07/02/2013 09:34:44 AM
Vài suy ngẫm về dòng chảy kiều hối trong kinh tế Việt Nam

Nhìn lại những năm qua, chính sách của Nhà nước đối với bà con kiều bào đã và đang có nhiều sự thay đổi đáng quí và đáng trân trọng. Đặc biệt từ năm 2004, sau khi Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị ra đời đã khẳng định chính sách mới đối với người xa xứ.

Đóng góp vào thành công này có một phần rất quan trọng của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài qua nhiều thời kỳ. Đặc biệt, trong thời gian qua, lãnh đạo và cán bộ nhân viên của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài kết hợp với hệ thống tuyên truyền của báo chí, truyền hình và tạp chí Quê Hương cũng góp phần không nhỏ kết nối bà con kiều bào gần hơn, khăng khít hơn với Tổ quốc.

Những sự thay đổi lớn lao đó đã thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội đối với những người Việt xa Tổ quốc vì nhiều lý do khác nhau. Đây cũng là cách nhìn mang tính nhân văn cao hơn, với tôn chỉ “Hòa hợp – Yêu thương – Đoàn kết”.

Nhớ lại thời kỳ đầu giành độc lập dân tộc, trong muôn vàn khó khăn khi chính quyền cách mạng còn non trẻ, thù trong giặc ngoài và bề bộn công việc của một Nhà nước mới chập chững trên con đường kiến quốc, Bác Hồ đã biết sử dụng mọi tầng lớp trong cộng đồng dân tộc để hội tụ, phát triển với mục đích cao cả là kiến quốc. Sức mạnh ấy đã lan tỏa và cho mãi mai sau cháu con học tập.

Năm 2012, kiều hối đạt khoảng 10 tỷ đô la Mỹ 

Đứng trên góc độ khách quan để nhìn nhận, chúng ta thấy rằng chính sách đã thay đổi, phù hợp hơn và tốt hơn sau những năm 2000, nhưng chưa theo kịp thực tế và yêu cầu của một đất nước cần thiết phải có sự triển khai chính sách đại đoàn kết, hòa hợp, hòa giải dân tộc một cách sâu rộng hơn nữa để hoàn toàn khép lại quá khứ, cùng nhau hướng tới tương lai. Muốn xóa bỏ những thành kiến và rào cản còn rơi rớt đây đó để huy động nguồn lực kiều bào trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì Nhà nước cần phải có những điều kiện cần và đủ cho bà con kiều bào hoàn toàn tin tưởng khi mang tiền của, trí tuệ về với quê hương. Một điều đáng suy ngẫm là khung pháp lý cũng như những chủ trương, chính sách lớn tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào về nước đầu tư kinh doanh đã khá đầy đủ, nhưng việc thực hiện tại các địa phương còn chậm, chưa đồng bộ theo kiểu “trên thoáng, dưới chưa thông”. Thêm vào đó, một số thủ tục hành chính còn rườm rà, phiền nhiễu khiến bà con kiều bào về nước kinh doanh nhiều khi nản lỏng.

Hãy nhìn lại gần 10 năm qua, dòng chảy kiều hối đang luân chuyển trong nền kinh tế Việt Nam tương đương với 10% GDP của nước nhà. Mỗi năm qua đi dòng kiều hối lại tăng thêm mặc dù kinh tế Việt Nam và thế giới khó khăn thêm. Lấy 3 năm gần nhất để so sánh, vào cuối năm 2010 kiều hối đạt gần 8,4 tỷ đô la Mỹ, năm 2011 dòng tiền này chạm ngưỡng hơn 9 tỷ đô la Mỹ, đặc biệt năm 2012 kinh tế Việt Nam và kinh tế toàn cầu vẫn phải đương đầu với nhiều khó khăn chồng chất, nhưng dòng kiều hối chảy vào nền kinh tế Việt Nam có thể đạt mức mới 10 tỷ đô la Mỹ. Thực tế này đã minh chứng một điều, dòng tiền này có vai trò rất quan trọng góp phần khơi thông, tạo thêm nguồn lực cho thị trường Việt Nam, hỗ trợ đáng kể cho cán cân thanh khoản quốc tế mà chúng ta đang mắc kẹt. Không những thế, dòng kiều hối này là một thành tố chính của chất xúc tác mạnh giúp khơi thông cục máu đông đang làm tắc nghẽn dòng chảy của nền kinh tế Việt Nam sau khi xẩy ra các vụ việc bê bối của một số ngân hàng và tập đoàn kinh tế làm ăn thua lỗ trầm trọng gây hậu quả xấu cho kinh tế Việt Nam trong  thời gian qua.

Cho đến nay, có khoảng 3.546 dự án đầu tư của kiều bào với tổng số vốn đạt khoảng 8,4 tỷ đô la Mỹ. Nhiều doanh nghiệp đã trở thành thương hiệu lớn tại Việt Nam và vươn tầm ra khu vực và thế giới. Từ những doanh nghiệp này đã tạo ra hàng ngàn vạn công ăn việc làm cho người lao động và góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy nền kinh tế trong nước phát triển, hội nhập sâu rộng với thị trường quốc tế.

Đội ngũ trí thức đã và đang tìm về quê hương để mang kinh nghiệm, hiểu biết về khoa học kỹ thuật và quản trị kinh doanh trong nhiều lĩnh vực mà Việt Nam còn non yếu hoặc thiếu để trao đổi, giảng dạy và truyền tải lại cho lớp người kế cận phát huy và ứng dụng.

Hãy nhìn một vài quốc gia xung quanh chúng ta như Malaysia, Philippine để tham khảo và học hỏi chính sách với kiều dân của họ, đặc biệt là trên lĩnh vực xuất khẩu lao động. Họ đào tạo dạy nghề chuyên sâu, bài bản và có trách nhiệm cao để người lao động nước mình hội nhập nhanh chóng vào các nước, kể cả các nước phát triển.

Trong năm 2012, khoảng 80% lượng kiều hối của Philippine có nguồn gốc từ 7 nước Mỹ, Canada, Tiểu Vương quốc A-rập thống nhất (UAE), A-rập Xê-út, Singapore và Nhật Bản. Ở các quốc gia này, người lao động Philippine đã đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của người tuyển dụng. Họ đã làm tốt các công việc của giới chủ yêu cầu và được hưởng mức lương xứng đáng. Năm 2010, ước tính Philippine có hơn 9,5 triệu người đang lao động hoặc sinh sống tại nước ngoài và mỗi năm có khoảng hơn 1 triệu người ra nước ngoài làm việc.

Lượng kiều hối của Philippine năm 2011 là hơn 20 tỷ USD (tăng hơn 7% so với năm 2010), năm 2012 lên đến 24 tỷ USD, chỉ đứng sau Ấn Độ, Trung Quốc và Mexico. Nguồn kiều hối đổ về mạnh cộng với việc ngày càng nhiều các công ty nước ngoài thuê lao động người Philippine đã giúp nước này giữ được sự ổn định trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn. Nổi bật là trong quý đầu của năm 2012, kinh tế Philippine lại đạt mức tăng nhanh nhất kể từ năm 2010, tăng 6,4%, vượt xa so với dự báo là 3,5% từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Trong khi đó, Malaysia có khoảng hơn 1 triệu kiều dân ở nước ngoài, tập trung tại Úc, Brunei, Mỹ, Anh, Canada và Singapore. Đa phần họ có chuyên môn cao và làm việc trong các lĩnh vực như ngân hàng, xây dựng, kỹ sư, y dược, luật, công nghệ thông tin và viễn thông, nghiên cứu viên tại các Trường Đại học…

Một cách khác, theo đánh giá chủ quan của chúng ta về người lao động Việt Nam là cần cù, chịu khó và năng động, vậy tại sao chúng ta không thâm nhập được vào thị trường có mức lương cao và chế độ làm việc tốt hơn tại các nước phát triển như Mỹ, Canada, Anh, Úc, Nhật Bản… mà lại đi làm thuê cho những người làm thuê như Malaysia với mức lương từ 400 - 500 USD là đã thấy hạnh phúc. Một bài toán cần có lời giải từ các cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng đào tạo và cách tiếp cận thị trường lao động thế giới.

Bên cạnh đó, có một vấn đề đặt ra là cần xóa bỏ triệt để những thành kiến còn rơi rớt trong tư duy cũng như trong nhận thức đối với kiều bào, đồng thời thấu hiểu “chân tơ, kẽ tóc”  mong muốn của bà con kiều bào muốn được đối xử bình đẳng như người trong nước, có như vậy những chính sách rộng mở dành cho kiều bào mới thực sự đi vào cuộc sống một cách rộng khắp. Khi đâu đó còn vương vấn một điều gì đó nghi kỵ thì chắc rằng chúng ta không thể phát huy được hết sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.

Để kêu gọi và khuyến khích bà con kiều bào mang tâm huyết, chất xám và không quản ngại khó khăn về chung tay, góp sức cho Tổ quốc thì đầu tiên nên xóa bỏ nếp nghĩ lạc hậu của một số người cho rằng kiều bào là những người có đời sống sung túc hơn trong nước, vì vậy chỉ nghĩ đến kêu gọi “nghĩa vụ đóng góp” và chú trọng khía cạnh “khai thác”. Thay vào đó, nên thường xuyên trăn trở với câu hỏi: chúng ta đã làm được gì cho bà con kiều bào khi họ về Việt Nam và đang sinh sống xa quê hương theo đúng tinh thần tư duy đổi mới của Nghị quyết 36.

Khi những rào cản trên được phá bỏ và có sự đổi mới tư duy từ những người tham mưu và thực hiện chính sách đối với kiều bào, chắc chắn kiều bào sẽ có đóng góp xứng đáng trong sự vươn lên của Việt Nam để không thua kém bất cứ một quốc gia nào trong khu vực và thế giới. Mong lắm thay điều đó sẽ sớm đến với chúng ta.

Nguyễn Hoài Bắc (Canada)

 

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Tết quê hương đầu tiên sau những năm xa xứ (07/02/2013)
  • Quảng bá nền văn hóa dân tộc Việt Nam ở LB Nga: Nhu cầu cấp bách (21/11/2012)
  • Chiều Chủ nhật tại nhà nguyên Chủ tịch nước (18/10/2012)
  • "Sang thăm nước Nga thay cho con gái" (16/10/2012)
  • Nhớ những mùa trung thu (02/10/2012)
  • Quê hương mỗi người chỉ một…!!! (26/09/2012)
  • Cùng đất nước nhìn lại và hướng tới (26/09/2012)
  • Tâm tư người con ở xa quê hương (24/09/2012)
  • Trở về (24/09/2012)
  • Cảm xúc Trại hè 2012: “Từ Bắc vô Nam” (16/08/2012)
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Khoảnh khắc giao mùa
Áo dài Việt Nam đến với bạn bè quốc tế
Hành trình của ra đi và trở về nguồn cội
Hai quốc tịch – những vấn đề Chính trị và Pháp lý (Phần Hai)
Lễ hội Đền Hùng - những cảm xúc đọng lại
Tiếng lòng người xa xứ trong đêm thơ Nguyên Tiêu Berlin
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Vài ý kiến về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Đề xuất một số bước xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam
Hoàn thành cơ sở dữ liệu dân cư để phát triển nền kinh tế số
Giữ tiếng Việt cho con
Những sứ giả của biển đảo quê hương
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang