14/02/2006 04:59:43 PM
Cận kim thời đại – Nhà Nguyễn. Chương III. Thánh Tổ (Phần 5)

(Tiếp theo kỳ trước)

QUYỂN V
CẬN KIM THỜI ĐẠI

NHÀ NGUYỄN
(1802 – 1945)

CHƯƠNG III
THÁNH TỔ
(1820 - 1840)

(tiếp theo)

8. GIẶC TIÊM LA. Nước Tiêm La tự khi mất quyền bảo hộ ở Chân Lạp, vẫn có ý muốn sinh sự với nước Nam, nhưng còn sợ thế lực Nguyễn triều chưa dám làm gì, chỉ thỉnh thoảng sang sinh sự với những nước ở Lào. Hễ khi nào Tiêm và Lào đánh nhau, thì nhà vua sai quan quân phòng giữ những chỗ biên thuỳ, và sang cứu viện những nước bị Tiêm bắt nạt. Như năm Đinh Hợi (1827) là năm Minh Mệnh thứ 8, nước Tiêm đánh lấy nước Vạn Tượng (Vientiane). Quốc trưởng nước ấy là A Nỗ chạy sang cầu cứu, vua Thánh tổ sai quan thống chế là Phan Văn Thuý làm kinh lược biên vụ đại thần đem binh tượng sang cứu A Nỗ.

Tháng chín năm ấy, bọn Lê Đức Lộc, Nguyễn Công Tiến đem binh ở Nghệ An chia làm hai đạo đi đường Qui Hợp và đường Lạc Phàm qua Trấn Ninh sang cứu A Nỗ. Đi đến đâu vẽ những sông núi hình thế hiểm trở rồi gửi về Kinh.

A Nỗ mất nước không lấy lại được, phải theo quân An Nam về Nghệ An, đợi thu xếp quân sĩ để về đánh báo thù. Đến năm Mậu Tí (1882). A Nỗ nói rằng quân Lào tụ hợp được đủ rồi, xin cho quan quân đưa về nước. Vua Thánh tổ sai Phan Văn Thuý làm kinh lược đại thần, Nguyễn Văn Xuân làm phó, Nguyễn Khoa Hoà làm tham tán, đem 3.000 quân và 24 con voi, đưa A Nỗ về Trấn Ninh.

Đến Trấn Ninh, A Nỗ xem đem quân Lào về Vạn Tượng. Phan Văn Thuý cho hai đội quân Thần sách đi hộ tống. Về đến Vạn Tượng, A Nỗ đem quân đi đánh quân Tiêm, quân sĩ chết hại rất nhièu, rồi lại sai người sang Nghệ An xin viện binh.

Vua Thánh tổ thấy A Nỗ hay sinh sự đánh nhau mà không được việc gì, bèn không cho quân sang cứu, chỉ xuống lệnh truyền cho các hạt ở Lào phải phòng giữ những chỗ biên thuỳ. A Nỗ không có quân cứu viện, bị quân Tiêm đến đánh, lại phải bỏ thành mà chạy sang Trấn Ninh. Được ít lâu, Chiêu Nội là thủ lĩnh Trấn Ninh bắt A Nỗ đem nộp cho Tiêm La.

Quân Tiêm La phá được Vạn Tượng rồi, lại xâm vào đến các châu phụ thuộc về nước Nam, ở mạn gần Quảng trị. Vua Thánh tổ sai thống chế Phạm Văn Điển kinh lý mọi việc ở Cam Lộ, sai Lê Đăng Doanh làm tham tán quân vụ, cùng với quân các đạo ở Lào đi tiễu trừ.

Phạm Văn Điển, một mặt thì cho người đem thư sang trách nước Tiêm La sinh sự, một mặt thì chia quân làm ba đạo tiến lên đánh.

Tướng Tiêm La viết thư trả lời một cách khiêm nhường lắm, rồi rút quân về. Từ đó nước Tiêm bề ngoài vẫn thông sứ đi lại để giữ sự hoà hiếu, nhưng ngấm ngầm cứ tìm cách quấy nhiễu nước Nam. Ở phía tây nam, người Tiêm vẫn dung túng những người phản nghịch nước Chân Lạp, mà ở phía tây bắc thì vẫn cứ hà hiếp Vạn Tượng và các nước nhỏ khác.Dù thế mặc lòng, vua Thánh tổ không muốn gây việc binh đao, cứ dùng lời nói ngọt mà trang trải mọi việc.

Đến cuối năm Quí Tị (1833) nhân có nguỵ Khôi khởi loạn ở đất Gia Định và tên Khôi lại cho người sang cầu cứu, vua Tiêm La bèn sai quân thuỷ bộ chia ra làm 5 đạo sang đánh Việt Nam.

Đạo thứ nhất thuỷ quân đem hơn 100 chiếc thuyền vào đánh lấy Hà Tiên; đạo thứ nhì bộ quân sang đánh Nam Vang (Phnom Penh), rồi tiến lên đánh lấy Châu Đốc và An Giang; đạo thứ ba đánh lấy mặt Cam Lộ; đạo thứ tư đánh lấy Cam Cát, Cam Môn, đạo thứ năm đánh Trấn Ninh.

Tuy rằng quân nghịch năm đạo cùng tiến, nhưng chủ đích của Tiêm La là cốt đánh Chân Lạp và Nam Kỳ, còn các đạo khác là để phân quân lực của nước Nam mà thôi.

Vua Thánh tổ được tin báo cấp, liền xuống chiếu sai quan quân phòng ngự các nơi. Phía tây nam thì sai quân thứ ở Gia Định, chia quân cho Trương Minh Giảng và Nguyễn Xuân đi tiến tiễu ở mặt An Giang. Phía tây bắc thì sai Lê Văn Thuỵ giữ mặt Cam Lộ, thuộc Quảng Trị, Phạm Văn Điển giữ mặt Nghệ An. Lại sai Nguyễn Văn Xuân [1] làm Kinh lược đại sứ đi tiễu trừ quân Tiêm và quân Lào ở Trấn Ninh.

Trương Minh Giảng và Nguyễn Xuân đại phá quân Tiêm La ở sông Cổ Cắng. Quân Tiêm La ở Chân Lạp cũng bị người bản xứ đánh phá. Chỗ nào quân nghịch cũng thua to chết hại rất nhiều; chỉ trong một tháng mà quan quân lấy lại Hà Tiên và Châu Đốc, đuổi quân Tiêm ra ngoài bờ cõi, rồi tiến lên đánh lấy thành Nam Vang và đưa vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân về nước.

Trương Minh Giảng và Nguyễn Xuân từ Nam Vang tiến lên đánh quân Tiêm, liền phá mấy trận, chém tướng bắt binh lấy được súng ống khí giới không biết ngần nào mà kể. Tướng Tiêm La là Phi Nhã Chất Tri đem đại binh chạy về nước, quan quân đuổi đánh lấy lại thành Phú Túc (Pursat) rồi cho người Chân Lạp ở lại giữ các nơi: chỗ nào hiểm yếu thì làm đồn đắp luỹ, để phòng ngự quân giặc.

Những đạo quân Tiêm và quân Lào sang đánh ở mặt Quảng Trị, Nghệ An và Trấn Ninh, đều bị tướng quân là Nguyễn Văn Xuân, Phạm Văn Điển và Lê Văn Thuỵ đánh đuổi, chỗ nào quan quân cũng được toàn thắng, giữ được bờ cõi nguyên như cũ cả.

Quân Tiêm sang đánh từ tháng giêng năm Giáp Ngọ (1834), đến tháng năm năm ấy, thì quan quân đã bình xong cả mọi nơi. Vua Thánh tổ mừng rỡ, ban thưởng cho các tướng sĩ và bố cáo ra cho mọi nơi đều biết.

9. VIỆC AI LAO. Nước Nam ta về đời vua Thánh tổ thì to rộng hơn cả, là vì quân Tiêm La cứ hay sang quấy nhiễu cho nên các xứ ở Lào đều xin về nội thuộc nước ta.

Năm Đinh Hợi (1827), người Nam Chướng (Luang Prabang) thông với Tiêm La, rồi cứ đem quân xuống quấy nhiễu đất Trấn Ninh. Tù trưởng là Chiêu Nội xin đem đất Trấn Ninh về nội thuộc Việt Nam. Vua Thánh tổ phong cho Chiêu Nội làm Trấn Ninh phòng ngự sứ cai quản cả 7 huyện, lại phong cho những thổ mục làm thổ tri huyện và thổ huyện thừa. Chiêu Nội dâng sổ dân đinh và điển thổ, cả thảy được 3.000 suất đinh và 28 sở ruộng.

Lại có đất Tam Động và Lạc Phàn (trước thuộc về Vạn Tượng) cũng xin nội thuộc. Triều đình chia những đất ấy ra làm hai phủ là Trấn Tĩnh phủ và Lạc Biên phủ. Năm ấy lại có xứ Xa Hổ (?), Sầm Tộ (Sam teu), Mường Soạn (?), Mang Lan (Mường Lam), Trình Cố (Xiêng Khô), Sầm Nứa (Sam neua), Mương Duy (?) và ở cả Ngọc Ma có Cam Cát (Kham keut), Cam Môn và Cam Linh (?) đều xin về nội thuộc. Vua Thánh tổ chia những đất ấy ra làm ba phủ là Trấn Biên, Trấn Định và Trấn Man.

Phủ Trấn Biên có bốn huyện là Xa Hổ, Sầm Tộ, Mang Soạn, Mang Lan; phủ Trấn Định [2] có 3 huyện là Cam cát, Cam Môn và Cam Linh. Hai phủ ấy đều thuộc về Nghệ An. Còn phủ Trấn Nam có 3 huyện là Trình Cố, Sầm Nứa, Man Duy thì thuộc về Thanh Hoá.

Ở miền Cam Lộ thuộc Quảng Trị lại có những mường Mang Vang (?), Ná Bi (?), Thượng Kế (?), Tả Bang (?), Xương Thịnh (?), Tầm Bồn (?), Ba Lan (?), Mang Bổng (?), Lang Thời (?), xin về nội thuộc, chia ra làm 9 châu, cho chiếu lệ triều cống.

Đại khái là đất Sầm Nứa, đất Trấn Ninh, đất Cam Môn và đất Savanakhet bây giờ, thuở ấy thuộc về Việt Nam ta cả.

-----------------------------

* Chú thích:

[1] Nguyễn Xuân thì làm tham tán đại thần theo Trương Minh Giảng, Nguyễn Văn Xuân thì làm hữu quân lĩnh An Tĩnh Tổng đốc đi đánh mặt Trấn Ninh.

[2] Ở gần địa hạt Hà Tĩnh bây giờ.

(Xem tiếp kỳ sau)

 

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang