21/12/2005 04:45:38 PM
Cận kim thời đại – Nhà Nguyễn. Chương III. Thánh Tổ (Phần 1)

(Tiếp theo kỳ trước)

QUYỂN V
CẬN KIM THỜI ĐẠI

NHÀ NGUYỄN
(1802 – 1945) 

CHƯƠNG III
THÁNH TỔ
(1820 - 1840)

1. SỰ GIẶC GIÃ. Vua Thánh tổ thật là hết lòng lo việc chính trị, điều gì ngài cũng xem xét đến, việc gì ngài cũng sửa sang lại, có ý muốn cho nước thịnh dân giàu, nhưng phải mấy năm về sau, trong nước có lắm giặc giã, quan quân phải chinh nam phạt bắc, phải đánh Tiêm, dẹp Lào, thành ra dân sự không được yên nghiệp mà làng ăn.

Xét sự giặc giã về đời vua Thánh tổ là do ở ba lẽ cốt yếu:

Một là khi nhà Nguyễn thất thế ở Nam, quân họ Trịnh thua ở Bắc, nhà Nguyễn Tây Sơn còn phải lo việc trong nước, lúc bấy giờ nước Tiêm La nhân lấy dịp ấy mà giữ quyền bảo hộ nước Chân Lạp và hiếp chế các nước ở đất Lào. Đến khi vua Thế tổ nhất thống nam bắc, thanh thế lừng lẫy, nước Chân Lạp lại xin về thần phục nước Nam, và các nước Ai Lao, Vạn Tượng, đều sang triều cống nhà Nguyễn. Từ đó nước Tiêm La đối với nước Nam, bề ngoài tuy không ra mặt cừu địch, nhưng bề trong chỉ tìm cách mà sinh sự để cướp lại cái quyền bảo hộ ở Chân Lạp và ở các nước Lào. Bởi vậy cho nên về phía tây và phía nam bao giờ cũng có giặc Tiêm và giặc Lào quấy nhiễu mãi.

Hai là ở Bắc kỳ tuy đã là thống thuộc về nhà Nguyễn rồi, nhưng còn có người mong nhớ nhà Lê, thỉnh thoảng lại có nơi nổi lên, hoặc muốn khôi phục cho nhà Lê, hoặc để chống cự với quan nhà Nguyễn, bởi thế cho nên ở đất Bắc cứ phải loạn lạc luôn.

Ba là quan lại hay nhũng nhiễu, làm cho lòng người không được thỏa thuận, và trong đám quan trường thường hay có thói bới móc nhau để tâng công tâng cán. Nhà vua lại có tính hẹp hòi, không bao dung cho những kẻ công thần, hay tìm chuyện làm uất ức mọi người, mà ở với thần dân thì nghiêm khắc quá, cho nên mới thành ra nhiều sự rối loạn.

Bởi những lẽ ấy, cho nên ở ngoài thì có giặc Tiêm đánh phá, ở trong thì có ngụy Khôi dấy loạn ở phía nam. Lê Duy Lương và Nông Văn Vân dấy binh ở phía Bắc. Lúc bấy giờ cũng nhờ có tôi hiền tướng giỏi như Trương Minh Giảng, Tạ Quang Cự, Lê Văn Đức, Nguyễn Công Trứv... đều ra công đánh dẹp, cho nên không những là giặc trong nước dẹp yên được, mà lại thêm được bờ cõi rộng rãi hơn cả những đời trước.

2. GIẶC Ở BẮC KỲ. Sự giặc giã ở đất Bấc thì từ năm Minh Mệnh thứ hai (1822) trở đi, thỉnh thoảng ở các trấn vẫn có những giặc cỏ quấy nhiễu ở các châu huyện. Còn những giặc có thanh thế to mà quan quân phải đánh dẹp khó nhọc, thì có Phan Bá Vành khởi ở Nam Định, Lệ Duy Lương khởi ở Ninh Bình và Nông Văn Vân khởi ở Tuyên Quang.

3. PHAN BÁ VÀNH. Năm Minh Mệnh thứ 7 (1826), ở Nam Định có Võ Đức Cát cùng với Phan Bá Vành và Nguyễn Hạnh khởi binh đánh phủ Trà Lý và Lân Hải, giết quan thủ ngự là Đặng Đình Miễn  và Nguyễn Trung Diễn. Quan trấn thủ ở Nam Định là Lê Mậu Cúc đem quân xuống đánh, cũng bị giặc giết mất. Quan quân ở các trấn phải về tiễu trừ, bắt được tên Võ Đức Cát. Còn tên Vành và dư đảng chạy tan cả. Nhưng đến tháng chạp năm ấy, Phan Bá Vành và Nguyễn Hạnh lại thông với đảng giặc Khách đi cướp ở ngoài bể, rồi lại đem quân về đánh phá ở huyện Tiên Minh và huyện Nghi Dương ở Hải Dương.

Nhà vua thấy thế giặc to lắn, bèn sai quan Tham biện Thanh Hóa là Nguyễn Công Trứ, quan Tham biện Nghệ An là Nguyễn Đức Nhuận đem binh thuyền ở Thanh, Nghệ ra cùng với quan Hiệp trấn Bắc thành là Nguyễn Hữu Thận đi đánh giặc.  

Tháng giêng năm Đinh Hợi (1827) là năm Minh Mệnh thứ 8, Vành lại về đánh lấy phủ Thiên Trường và phủ Kiến Xương, sau lại về vây quan quân ở chợ Quán. Phạm Văn Lý và Nguyễn Công Trứ đem quân đến đánh giải vây, Vành thua chạy về giữ Trà Lũ. Quan quân vây đánh, bắt được Vành và cả đảng hơn 765 người.

4. LÊ DUY LƯƠNG. Khi dẹp xong giặc Vành thì trong xứ yên được một độ, nhưng còn có dòng dõi nhà Lê  muốn khôi phục nghiệp cũ, bởi vậy đến tháng ba năm Quí Tị (1833) là năm Minh Mệnh thứ 14, ở Ninh Bình có Lê Duy Lương, là con cháu nhà Lê nổi lên, xưng là Đại Lê Hoàng tôn, cùng với bọn thổ ti là Quách Tất Công, Quách Tất Tế, Đinh Thế Đức, Đinh Công Trịnh, đem binh đi đánh phá các phủ huyện và chiếm giữ được 3 châu huyện là Lạc Thổ, Phụng Hóa và Yên Hóa. Lê Duy Lương lại sai quân đến vây đánh thành Hưng Hóa nguy cấp lắm.   

Vua Thánh tổ sai quan Tổng đốc Nghệ Tĩnh là Tạ Quang Cự đem quân ra Ninh Bình cùng Tổng đốc Thanh Hóa là Nguyễn Văn Trọng đi đánh Lê Duy Lương.

Lê Duy Lương ở Ninh Bình thế cô lắm, chống không nổi mấy đạo quan quân, chỉ đương được vài ba tháng thì bị bắt, đóng cũi giải về Kinh trị tội. Còn bọn Quách Tất Tế thì chẳng bao lâu mà tan.

Vì có chuyện Lê Duy Lương dấy binh, cho nên nhà vua truyền bắt dòng dõi nhà Lê đem đày vào ở Quảng Nam, Quảng Nghĩa, Bình Định, cứ chia cho 15 người ở một huyện và phát cho 10 qua tiền và 2 mẫu ruộng để làm ăn.

(Xem tiếp kỳ sau)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang