28/09/2005 07:29:10 PM
Cận kim thời đại – Nhà Nguyễn. Chương I. Thế Tổ (Phần 1)

(Tiếp theo kỳ trước)

QUYỂN V
CẬN KIM THỜI ĐẠI

NHÀ NGUYỄN
(1802 – 1945)

CHƯƠNG l
THẾ TỔ
(1802 – 1819)
Niên hiệu: Gia Long

1. THẾ TỔ XƯNG ĐẾ HIỆU. Thế Tổ khởi binh chống nhau với Tây Sơn ở đất Gia Định từ năm Mậu Tuất (1778), kể vừa 24 năm, mới dứt được nhà Tây Sơn, thu phục được giang sơn cũ của chúa Nguyễn khi xưa và họp cả nam bắc lại làm một mối. Khi việc đánh dẹp xong rồi, ngài xưng đế hiệu, đặt quốc hiệu là Việt Nam, đóng kinh đô ở Phú Xuân, tức là thành Huế bây giờ.

Khi vua Thế Tổ lấy được Bắc Hà rồi, ngài xuống chỉ tha cho dân một vụ thuế, và thăng thưởng cho các tướng sĩ. Ngài lại phong tước cho con cháu nhà Lê, nhà Trịnh, cấp cho ruộng đất và trừ giao dịch cho dòng dõi hai họ ấy để giữ việc thờ phụng tổ tiên.

Đoạn rồi, ngài đổi Bắc Hà là Bắc Thành, đặt quan tổng trấn, triệu Nguyễn Văn Thành ở Qui Nhơn ra sung chức ấy, để coi mọi việc. Lại đặt ra tam tào là tào Hộ, tào Binh, tào Hình, sai Nguyễn Văn Khiêm, Đặng Trần Thường và Phạm Văn Đăng ra coi các tào ấy, để giúp Nguyễn Văn Thành.

Đến tháng bảy năm Nhâm Tuất (1802), Thế Tổ về Kinh, đem vua tôi nhà Tây Sơn về làm lễ hiến phù ở đền Thái miếu, rồi đem ra tận pháp trường xử trị. Lại sai quật mả vua Thái Đức Nguyễn Nhạc và vua Thái Tổ Nguyễn Huệ lên, đem vứt thây đi, còn đầu thì đem bỏ giam ở trong ngục tối.

Những bọn văn thần nhà Tây Sơn như Ngô Thời Nhiệm, Phan Huy Ích ra hàng, đem nọc ra đánh ở trước Văn Miếu, rồi tha cho về. Lúc bấy giờ có Ngô Thời Nhiệm vì trước có hiềm với Đặng Trần Thường, cho nên đến khi đánh ở Văn Miếu, Đặng Trần Thường sai người đánh chết.

Vua Thế Tổ định tội, thưởng công xong rồi, lo sửa sang mọi việc; làm đền Cần Chính để lập thường triều, đền Thái Hoà để lập đại triều; lại sai quân dân xây thành kinh đô và hoàng thành cùng các thành trì ở ngoài các doanh trấn.

Tuy rằng ngài đã đặt niên hiệu, lên ngôi tôn từ năm Nhâm Tuất (1802), nhưng mà đến năm Giáp Tí (1804), tức là Gia Long tam niên, vua nhà Thanh mới sai sứ sang phong vương, và đến năm Bính Dần (1806),ngài mới làm lễ xưng đế hiệu ở đền Thái Hoà. Định triều nghi, cứ ngày rằm và ngày mồng một thiết đại triều; ngày mồng 5, mồng 10, 20 và 25 thì thiết tiểu triều.

Lúc ngài đánh xong Tây Sơn, thì chính trị trong nước đổ nát, phong tục huỷ hoại, việc gì cũng cần sửa sang lại. Bởi vậy ở trong thì ngài chỉnh đốn pháp luật, và mọi việc cai trị cùng là sửa sang phong tục, cấm dân gian không cho lấy việc thần phật mà bày ra rượu chè ăn uống, nghiêm dụ quan lại không được sinh sự nhiệu dân. Ở ngoài thì ngài lo sự giao hiếu với nước Tàu, nước Tiêm, nước Chân Lạp, khiến cho nước Việt Nam lúc bấy giờ trong ngoài đều được yên trị.

2. VIỆC TRIỀU CHÍNH. Ở trong cung, nhà vua không đặt ngôi Hoàng hậu, chỉ có ngôi Hoàng phi và các cung tần. Sau khi vua mất, thì tự quân lên ngôi, mới tôn mẹ lên làm Hoàng thái hậu.

Quan lại trong Triều đại khái theo chế độ nhà Lê, nhưng bỏ chức Tham tụng và Bồi tụng tức là chức tể tướng đời xưa. Mọi việc đều do Lục bộ chủ trương hết cả. Mỗi bộ có quan Thượng thư làm đầu, quan tả hữu tham tri, tả hữu thị lang, cùng các thuộc viên như là lang trung, viên ngoại lang,chủ sự và bát cửu phẩm thơ lại...

Bộ Lại coi việc thuyên bổ quan văn, ban thưởng phẩm cấp khảo xét công trạng, phong tặng tước ấm, thảo những tờ chiếu sắc cáo mệnh và làm những số các hoàng quan lại...

Bộ Hộ coi việc đinh điền thuế má, tiền bạc chuyển thông, kho tàng chứa chất, hoá vật đắt rẻ...

Bộ Lễ coi việc triều hội, khánh hạ, tế tự, tôn phong, cùng là cách thức học hành thi cử, tinh biểu cho người sống lâu, người có tiết nghĩa, phong thuỵ cho các thân nhân...

Bộ Binh coi việc thuyên bổ võ chức, giảng duyệt quân lính, sai khiến quân đi thú hoặc đi đánh dẹp, kén chọn binh đinh, xét người có công người có lỗi về việc binh.

Bộ Hình coi việc hình danh pháp luật, tra nghĩ dâng tấu, duyệt lại những tội nặng án ngờ, xét kỹ những tù giam ngục cấm.

Bộ Công coi việc làm cung điện, dinh thự, xây thành, đào tạo, tu tạo tàu bè, đặt làm kiểu mẫu, thuê thợ thuyền, mua vật liệu...

Ngoài lục bộ lại có Đô sát viện để giữ việc can gián vua, và đàn hạch các quan. Cấp sự trung các khoa và giám sát ngự sử các đạo, đều thống thuộc về viện ấy. Trong viện có tả hữu đô ngự sử và tả hữu phó đô ngự sử đứng đầu.

Bấy giờ vua Thế Tổ lại đặt ra Tào chính để coi việc vận tải cùng là thuế má tàu bè. Có quan Tào chính sứ và Tào phó sứ làm đầu.

Các địa phương thì lúc bấy giờ từ nam chí bắc chia ra làm 23 trấn và 4 doanh. Từ Thanh Hoá ngoại (tức là Ninh Bình bây giờ) trở ra, gọi là Bắc thành, thống cả 11 trấn, chia ra làm 5 nội trấn: Sơn Nam thượng, Sơn Nam hạ, Tây Sơn, Kinh Bắc và Hải Dương; 6 ngoại trấn: Tuyên Quang, Huưg Hoá, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Yên. Từ Bình Thuận trở vào gọi là Gia Định thành, thống cả 5 trấn: Phiên An (địa hạt Gia Định), Biên Hoà, Vĩnh Thanh (tức là Vĩnh Long và An Giang), Vĩnh Tường và Hà Tiên.

Còn ở quãng giữa nước, thì đặt Thanh Hoá trấn (gồm cả Thanh Hoá nội, Thanh Hoá ngoại), Nghệ An trấn, Quảng Nghĩa trấn, Bình Định trấn, Phú Yên trấn, Bình Hoà trấn (tức là Khánh Hoà) và Bình Thuận trấn, Đất Kinh kỳ thống bốn doanh là: Trực lệ Quảng Đức doanh (tức là Thừa Thiên bây giờ), Quảng trị doanh, Quảng Bình doanh, Quảng Nam doanh.

Ở Bắc thành và Gia Định thành đều đặt chức tổng trấn và phó tổng trấn, để coi mọi việc. Ở các trấn thì đặt quan lưu trấn hay là quan trấn thủ, quan cai bạ và quan ký lục để coi việc cai trị trong trấn.

Trấn lại chia ra phủ, huyện, châu, đặt chức tri phủ, tri huyện, tri châu để coi việc cai trị.

Những trấn ở Nghệ An, Thanh Hoá và 5 nội trấn ở Bắc thành, thì dùng những quan cựu thần nhà Lê làm quan cai trị. Còn 6 ngoại trấn ở Bắc thành, thì giao quyền cai trị cho những thổ hào sở tại.

(Xem tiếp kỳ sau)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang