26/09/2012 03:17:00 PM
Quê hương mỗi người chỉ một…!!!

“Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi….”. Câu hát ngân lên giữa đêm khuya thanh vắng xứ người khiến tâm hồn tôi xao động. Bên ngoài song cửa, những cây bạch dương lá đã ngả màu vàng, báo hiệu mùa Thu sắp đến.


Mùa này ở Việt Nam, hương ổi, hương cốm đã theo gió heo may bay vào không gian, nhắc nhở bọn trẻ sắp đến mùa khai giảng. Có lẽ chỉ có những người xa quê mới lưu giữ nhiều kí ức về quê hương đến như vậy, để mỗi khi có dịp, kí ức lại ùa về… Giờ đây, tôi như đang được sống lại thời thơ ấu của mình, bên tai như văng vẳng lời hát ru ngọt ngào của mẹ. Tôi nhớ về triền đê sông Cầu thoai thoải, nơi lũ trẻ chúng tôi vừa chăn trâu, thả diều rồi cùng tắm mình trong dòng nước mát. Nhớ những ngày hội làng, tiếng trống vật rộn rã, các “liền anh” áo the khăn xếp, các “liền chị” xúng xính áo mớ ba, mớ bẩy, miệng luôn cười tươi như hoa, mắt e lệ liếc nhìn, và không gian ngập tràn các làn điệu quan họ ngân vang, sâu lắng. Nhớ ngày tết lon ton theo mẹ đi chợ quê, ngồi gốc đa trông quang gánh thôi mà cũng thấy háo hức lạ thường. 

Mấy chục năm xa quê, sống giữa trời “Tây” xa hoa, tráng lệ, tưởng đã quen với xe hơi, nhà lầu, máy lạnh, bánh mì, bơ sữa… Thế nhưng những lúc cô đơn, sao thấy thèm một làn gió mát đêm trăng trên cánh đồng lúa đang thì con gái đến nao lòng, thèm được thả hồn theo tiếng sáo diều vi vu, thèm được ngắm đàn trâu nhởn nhơ gặm cỏ bên triền sông Cầu yên bình, thèm được ngửi mùi khoai lang nướng vùi trong đống tro rơm đượm hồng đến thế! Đúng là chỉ có đi xa mới thấy nhớ, thấy thương, yêu quê hương biết dường nào – đó là nơi sưởi ấm tâm hồn của những người con trong bão tuyết lạnh giá, trong những đêm Giao thừa ngập trong tuyết rơi. Cuộc sống cứ thế - vẫn hối hả trôi đi từng ngày, không đợi chờ, không yên ả. Nhịp sống ở một thành phố công nghiệp của Nga càng vội vã hơn, giữa dòng người xa lạ đó, ánh mắt lúc nào cũng muốn được nhìn thấy người quen, được nghe thấy tiếng cười, giọng nói của đồng hương mình. Ở xứ Bạch Dương, tìm mãi chẳng thấy được một nét tương đồng với quê nhà, con người, cảnh vật, nét ăn, nét ở, phong tục, tập quán… Bởi vậy, nỗi nhớ quê hương càng thêm da diết.

***

Những năm 90 của thế kỉ trước, khi truyền thông còn chưa phát triển, chưa có điện thoại di động, không internet, muốn gọi điện về Việt Nam còn phải xếp hàng chờ ở bưu điện... Bố mẹ, anh chị, gia đình và quê hương lúc ấy thật xa xôi, cách trở. Tôi còn nhớ, đêm 30 Tết năm 1992, tôi cùng nhóm bạn đang ở thủ đô An-ma-a-ta của nước Cộng hoà Ka-zắc-xtan, ngoài trời tuyết rơi trắng xoá, nhớ Tết quê đến cồn cào gan ruột. Anh bạn cùng đoàn hí hoáy dò tìm sóng radio và thật kì diệu, một giọng ngâm thơ ngọt ngào ngân lên, cả mấy anh em lặng người trong chốc lát, nước mắt rưng rưng rồi oà lên sung sướng, hét lên ầm ĩ khiến chủ nhà không khỏi ngạc nhiên.

Gần đây, truyền thông trong nước phát triển mạnh, tuy ở xa quê hàng vạn cây số nhưng được đọc báo, xem vô tuyến cập nhật hàng ngày, hàng giờ chúng tôi như được sống cùng nhịp sống với quê nhà. Nhớ trận chung kết bóng đá giữa Việt Nam và Thái Lan, bà con bỏ cả công việc ở nhà để xem trực tiếp và cổ vũ trên kênh VTV4. Đọc tin Giáo sư Ngô Bảo Châu được nhận giải thưởng Fields ai cũng vui…  Rồi mỗi khi có tin quê hương bị lũ lụt, thiên tai, ai cũng buồn, cũng thương, cũng muốn được chia sẻ khó khăn với những vùng quê đang gặp nạn. Và gần đây, tình hình “Biển Đông” luôn là đề tài được bà con quan tâm, được bàn luận sôi nổi và say sưa trong cộng đồng mỗi khi có tin tức về vùng biển thân yêu của Tổ quốc.

Người Việt mình là như vậy, nhất là người xa quê, ai cũng quan tâm và luôn mong nhận được những tin tốt lành từ quê hương. Thế nhưng, cuộc sống không phải lúc nào cũng chỉ có màu hồng. Thời gian gần đây, vì mải chạy theo thị hiếu của một bộ phận bạn đọc, một số tờ báo mạng ở trong nước khai thác nhiều các tin “giật gân” câu khách. Đọc các bài báo với những cái tít nghe rợn người ấy, những người con xa quê cảm thấy rất buồn, lòng trĩu nặng, tâm hồn trống trải…

Thời buổi kinh tế thị trường lấy khuyến khích cá nhân, khuyến khích vật chất làm động lực phát triển rất dễ đưa cả thế hệ theo chiều hướng coi trọng vật chất hơn tình nghĩa, coi trọng cá nhân hơn cộng đồng.  Nhiều nơi trên thế giới luôn xảy ra khủng bố, chiến tranh, nội chiến liên miên…  Nhưng tôi tin, với một đất nước giàu bản sắc dân tộc, một đất nước có lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, luôn chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược… một đất nước như vậy, không dễ gì “trôi” theo dòng xoáy tiêu cực đang là một trào lưu trên thế giới.

Ngày Giỗ Tổ Vua Hùng năm ngoái, tôi về nước được tham dự cùng Đoàn kiều bào về dâng hương tiên tổ do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức. Trên dãy núi Nghĩa Lĩnh, hàng vạn người con đất Việt từ khắp nơi trên thế giới, khắp các vùng miền Tổ quốc trở về thành kính dâng hương. Có những bác nông dân từ Thái Bình, Nam Định trải chiếu nằm ngủ trong rừng để chờ được dâng hương ngày đại lễ. Nhiều đoàn từ Đồng Tháp, Bến Tre đi mấy ngày trời mới ra tới nơi để kịp ngày giỗ. Đó chẳng phải là bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam đó sao. Tôi nhớ lại dịp kỉ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, lần đầu tiên kiều bào trên khắp thế giới được tham gia đoàn diễu hành ở Quảng trường Ba Đình. Chúng tôi xúc động nghẹn ngào khi được sống trong không khí trọng đại của ngày hội lớn, được gặp gỡ đại diện của 54 dân tộc anh em sặc sỡ sắc màu, được giao lưu cùng đại diện khối công-nông-binh, trí thức, cựu chiến binh, thanh niên, thiếu niên, đại diện các tôn giáo… Muôn họ một nhà, nụ cười luôn rạng rỡ trên môi, ai cũng thấy vui, thấy mình như đang được sống trong cùng một gia đình, thật hạnh phúc.

Trở lại quê hương sau bao năm xa cách, thấy mọi thứ thay đổi nhanh tới mức chóng mặt, đường cao tốc nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh thành được xây dựng hiện đại, to, đẹp thay cho những con đường nhỏ, hẹp, gập ghềnh của hơn chục năm về trước. Gần 20 năm trước, quê tôi vẫn còn nhà tranh, vách đất, tối tăm, lầy lội thì giờ đây, đường bê tông trải khắp xóm làng, nhà cao, cổng kín, vô tuyến, tủ lạnh, máy giặt, internet… không kém gì thành phố. Đến người nông dân ra đồng cũng có cái “alô” để liên lạc thì quả thật khó ai hình dung nổi sức phát triển như vũ bão của ngành viễn thông di động. Nếu ở nước ngoài wifi đắt đỏ thì ở Việt Nam lại rất rẻ, đó chẳng phải là tự do hay sao khi mà internet mới là kênh thông tin đa chiều và phong phú nhất.

Một điều gây ấn tượng sâu sắc với tôi là mấy năm gần đây, trên khắp các vùng quê, đâu đâu cũng quan tâm tới việc tu sửa, xây mới đình làng, chùa, mộ tổ, nhà thờ họ. Những người con thoát ly khỏi quê hương đi công tác khắp nơi, ai cũng muốn đóng góp một chút sức lực của mình để làm cho quê hương tươi đẹp hơn, muốn khôi phục lại những nét đẹp của văn hoá làng xã xưa với mong muốn con cháu mình luôn hướng về quê hương, nhớ về tổ tiên mà không bị cuốn theo dòng xoáy tiêu cực của nhịp sống hiện đại.

Hà Nội, thủ đô của đất nước - thành phố cổ kính có lịch sử một nghìn năm: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Quán Sứ, đền Ngọc Sơn, chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh… cổ kính, yên bình. Thành phố không chỉ ngàn năm văn hiến, còn rất hiện đại với hàng loạt tòa nhà chọc trời, khách sạn, nhà hàng sang trọng, hệ thống siêu thị ngập tràn hàng hoá… Vào những buổi sáng sớm, bên Hồ Gươm, trong các công viên Hà Nội thật yên bình, người người say mê tập thể dục buổi sáng, các cụ ông trầm ngâm chơi cờ tướng, các cụ bà uyển chuyển trong các bài tập dưỡng sinh, thanh niên chạy bộ, đá cầu… Dễ gì tận hưởng được những cảm giác, không khí tuyệt vời đó ở bất cứ thủ đô nào trên thế giới.

Tôi đã được đi nhiều nơi và thực sự vui mừng vì đất nước mình được thiên nhiên ban tặng cho rất nhiều kỳ quan thắng cảnh nổi tiếng. Hồ nước ngọt Ba Bể mênh mông và trong xanh nằm trên đỉnh núi đá cao, xung quanh là rừng nguyên sinh bao bọc. Vịnh Hạ Long xứng đáng được công nhận là một trong 7 kì quan thiên nhiên mới của thế giới với mặt biển xanh ngắt chứa đựng hàng ngàn đảo đá lớn nhỏ, khiến du khách thỏa sức tưởng tượng. Sa Pa, Đà Lạt mộng mơ, huyền ảo, một ngày tiết trời hội tụ đủ bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Bãi biển Đà Nẵng trải dài hàng chục cây số với bờ cát dài thoai thoải, được xếp vào danh sách những bãi biển đẹp nhất hành tinh. Rồi Cát Bà, Nha Trang, Vũng Tàu, Quảng Bình cùng hệ thống hang động Phong Nha, Kẻ Bàng, Sơn Đoòng… ẩn chứa bao điều huyền bí mà con người chưa thể khám phá hết.

Quê hương giàu đẹp, đó là ước mơ trong mỗi con người Việt Nam, không chỉ ở trong nước mà kể cả kiều bào khắp năm châu. Đó là một hiện thực, một tương lai tươi sáng phía trước.

***

Những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con kiều bào về đầu tư và sinh sống ở quê hương trên hàng loạt vấn đề như: quốc tịch, miễn thị thực, mua bán, sở hữu nhà ở, giảm thuế, giảm thủ tục hành chính… giúp nguồn kiều hối vào Việt Nam tăng đều đặn hàng năm (hiện bình quân gần chục tỉ USD/năm), đó là nguồn lực vô cùng quý báu. Mong sao, những nguyện vọng và tấm lòng của kiều bào cũng như những chính sách đó tiếp tục được rộng mở và duy trì để tăng thêm sự gắn kết, để những người con Việt ở khắp nơi trên thế giới được đóng góp sức mình xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp hơn.

 

Ngô Tiến Điệp (LB Nga)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Cùng đất nước nhìn lại và hướng tới (26/09/2012)
  • Tâm tư người con ở xa quê hương (24/09/2012)
  • Trở về (24/09/2012)
  • Cảm xúc Trại hè 2012: “Từ Bắc vô Nam” (16/08/2012)
  • Cảm xúc Trại hè: Chuyến trở về không thể quên (*) (09/08/2012)
  • Tháng 5 nhớ Bác: Người Nga với những kỷ niệm về Bác Hồ (03/07/2012)
  • Bóng đá và hơn thế nữa (02/07/2012)
  • Hoa hồng nhà quê nhớ hoa sen ở Huế (25/06/2012)
  • Một vòng châu Âu, nghĩ về thương hiệu ẩm thực Việt (22/05/2012)
  • Tự hào vì có Bác (19/05/2012)
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Khoảnh khắc giao mùa
Áo dài Việt Nam đến với bạn bè quốc tế
Hành trình của ra đi và trở về nguồn cội
Hai quốc tịch – những vấn đề Chính trị và Pháp lý (Phần Hai)
Lễ hội Đền Hùng - những cảm xúc đọng lại
Tiếng lòng người xa xứ trong đêm thơ Nguyên Tiêu Berlin
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Vài ý kiến về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Đề xuất một số bước xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam
Hoàn thành cơ sở dữ liệu dân cư để phát triển nền kinh tế số
Giữ tiếng Việt cho con
Những sứ giả của biển đảo quê hương
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang