20/12/2006 10:53:46 PM
Cận kim thời đại – Nhà Nguyễn. Chương XIV. Loạn[1]ở Trung kỳ

(Tiếp theo kỳ trước)

1. THỐNG TƯỚNG DE COURCY VÀO HUẾ.

2. TRIỀU ĐÌNH CHẠY RA QUẢNG TRỊ.

3. NGUYỄN VĂN TƯỜNG RA THÚ.

4. XA GIÁ CÁC BÀ THÁI HẬU VỀ KHIÊM LĂNG.

5. QUÂN CẦN VƯƠNG.

6. VUA ĐỒNG KHÁNH.

7. THỐNG TƯỚNG DE COURCY PHẢI TRIỆT VỀ.

8. VUA HÀM NGHI Ở QUẢNG BÌNH.

9. ÔNG PAUL BERT.

10. LẬP TỔNG ĐỐC TOÀN QUYỀN.

1. THỐNG TƯỚNG DE COURCY VÀO HUẾ. Việc đánh nhau với Tàu  xong, thì tức là cuộc bảo hộ ở nước Nam thành. Nhưng ở các nơi, những quan cũ ta còn chống nhau với quân Pháp, mà ở Huế thì Nguyễn Văn Tường và tôn Thất Thuyết chuyên chế đủ mọi đường.

Tháng 9 năm giáp thân (1884), hai ông ấy đem ông Dục Đức giam vào nhà tối, không cho ăn uống để chết đói, đổ tội cho là thông mưu với giặc. Hai ông ấy lại mộ quân tập lính và lập đồn Tân Sở ở gần Cam Lộ thuộc tỉnh Quảng Trị, đem đồ báu ngọc vàng bạc ra đấy, phòng khi có việc gì thì đem quân ra đó để chống nhau với quân Pháp. Cũng vì các ông ấy có ý muốn kháng cự, cho nên quân Pháp  đã chiếm giữ Mang Cá ở thành Huế và lại bắt bỏ súng đại bác ở trên thành đi.

Ngày 18 tháng 4 năm ất dậu (1885), thống tướng De Courcy sang tới Bắc Kỳ. Bấy giờ  sự hoà ước với Tàu đã xong, bởi vậy thống tướng mới định vào Huế bắt triều đình ta phải chịu quyền bảo hộ. Thống tướng đến Hà Nội đã nói chuyện với các người Pháp và những người Nam ra làm quan với Pháp, đã biết tình hình ở trong Huế là thế nào. Đến ngày 19 tháng 5 thì thống tướng đem non 500 quân đi tàu vào Huế. Triều đình cử hai quan đại thần theo viên khâm sứ Pháp là ông De Champeaux ra đón thống tướng ở cửa Thuận An. Sáng hôm sau, thống tướng cho đòi hai quan phụ chính sang bên dinh Khâm sứ để định việc vào yết kiến vua Hàm  Nghi.

Hai ông lúc bấy giờ còn đang lừng lẫy, việc triều chính ở tay mình cả, mà thấy thống tướng làm sự đường đột như thế, cũng đã tức giận lắm, lại cứ như lời mấy ông quan cựu thần nói chuyện, thì ông Thuyết là quan văn làm tướng võ, nhưng hình dáng thì không được thanh tú: đầu thì trọc, người thì béo mà đen, cách đi đứng thì không được chững chạc, sự giao thiệp và đối đáp thì không sành. Xưa này chỉ lấy quyền thế mà đè nén người ta, hơi một tí thì lấy sự chém giết làm oai. Đến khi phải ra theo lễ bang giao mà đối với một người tướng ngoại quốc như ông De Courcy thì trong bụng khiếp sợ không biết ra thế nào.

Ông Tường thì là một tay giao thiệp giỏi, lại có nhiều mưu cơ và tài nghệ ứng biến, cho nên lúc ấy chỉ có một mình ông Tường  sang ra mắt quan thống tướng De Courcy mà thôi, còn ông Thuyết thì cáo bệnh không sang. Thống tướng thấy vậy, bảo đau cũng phải khiêng sang.

Tôn Thất Thuyết thấy quan Pháp ra oai như thế, phần thì tức giận, phần thì sợ, lại nhân lúc bấy giờ mới có điềm động đất, mới nghĩ bụng rằng đấy là điềm trời xui khiến bèn quyết ý sửa soạn để đánh nhau.

Thống tướng De Courcy định đến hôm vào điện yết kiến vua Hàm Nghi, thì phải mở cửa chính, không những là để quan nước Pháp đi mà thôi, nhưng lại phải để cả quân lính cũng đi vào cửa ấy. Triều đình thấy điều ấy trái với quốc lễ, xin để thống tướng đi cửa giữa, theo như sứ Tàu ngày trước còn quân lính thì xin để đi cửa hai bên, thống tướng nhất định không chịu.

2. TRIỀU ĐÌNH CHẠY RA QUẢNG TRỊ. Trưa hôm 22 các quan ở Cơ mật viện sang dinh Khâm sứ xin vào bàn định cho xong việc đi cửa chính, cửa bên, nhưng thống tướng De Courcy không tiếp. Bà Từ Dụ Thái hậu sai quan đem đồ lễ vật sang tặng thống tướng, thống tướng cũng khước đi không nhận.

Các quan thấy thống tướng làm dữ như vậy, đều ngơ ngác không hiểu ra ý tứ gì mà khinh mạn Triều đình đến như thế. Tôn Thất Thuyết càng thấy thế càng lấy làm tức giận, thôi thì sống chết cũng liều một trận, hoạ may trời có giúp kẻ yếu hèn gì chăng? Ấy là tướng sĩ lúc bấy giờ ai cũng tưởng như thế, cho nên mới định đến nửa đêm khởi sự phát súng bắn sang dinh Khâm sứ và đánh trại lính của Pháp ở Mang Cá.

Chiều hôm ấy thống tướng làm tiệc đãi các quan Pháp. Tiệc vừa tan xong, thì súng ở trong thành nổ ra đùng đùng, rồi những nhà ở chung quan dinh Khâm sứ cháy, lửa đỏ rực trời. Quân Pháp thấy bất thình lình nửa đêm quân ta đánh phá như vậy, chưa biết ra thế nào, chỉ yên lặng mà chống giữ. Đến sáng ngày 23 mới tiến lên đánh, thì quân ta thua chạy [2] . Nguyễn Văn Tường cho người vào điện tâu xin rước vua và các bà Thái hậu tạm lánh lên Khiêm lăng [3] . Khi xa giá ra gần đến cửa hữu, thì gặp Nguyễn Văn Tường, đã chực sẵn ở đấy để đi hộ giá, nhưng lệnh truyền cho Nguyễn Văn Tường ở lại để thu xếp mọi việc. Nguyễn Văn Tường vâng lệnh trở lại. Xa giá đi quan làng Kim Long, lên đến chùa Thiên Mụ, thì Tôn Thất Thuyết đem quân chạy đến truyền rước xa giá quay về Trường Thi [4] .

Lúc bấy giờ vương tôn công tử, người đi ngựa, kẻ đi chân, dân gian thì trẻ cõng già, đàn bà dắt trẻ con, ai nấy chạy hốt hoảng tìm đường tránh cho khỏi chỗ binh đao.

Xa giá đến Trường Thi vào nghỉ được một lát, thì Tôn Thất Thuyết lại giục lên đường, nói rằng quân Pháp đã sắp đuổi tới. Tối ngày 24, xa giá vào nghỉ nhà một người bá hộ, sang ngày 24 ra đi, đến tối mới tới thành Quảng Trị. Quan tuần phủ Trương Quang Đản [5] ra rước xa giá vào Hành cung và đặt quân lính để phòng giữ.

Trận đánh nhau ở Huế, quân Pháp chết mất 16 người và 80 người bị thương. Sách Tây chép rằng quân ta chết đến vài nghìn người, còn bao nhiêu khí giới lương thực và hơn một triệu tiền của đều mất cả.

3. NGUYỄN VĂN TƯỜNG RA THÚ. Ở Huế, cả buổi sáng hôm 23, quân Pháp chiếm lấy thành trì và giữ gìn các nơi. Còn quan ta, người thì đi theo xa giá, người thì ẩn nấp một nơi, chưa biết thế nào, chưa ai dám ra. Đến trưa hôm ấy, Nguyễn Văn Tường vào ăn cơm nhà ông giám mục Caspard, rồi nhờ ông ấy đưa ra thú với thống tướng De Courcy. Thống tướng cho Nguyễn Văn Tường ra ở Thương Bạc viện, giao cho đại úy Schmitz và một toán lính Pháp phải coi giữ, và hẹn cho trong hai tháng phải làm thế nào cho yên mọi việc.

4. XA GIÁ CÁC BÀ THÁI HẬU VỀ KHIÊM LĂNG. Nguyễn Văn Tường viết sớ ra Quảng Trị xin rước xa giá trở về Kinh để cho yên lòng người. Nhưng lúc ấy vua Hàm Nghi và tam cung là bà Từ Dụ Thái hoàng thái hậu, mẹ đức Dực tông, bà Hoàng Thái hậu là vợ thứ đức Dực tông, và mẹ nuôi vua Kiến Phúc, bị Tôn Thất Thuyết gìn giữ, sớ của Nguyễn Văn Tường gởi ra vấn an, ông ấy đem giấu đi không cho vua biết. Ai cũng muốn xin rước xa giá lên Tân Sở, để lo liệu sự khôi phục. Đức Từ Dụ và hai bà Thái hậu nhất định không chịu đi.

Ngày 27, Tôn Thất Thuyết nghe tin có tàu Pháp sắp đến, bèn xin tam cung ở lại Quảng Trị và xin rước vua lên Tân Sở. Khi sắp đi, vua Hàm Nghi vào lạy ba bà Thái hậu: tình ly biệt, nỗi sầu thảm, kể sao cho xiết! Vua đi khỏi độ một giờ đồng hồ thì bọn nội giám đều trở lại nói rằng Tôn Thất Thuyết không cho đi. Đến ngày 28, thì tam cung mới tiếp được tin của Nguyễn Văn Tường ra nói xin rước xa giá trở về Huế, mọi việc đã thu xếp xong rồi. Bà Từ Dụ cho người đi rước vua trở lại để cùng về Huế, nhưng tìm mãi không biết vua ở đâu, chỉ tiếp được thư của Tôn Thất thuyết gửi về nói Nguyễn Văn Tường phản trắc nọ kia, xin đừng có nghe. Người bàn đi, kể bàn lại, ai nấy phân vân chưa biết ra thế nào. Ngày 30 lại tiếp được sớ của Nguyễn Văn Tường ra giục xa giá trở về. Đức Từ Dụ mới quyết ý về Kinh, định ngày mồng 4 thì lên đường, sai quan tuần phủ Trương Quang Đản đem quân đi hộ giá. Đến chiều tối ngày mồng 5, xa giá các bà Thái hậu về đến Khiêm cung. Nguyễn Văn Tường dâng sớ lên thỉnh an và kể tình hình mọi  việc.

Trong khi vua còn đi vắng, thống tướng De Courcy đặt ông Thọ Xuân lên làm giám quốc, giao quyền Binh bộ thượng thư cho viên Khâm sứ De Champeaux, để bãi việc binh lính của ta đi, và gọi quan Kinh lược ở Bắc kỳ là Nguyễn Hữu Độ và quan Tổng đốc Nam Định là Phan Đình Bình về cùng với Nguyễn Văn Tường coi việc Cơ mật. Vì hai ông ở Bắc kỳ đã hiểu mọi việc và đã biết theo chính sách của bảo hộ, cho nên thống tướng đem về để thu xếp mọi việc cho chóng xong. Nguyễn Văn Tường và Nguyễn Hữu Độ không hợp ý nhau, Nguyễn Hữu Độ lại trở ra Bắc kỳ.

5. QUÂN CẦN VƯƠNG. Tôn Thất Thuyết ở Quảng Bình làm hịch cần vương truyền đi các nơi, bởi vậy chỉ trừ những chỗ chung quanh Kinh thành ra, còn từ Bình Thuận trở ra cho đến Nghệ An, Thanh Hoá, chỗ nào sĩ dân cũng nổi lên.

Thống tướng De Courcy thấy chỗ nào cũng có loạn cả, bèn trở ra Bắc kỳ, hội các tướng lại để bàn sự đánh dẹp. Thống tướng đã định sai đại tá Pernot đem 1500 quân ở Huế ra đuổi Tôn Thất Thuyết, lại sai Thiếu tướng De Négrier đem một đạo quân đi từ Thanh Hoá đánh vào. Nhưng chính phủ ở Paris điện sang không cho thống tướng khởi sự dùng đại binh, và lại nhân lúc ấy bấy giờ ở Bắc kỳ và Trung kỳ có bệnh dịch tả, quân Pháp chết hại đến ba bốn nghìn người, bởi vậy cho nên việc dùng binh phải đình lại.

Ở Huế thì mãi không ai biết vua Hàm Nghi ở đâu. Triều đình thì mỗi ngày một rối, việc lập vua mới thì tuy rằng đã định rồi, nhưng còn lôi thôi chưa xong.

Đến ngày 27 tháng 7, vừa hết hạn 2 tháng của thống tướng De Courcy hẹn cho Nguyễn Văn Tường, vả bấy giờ ở Bắc Kỳ lại có nhiều người ghét Nguyễn Văn Tường xin thống tướng đem trị tội. Bởi vậy sang ngày 28, thống tướng bắt quan nguyên Phụ chính Nguyễn Văn Tường, quan Hộ bộ thượng thư Phạm Thận Duật và Tôn Thất Đính là thân sinh ra Tôn Thất Thuyết, đem đầy ra Côn Lôn, Phạm Thận Duật đang đi tàu thì mất, phải ném xuống bể, Nguyễn Văn Tường thì sau lại phải đày ra hải đảo Haiti  ở Thái Bình Dương, được ít lâu cũng mất, cho đem xác về chôn ở quê nhà.

6. VUA ĐỒNG KHÁNH. Thống tướng De Courcy đày bọn Nguyễn Văn Tường đi rồi, đem Nguyễn Hữu Độ về cùng với Phan Đình Bình coi việc triều chính, sai Nguyễn Trọng Hợp ra quyền Kinh lược ở Bắc kỳ. Thống tướng lại sai ông De Champeaux lên Khiêm cung yết kiến đức Từ Dụ xin lập ông Chánh Mông là Kiên Giang quận công lên làm vua.

Ngày mồng 6 tháng 8, ông Chánh Mông phải thân hành sang bên Khâm sứ làm lễ thụ phong, rồi làm lễ tấn tôn, đặt niên hiệu là Đồng Khánh.

Nhưng vua Hàm Nghi còn ở mạn Quảng Bình, kéo cờ nghĩa chống nhau với quân Pháp, truyền hịch cần vương đi các nơi để mong đường khôi phục. Lúc bấy giờ, lòng người còn tưởng nhớ chúa cũ, cho nên từ tỉnh Bình Thuận trở ra, chỗ nào cũng có người nổi lên đánh phá để toan bề khôi phục.

Ở Quảng Nam thì bọn thân hào lập ra Nghĩa hội có quan sơn phòng sứ là Trần Văn Dự làm chủ, rồi những tỉnh Phú Yên, Bình Định, Bình Thuận để noi theo mà nổi lên. Ở Quảng Trị có các ông Trương Đình Hội, Nguyễn Tự Như, ở Quảng Bình có quan nguyên tri phủ là Nguyễn Phạm Tuân, ở Hà Tĩnh có cậu ấm Lê Ninh [6] ; ở Nghệ An có ông nghè Nguyễn Xuân Ôn và quan sơn phòng sứ Lê Doãn Nhạ; ở Thanh Hoá có Hà Văn Mao đem quân đi hoặc chiếm giữ tỉnh thành, hoặc đánh lấy các phủ huyện, và đốt phá những làng có đạo. Ở ngoài Bắc kỳ thì các quan cựu thần là quan Đề đốc Tạ Hiện, quan Tán tương Nguyễn Thiện Thuật tụ họp ở Bãi Sậy, rồi đi đánh phá ở mạn trung châu, còn ở mạn thượng du, thì chỗ nào cũng có quân giặc Tàu quấy nhiễu. Bởi vậy quân Pháp phải chia binh ra chống giữ các nơi.

7. THỐNG TƯỚNG DE COURCY PHẢI TRIỆT VỀ. Thống tướng De Courcy thấy ở ngoài Bắc có lắm việc, bèn để Thiếu tướng Prudhomme ở lại Huế, rồi ra Hà Nội kinh lý mọi việc. Nhưng vì thống tướng tính khổ khắc và đa nghi, cho nên công việc càng ngày càng khó thêm. Ở bên Pháp thì có nhiều người không muốn giữ đất Bắc kỳ, có ý muốn bãi binh. Bởi vậy đến cuối năm 1885 là năm ất dậu, thủ tướng nước Pháp là ông Brisson xin nghị viện thuận cho lấy ra 75 triệu phật lăng để chi tiêu về việc Bắc kỳ. Nghị viện đặt hội đồng để xét việc ấy. Hội đồng định rút quân về và chỉ cho 18 triệu phật lăng mà thôi. Đến khi đầu phiếu thì đảng theo chính phủ được 274 phiếu, và đảng phản đối với chính phủ được 270, nghĩa là đảng muốn giữ đất Bắc kỳ chỉ hơn có 4 phiếu. Thủ tướng Brisson thấy trong nghị viện có nhiều người không hợp ý mình bèn xin từ chức.

Ông Freycinet lên làm thủ tướng, thấy thống tướng De Courcy ở bên nước Nam làm lắm việc lôi thôi, bèn điện sang triệt về Pháp, giao binh quyền lại cho Trung tướng Warnel, và sai ông Paul Bert là quan văn sang sung chức thống đốc, để kinh lý mọi việc ở nước Nam.

8. VUA HÀM NGHI Ở QUẢNG BÌNH. Bấy giờ tuy ở Huế đã lập vua Đồng Khánh rồi, nhưng đảng cựu thần còn có nhiều người theo phò vua Hàm Nghi, quyết chí chống lại với quân Pháp. Quan Pháp bèn sai đại tá Chaumont đem quân ra đóng ở thành Quảng Bình, để chặn đường không cho đảng Tôn Thất Thuyết thông với Bắc kỳ. Nhưng ở mạn Thanh Hoá, Nghệ An, bọn văn thân đánh phá rất dữ. Đại tá Chaumont bèn để thiếu ta Grégoire ở lại giữ thành Quảng Bình, rồi trở về Đà Nẵng lấy thêm binh và tàu chiến đem ra đóng ở thành Nghệ An, chia quân đi tuần tiễu các nơi.

Tôn Thất Thuyết thấy thế không chống nổi quân Pháp, bèn bỏ vua Hàm Nghi ở lại đồn Vé, thuộc huyện Tuyên Hóa (tên cũ là Qui Hợp châu) tỉnh Quảng Bình, rồi cùng với Đề đốc Trần Xuân Soạn đi đường thượng đạo, nói rằng sang cầu cứu bên Tàu [7].

Vua Hàm Nghi bấy giờ phải ẩn nấp ở vùng huyện Tuyên Hoá, có các con Tôn Thất Thuyết là Tôn Thất Đạm và Tôn Thất Thiệp cùng với Đề đốc Lê Trực và Nguyễn Phạm Tuân [8]., hết sức giữ gìn và đem quân đi đánh phá ở mạn Quảng Bình và Hà Tĩnh.

Tháng giêng năm bính tuất (1886) trung tá Mignot đem quân ở Bắc kỳ vào Nghệ An, rồi chia làm hai đạo: Một đạo thì thiếu ta Pelletier đem lính tập theo sông Ngàn Sâu vào mạn Tuyên Hoá; một đạo thì trung tá Mignot tự đem quân đi đường quan lộ vào giữ thành Hà Tĩnh, rồi vào đóng ở sông Gianh.

Ở Huế lại sai trung ta Metzniger đem một toán quân ra tiếp ứng các đạo. Quân Pháp đóng ở chợ Đồn và ở Minh Cầm, rồi trung tá Metzniger đem ông cố Tortuyaux đi làm hướng đạo để lên lấy đồn Vé. Thế quân Pháp tiến lên mạnh lắm, quân văn thân chống lại không nổi, phải tan cả.

Nhưng qua sang tháng hai, ở ngoài Bắc kỳ có việc, vả lại viên Thống đốc Paul Bert đã sang đến nơi, chính sách đổi lại cả, cho nên mới triệt các đạo quân về, chỉ đóng giữ ở Quảng Khê, ở Roon và ở chợ Đồn mà thôi. Quân văn thân thấy quân Pháp rút về, lại trở về đóng ở các đồn cũ.

9. ÔNG PAUL BERT. Ngày mồng 5 tháng 3 năm bính tuất (1886) viên thống đốc Paul Bert sang đến Hà Nội. Lập tức đặt phủ Thống sứ ở Bắc kỳ và ở sở kiểm soát về việc tài chính. Đến cuối tháng 3 thì thống đốc vào yết kiến vua Đồng Khánh ở Huế, và xin lập nha Kinh lược ở Bắc kỳ, cho quan Kinh lược đại sứ được quyền cùng với phủ Thống sứ tự tiện làm mọi việc. Vì rằng ở ngoài Bắc vào đến Huế đường sá xa xôi, có việc gì tâu bẩm vào Bộ mất nhiều ngày giờ lắm, bởi vậy xin cho được tự tiện làm việc, rồi trong một năm độ vài kỳ đem các việc tâu về vua biết.

Thống đốc Paul Bert ở Huế đến cuối trung tuần tháng 4 lại ra Hà Nội, rồi một mặt thì lo đánh dẹp, một mặt thì mở Pháp Việt học đường, lập Thương nghiệp cục, đặt lệ đồn điền.  Nhưng cũng vì thống đốc phải lo nghĩ nhiều việc, vả lại nay đi kinh lược chỗ này, mai đi kinh lược chỗ nọ, thành ra khí lực suy nhược đi, cho nên mới cảm bệnh nặng, đến ngày rằm tháng 10 năm bính tuất (11 tháng 11 – 1886) thì mất. Nhà nước đem linh cữu về Pháp mai táng.

Chính phủ Pháp sai ông Bihourd sang lĩnh chức thống đốc thay ông Paul Bert.

10. LẬP TỔNG ĐỐC TOÀN QUYỀN PHỦ. Nước Pháp đã lấy đất Nam kỳ, lập Bảo hộ ở nước Cao Miên, rồi lại lập Bảo hộ ở Bắc kỳ và ở Trung kỳ, mở ra một cuộc thuộc địa lớn ở Viễn đông này; nhưng buổi đầu thì mỗi xứ có một chức thủ hiến để coi riêng việc chính trị. Đến năm đinh hợi (1887), chính phủ nước Pháp mới đặt phủ Tổng đốc toàn quyền để điều khiển việc chính trị cả mấy xứ ở nước ta và nước Cao Miên. Tháng 10 năm đinh hợi (15 tháng 11 – 1887), thì viên Tổng đốc toàn quyền mới, tức là viên Tổng đốc toàn quyền trước nhất, là ông Constant sang nhận chức tại Sài gòn.

Từ đó ở các nơi như Nam kỳ thì có viên Thống đốc, Trung kỳ và Cao Miên thì mỗi nơi có viên Khâm sứ, Bắc kỳ và Lào thì mỗi nơi có viên Thống sứ đứng đầu coi việc cai trị trong hạt; những việc gì quan hệ đến chính sách cả toàn cảnh thì phải theo lệnh viên Tổng đốc toàn quyền mà thi hành.

---------------------------------

* Chú thích:

[1] Từ “loạn ở đây có nghĩa là không ai kiểm soát được, ngược với “trị” là kiểm soát được.

[2] Việc Tôn Thất Thuyết đánh quân Pháp ở Huế, sử ta không nói rõ số quân ta là bao nhiêu. Mà sách Tây có nơi chép là 2  vạn, có nơi chép là 3 vạn. Nhưng cứ những người biết việc ở Huế lúc bấy giờ, thì quân ta cả thảy độ chứng non 2 vạn trở lại, chứ không hơn.

[3] Khiêm Lăng là lăng vua Dực tông, có khi gọi là Khiêm cung cũng là đấy.

[4] Trường Thi thủa bấy giờ ở làng Đa Chữ cách Kinh thành 10 cây số.

[5] Trương Quan Đản trước làm Tổng đốc Bắc Ninh, chống nhau với quân Pháp, sau về Kinh phải giáng xuống tuần phủ ra giữ thành Quảng Trị.

[6]  Người ở Sơn La, tỉnh Hà Tình, con nguyên bố chính Lê Kiên.

[7] Tôn Thất Thuyết đi đường thượng đạo ra vùng Hưng Hoà rồi theo thượng lưu sông Đà lên Lai Châu nương tựa vào họ Điêu. Đến lúc nghe tiếng quân Pháp lên đánh, liền bỏ họ Điêu mà trốn sang Tàu. Con cháu họ Điêu nói chuyện lại rằng: Khi Tôn Thất Thuyết lên đến Lai Châu còn có mấy chục người đi theo. Lên đấy ở một độ, chém giết gần hết. Xem như thế thì ông Thuyết là một người cuồng dại mà lại nhát gan. Một người như thế mà làm đại tướng để giữ nước, thì tài gì mà nước không nguy được. Về sau chết già ở Triều Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông.

[8] Sách ông Gosselin chép là Phạm Thuận. Nhưng xét trong sử nước ta thì không có ai là Phạm Thuận, chỉ có Nguyễn Phạm Tuân trước là thi phủ, sau theo vua Hàm Nghi chống cự với quân Pháp rồi bị đạn phải bắt. Vậy Phạm Thuận tức là Nguyễn Phạm Tuân.

(Xem tiếp kỳ sau)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang