25/01/2006 04:55:05 PM
Cận kim thời đại – Nhà Nguyễn. Chương III. Thánh Tổ (Phần 4)

(Tiếp theo kỳ trước)

QUYỂN V
CẬN KIM THỜI ĐẠI

NHÀ NGUYỄN
(1802 – 1945)

CHƯƠNG III
THÁNH TỔ
(1820 - 1840)

6. Năm Minh Mệnh thứ 6, y tâu xin tăng thọ cho Lê Chất, có nói rằng: “Ấy là vị thánh được khởi tử hồi sinh, tiếc gì mà không làm”. Y là chức biên khổn dám kết đảng tư tình như thế, rất trái với đạo làm tôi, ấy là 6 tội. Vả lại nghe y bình nhật thường khoe chuyện với người ta rằng: y xin được quẻ thẻ có 4 câu thơ:

Tá Hán tranh tiên chư Hán tướng,
Phù Chu tinh hậu thập Chu thần.
Tha niên tái ngộ Trần Kiều sự,
Nhất đán hoàng bào bức thử thân.

DỊCH NÔM

Giúp Hán há thua cùng tướng Hán,
Phò Chu nào kém bọn tôi Chu.
Trần Kiều nếu gặp cơn binh biến,
Mảnh áo hoàng bào dễ ép nhau!

Giá y không phải là người sẵn có bụng bất trung, thì không khi nào dám khoe bài thơ ấy với người ta. Bởi vậy bọn tiêu hạ tập quen thành thói, cho nên thây y chưa lạnh mà đã có việc này. Vậy xin giao cả lời tâu này cho đình thần kết án để chính tội.

Vua ưng cho.

Đến khi nghị án xong, trích ra các lời nói, việc làm bội nghịch, có 7 tội nên trảm:

1. Sai người đi riêng sang Diến Điện, âm kết ngoại giao.

2. Xin giao tàu Anh-cát-lợi đến thành, để tỏ có quyền.

3. Xin giết thị vệ là Trần Văn Tình, để khoá miệng người ta.

4. Kháng sớ xin lưu quan viên bổ đi chỗ khác.

5. Lập đảng mà xin tăng thọ cho Lê Chất.

6. Giấu chứa giấy ngự bảo.

7. Mộ cha, tiếm gọi là lăng, đối với người ta, tự xưng là Cô.

Có hai tội nên giảo: 1. cố xin dung nạp Diến Điện để che chở cái lỗi của mình; 2. nói chuyện với người ta xin được quẻ thẻ có câu thơ hoàng bào.

Một tội nên phát quân: tự tiện sai biền binh tu tạo tàu thuyền.

Sự biến Phiên An, y thực là đầu vạ nên chiếu theo luật mưu phản, khép vào tội lăng trì; song y đã chịu minh tru, vậy xin truy đoạt cáo sắc, bỏ quan quách giết thây, để tỏ gương răn cho người khác. Còn như tằng tổ, tổ phụ của y được phong tặng cáo sắc, thì xin truy đoạt cả; tiên phần có tiếm dụng trái phép nào thì tước huỷ đi; con, cháu, vợ cả, vợ lẽ, đều phân biệt nghị tội; tài sản thì tịch biên hết.

Án ấy đệ lên. Những tội nguyên nghị trảm quyết đổi làm giam hậu, con cháu từ 15 tuổi trở xuống, tạm hãy nghiêm cấm; trẻ thơ ấu không biết gì thì tha không bắt; ba họ phải phát nô cũng đều tha; nguyên nghĩ lục thì cũng thôi.

Lại sai Hình bộ sao bản văn án phát cho Tổng đốc, Tuần phủ các tỉnh, cho cứ ý kiến riêng mà tâu về. Hộ phủ Lạng Bình là Trần Huy Phác xin điều phép tội trảm quyết. Hộ phủ Quảng Yên là Lê Dục Đức xin người nào từ 16 tuổi trở lên đều chém, còn thì đều y như đình nghị. Tổng đốc Bình Phú là Võ Xuân Cẩn, Tổng đốc Ninh Thái là Hoàng Văn Trạm cũng đều xin y đình nghị. Lại nói kèm một câu rằng: hoặc nên lấy công bù tội châm chước ít nhiều thì tự Thiên ân.

Dụ rằng: “Xem vậy thì đủ biết lẽ trời không sai, mà công đạo ở lòng người không ai giấu được. Kẻ quyền gian kia gây vạ, thiên hạ ai ai cũng căm tức, muôn miệng cùng lời, đủ tỏ cái án sắt nghìn xưa. Tội Lê Văn Duyệt nhổ từng cái tóc mà kể cũng không hết, nói ra đau lòng, dù có bổ quan quách mà giết thây cũng là đáng tội. Song nghĩ hắn chết đã lâu, và đã truy đoạt quan tước, xương khô trong mả, không bõ gia hình. Vậy cho Tổng đốc Gia Định đến chỗ mả hắn, sau làm đất phẳng và khắc đá dựng bia ở trên viết cho những chữ “Chỗ này là nơi quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp”, để chính tội danh cho kẻ đã chết, mà tỏ phép nước về đời sau, làm gương cho kẻ quyền gian muôn đời.

Không những Lê Văn Duyệt là hoạ thủ tội khôi, mà tên cháu y là Lê Văn Hán cũng giao thông với giặc, thì thân thuộc phải tội, trong luật đã có điều nói rõ rồi. Song nghĩ nó chẳng qua cuồng dại một lúc, qua lại với giặc mà thôi, sánh với kẻ trước sau theo giặc kháng cự quan quân, hơi có khác nhau. Và đã xử cực hình, cũng đủ tỏ phép nước rồi. Những kẻ thân thuộc khác, khép tội trảm giam hậu, cũng đủ cho nó phục tội. Lời dụ này chuẩn lục tống phát cho mỗi tỉnh một đạo, để cho ai nấy đều biết Triều đình xử rất công, rõ ràng cái cân ba thước mà nghiêm như rìu búa nghìn thu”.

Án Lê Chất. Án Lê Văn Duyệt phát ra năm trước thì năm sau có quan Lại bộ tả thị lang là Lê Bá Tú truy tham những tội bất thần của Lê Chất, có 6 tội nên chết:

1. Chất cùng Duyệt toan mưu làm việc Y, Hoắc (phế lập), bị hai đứa ở nói hở ra ngoài, bèn giết chúng nó để buộc miệng, là một tội.

2. Mấy lần cố xin thưởng cho hoàng tử để làm con nuôi, muốn bắt chước lối cũ của Dương Kiên, là hai tội.

3. Muốn cho con gái chính vị trong cung, không được thoả chí, nói ra những lời oán vọng, là ba tội.

4. Thường nói chuyện với Lê Văn Duyệt rằng: “Người ta thường nói trời, vua và cha mẹ, người làm con, làm tôi dù có điều bất bình, cũng không dám giận, mà một mình tôi dám giận” là bốn tội.

5. Lại nói rằng: “Vua cậy có Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Hữu Thuận phúc tâm, chỉ đem độ vài trăm người vào chầu, quát to một tiếng, bọn ấy cũng phải phục xuống đất, rồi ta muốn làm gì ta làm” là năm tội.

6. Lại nói rằng quốc tính đổi làm tôn thất, đều là bọn Hoài Đức a dua xui giục, nên đem chém ở trước cửa miếu để chính tội, là sáu tội.

Lại có 10 tội tiếm lạm:

1. Khi y ở Bắc thành, đầu năm điểm binh, dám lên lầu Ngũ môn ngồi chính giữa.

2. Đệ niên thuyền tải ngoài bể, y lấy của riêng mà tải vào thuyền công.

3. Cùng với Lê Văn Duyệt dâng biểu từ chức để bắt bí nhà vua.

4. Việc sinh sát dữ đoạt, hay tự tiện.

5. Trái phép, ăn lễ, giàu đến nghìn vạn.

6. Tấu sớ không hợp phép, có chỉ không cho, mà cứ nhất định nộp lại, có Lê Văn Duyệt ngăn đi mới thôi.

7. Nuôi những cung nữ tiên triều, không biết kiêng nể gì.

8. Nơi công sảnh tiếm làm gác chuông, gác trống.

9. Tội án Lê Duy Thanh đã thành, lại còn cùng với Lê Văn Duyệt cố xin nghị lại.

10. Điều bổ cơ binh, phủ binh, xin lấy chức quan văn mà thi hành.

Vậy xin giao cho đình nghị, để chính tội danh làm gương cho kẻ gian trăm đời.

Vua dụ rằng: “Chất, tính vốn sài lang, nết như ma quỉ, làm tôi thì bất trung, bất chính, xử việc thì đại ác đại gian, việc nào cũng càn rỡ, ai là chẳng tức giận, chẳng những là 16 tội mà thôi đâu. Trước kia trẫm nghĩ hắn cùng với Lê Văn Duyệt, dẫu mang lòng bất thần, nhưng người ta không chịu theo, thì chắc không dám gây sự. Vả hắn là nhất phẩm đại thần; dù có mưu gian mà thần dân chưa cáo tố, thì không nỡ bắt tội. Kể đến hắn lại chịu tội minh tru rồi thì lưới trời tưởng cũng không thoát, cho nên cũng chẳng kể làm gì nữa. Nay đã có người tham hạch, vậy thì phải trái cho công, đã có triều đình pháp luật. Chuẩn cho đình thần đem 16 điều tội của hắn mà định rõ tội danh, vợ con cũng án luật mà nghị xử, duy con gái nào đã xuất giá, cùng là cháu trai còn nhỏ thì tha”.

Đình thần nghị rằng: Chất bất pháp bất trung, đại gian đại ác, có 6 tội nên lăng trì, 8 tội nên trảm, 2 tội nên giảo. Những tội phạm phận, âm mưu điều bất quĩ, thì khép vào tội bạn nghịch mà xử lăng trì. Song y đã chịu tội minh tru, vậy xin truy đoạt cáo sắc, bổ áo quan, lục thây, khiêu thủ để thị giới. Còn cáo sắc phong cho cha mẹ y, cũng xin truy đoạt; vợ là Lê Thị Sai từng đồng mưu bạn với chồng, nghĩ trảm lập quyết. Lại phát cho các Tổng đốc, Tuần phủ, mỗi nơi một đạo văn án, để cho đem ý riêng bày tỏ tâu về, cho công lòng chúng. Các địa phương tâu về, đều xin y đình nghị.

Ngài dụ rằng: “Như vậy đủ rõ lẽ trời ở tại lòng người, công luận không bao giờ mất. Kẻ gian thần chứa vạ, muôn miêng cùng một lời, đủ làm án sắt thiên cổ. Vả Lê Chất cùng với Lê Văn Duyệt, dựa nhau làm gian, tội ác đầy chứa, nhổ từng cái tóc mà tính cũng không hết, giả thử bổ áo quan giết thây, cũng không là quá. Song lại nghĩ Chất tội cũng như Duyệt, trước kia Duyệt đã không bổ áo quan giết tjây, thì nắm xương khô của Chất nay cũng chẳng màng bắt tội. Vậy cho Tổng đốc Bình Phú Võ Xuân Cẩn san phẳng mộ của hắn, khắc bia dựng lên trên đề to mấy chữ “Chỗ này là nơi Lê Chất phục pháp” để làm gương cho kẻ gian tặc muôn đời. Còn vợ hắn là Lê Thị Sai cùng ở một nhà, dự biết mưu bạn nghịch, xử vào cực hình, cũng là phải, song kẻ đàn bà chẳng cần vội vàng chính pháp. Vậy Lê Thị Sai cùng con là Lê Cẩn, Lê Trương, Lê Thường, Lê Kỵ, đều cải làm trảm giam hậu. Lại tịch biên gia sản, được hơn 12.000 quan tiền, giao tỉnh chứa cả vào kho. (Đến năm Tự Đức nguyên niên (1847) quan Đông các Đại học sĩ là Võ Xuân Cẩn làm sớ tâu xin gia ân cho con cháu Nguyễn Văn Thành. Trong bài sớ có lắm câu thảm thiết. Có chỗ nói rằng: “Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt và Lê Chất đều có lòng theo mây đợi gió, xong pha chỗ mũi tên hòn đạn, thân làm đại tướng, tước đến Quận công, sau hoặc vì con dại, hoặc vì cậy công mà làm thành tội... Dù bọn Nguyễn Văn Thành có tội, thì tội đã trị rồi, mà công thì không hỏi đến, chẳng hoá ra đem cái công lao bách chiến mà để đến nỗi cái tàn hồn phải bơ vơ như ma trời ngoài đồng, khác nào quỉ Mạc Ngao không ai thờ cúng không?” Vua Dực tông xem bài sớ ấy lấy làm cảm động bèn truy phong cho bọn Nguyễn Văn Thành, và cấp phẩm hàm cho các con cháu).

(Xem tiếp kỳ sau)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang