03/04/2006 09:34:16 PM
Cận kim thời đại – Nhà Nguyễn. Chương V. Dực Tông (Phần 2)

(Tiếp theo kỳ trước)

QUYỂN V
CẬN KIM THỜI ĐẠI

NHÀ NGUYỄN
(1802 – 1945)

CHƯƠNG V
DỰC TÔNG
(1847 - 1883)

Niên hiệu: Tự Đức

2. ĐÌNH THẦN. Đình thần là các quan trong triều giúp vua để lo việc nước. Nhưng lúc bấy giờ tình thế đã nguy ngập lắm, vì từ đầu thập cửu thế kỷ trở đi, sự sinh hoạt và học thuật của thiên hạ đã tiến bộ nhiều và sự cạnh tranh của các nước cũng kịch liệt hơn trước. Thế mà những người giữ cái trách nhiệm chính trị nước mình, chỉ chăm việc văn chương, khéo nghề nghiên bút, bàn đến quốc sự thì phi Nghiêu, Thuấn lại Hạ, Thương, Chu, việc mấy nghìn năm trước cứ đem làm gương cho thời hiện tại, rồi cứ nghễu nghện tự xưng mình hơn người, cho thiên hạ là dã man. Ấy, các đình thần lúc bấy giờ phần nhiều là những người như thế cả. Tuy có một vài người đã đi ra ngoài, trông thấy cảnh tượng thiên hạ, về nói lại, thì các cụ ở nhà cho là nói bậy, làm huỷ hoại mất kỷ cương! Thành ra người không biết thì cứ một niềm tự đắc, người biết thì phải làm câm làm điếc, không thở ra với ai được, phải ngồi khoanh tay mà chịu.

Xem như mấy năm về sau, nhà vua thường có hỏi đến việc phú quốc cường binh, các quan bàn hết lẽ nọ lẽ kia, nào chiến, nào thủ, mà chẳng thấy làm được việc gì ra trò. Vả thời bấy giờ, cũng đã có người hiểu rõ thời thế, chịu đi du học và muốn thay đổi chính trị. Như năm Bính Dần (1866) là năm Tự Đức thứ 19, có mấy người ở Nghệ An là Nguyễn Đức Hậu, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Điều đi du học phương Tây. Sau Nguyễn Trường Tộ về làm mấy bài điều trần, kể hết cái tình thế nước mình, và cái cảnh tượng các nước, rồi xin nhà vua phải mau mau cải cách mọi việc, không thì mất nước. Vua giao những tờ điều trần ấy cho các quan duyệt nghị. Đình thần đều lấy làm sự nói càn, không ai chịu nghe.

Năm Mậu Thìn (1868) là năm Tự Đức thứ 21, có người ở Nình Bình tên là Đinh Văn Điền dâng tờ điều trần nói nên đặt doanh điền, khai mỏ vàng, làm tàu hoả, cho người các nước phương Tây vào buôn bán, luyện tập sĩ tốt để phòng khi chiến thủ, thêm lương thực cho quan quân, bớt sưu dịch cho dân sự, thưởng cho những kẻ có công, nuôi nấng những người bị thương, tàn tật... Đại để là những điều ích quốc lợi dân cả, thế mà đình thần cho là không hợp thời thế, rồi bỏ không dùng.

Các quan đi sứ các nơi về tâu bày mọi sự, vua hỏi đến đình thần thì mọi người đều bác đi, cái gì cũng cho là không hợp thời. Năm Kỷ Mão (1879) là năm Tự Đức thứ 32, Nguyễn Hiệp đi sứ Tiêm La về nói rằng khi người nước Anh-cát-lợi mới sang xin thông thương, thì nước Tiêm La lập điều ước cho ngay, thành ra người Anh không có cớ gì mà sinh sự để lấy đất, rồi Tiêm La lại cho nước Pháp, nước Phổ, nước Ý, nước Mỹ... đặt lĩnh sự để coi buôn bán. Như thế mọi người đều có quyền lợi không ai hiếp chế được mình. Năm Tân Tị (1881) là năm Tự Đức thứ 34, có Lê Đĩnh đi sứ ở Hương Cảng về, tâu rằng: các nước Thái Tây mà phú cường là chỉ cốt ở việc binh và việc buôn bán. Lấy binh lính mà bênh vực việc buôn bán, lấy việc buôn bán mà nuôi binh lính. Gần đây Nhật Bản theo các nước Thái tây cho người đi buôn bán khắp cả mọi nơi. Nước Tàu cũng bắt chước cho người ngoại quốc ra vào buôn bán. Nước ta, người khôn ngoan, lại có lắm sản vật, nên theo người ta mà làm thì cũng có thể giữ được quyền độc lập của nước nhà.

Năm ấy, lại có quan hàn lâm viện tu soạn là Phan Liêm làm sớ mật tâu việc mở sự buôn bán, sự chung vốn lập hội, và xin cho người đi học nghề khai mỏ. Giao cho đình thần xét, các quan đều bàn rằng, việc buôn bán không tiện, còn việc khác thì xin để hỏi các tỉnh xem thế nào, rồi sẽ xét lại. Ấy cũng là một cách làm cho trôi chuyện, chứ không ai muốn thay đổi thói cũ chút gì cả. Nhân việc đó vua Dực tông khuyên rằng các quan xét việc thì nên cẩn thận và suy nghĩ cho chín, nhưng cũng nên làm thế nào cho tiến bộ, chứ không tiến, thì tức là thoái vậy.

Xem lời ấy thì không phải là vua không muốn thay đổi. Chỉ vì vua thì ở trong cung điện, việc đời không biết rõ, phải lấy các quan làm tai làm mắt, mà các quan thì lại số người biết thì ít, số người không biết thì nhiều. Những người có quyền tước thì lắm người trông không rõ nghe không thấy, chỉ một niềm giữ thói cũ cho tiện việc mình. Lại có lắm người tự nghĩ rằng mình đã quyền cả ngôi cao, thì tất là tài giỏi hơn người, chứ không hiểu rằng, cái tài giỏi không cần phải nhiều tuổi, sự khôn ngoan không phải làm quan to hay là quan nhỏ. Cái phẩm giá con người ta cốt ở tư tưởng, học thức, chứ không phải ở tiền của hay là ở quyền tước.

Đến khi nước Pháp đã sang lấy đất Nam Kỳ, đã ra đánh Bắc kỳ, tình thế nguy cấp đến nơi rồi, thế mà cứ khư khư giữ lấy thói cổ, hễ ai nói đến sự gì hơi mới một tí, thì bác đi. Như thế thì làm thế nào mà không hỏng việc được.

Đã hay rằng vua có trách nhiệm vua, quan có trách nhiệm quan, dẫu thế nào vua Dực Tông cũng không tránh khỏi cái lỗi với nước nhà, nhưng mà xét cho xác lý, thì cái lỗi của đình thần lúc bấy giờ cũng không nhỏ vậy.

3. VIỆC NGOẠI GIAO. Việc chính trị đời Dực Tông là nhất thiết không cho người ngoại quốc vào buôn bán. Như năm Canh Tuất (1850) là năm Tự Đức thứ 3, có tàu Mỹ-Lợi-Kiên vào cửa Đà Nẵng, đem thư sang xin thông thương, nhà vua không tiếp thư.

Từ năm Ất Mão (1855) cho đến năm Đinh Sửu (1877) tàu Anh-cát-lợi ra vào mấy lần ở cửa Đà Nẵng, cửa Thị Nại (Bình Định) và ở Quảng Yên, để xin buôn bán, cũng không được. Người I-pha-nho và nước Pháp-lan-tây xin thông thương, cũng không được.

Về sau đất Gia Định đã mất rồi, việc ngoại giao một ngày một khó, nhà vua mới đặt Bình chuẩn ti để coi việc buôn bán, và Thương bạc viện để coi việc giao thiệp với người ngoại dương. Tuy vậy nhưng cũng không thấy ai là người hiểu việc buôn bán và biết cách giao thiệp cả.

4. VIỆC CẤM ĐẠO. Việc cấm đạo thì từ năm Mậu Thân (1848) là năm Tự Đức nguyên niên, vua Dực tông mới lên ngôi, đã có dụ cấm đạo. Lần ấy trong dụ nói rằng những người ngoại quốc vào giảng đạo, thì phải tội chết, những người đạo trưởng ở trong nước mà không chịu bỏ đạo, thì phải khắc chữ vào mặt, rồi phải đày đi ở chỗ nước độc. Còn những kẻ ngu dân thì các quan phải ngăn cấm, đừng để cho đi theo đạo mà bỏ sự thờ cúng cha ông, chứ đừng có giết hại...

Đến năm Tân Hợi (1851) là năm Tự Đức thứ 4, lại có dụ ra cấm đạo. Lần này, cấm nghiệt hơn lần trước, và có mấy người giáo sĩ ngoại quốc phải giết.

Sức đã không đủ giữ nước là lại cứ làm điều ác. Đã không cho người ngoại quốc vào buôn bán, lại đem làm tội những người đi giảng đạo, bởi thế cho nên nước Pháp và nước I-pha-nho mới nhân cớ ấy mà đánh nước ta vậy.

5. VIỆC THUẾ MÁ. Thuế má trong nước đời bấy giờ, thì đại khái cũng như đời vua Thánh tổ và Hiến tổ, duy chỉ từ khi nước Pháp và nước I-pha-nho vào đánh lấy mấy tỉnh Nam kỳ rồi, lại phải bồi tiền binh phí mất 4 triệu nguyên, nhà nước mới tìm cách lấy tiền, bèn cho người khách tên là Hầu Lợi Trịnh trưng thuế bán thuốc nha phiến từ Quảng Bình ra đến Bắc kỳ. Sử chép rằng đồng niên nhà vua thu được 302.200 quan tiền thuế nha phiến.

Nhà vua lại định lệ cho quyên từ 1.000 quan trở lên thì được hàm cửu phẩm, lên đến 10.000 quan thì được hàm lục phẩm, nghĩa là phải dùng lối đời trước bán quan để lấy tiền.

6. VIỆC VĂN HỌC. Vua Dực tông là một ông vua hay chữ nhất đời nhà Nguyễn, cho nên ngài trọng sự Nho học lắm. Ngài chăm về việc khoa giáp, sửa sang việc thi cử đặt ra Nhã sĩ khoa và Cát sĩ khoa, để chọn lấy người văn học ra làm quan.

Ngài lại đặt ra Tập hiền viện và Khai kinh diên để ngài ngự ra cùng các quan bàn sách vở, làm thơ phú hoặc nói chuyện chính trị. Lại sai quan soạn bộ Khâm định Việt sử từ đời thượng cổ cho đến hết đời nhà Hậu Lê.

7. VIỆC BINH CHẾ. Đời vua Dực tông lắm giặc giã, nhà vua cần đến việc võ, nên chi năm Tân Dậu (1861) là năm Tự Đức thứ 14 mới truyền cho các tỉnh chọn lấy những người khoẻ mạnh để làm lính võ sinh. Đến năm Ất Sửu (1865) là Tự Đức thứ 18 lại mở ra khoa thi võ tiến sĩ.

Tuy rằng lúc bấy giờ nước mình có lính võ sinh, có quan võ tiến sĩ, nhưng mà thời địa đã khác đi rồi, người ta đánh nhau bằng síng nạp hậu, bằng đạn trái phá chứ không bằng gươm bằng dáo như trước nữa. Mà quân lính của mình mỗi đội có 50 người thì chỉ có 5 người cầm súng điểu thương cũ, phải châm ngòi mới bắn được, mà lại không luyện tập, cả năm chỉ có một lần tập bắn. Mỗi người lính chỉ được bắn có 6 phát đạn mà thôi, hễ ai bắn quá số ấy thì phải bồi thường.

Quân lính như thế, binh khí như thế, mà quan thì lại cho lính về phòng, mỗi đội chỉ để độ chừng 20 tên tại ngũ mà thôi. Vậy nên đến khi có sự, không lấy gì mà chỗng giữ được.

(Xem tiếp kỳ sau)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang