28/10/2008 03:47:20 PM
Chuyện cách đây đã hơn một tháng

Đó là câu chuỵện xảy ra vào buổi sáng ngày thứ Hai (25/8/2008), tại ngã năm Phan Chu Trinh-Lê Văn Hưu-Hàn Thuyên-Lò Đúc và Hàm Long (Hà Nội).

Đang ngồi ăn sáng ở quán Phở Thìn thấy một chị phụ nữ đang gánh nhãn bị một người mặc đồng phục (dáng chừng thanh tra) giằng kéo rồi vứt lên chiếc xe ôtô chuyên dụng của ngành đỗ kề đó. Đáng nói là nguời này mặc đồng phục nhưng không có “lon” trên vai, còn mấy vị mặc đồng phục có lon thì thản nhiên đứng quan sát. 

Xung quanh sự việc một đám đông những người qua đường xúm lại, một vị cao tuổi đang bực tức to tiếng với mấy vị “quan chức” đó. Thấy vậy tôi rời bát phở chưa kịp ăn để lại gần thì thấy bà bán nhãn đang khóc lóc cố giữ một bên quang gánh còn lại, còn vị cao tuổi đang yêu cầu những người bắt giữ hàng của dân phải làm đúng theo pháp luật vì khu vực này không nằm trên các tuyến phố quy định cấm hàng rong, vả lại người dân đang gánh hàng trên đường không phải là hành vi sai phạm. Đám đông xung quanh có người lên tiếng quyết liệt, có người nhẹ nhàng “mới sáng sớm xin các anh tha và giả hàng để người ta có kế sinh nhai...”.

 Bất chấp, “người mặc đồng phục không lon” càng tỏ ra dữ tợn quyết giằng bằng được bên quang gánh còn lại. Thấy vậy tôi lại gần nói rằng bắt hàng của dân như vậy là không được, nên trả lại hàng họ cho người ta. Người dân xung quanh biết tôi là ai nên có yêu cầu “đại biểu Quốc hội can thiệp”. Sẵn mang tấm thẻ Đại biểu Quốc hội tôi đành rút ra để chứng thực “chức năng giám sát” của mình.

 Ngỡ tưởng mình có chút uy để hạ hoả “người mặc đồng phục không lon”, ngược lại tôi nhận được một mệnh lệnh đanh thép bằng một tiếng quát: “Đi ra chỗ khác để tôi làm việc !”. Nhưng vào chính lúc ấy thì các vị mặc đồng phục có lon tỏ ý muốn rút quân bèn lên xe, nổ máy. “Người mặc đồng phục không lon” chẳng còn thể hung hăng tiếp cũng lặng lẽ bỏ đi sau khi nhìn tôi bằng còn mắt hằn học: “Già rồi mà ngu!”

 Đám đông tản ra, ai đó có lời bình luận “các ông nhà nước thích sử dụng cái đám tai quái ấy để được việc lại nhàn thân !”. Chỉ khổ bà hàng nhãn tay cầm đòn gánh lúc này không biết xoay xở làm sao với bên quang thúng còn lại...

 Nghĩ đến lời bình luận nọ, tôi đi thẳng đến đồn Công an phường Phan Chu Trinh toạ lạc tại ngôi nhà số 9 cách đó chỉ hai ngã tư. Quả thực thấy một vị thượng tá đang ngồi nhàn hạ tại phòng trực ban. Dường như cũng biết đến sự việc mới xảy ra, vị sĩ quan nhã nhặn tiếp tôi. Sau khi nghe phản ánh thì giải trình rằng: “cái người ấy (ý nói đến “người mặc đồng phục không lon”) là của bên phường tăng cường, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm, nhắc nhở cảnh cáo”.

 Tôi nói rằng cái hành vi của của “người ấy” không khó hiểu nhưng điều quan trọng là đã thực thi pháp luật thì không chỉ người dân phải nghiêm mà chính quyền cũng phải nghiêm. Nếu cấm người dân quang gánh cồng kềnh đi lại ở đâu thì phải có biển báo theo đúng quy chuẩn của nhà nước, như biển cấm đỗ xe, cấm đi ngược chiều, cấm xích lô... Thời gian đầu để dân biết, dân tránh thì ngoài loa đài, phải chăng biểu ngữ ngang đường viết chữ thật to là “đường cấm gánh hàng đi qua”. Người dân buôn thúng bán mẹt đâu có thời gian đọc báo nghe đài... Ngay ở Thành phố Hồ Chí Minh mỗi lần có quy định mới như đường cấm hay phân luồng đều làm như vậy.

 Ông thượng tá thanh minh rằng, đường phố này tuy không thuộc tuyến phố cấm nhưng trên thành phố và quận chỉ thị nghiêm lắm nên phải thực hiện. Thấy vậy, tôi kính nhờ vị sĩ quan trực ban nọ phản ánh ý kiến của tôi lên lãnh đạo quận và thành phố để cho dân đỡ khổ, thì nhận được lời hứa sẽ thực hiện. Nhưng khi tôi hỏi thêm một câu: “Thường những thứ thu của dân, nhất là hàng tươi sống như gánh nhãn vừa rồi chẳng hạn thì chính quyền xử lý ra sao, có làm biên bản không, tiêu hủy hay...cho khỏi phí của giời”?, thì không nhận được sự trả lời rõ ràng.

 Trước khi ra về tôi lưu ý vị sĩ quan trực ban rằng sử dụng những người thiếu văn hoá, thiếu hiểu biết pháp luật, tính tình hung hăng như "người mặc đồng phục không lon" nọ, thì tai hại đầu tiên thuộc về chính quyền vì trong con mắt của dân thì đó là người đại diện cho pháp luật, cho chính quyền.

 Đã hơn một tháng trôi qua, sự việc ấy khi kể lại cho những người xung quanh thì đều nhận được lời bình luận “đó là chuyện thường ngày ở Thủ đô”. Mới đây, nhận được một phong bì của cử tri gửi tới một xếp các bài đăng trên nhiều tờ báo phản ánh những chuyện tương tự, lại có cả bài báo ai đó biết rồi đăng câu chuyện xảy ra ở ngã 5 đã kể ở trên.

 Mình có thói quen cứ nghĩ ngợi điều gì thì lại giở sách cũ ra xem thì thấy trong cuộc tranh luận của đám thực dân hồi đầu thế kỷ trước khi bàn về quy hoạch thành phố Hà Nội việc quan trọng hàng đầu là phải kết nối được nền kinh tế của đô thị với vùng nông thôn bao quanh. Do vậy 5 tuyến đường xe điện đều được quy hoạch đi từ các cửa ô chính và ngang qua tất cả các chợ quan trọng nhất của thành phố (chợ Bưởi, chợ Đồng Xuân, chợ Hôm, chợ Mơ, chợ Cửa Nam v.v...) và khi thiết kế toa xe thì ngoài một toa ghế xếp ngang để khách bộ hành ngồi, các toa còn lại ghế đều xếp dọc để dành không gian cho những người gánh hàng tiện sắp xếp, cuối toa lại có thêm mấy cái móc to để treo quang gánh cho gọn... Đọc lại những quy định (tất nhiên là trên văn bản) về thế nào là bán hàng rong ở đô thị. Nếu chỉ gánh hàng thì cảnh sát không được can thiệp. Nếu dừng lại bán dưới một thời lượng quy định cũng không được ngăn cấm, chỉ khi nào họ ngồi quá thời lượng quy định hay gây mất vệ sinh công cộng thì mới phạt...

 Đấy là chuyện của dĩ vãng. Giờ đây Hà Nội đã to rộng hơn xưa nhưng cũng nhiều nông dân hơn xưa. Công ăn việc làm, thị trường tiêu thụ hàng hóa nông phẩm của họ không dễ vào ngay các siêu thị. Các chợ quan trọng nhất của Thủ đô giờ đây đều bị siêu thị hoá hoặc biến thành văn phòng cao cấp cho các đại gia buôn bán. Số phận những người buôn thúng bán mẹt mà có nhà kinh tế học đã phân tích rằng hiện còn đang chiếm một tỉ trọng không nhỏ trong đời sống kinh tế và càng quan trọng khi nó là kế sinh nhai của rất đông cư dân Hà Nội, nhất là Hà Nội sau khi mở rộng. Bài toán nẩy sinh là liệu có tăng trưởng đội ngũ các “người mặc đồng phục không đeo lon” để đối phó với những người buôn thúng bán mẹt hay không?

 Tôi có ý định tại kỳ họp Quốc hội lần này sẽ gặp ông Chủ tịch Thành phố Hà Nội cũng là Đại biểu Quốc hội hỏi xem có biết đến hiện tượng “đồng phục không lon” này không? Và hỏi xem ý kiến của một công dân, một Đại biểu Quốc hội phản ánh một cách nghiêm túc tại trụ sở với một sĩ quan trực ban cấp thượng tá công an sau hơn một tháng có được chuyển tới lãnh đạo quận và thành phố hay không và những phản ánh ấy có xác đáng hay không. Xin để hạ hồi phân giải.

 

                                                              Dương Trung Quốc

 

 

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Khoảnh khắc giao mùa
Áo dài Việt Nam đến với bạn bè quốc tế
Hành trình của ra đi và trở về nguồn cội
Hai quốc tịch – những vấn đề Chính trị và Pháp lý (Phần Hai)
Lễ hội Đền Hùng - những cảm xúc đọng lại
Tiếng lòng người xa xứ trong đêm thơ Nguyên Tiêu Berlin
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Vài ý kiến về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Đề xuất một số bước xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam
Hoàn thành cơ sở dữ liệu dân cư để phát triển nền kinh tế số
Giữ tiếng Việt cho con
Những sứ giả của biển đảo quê hương
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang