháp để làm đất nhượng địa, nghĩa là từ đó là việc cai trị và pháp luật ở ba thành thị ấy thuộc về nước Pháp, chứ không thuộc về nước Nam nữa. Trừ ba thành thị ấy ra, thì việc cai trị ở các tỉnh trong toàn hạt Bảo hộ vẫn để quan lại làm việc như cũ, nhưng phải do người Pháp điều khiển và kiểm duyệt.

2. VIỆC KINH DOANH Ở CÁC XỨ BẢO HỘ. Cuộc Bảo hộ đã lập xong, người Việt Nam vì thế bất đắc dĩ phải chịu, nhưng phần nhiều người trong lòng còn mong khôi phục nước nhà, cho nên chính phủ Bảo hộ một mặt thì lo việc phòng giữ, một mặt lo mở mang các cuộc kiến thiết để gây thêm mối lợi. Về đường phòng giữ, thì chính phủ lập ra những đội binh bảo an, lấy người bản xứ làm lính. Những lính ấy đội một thứ nón dẹt có giải xanh và múi thắt lưng xanh, cho nên tục gọi là lính khố xanh. Lính ấy do người Pháp cai quản ở dưới quyền cai trị người Pháp, cho đi canh giữ các dinh thự, các công sở, và cho đi đóng đồn ở các nơi trong vùng thôn quê, để phòng giữ trộm cướp. Ở những nơi hiểm yếu thì có lính Pháp và lính khố đỏ đóng. Lính khố đỏ là một thứ bộ binh người bản xứ, cách ăn mặc cũng như lính khố xanh, chỉ khác là quai nón đỏ và múi thắt lưng đỏ. Những lính ấy có cơ, có đội do sĩ quan Pháp cai quản ở dưới quyền nhà binh Pháp. Khi có việc gì quan hệ thì đem lính Pháp và lính ấy ra đánh dẹp.

Về việc hành binh và việc thương mại, thì chính phủ Bảo hộ trước hết phải lo sửa sang và mở mang thêm đường sá cho tiện sự giao thông. Vì rằng có đường thì khi hữu sự, việc đánh dẹp mới tiện lợi và việc buôn bán cũng nhân đó mà được dễ dàng. Bởi vậy thoạt đầu tiên chính phủ mở thương cục, lập xưởng làm tàu thuỷ chở hàng hóa và hành khách đi trong các sông ở trong xứ.

Năm Tân Mão (1891), ông De Lanessan sang làm Tổng đốc toàn quyền, mở đường xe lửa từ Phủ Lạng  Thương lên đến Lạng Sơn, đến năm Giáp Ngọ (1894), con đường ấy mới xong. Chủ đích là để cho tiện sự phòng giữ ở chỗ biên thuỳ.

Chính phủ Bảo hộ lại lo mở mang thêm bờ cõi về phía Lào. Những nơi như Trấn Ninh, Cam Môn, Cam Cát, v.v... về đời vua Minh Mệnh đã lập thành phủ huyện và đặt quan cai trị cả. Nhưng  về sau nước ta suy nhược lại có việc chiến tranh với nước Pháp, cho nên nước Tiêm La mới nhân dịp mà sang chiếm giữ lấy. Sau có người Pháp tên là Pavie sang dụ nước Lào nhận sự bảo hộ của nước Pháp, rồi đến đầu năm quí tị (1892), quân Pháp sang lấy lại những đất cũ thuộc về nước Nam ta trước. Bấy giờ quân Tiêm La ở mạn Cam Môn giết mất một người quan binh Pháp, người Pháp bèn sai Hải quân đem hai chiếc tàu chiến vào sông Mê Nam, lên đậu ở gần thành Băng Cốc (Bangkok). Ngày 24 tháng 8 năm ấy, nước Tiêm La phải ký hoà ước, nhường những đất Lào cho nước Pháp bảo hộ, hạn trong một tháng phải rút quân đóng ở bên tả ngạn sông Mekong về, lại phải bồi thường 2 triệu phật lăng, và phải trị tội những người dám chống cự với người Pháp.

Người Pháp lập phủ Thống sứ ở Vientiane để cai trị các địa hạt bên Lào.

Năm Ất Vị (1895), viên Tổng đốc toàn quyền Rousseau sang thay ông De Lanessan, thấy còn nhiều nơi chưa yên bèn vay nước Pháp cho Bắc kỳ 80 triệu phật lăng, để chi tiêu về việc đánh dẹp và việc mở mang.

Năm Đinh Dậu (1897), ông Doumer sang làm Tổng đốc toàn quyền, chỉnh đốn lại việc tài chính và việc chính trị. Lập ra sổ chi thu chung cả toàn cảnh Đông Pháp, định các thứ thuế: thuế đinh, thuế điền, thuế thổ, thuế xuất cảng, nhập cảng, v.v..., và cho người được độc quyền lĩnh trưng thuế rượu, thuế muối, thuế nha phiến. Bỏ nha Kinh lược ở Bắc kỳ, giao quyền lại cho viên Thống sứ (tháng 6 năm Đinh Dậu (1897) [2] vay nước Pháp 200 triệu phật lăng, để mở đường hoả xa trong xứ Đông Pháp và mở mang thêm việc canh nông và việc công nghệ.

-------------------------------

* Chú thích:

[1]  Đây là hạn chế của tác giả hoặc do quan điểm hoặc do sách viết dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Thực chất, theo chính sử hiện nay, đây là hành động vơ vét, cướp bóc nhân lực, tài lực của nước ta sau khi cuộc xâm lược đã tạm thời ổn định.

[2]  Có một điều rất kỳ, là viên Thống sứ Bắc kỳ là người đại biểu chính phủ Bảo hộ mà lại kiêm chức Kinh lược sứ là một quan chức của Triều đình ở Huế.

 Hết

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang