08/05/2018 06:27:00 PM
Nhìn từ trên cao

Ông ngạc nhiên khi không thấy người khách già đến nữa, một ngày, hai ngày rồi liền nhiều ngày sau đó. Nơi bàn đá trước hiên nhà đối diện, chỉ lẻ loi bóng gia chủ vào những buổi hoàng hôn, với dáng ngồi bất động, mắt buồn nhìn xa xăm; đôi khi lại thơ thẩn đi ra đi vô. Chiều chiều, cụ lại đóng bộ chỉnh tề, chờ con trai về, chở đi đâu đấy...

 Minh hoạ. Tiến Hành


Tuổi cán đích sáu mươi, ông về nghỉ. Người kế nhiệm vốn là thuộc cấp của ông, khá trẻ so với trọng trách được giao. Hôm bàn giao, anh lộ rõ lo lắng khi tiếp nhận nhiều công việc dang dở. Anh hỏi tỉ mỉ những việc giải quyết tiếp theo; lại muốn biết kinh nghiệm người đi trước; vừa hỏi vừa ghi chép. Cách tiếp cận cương vị mới không tự tin lắm của người kế nhiệm khiến lòng tự cao trong ông được dịp vênh váo.

Nhà gần đơn vị nhưng nỗi buồn và sự cô đơn của ông trong những ngày về hưu như nhân lên. Khi ông còn tại chức, nhiều đồng nghiệp khuyên nên ở gần đơn vị để dẫu về nghỉ, anh em vẫn bên nhau; ông cho là phải nhưng nay mới thấy nhầm, nhầm kinh khủng! Lòng xa chỗ ngõ cũng xa, ông nghiệm ra điều đó khi đã hết quan, với mênh mông cay đắng. Đã bao lần ông lẩn thẩn tự vấn, sao lắm kẻ đổi lòng dễ như trở bàn tay!? Ngày ông còn ngất ngưởng trên chiếc ghế quyền lực nhất đơn vị, khối kẻ nhũn như con bún tươi mỗi khi diện kiến hoặc lúc thập thò trước cửa nhà sếp mà được mời vào uống nước đã sướng tê người, hôm sau có quyền vênh mặt khoe với đồng nghiệp. Thế nhưng khi ông vừa bàn giao, khối thuộc cấp đột ngột tụt cảm xúc như bong bóng xì hơi, dửng dưng như người lạ. Gặp nhau, bọn họ đãi bôi vài câu quấy quá rồi lủi nhanh như lươn, đến cái bắt tay cũng hời hợt, lời thăm hỏi cũng chiếu lệ như được lập trình sẵn. Thảm hại hơn, có những kẻ ngày hai lần ngang qua trước khuôn viên tiền tỷ của sếp cũ nhưng chẳng thèm ngoảnh mặt, liếc ngang một cái; mặt lạnh như khí trơ.

Có điều ông chưa một lần tự vấn, đồng nghiệp đổi thay hay chính ông không chịu thay đổi; khi chức quyền quá khứ vẫn lởn vởn trong tâm tưởng khiến ông chưa thể hoàn dân “toàn tập” để bao dung gần gũi với mọi người. Và nữa, sự méo mó nhân tình ông đang hứng chịu đâu phải xuất phát từ một phía.

Vẫn giữ thói quen được người khác đến thăm, ông chẳng qua lại với láng giềng, cả khi đã có ngày rộng tháng dài. Đáp lại, ít người lai đáo nhà ông, khiến ngôi biệt thự xanh từ màu sơn đến cây lá bỗng trơ trọi, bơ vơ. Lắm lúc chủ nhân của nó đứng sau vòm lá trong vườn nhìn những đồng nghiệp dửng dưng đi qua mà lòng man mác; người quen vẫn gần đấy nhưng xa đấy.

Ông quyết làm cuộc cách mạng về chỗ ở, sau bao trăn trở; vợ con xúm vào ngăn nhưng không được. Đó là mảnh đất ngoại ô, lúc đầu ông định “ôm” để chờ thời, được giá thì đổi chủ. Nay muốn tránh dư chấn từ quá khứ vọng về đang khấy động sự bình yên trong lòng, ông chọn chốn xa cách ấy. Sau gần năm bận rộn, gia đình ông có nhà mới.

* * *

Mỗi sáng ngồi dưới mái vòm trên tầng thượng, vừa nhâm nhi cà phê vừa ngó quanh, ông thu nhận được bao điều. Cái nghèo nơi đây hiện hữu trong dáng tất bật của bà nhặt ve chai hay em bé đánh giày; của ông đạp xích-lô hay chị bán đồ ăn vặt với tiếng rao uể oải hằng đêm. Đèn đường tù mù bên những lối đi lỗ chỗ và những mái nhà lụp xụp như càng tô đậm sự nghèo khó chốn này; ngôi nhà mới xây hoành tráng của ông vì thế càng cô đơn sừng sững. Láng giềng ngần ngại khi đứng trước cánh cổng uy nghi và ông cũng ít khi bước ra khỏi nhà để gần hơn với xung quanh. Chợt nhớ lời người xưa “bần cùng sinh đạo tặc”, tinh thần cảnh giác trong ông trỗi dậy; liền đó, cửa đóng then cài.

Cũng nhìn từ trên cao, ông hay để ý hai cụ già thường ngồi bên nhau nơi bộ bàn đá trước hiên nhà đối diện. Người chủ nhà trẻ hơn hay bỗ bã gọi người kia là “cụ”; đáp lại, khách kêu “chú” thân tình. Nhìn bộ đồ bộ đội màu cỏ úa đã cũ và loáng thoáng nghe chuyện giữa hai người, ông chắc họ từng là lính. Khách thường đến vào cuối ngày, dựng chiếc xe đạp có buộc bó cỏ phía sau vào tường rào, vừa ngồi xuống ghế đã gọi với vào trong: “Đâu rồi?”. Giọng người kia đáp lại như reo “đây rồi, đây rồi” và vội vã bê nước ra. Họ ngồi bên nhau cho đến nhá nhem tối, khi kể chuyện xưa, lúc bàn thế sự; hai người có vẻ hợp ý nhưng lắm khi cũng tranh luận tưng bừng.

Một hôm, chủ nhà nói như ra lệnh: “Cụ dẹp bò bê, thỏ thiếc đi!” Đáp lại là vẻ ngơ ngác cùng đôi mắt căng tròn của khách. Gia chủ lắc đầu, tiếp: “Cụ là tướng mà khắc khổ hơn cả thảo dân thứ thiệt, suốt ngày cứ lọ mọ cỏ rác với bò, thỏ; không sợ người ta dị nghị sao!?” Khách nhìn sững, người hơi ngả về phía sau rồi bất ngờ nhỏm dậy, to tiếng: “Chú nói hay nhỉ, tôi gốc nông dân, hết cầm súng thì quay về với việc mình thích là nuôi trồng. Làm gì phải sợ ai?!” Chủ nhà có vẻ đuối lý nên nhìn lảng ra sân rồi giảng hòa bằng tiếng cười hà hà, lại đặt tay lên vai khách như thể vỗ về.

Hóng hớt từ xa nhưng chuyện của hai người càng lúc càng thu hút ông. Chiều chiều ông lại lên tầng thượng tưới rau, nghe chuyện họ vọng sang. Được cái, hai cụ có vẻ nặng tai nên nói hơi to, chắc tưởng ai cũng có vấn đề về thính lực như mình. Đã thế, người đứng xa càng dễ dàng “bắt sóng”. Có một chuyện ngụ ngôn chủ nhà kể với khách khiến ông cũng giật mình.

Chuyện rằng, có một con chuột rất cao ngạo khi được tự do trú ngụ kiếm ăn trên bàn thờ Phật; chẳng những nó không bị đánh đuổi mà còn được tung tăng thỏa thích. Chuột càng vênh váo khi thấy mỗi ngày người người quỳ lạy, thành tâm khấn vái trước chốn thiêng nó đang chễm chệ. Khi một con mèo phóng tới, nhe răng; chuột quắc mắt, nạt lớn: “Mày đừng láo, đến con người cũng phải phủ phục dưới chân ta! Ngươi lạy đi!” Mèo cười phá lên rồi dằn giọng:“Đứa u mê đần thối kia nghe đây, mọi người lạy ngươi chỉ vì cái vị thế ngươi đang đứng mà thôi, hiểu chưa? Giờ trả giá cho kẻ hoang tưởng đã tới!” Nói rồi mèo lao đến xé xác con mồi.

Nghe xong, khách cười mỉm, buông lời nhỏ nhẹ: “Hay!” Chuyện cũng làm người nghe ké như ông liên tưởng suy tư và kéo dài khoảng lặng sau đó. Đã có lần ông định bước qua nhà bên, bắt chuyện với hai người quen mà lạ ấy nhưng cứ ngập ngừng.

Ông ngạc nhiên khi không thấy người khách già đến nữa, một ngày, hai ngày rồi liền nhiều ngày sau đó. Nơi bàn đá trước hiên nhà đối diện, chỉ lẻ loi bóng gia chủ vào những buổi hoàng hôn, với dáng ngồi bất động, mắt buồn nhìn xa xăm; đôi khi lại thơ thẩn đi ra đi vô. Chiều chiều, cụ lại đóng bộ chỉnh tề, chờ con trai về, chở đi đâu đấy.

Không đừng được, ông bước qua nhà đối diện, lại bên chủ nhà đang ngồi một mình như nhiều buổi chiều trước đó. Thấy khách có vẻ ngần ngại, gia chủ vồn vã mời chào. Xởi lởi, bao đồng một lúc rồi ông hỏi về người thường thấy. “Cụ mất rồi!” - Lời khô khốc ấy khiến ông hẩng hụt, ngơ ngác. Chủ nhà vừa rót nước vừa nói tiếp: “Cụ nằm ngủ rồi ngủ luôn chứ chẳng đau ốm gì”. Mặc cốc trà ngát hương như mời gọi, cả hai ngồi lặng, đưa mắt ra đường, bâng quơ. Lâu thật lâu, ông đột ngột lên tiếng: “Chắc cụ là người trong gia đình bác?” Đáp lại là giọng trầm buồn: “Thủ trưởng cũ của tôi đấy. Khi cụ là Phó Tư lệnh quân khu, tôi là lính cần vụ cho cụ.” Đôi mắt già nua chớp chớp; tiếng thở dài não ruột khiến nỗi buồn lây sang ông. Thấy con trai đứng bên chiếc xe máy trước cổng nhìn vào, có ý chờ, người cha nói với ra: “Ngày mai là lễ chung thất của cụ, con nhớ mua bánh trái thắp hương. Mai, ba qua sớm.”

Họ ngồi với nhau đến khi phố lên đèn, lòng càng cởi mở, chuyện càng sâu đậm. Người lính già bùi ngùi kể về thủ trưởng cũ, chốc chốc giọng nghẹn lại, mắt rớm lệ. Chuyện vụn như những nhát cắt từ một thân cây đã cho ông chắp nối, hình dung về người chưa kịp biết tên. Gia chủ kể rằng, ngày cụ được phong tướng, người thân không dám chúc mừng vì thấy cụ buồn lặng lẽ, suốt đêm cứ đi ra đi vô hút thuốc. Nghe lính gặng hỏi, cụ thổ lộ rằng, trong giờ phút đáng ra rất vui thì cụ lại buồn khi nhớ bao đồng đội đã ngã xuống trước ngày hòa bình. Lúc được quân khu đề nghị phong anh hùng, cụ kiên quyết từ chối vì cho rằng có nhiều đồng đội còn xứng đáng hơn; thế là thay vì nói về thành tích của mình, cụ kể chiến công của những đồng đội đã hy sinh. Vì thế, cho đến khi cụ mất, hồ sơ đề nghị phong anh hùng cũng chưa thể hoàn thành.

Người kể lan man, nhớ đâu nói đấy, chốc chốc lại “à quên”, “còn chuyện này nữa”. Nhiều chuyện lắm, chẳng hạn như, khi đi kiểm tra công trình phòng thủ trên đảo, được ngư dân cho ít cá khô, cụ bảo chia thành mấy phần bằng nhau, cho mình và cho những người phục vụ. Đó là những tháng năm đói nghèo xơ xác sau chiến tranh, có được chút “tươi” quí lắm! Lúc lên công tác Tây Nguyên, tỉnh đội biếu mấy kí cà phê “của nhà làm được”, cụ cũng chia đều cho những người lính gần gũi… Người kể mếu máo, giọng đẫm nước khi nhắc lại kỷ niệm với người đã khuất: “Cũng nhờ cụ trợ giúp mà các con tôi mới có điều kiện học xong đại học.” Người lính già cúi xuống, đưa tay lên ngực, cố nén cảm xúc dâng trào; lặng một lúc rồi kết thúc chuyện bằng giọng bi thương, nuối tiếc: “Thủ trưởng như thế, lính nào không thương, phải không anh!?”

Ra về, ông mênh man nghĩ, ở nơi xa thẳm kia, chắc vị tướng ấy sẽ mát lòng khi biết mình vẫn tươi nguyên trong tâm trí người ở lại. Chợt nhớ bao ánh mắt ghẻ lạnh của đồng nghiệp cũ khi gặp lại, ông thấy tràn đầy xót xa, tủi hổ./.

Nguyễn Trọng Hoạt (baoquangbinh)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Có những cuộc chia ly (04/05/2018)
  • Người đàn bà cô độc (27/04/2018)
  • Gia vị tình yêu (13/04/2018)
  • Cây đào năm ấy (10/04/2018)
  • Lá đỏ (06/04/2018)
  • Con thằn lằn (03/04/2018)
  • Cơn gió mùa Xuân (28/03/2018)
  • Mộc hương đêm (23/03/2018)
  • Hạnh phúc của mẹ (20/03/2018)
  • Đợi Chờ (13/03/2018)
Các tin khác
  • Phố rừng (08/03/2024)
  • Hạnh phúc trở về (23/02/2024)
  • Tết, là để trở về nhà! (07/02/2024)
  • Xứ bình an (19/01/2024)
  • Đèn không tắt sáng (12/01/2024)
  • Sông Nguồn (15/12/2023)
  • Núi Trời Cho (08/12/2023)
  • Chiều nay có một cuộc hẹn (01/12/2023)
  • Mưa qua tháp cổ (24/11/2023)
  • Những người mẹ (17/11/2023)

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hội họa qua những trang Kiều
Hà Nội mùa hoa loa kèn
Ca dao về lao động sản xuất
Ca dao về tình cảm vợ chồng
Mùa ngóng Tết thần tiên
Nhớ Tết quê
Xứ bình an
Chiều nay có một cuộc hẹn
Tự viết tên mình đi em
Kết thúc có hậu
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang