19/06/2006 10:04:41 PM
Cận kim thời đại – Nhà Nguyễn. Chương VII. Nước Pháp lấy đất Nam Kỳ (phần 3)

(Tiếp theo kỳ trước)

QUYỂN V
CẬN KIM THỜI ĐẠI

NHÀ NGUYỄN
(1802 – 1945)

CHƯƠNG VII
NƯỚC PHÁP LẤY ĐẤT NAM KỲ

4. MẤT TỈNH BIÊN HOÀ VÀ TỈNH VĨNH LONG. Thiếu tướng Bonard thấy quan quân ta cứ chống giữ mãi, bèn quyết ý đánh lấy tỉnh Biên Hoà và tỉnh Vĩnh Long. Đến tháng 11 năm ấy, thì quân Pháp chia ra làm 3 đạo, cùng tiến lên đánh lấy thành Biên Hoà, rồi lại tiến lên mặt đông nam đánh lấy đồn Bà Rịa. Qua tháng 3 năm sau là năm Nhâm Tuất (1862), Thiếu tướng Bonard lại đem 11 chiếc tàu và hơn 1.000 quân đi đánh Vĩnh Long. Tỉnh thần ở đấy chống giữ được 2 ngày thì thành phá. Tổng đốc Trương Văn Uyển phải đem quân lui về phía tây sông Mê Kông.

5. HOÀ ƯỚC NĂM NHÂM TUẤT (1862). Lúc bấy giờ ở ngoài Bắc kỳ có tên Phụng, tên Trường đánh phá ở mặt Quảng Yên và Hải Dương ngặt lắm, lại có Nguyễn Văn Thịnh, tục gọi là cai tổng Vàng, quấy nhiễu ở Bắc Ninh, mà ở trong Nam kỳ thì lại mất thêm hai tỉnh nữa. Triều đình lấy làm lo sợ lắm, bèn sai Phan Thanh Giản và Lâm Duy Tiếp vào Gia Định giảng hoà.

Đến tháng 4 thì sứ thần nước ta theo chiếc tàu Forbin [1] vào Sài Gòn. Đến hôm 9 tháng 5 thì tướng Bonard và sứ thần nước Nam ta là ông Phan Thanh Giản và ông Lâm Duy Tiếp ký tờ hoà ước.

Tờ hoà ước ấy có 12 khoản, nhưng cốt có những khoản sau này là quan trọng hơn cả:

1. Nước Nam phải để cho giáo sĩ nước Pháp và nước I-pha-nho được tự do vào giảng đạo, và để dân gian được tự do theo đạo.

2. Nước Nam phải nhường đứt cho nước Pháp tỉnh Biên Hoà, tỉnh Gia Định và tỉnh Định Tường, và phải để cho chiến thuyền của Pháp được ra vào tự do ở sông Mêkông.

3. Nước Nam không được đem binh khí, thuốc đạn đi qua những tỉnh đã nhường cho nước Pháp.

4. Hễ nước Nam có giao thiệp với nước nào khác thì phải cho chính phủ Pháp biết, và khi nào muốn nhường đất cho nước nào, thì phải tuỳ ý nước Pháp có thuận cho mới được.

5. Người nước Pháp và nước I-pha-nho được ra vào buôn bán tự do ở cửa Đà Nẵng, cửa Ba Lạt và cửa bể ở Quảng Yên.

6. Nước Nam phải trả tiền binh phí 4.000.000 nguyên, chia làm mười năm, mỗi năm 40 vạn nguyên.

7. Nước Pháp trả tỉnh Vĩnh Long lại cho nước Nam, nhưng quân Pháp cứ đóng ở tỉnh lỵ cho đến khi dẹp yên giặc giã ở tỉnh Gia Định và tỉnh Định Tường mới rút về.

Sự giảng hoà xong rồi thì triều đình sai ông Phan Thanh Giản làm Tổng đốc Vĩnh Long, ông Lâm Duy Tiếp làm tuần phủ Khánh Thuận, để giao thiệp với quan nước Pháp ở Gia Định.

Bấy giờ nước I-pha-nho cũng nhường quyền lấy đất làm thuộc địa cho nước Pháp, chỉ nhận tiền binh phí và quyền được cho giáo sĩ đi giảng đạo thôi.

Tháng 2 năm Quí Hợi (1863) là năm Tự Đức thứ 16, Thiếu tướng Bonard và đại tá nước I-pha-nho là Palanca vào Huế triều yết vua Dực Tông để công nhận sự giảng hoà của ba nước. Đoạn rồi Thiếu tướng Bonard về Pháp nghỉ. Hải quân Thiếu tướng De la Grandière sang thay.

6. SỨ VIỆT NAM SANG TÂY. Vua Dực Tông tuy thế bất đắc dĩ phải nhường đất ba tỉnh Nam kỳ cho nước Pháp, nhưng trong bụng vẫn muốn cố hết sức để chuộc lại, vì là đất Gia Định là đất khai nghiệp của nhà Nguyễn và lại là đất quê ngoại của ngài, nên chi hoà ước đã ký rồi, mà ngài vẫn sai quan thương nghị với quan nước Pháp về việc ấy. Mà chủ ý người nước Pháp lúc bấy giờ thì không những là chỉ giữ lấy ba tỉnh mà thôi, lại còn định mở rộng thêm ra nữa. Vậy lẽ nào lại đem trả lại cho mình?

Vua Dực Tông thấy việc này bàn không xong, bèn sai quan Hiệp biện đại học sĩ Phan Thanh Giản, quan tả tham tri lại bộ Phạm Phú Thứ và quan Án sát sứ tỉnh Quảng Nam là Nguỵ Khắc Đản đem phẩm vật sang sứ nước Pháp và nước I-pha-nho. Còn việc giao thiệp ở trong Nam Kỳ thì giao lại cho quan Tổng đốc tỉnh Vĩnh Long là Trương Văn Uyển.

Tháng 6, các sứ thần xuống tàu “Echo” vào Gia Định, rồi sang tàu “Européen” cùng với quan nước Pháp và quan nước I-pha-nho sang Tây. Đến tháng 8 thì tàu “Européen” về tới nước Pháp, sứ thần nước ta lên Paris, xin vào triều yết Pháp hoàng Nã-phá-luân đệ tam. Nhưng bấy giờ Pháp hoàng sắp đi ngự mát, sứ thần ta phải ở lại chờ đến hơn một tháng mới được yết kiến. Ông Phan Thanh Giản tâu bày mọi lẽ về việc xin chuộc ba tỉnh Nam kỳ. Pháp hoàng ban rằng việc đó để đình nghị lại xem thế nào rồi sau sẽ trả lời cho Triều đình Huế.

Mấy hôm sau, bọn ông Phan Thanh Giản đi sang I-pha-nho, rồi đến cuối năm thì các sứ thần xuống tàu “Japon” trở về.

7. VIỆC BẢO HỘ CAO MIÊN. Trong khi sứ nước ta sang Tây lo việc chuộc lại mấy tỉnh Nam kỳ, thì ở bên này Thiếu tướng De la Grandière một mặt cứ đánh dẹp mọi nơi, xếp đặt cách cai trị, định thuế lệ và mở trường dạy chữ Pháp và chứ quốc ngữ [2], một mặt sai quan đi kinh doanh việc bảo hộ nước Cao Miên.

Nguyên từ năm Kỷ Mùi (1859), vua nước Cao Miên là An Dương (tức là Nặc Ông Tôn) mất rồi, người con trưởng tên là Norodom (Ông Lân) lên nối ngôi. Đến năm Tân Dậu (1861), thì người em Norodom là Si Vatha nổi lên tranh ngôi của anh, Norodom phải sang Tiêm La. Sang năm Nhâm Tuất (1862) vua Tiêm La sai quân đem Norodom về nước, rồi đặt quan ở Ô Đông để bảo hộ Cao Miên.

Lúc bấy giờ ở Cao Miên có ông giám mục tên là Miche khuyên vua Norodom về với nước Pháp thì Tiêm La không dám bắt nạt. Bên này Thiếu tướng De la Grandière cũng sai đại uý Doudart de lagrée sang kinh doanh việc bảo hộ Cao Miên. Ông Doudart de lagrée sang Cao Miên trong một năm trời thu xếp mọi việc, đến năm Giáp Tí (1864) thì nước Tiêm La phải rút quân về, nhường quyền bảo hộ cho nước Pháp.

8. NƯỚC PHÁP LẤY BA TỈNH PHÍA TÂY ĐẤT NAM KỲ. Ở bên Pháp lúc bấy giờ chính phủ cũng còn phân vân, chưa quyết hẳn lấy hay là trả đất Nam kỳ, mà Pháp hoàng thì thấy đường sá xa xôi cũng ngại, bèn sai Hải quân trung tá Aubaret (Ha ba lý) sang điều đình với triều đình ở Huế về việc cho chuộc ba tỉnh Nam kỳ.

Vua Dực tông lại sai quan Lại bộ thượng thư là ông Phan Thanh Giản ra sung chức toàn quyền cùng với Trần Tiễn Thành và Phan Huy Vịnh để thương nghị với sứ thần nước Pháp.

Ông Aubaret đưa bản thảo tờ hoà ước, đại lược nói rằng: Nước Pháp trả lại ba tỉnh Gia Định, Biên Hoà và Định Tường cho nước Nam, chỉ giữ Sài Gòn, Mỹ Tho và Thủ Dầu Một để đóng quân. Nhưng nước Nam phải để nước Pháp được quyền bảo hộ cả 6 tỉnh Nam kỳ. Nước Nam lại phải chịu mỗi năm là 2.000.000 nguyên tiền thuế.

Sứ hai nước cứ bàn đi bàn lại mãi không xong, mà ở bên Pháp thì có nhiều người không muốn trả lại đất Nam kỳ. Cuối năm Giáp Tí (1864) quan thượng thư Hải quân bộ là hầu tước De Chasseloup Laubat dâng sớ tâu với Pháp hoàng nhất định xin không cho nước Nam chuộc ba tỉnh. Pháp hoàng nghe lời ấy bèn xuống chỉ truyền cứ chiếu tờ hoà ước năm Nhâm Tuất (1862) mà thi hành.

Năm Ất Sửu (1865), quan thượng thư De Chasseloup Laubat muốn biết rõ tình thế bên Việt Nam này, bèn gọi Thiếu tướng De la Grandière về hội nghị và sai Hải quân Thiếu tướng Roze sang thay. Thiếu tướng De la Grandière về Pháp cả đi lẫn về mất 7 tháng, lại trở sang kinh lý việc Nam kỳ.

Lúc bấy giờ việc cai trị ở ba tỉnh của pháp đã thành nếp rồi, Thiếu tướng De la Grandière ở Pháp sang đã quyết ý lấy nốt ba tỉnh phía tây. Lại nhân từ khi trước nước Pháp sang lấy Nam kỳ, người bản xứ vẫn thỉnh thoảng nổi lên đánh phá, quân Pháp dẹp mãi không yên. Ở Cao Miên lại có nhà sư Pu Kầm Bô xung là cháu Nặc Ông Chân cũng nổi lên đánh vua Norodom. Suý phủ ở Sài Gòn đổ cho quân Việt Nam ta xui giục và giúp đỡ những người làm loạn, bèn sửa soạn việc lấy tỉnh Vĩnh Long, tỉnh An Giang và tỉnh Hà Tiên.

Ở Huế tuy triều đình còn cứ mong chuộc lại đất 3 tỉnh, nhưng vẫn biết ý suý phủ ở Sài Gòn rồi tất lấy cả 3 tỉnh phía tây, cho nên năm Bính Dần (1866); lại sai ông Phan Thanh Giản vào làm kinh lược sứ để tìm kế chống giữ.

Ở bên Pháp, thì từ năm Đinh Mùi (1867), Hải quân Trung tướng Rigault de Genouilly lên làm thượng thư Hải quân bộ [3] ra sức giúp Thiếu tướng De la Grandière cho xong việc. Bởi vậy suý phủ ở Sài Gòn chỉ đợi dịp để khởi sự.

Tháng 6 năm Đinh Mão (1867) là năm Tự Đức thứ 20, Thiếu tướng De la Grandière hội hơn 1.000 quân ở Mỹ Tho, rồi định ngày kéo sang lấy Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Ông Phan Thanh Giản biết thế không chống nổi, bảo các quan đành chịu nộp thành trì cho khởi sự tai hại, rồi ông uống thuốc độc mà tự tận, dặn lại con cái phải cày ruộng mà ăn, chứ không được nhận quan chức gì ở Nam Kỳ.

Từ đó đất Nam kỳ toàn cảnh thành ra đát thuộc địa của Pháp, thuế má, luật lệ, điều gì cũng do suý phủ ở Sài Gòn quyết định cả.

 -----------------------------------

* Chú thích:

[1] Nguyên trước Thiếu tướng Bonard có sia trung tá Simon dem chiếc tàu Forbin vào cửa Thuận An để đợi xem triều đình ở Huế có xin hoà không. Nay chiếc tàu ấy đem thuyền của sứ thần Việt Nam ta về Gia Định.

[2] Nguyên người nước ta tự xưa tuy có tiếng nói riêng mà không có chữ viết. Học hành, văn chương, án tù, việc gì cũng làm bằng chữ Hán tự cả. Từ đời nhà Trần về sau đã có người dùng Hán tự mà đặt ra chữ nôm để viết tiếng quốc ngữ. Nhưng mà những nhà văn học không hay dùng đến chữ nôm. Đến cuối đời nhà Lê có các giáo sĩ Bồ Đào Nha sang giảng đạo ở nước ta, thấy Hán tự khó học và không mấy người hiểu, mới mượn chữ La tinh mà đặt ra chữ quốc ngữ, để cho tiện sự giảng dạy. Ngày nay ta cũng nhờ có chữ quốc ngữ ấy mà làm thành ra nước ta có lối chữ riêng rất tiện.

[3] Lúc bấy giờ Hải quân bộ kiêm cả Thuộc địa bộ.

(Xem tiếp kỳ sau)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang