20/01/2017 05:22:00 PM
Mắt rồng

Một cuộc họp họ được tổ chức để làm rõ trắng đen nhằm giải quyết lại việc miếng đất nhà thờ cũ. Không ít người nói thẳng ra: chẳng có mắt rồng, mắt rắn nào cả. Đấy chỉ là một cú lừa của chị em Hò, Hát. Họ ép chị em Hò, Hát trả lại đất nhà thờ cũ...

Vào những ngày áp năm, làng Kình rộn rịp như ngày hội. Nhà nhà đua nhau xây lại và tu sửa mồ mả ông cha. Nhưng chuyện đó chỉ là bình thường như mọi năm, chẳng có gì đáng bàn.

Có sự ộn ạo để người làng Kình tập trung dư luận đó chính là ngôi nhà thờ của họ Phạm Viết đang được xây sừng sững giữa bãi Ngòi sát sông Hoàng. Vẫn biết xây dựng nhà thờ họ đang là mốt thời thượng của mọi họ tộc trong cả nước, nhưng với làng Kình thì ngôi nhà thờ nằm biệt lập ở bãi Ngòi là một sự kiện không hề nhỏ.

Đảm trách việc chỉ huy xây dựng lại là một người có cước sắc danh giá vào bậc nhất làng Kình: Tiến sĩ Phạm Viết Hát. Làng Kình chỉ duy nhất Hát đậu tiến sĩ. Hát ngoài học vị tiến sĩ khoa học còn là một phó giáo sư, giảng viên cao cấp của một học viện lừng danh có rất nhiều ông to bà nhớn phải nhờ vả.

Thế nên dù chỉ làm nghề dạy học nhưng Tiến sĩ Hát hơn đứt khối kẻ quyền cao chức trọng xuất thân từ làng Kình. Họ Phạm Viết của Hát ở làng Kình là một dòng họ lớn và phát đạt. Ngoài Tiến sĩ Hát còn vô số con dân trong họ học hành tấn tới, đỗ đạt, thăng tiến.

Không chỉ thế, họ Phạm Viết còn dẫn đầu làng Kình về sự thành đạt và giàu có. Chức vụ thì nghiễm nhiên một ông bộ trưởng mới về hưu là nhất thống. Kế đó là vài ba doanh nhân vào hàng cự phú có trong tay cả ngàn người làm mướn, làm thuê.

Hát như đã nói dù không chức vụ cũng chẳng tài sản ngoài một căn hộ khiêm nhường là nhà tập thể của học viện hóa giá, nhưng vị thế của Hát cao chót vót bởi học hàm, học vị. Đã thế Hát lại là trưởng tộc của họ Phạm Viết. Hiển nhiên vai trưởng cộng thêm cái vốn danh giá kia, Hát được cử làm chân trưởng ban xây dựng nhà thờ họ. Đó là một vinh dự hiếm hoi không phải thời nào cũng có duyên để gặp.

Điều duy nhất ở Hát khiến mọi người vân vi là dù sắp bước vào ngưỡng ngũ tuần nhưng Hát vẫn độc thân. Nghe nói từ thời củ tỷ âm ty, Hát có một mối tình thơ mộng với cô bạn học cùng trường, khóa dưới đã nặng nghĩa nặng tình chuẩn bị đến kết cục là một đám cưới thì cô này bỏ cuộc theo một người khác lên xe hoa.

Hát đau vố này lắm và cay đắng hiểu ra, đó là chỉ vì Hát nghèo. Sau này, qua một số cuộc tình khác thất bại thì Hát rút ra được bài học nhãn tiền thấm thía đến tận kẽ tủy, hốc xương, ấy là tình gì có lai láng ướt át đến đâu nó cũng chỉ rút vào đúng một chữ tiên huyền tiền. Bởi vậy bất di bất dịch, Hát nung nấu kiếm tìm được một người đủ trình độ, có trí tuệ và dứt khoát phải không nghèo để nâng khăn sửa túi. Đó là hai tiêu chuẩn tiên quyết của Hát. Và đấy cũng chính là nhẽ khiến Hát chậm vợ.

Minh họa: Hà Trí Hiếu 

Cuối tuần Hát vừa từ Hà Nội về làng. Chân ướt chân ráo, Hát vội lượn ra nhà thờ kiểm tra công việc ngay. Nhà thờ đã cơ bản hoàn thành, chỉ đang sang sửa nốt một vài hạng mục là có thể khánh thành.

Vậy là Tết này họ Phạm Viết có nhà thờ mới. Các hoành phi câu đối sơn son thếp vàng đã được treo lộng lẫy. Ban thờ đã sắp xếp đủ đồ thờ cúng tinh bằng đồng sáng choang. Hát bước vào gian chính, gật gù tỏ vẻ hài lòng. Cụ túc Bang là người quản thờ chăm coi hương khói thấy Hát thì mừng rỡ:

- Anh cả đã về ạ.

- Chào cụ. Công việc tốt chứ cụ?

Cụ túc Bang cười nhỏn nhoảnh, nhe ra cả cái hàm lợi thiếu răng đỏ hoét:

- Ai chứ anh cả xếp đặt sao lại không tốt được chứ. Đà này đến đúng lịch mười tư là họ Phạm Viết có thể khánh thành nhà thờ.

Hát lại gật gù đầy viên mãn, chắp tay sau đít đi một vòng quanh gian chính. Cụ túc Bang đi theo sau săn đón:

- Hôm khánh thành nhà thờ, anh cả mời chị cả về ra mắt họ tộc chứ nhỉ?

Hát nghếch mặt cười căng cắc:

- Dạ, tất nhiên rồi. Còn có dăm ngày chứ mấy. Xong việc đại sự nhà thờ là cháu lo việc riêng. Lần này thì cưới thôi kẻo các cụ cứ mong mãi.

Cụ túc Bang cười cười phụ họa:

- Đại phúc. Đại phúc. Họ Phạm Viết phúc trùng lai. Năm nay cưới sang năm có đích tôn tộc trưởng. Tộc trưởng…. đúng là mắt rồng linh ứng.

Hát lim dim mắt tận hưởng sự sung sướng hiếm muộn cụ túc Bang vừa khơi gợi. Ngay khi đang xây dựng nhà thờ thì như được phù hộ, Hát gặp nhân duyên lạ kỳ như trên trời rơi xuống, điều mà xưa nay Hát kiếm tìm mãi không được. Hát được một người bạn giới thiệu cho một cô gái là thạc sĩ tài chính, tuổi ngoài băm, có công việc tốt ở ngân hàng, có căn hộ riêng rộng rãi ở một khu chung cư đẹp và hiển nhiên là đang rất khao khát lấy chồng.

Lâu nay Hát đã quá quen với việc mối manh, tìm hiểu nên dù nhận lời nhưng cũng không mấy vồ vập. Đã có “chiến thuật” nên Hát bắt đầu tấn công bằng tin nhắn kiểu như nam thanh, nữ tú hiện nay tìm hiểu nhau trên mạng rất nhanh kết quả và cũng chóng vánh kết thúc.

Nhắn đi nhắn lại, Hát nhận ra đối tượng là một người sắc sảo, có học vấn, không dễ dãi và nông cạn như những trường hợp trước. Một tuần thì Hát buộc phải thay đổi để gặp đối tác.

Ngay lập tức Hát ăn đèn và khi tìm hiểu sơ sơ gia thế thì Hát biết đây chính là một nửa của mình đi tìm lâu nay. Cô thạc sĩ có vẻ như chấp nhận Hát về lý trí nhưng yêu cầu Hát có tiến độ về tình cảm. Hát đưa ra một kế hoạch đủ đầy để chinh phục.

Vẫn là những bài về Khổng giáo tam tòng tứ đức, xuất giá tòng phu, về làm dâu, làm vợ, làm mẹ, về công dung ngôn hạnh… để chứng minh trình độ và ngầm dạy dỗ đối tác. Hát cũng không quên bày tỏ quan điểm sống của mình trên mọi phương diện, từ chính trị xã hội, đến triết học, văn hóa và quan trọng nhất là kinh tế. Hiện đại nhưng theo truyền thống Đông phương nghĩa là sòng phẳng và tuân thủ nếp sống gia đình.

Mọi thứ có tranh luận, có căng thẳng, có gò gượng cưỡng ép nhau về quan điểm nhưng dần dà hai bên cũng gần đến thống nhất về một dự thảo tương lai. Cô thạc sĩ chưa hẳn đã khuất phục Hát nhưng có lẽ cô đã mệt mỏi tình trường, thật sự muốn có một chỗ đậu nên dần nhượng bộ. Hát đã khấp khởi phác ra ở lễ khánh thành nhà thờ họ sẽ chính thức đưa nữ thạc sĩ về quê ra mắt.

Thực ra họ Phạm Viết có nhà thờ họ từ lâu lắm rồi. Nhà thờ là một nhà mái ngói thấp tè cũ kỹ tuổi ngót trăm năm nằm ở ngay trong khuôn viên nhà Hát. Khi phong trào xây nhà thờ họ rầm rộ lan đến làng Kình thì tộc họ Phạm Viết cũng bắt đầu bàn luận. Con cháu nhiều người giàu có thành đạt nên việc nhớn này cũng chỉ là bé tí tẹo. Mấy Mạnh Thường Quân cộp một cục là đủ.

Việc bổ suất đinh chỉ là lấy lệ cho có nghĩa vụ đóng góp để người nghèo đỡ tủi. Nhà thờ cũ sẽ được phá đi để xây mới toàn bộ. Nhẽ ra đã triển khai thế nhưng rồi tộc trưởng Phạm Viết Hát trong một lần về quê đưa ra phát kiến mới.

Khu nhà thờ cũ nếu phá đi xây lại thì có khang trang đến mấy cũng chả thể to lớn đàng hoàng được. Ngoài gian thờ cần phải xây thêm nhà đại bái phía mặt tiền nhà thờ để con cháu có chỗ quây quần cỗ bàn mỗi dịp cúng tế cho xứng với một dòng họ lớn. Nhưng đất đâu ra mà xây. Nhà thờ họ các cụ để lại chỉ nhõn có hơn sào đất. Chả nhẽ trưng dụng nhà của Hát để lấy đất xây nhà đại bái.

Cũng được thôi, là tộc trưởng Hát sẵn sàng vì tộc họ và đã có nhời hiến hẳn hoi, nhưng rồi bàn đi bàn lại nó cách rách quá. Họ sẽ phải kiếm miếng đất khác để bù cho Hát làm nhà. Chính lúc bí bách ấy thì tộc trưởng Hát trổ tài phát huy trí tuệ. Nguyên Hát nhiều năm nay do học, do đọc đã thông thạo cả món tướng số, phong thủy.

Không ít lần Hát được dân trong làng ở đủ các họ khác nhau làm nhà, xây mả…trọng vọng rước về xem xét đủ nhẽ để công việc được suôn sẻ. Bét nhất, Hát cũng xem được hướng, chọn được ngày, biết được cách thức trổ cửa, đặt thờ, trấn yểm...

Thế nên khi việc của chính tộc họ Phạm Viết cần phải có một quyết định sáng suốt thì Hát ra tay. Một cuộc họp đủ các trưởng chi cành và các bậc cao niên họ Phạm Viết được mở trang trọng. Tại cuộc họp này, tộc trưởng Hát đưa ra một ý tưởng bất ngờ khiến nhóm người dự họp ắng lặng đi cả phút đồng hồ mới hồi tỉnh được.

Đó là Hát phán về việc bãi Ngòi chính là cái đầu rồng của con rồng nước Hoàng Hà nơi làng Kình. Thân rồng đương nhiên là sự uốn lượn của dòng sông qua địa phận làng Kình rồi. Còn đầu rồng chính là cái bãi bồi mang tên Ngòi nối từ chân đê ra tận mép sông.

Bố ai đủ trí tưởng tượng cái bãi bồi ấy là đầu rồng vì thực ra rồng cũng đã ai nhìn thấy bao giờ ngoài những hoa văn, họa tiết được vẽ được đắp hoặc khắc chạm nơi đình chùa và miếu mạo. Nơi bãi Ngòi xưa nay chỉ là cánh bãi trồng màu một vụ sau khi có thủy điện hết lụt thì mới được đắp điếm tăng vụ. Cũng chả có mống dân nào lại có ý định ra đấy dựng nhà lập nghiệp.

Các cụ mắt tròn, mắt dẹt lác xệch hết lượt khi nghe Hát thuyết trình về con rồng giáng bãi Ngòi có thế tựa thủy nghếch non. Chả có núi non nào ở đấy thì đoạn đê được hiểu để thay thế núi.

Thế rồng ấy nếu chọn long mạch được đúng khu mắt rồng làm nhà thờ tổ thì đời đời con cháu vững bền, phát cả võ lẫn văn, hôn nhân sự nghiệp đủ đầy, giàu có muôn ức và tất nhiên, Hát đã tìm ra nơi mắt rồng ấy…vân vân và vân vân. Từ bất ngờ, ngạc nhiên, chết lặng đến lượt tất cả những người dự họp há hốc mồm nghe Hát phán.

Nói thêm, Hát rất thạo diễn giải các vấn đề từ tôn giáo đến thế sự, từ tâm linh đến khoa học thực chứng, thôi thì đủ hết, Lão, Trang, Khổng, Mạnh, Thiên chúa giáo đến Phật giáo, Hồi giáo... Hát thuyết làu làu một chặp về cái vố mắt rồng, chỉ dừng khi đám đông dự họp đã trăm phần trăm bị thuyết phục. Đến cao siêu Hát còn thuyết nổi huống hồ mỗi cái mắt rồng long mạch vừa ẩn vừa ảo chẳng là cái đinh gì.

Một kế hoạch táo bạo ngay lập tức được soạn thảo, thông qua. Nhà thờ họ sẽ được dựng ở bãi Ngòi. Họ Phạm Viết sẽ xin xã thầu một phần khu ấy, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho một số cư dân trong họ có nhu cầu ra đó lập xóm giãn dân.

Việc này tất nhiên Hát bằng vị thế của mình đảm nhiệm. Bãi Ngòi rồi sẽ rất nhanh chóng trở thành một khu dân cư hạng nhất ở làng Kình theo tiên lượng của Hát. Tuyệt cú mèo. Thời buổi mua bán đất đai là quốc sách, quốc khố thì cái miếng đất bãi Ngòi kia có là gì. Miễn là côm sắc cốp đủ kim tiền cho ban bệ, cước sắc là xong. Đại sự được biểu quyết nhất trí cao chưa từng thấy. Chỉ lúc gần tan họp thì cụ tư Bứng cao niên nhất họ, ngoại cửu tuần nhưng răng còn chắc khin khít, mắt vẫn lóng lánh khi thấy liền bà, con gái, chợt thủng thẳng thắc mắc:

- Tôi hỏi khí không phải, vậy còn cái nhà thờ của các cụ để lại trong khuôn viên nhà anh cả thì ta tính thế nào?

Tiến sĩ Hát cả cười. Tiếng cười giòn giã kiểu như vặn lưng kêu đốt sống:

- Chuyện này cháu cũng tính rồi. Nhà thờ là nhà thờ của chung dòng họ. Nay có nhà thờ mới ta tất phải nới cũ ra cho đúng quy luật. Chẳng ai dùng hai nhà thờ. Chi cành nhà cháu muốn có nhời thưa với các cụ xin được sử dụng chỗ đất ấy. Hoán đổi sang chi phí miếng đất mắt rồng bãi Ngòi.

Chẳng ai nói gì được nữa. Mà còn nói gì khi cả cục tiền lớn được chị Hò của Hát, đặt gạch. Và thế là ngôi nhà thờ họ Phạm Viết chỉ ít thời gian sau được khởi công xây mới ở bãi Ngòi. Cũng rất nhanh khu đất ấy được quan tâm đặc biệt, những họ khác cũng rục rịch xin chuyển đổi, giãn dân. Tất nhiên giá của nó lập tức tăng vọt.

Nói thêm là chị Hò của Hát, chủ một doanh nghiệp thiên về bất động sản trong tỉnh là người trực tiếp giao dịch với chính quyền, hợp thức hóa khu đất bãi Ngòi. Đúng là mắt rồng hiển hiện. Dân tình trong họ càng tin khi sự linh nghiệm rơi vào đúng tộc trưởng Hát khi anh đã chọn được người làm vợ ngay trong thời gian làm nhà thờ họ.

Lễ khánh thành khu nhà thờ họ Phạm Viết được tổ chức trọng thể. Nhà đại bái rộng rãi với tám hàng cột xi măng, mỗi cột to cỡ người ôm đỡ tám mái vòm kết hợp cổ kim chứa được tất tật con cháu trong họ với hàng dăm chục mâm cỗ có lẻ. Hát xúng xính áo lễ đưa cô thạc sĩ ngân hàng ra mắt họ hàng.

Trai tài, gái sắc khiến cả họ vui mừng thỏa mãn bội phần. Cô thạc sĩ lần đầu về quê đối tác được chứng kiến ngôi nhà thờ bề thế và sự sùng kính của con dân trong họ với tiên tổ nên tăng phần cảm kích. Cô nhìn Hát trong vai tộc trưởng gióng trống cùng các cụ cao niên áo the, quần trắng, khăn xếp trang trọng trong màn tế lễ khai thờ đã cảm động lén quay mặt lau nước mắt.

Tối đó ở nhà Hát, một cuộc liên hoan nho nhỏ giới hạn trong gia đình của chị em Hát. Nhà Hát chỉ có hai chị em. Bố mẹ khuất núi cả. Hò lấy chồng ngoài tỉnh rất thành đạt nhưng luôn theo sát mọi diễn tiến đời sống của em trai. Hiếm có nhà nào chị em lại gần nhau, thương nhau như thế.

Cả chị em Hò, Hát đều trọng và lấy cái gốc quê đi về làm đích sống. Trong sự thân mật đầy viên mãn, mọi người đã bàn đến cái đám cưới của Hát và cô thạc sĩ. Hát rất vui khi thấy cô thạc sĩ chỉ mỉm cười nghe mọi người bàn luận. Cả khi Hát bàn đến việc sẽ bán nhà của cô thạc sĩ để dồn tiền xây một căn nhà to đẹp ở chính đất nhà thờ cũ làm nơi tổ chức đám cưới và sinh sống sau này, cô vẫn cười cười.

Nụ cười chấp nhận về một viễn cảnh hạnh phúc. Đêm ấy khi cô thạc sĩ, sau một ngày vất vả vì lễ nghi chào hỏi đã ngủ say trong buồng và mọi người trong gia đình đã giải tán hết thì chị em Hò, Hát mới ngồi riêng cùng nhau “tính sổ” vụ nhà thờ tổ.

Hò hể hả thông báo cho em trai những thành quả ở khu đất bãi Ngòi. Đó là một cú áp phe ngoạn mục, sẽ thắng lớn không ngờ, bất chấp đang trong giai đoạn bất động sản đóng băng. Đấy là chưa kể miếng đất nhà thờ cũ sẽ cực đẹp và có giá khi một con đường của khu công nghiệp đang quá trình được phê duyệt dự án sẽ được mở đi sát nhà Hát.

Chính vì thông tin này được tiết lộ từ một cán bộ có thẩm quyền từng là học trò của Hát ở học viện nên mới có vố mắt rồng và ngôi nhà thờ tổ ở bãi Ngòi. Vị học trò này có phốt thi cử và được Hát giúp vượt được khổ nạn nên luôn luôn đi lại thăm thú báo đáp Hát.

Trong lâng lâng của chiến thắng, Hát giải thích cho Hò biết vì sao lại thuyết phục cô thạc sĩ bán căn hộ góp vào việc xây nhà ở quê. Đấy là vì Hát muốn quan điểm góp gạo thổi cơm chung đó sẽ chắc chắn cho cuộc hôn nhân chí ít là ở sự công bằng và mang tính bền vững.

Hò thoáng khững lại nhìn em trai đầy ngưỡng mộ. Người đàn bà của thương trường khó có thể ngờ khả năng làm kinh tế của một người theo nghiệp chữ nghĩa như Hát lại tài giỏi đến vậy.

Nhưng không có đám cưới. Cô thạc sĩ lạ nhà khó ngủ đã nghe trọn vẹn câu chuyện. Rời quê Hát, cô không một lần gặp lại người lẽ ra cô đã chọn làm chồng. Cô quá kinh sợ cái con người toan tính vì lợi lộc đến mức đánh đổi cả nơi thờ cúng, cả tình cảm từ ruột thịt đến đôi lứa.

Chỉ Hát là không biết vì sao nhân duyên của mình lại không thành. Không ít tin nhắn, điện thoại chẳng kết quả. Cực chẳng đã, Hát phải mò đến tận căn hộ chung cư, nhưng cũng chịu không cách gì gặp được cô thạc sĩ. Làng Kình lại ộ lên khi dự án khu công nghiệp và con đường đi men qua làng được chính thức công bố.

Người họ Phạm Viết còn nháo nhác hơn khi biết chị em Hò, Hát sở hữu nhiều diện tích đất khu vực bãi Ngòi đã được họ hợp thức hóa nhân vụ xin chuyển đổi đất làm nhà thờ họ. Bây giờ ai có nhu cầu hẳn sẽ phải chi một khoản khác biệt so với những gì chị em Hò, Hát đã chi ban đầu.

Khu đất bãi Ngòi trở nên giá trị khi nó được quy hoạch làm nhà cho công nhân khu công nghiệp và giãn dân của chính làng Kình. Ai cũng thán phục một cách cay cú chị em Hát, Hò, nhất là khi đất nhà thờ cũ giờ lại được nằm bên con đường lớn sẽ mở nay mai. Chỉ khi đợi mãi không thấy đám cưới của trưởng tộc Hát thì mọi người mới nghi ngờ luận điểm “mắt rồng” của Hát khi thuyết phục họ Phạm Viết xây nhà thờ ở bãi Ngòi.

Đến mức một cuộc họp họ được tổ chức để làm rõ trắng đen nhằm giải quyết lại việc miếng đất nhà thờ cũ. Không ít người nói thẳng ra: chẳng có mắt rồng, mắt rắn nào cả. Đấy chỉ là một cú lừa của chị em Hò, Hát. Họ ép chị em Hò, Hát trả lại đất nhà thờ cũ.

Sự việc quá căng thẳng khiến họ tộc Phạm Viết có nguy cơ mất thể diện nghiêm trọng vì cọ cãi eo xèo. Nhưng chính lúc đó - vẫn là cụ Tư Bứng - xoáy cặp mắt lóng lánh vào thân hình phốp pháp của Hò, thũng thẵng nhả từng từ sang sảng từ hai hàm răng còn chắc khin khít, hóa giải:

- Thôi, mọi người đừng cãi nhau nữa. Có mắt rồng đấy. Đúng là mắt rồng đã linh nghiệm. Họ Phạm Viết ta yên tâm đi. Rồng có mắt. Giời có mắt. Cứ nhìn anh cả đây thì biết. Đợi đến mồng thất. Và không chỉ là cái đám cưới nhé. Rồi xem. Thánh họ!

Mọi người lặng phắc như tờ chẳng một ai lên tiếng nổi hệt như cuộc họp trước, khi Hát thuyết khách thành công. Chỉ riêng Hát là ngọ nguậy, nhấp nhổm. Vào chính lúc ấy, Hát vỡ nhẽ vì sao cô thạc sĩ bỏ đi không một lời từ biệt.

Phạm Ngọc Tiến (Văn nghệ Công an)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Mở cửa trời (13/01/2017)
  • Mẹ tôi (06/01/2017)
  • Đón dâu về ăn tết (30/12/2016)
  • Tổ nghiệp (23/12/2016)
  • Sự sống (16/12/2016)
  • Quê ngoại (09/12/2016)
  • Phía chiều không tắt nắng (02/12/2016)
  • Thiên tài (25/11/2016)
  • Chiếc mặt nạ (18/11/2016)
  • Rừng xanh im lặng (11/11/2016)
Các tin khác
  • Phố rừng (08/03/2024)
  • Hạnh phúc trở về (23/02/2024)
  • Tết, là để trở về nhà! (07/02/2024)
  • Xứ bình an (19/01/2024)
  • Đèn không tắt sáng (12/01/2024)
  • Sông Nguồn (15/12/2023)
  • Núi Trời Cho (08/12/2023)
  • Chiều nay có một cuộc hẹn (01/12/2023)
  • Mưa qua tháp cổ (24/11/2023)
  • Những người mẹ (17/11/2023)

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hội họa qua những trang Kiều
Hà Nội mùa hoa loa kèn
Ca dao về lao động sản xuất
Ca dao về tình cảm vợ chồng
Mùa ngóng Tết thần tiên
Nhớ Tết quê
Xứ bình an
Chiều nay có một cuộc hẹn
Tự viết tên mình đi em
Kết thúc có hậu
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang