29/05/2020 08:00:00 AM
Đứa con của núi

... Có thật là mẹ không dối lòng… Nước mắt vẫn chảy đều trên mặt, Mận chạy ngược vào nhà và lắc lắc thằng Khánh, giọng đã khàn đục nhưng không giấu được niềm sung sướng như khướu hót được mùa: Khánh! Dậy, dậy đi! Mẹ về rồi! Mẹ được thả rồi! Khánh ơi!

1.

Đường xuống trại khá xa và hiểm trở, phải qua mấy cánh núi vòng vèo, đá sỏi lởm chởm mới về tới nơi nhưng Mận chưa thể vội xuống núi. Cam đã được chất vào hai cái giỏ săm sắp đầy. Mận thử nhấc lên hạ xuống mấy lần cho chắc rồi mới đặt lên vai. Chà, nặng đấy! Cam năm nay được mùa, cả chục gốc đều sai lúc lỉu, trái to, tròn đều và mọng nước. Cam về tới trại thế nào dì Bảy cũng nguôi cơn giận mà mừng rơn cho xem. Dì chẳng mừng sao được. Bốn năm liền mới thu hoạch được một vụ thế này. Cam núi tuy hơi chua nhưng thơm ngon phải biết. Cam đem vắt nước hoặc cắt ra chấm muối ớt cũng rất đậm đà. Cam nhiều thế này nhưng bán đi được mấy lăm đồng. Dì Bảy sẽ đem về xuôi biếu bà con hàng xóm. Họ ăn lấy miếng thơm thảo. Có tiền tiêu cái hết vèo chứ cái tình cái nghĩa đếm sao cho xiết. Nghĩ thế, Mận mới hăm hở hái cho đầy hai giỏ.

Tranh minh họa

Đi hết dốc Lớn, Mận gánh cam băng qua hai mỏm núi nữa thì trời đã nhá nhem. Bóng núi, bóng cây và bóng người cùng nghiêng về xuôi. Đến ngã ba dốc Quỷ, Mận khựng lại, lưỡng lự chưa biết theo hướng nào. Mồ hôi cũng đã túa ra, ướt dầm sau lưng. Vài giọt trên trán nhỏ long tong xuống mắt cay xè, có giọt chảy dài xuống tới miệng mặn chát. Mận thấm mệt nhưng không thể chần chừ mãi được. Cánh màn trời sắp đóng sầm cửa rồi. Tối thui tối mò thì làm sao chắc bước để đi? Mái trại đã thấp thoáng hiện ra dưới kia. Đường chính chỉ tiện cho mấy chiếc xe tải lên chở gỗ chứ đi bộ thì lòng vòng, xa quá. Mà theo đường tắt thì vô cùng nguy hiểm. Con dốc vừa dựng đứng vừa trơn tuột. Một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Đường men theo bờ vực chỉ vừa cho lối đi một người. Lỡ có mệnh hệ gì, chắc phải sáng mai người ta mới biết mình nằm ở đâu và như thế nào. Mận dáo dác nhìn quanh. Phía bên kia, chú Hai Bườn đã dọn xong cỏ và xuống núi từ lâu nhưng đống cỏ vẫn còn âm ỉ cháy. Từng đám khói thơm thơm, ngai ngái bay la đà theo luồng gió thấp. Một đốm lửa khá to bùng lên trong đám khói. Lửa cháy hừng hực đỏ như thế kia mà. Nhưng đốm lửa phựt lên trong chốc lát rồi tắt hẳn. Gió ùa về từng cơn kéo theo luồng khí lạnh. Bầy chim cũng hết gù nhau. Trời đã sẩm tối thật rồi. Phải mau thôi.

Mận bặm chặt môi để đánh liều rẽ theo đường tắt.

Những cơn gió hoang lũ lượt kéo đến, dội vào vách núi những thanh âm kì quái. Có khi rào rào như tiếng thác chảy. Hai bên lối đi, lau lách và nho hôi nở bông trắng xóa, cọ vào người soàn soạt, ghê ghê. Chiếc nón cời cũng bị hất ngược ra sau. Mận mặc kệ. Đôi chân bước đi thật nhanh như không kịp chạm đất. Chiếc đòn gánh cong lên bật xuống cùng hai giỏ cam kêu kẽo cà kẽo kẹt. Mận vẫn cố giữ cho đôi vai thăng bằng để giỏ cam không bị nghiêng. Cam mà đổ ra lúc này thì thành công toi. Ba hồn chín vía Mận cũng không dám dừng lại để nhặt. Trời đày Mận rồi. Hái chi cả hai giỏ cam nặng quá. Cũng vì muốn lập công chuộc tội với dì Bảy mà Mận khổ sở quá. Có lẽ vai đã bị lả, Mận đã thấy ran rát nhưng không thể trở bên. Đường quá hẹp và chông chênh. Giá như có Phú ở đây nhỉ? Gã sẽ thay Mận gánh cam về tận nơi. Hai đứa tíu tít trò chuyện thì còn biết gì mà sợ nữa. Cứ nghĩ tới nụ cười tít mắt của Phú mà Mận quên bớt mệt và sợ. Gánh cam đang oằn trên vai cũng ngớt dần tiếng kẽo kẹt kẽo cà.

2.

Về đến nhà, Mận nhai một nắm lá nho hôi, nhè bã ra xanh lè và đắp lên vết xước trên vai. Nhưng chẳng biết than thở với ai, đầu óc lại luẩn quẩn nghĩ tới Phú. Gã về xuôi cả tuần nay rồi vẫn chưa thấy lên. Nhà có việc gì quan trọng mà không ai nói cho chị em Mận biết nhỉ. Xưa nay, có ai giấu Mận một điều to nhỏ nào đâu. Không lẽ dì Bảy đang muốn cách li hai đứa. Mà nếu thế thật, thì phải là chị em Mận chuyển hẳn về xuôi chứ sao là Phú. Mận lén nhìn dì Bảy đang xếp lại cam vào từng bịch ni lon mà đoán già đoán non mãi. Lòng dạ Mận xốn xang. Nhớ nhớ thương thương mà không biết làm thế nào để giãi bày. Muốn lân la tới gần hỏi dì một câu mà lại không dám. Tính dì trầm lắm. Cả ngày chỉ tốn vài câu. Thấy dì nở một nụ cười cũng thật khó. Mấy ông đi rừng, thỉnh thoảng ghé trại gửi cái dao, cái rựa hoặc xin nước uống, cùng lắm cũng lí nhí nói được câu cảm ơn rồi đi tuốt. Chú Hai Bườn còn một vết sẹo dài trên cổ cũng vì cái tội chèo quẹt dì. Vợ con ở dưới xuôi, chú nấn ná trên trại để theo vụ bắp mới. Lâu ngày không được gần đàn bà, lại cách trại dì chỉ một tiếng hú, chú nằm trằn trọc mấy đêm liền. Chờ lúc canh ba, trăng còn sáng rõ lối mòn, chú mò qua. Một con bò thấy dáng người, bỗng ậm ò rống lên. Nhanh như cắt, dì Bảy nhảy phốc ra. Một nhát dao sượt qua cổ, sém chết, Hai Bườn lạy ngắn lạy dài xin tha và phục dì sát đất.

Tính dì Bảy vốn vậy nay càng nặng nề hơn. Vẻ mặt lúc nào cũng trầm ngâm chứa đầy toan lo. Mận thấy mình đã sai, sai nhiều lắm. Với bản thân. Với Phú. Và nhất là với dì. Dì từng cấm hai đứa không được “ăn cơm trước kẻng”! Dì mà biết, sẽ có đứa thiệt thân. Không hù dọa đâu. Lời dì chắc như đinh đóng cột. Hai đứa quý mến nhau từ bé, yêu thương nhau cũng là lẽ thường tình. Nhưng cả hai còn quá non trẻ. Cái ăn cái mặc còn vụng, rồi lại sớm sinh con đẻ cái. Sướng ích gì. Vả lại, mẹ Mận còn đang phải tù phải tội, mấy năm nay hai mẹ con chẳng thèm thăm nom gì tới nhau, cưới hỏi trong lúc rối rắm như thế, có gì hay ho đâu. Lo lắng thật nhiều, dì cứ lấy chuyện người lớn ra làm gương để bọn trẻ soi vào. Như dì đấy. Dì vốn là người đàn bà không đẹp. Da ngăm đen. Dáng gầy. Gò má nhô cao. Hàm răng trắng khỏe nhưng hơi vẩu. Hai hốc mắt lõm xuống và luôn phảng phất nỗi buồn. Thời con gái của dì chỉ là một khoảnh khắc thoáng qua. Một kẻ chẳng ra gì đã đánh cắp tuổi thanh xuân ấy. Người ta, tò mò và lợi dụng. Dì bồng bột, non dại. Một đêm ra ruộng ngủ với nhau, dì dính bầu liền. Cái bụng bắt đầu lum lum lên dì mới tìm lại được người tình. Hắn cười đểu và trở mặt. Ngủ với mày dễ như xé một tờ giấy. Thằng nào ăn ốc bắt bố đổ vỏ, biết là con của thằng nào? Bố mày có vợ rồi. Thách cả họ nhà mày làm gì được bố… Nên bây giờ, nhắc tới cái việc tày trời giữa Mận và Phú, dì giận sôi máu sôi gan.

Nhưng chuyện tình cảm mà, càng cấm đoán lại càng dễ sáp vào nhau. Lửa gần rơm, lâu ngày sao không bén được. Huống chi, chỉ có hai con người, từng phải cố cất giấu khao khát yêu đương, khám phá, trong cái không gian vỏn vẹn mấy mươi mét vuông, làm sao nín nhịn. Ôi chao! Nếu như thằng Khánh không bô bô cái miệng kể với dì thì đâu tới nỗi nào. Hôm ấy, dì dậy thật sớm để sắp xếp về xuôi lo việc giỗ cúng. Trước khi đi, dì gọi Mận dậy, dặn kĩ mọi việc trong nhà, cả chuyện cấm hai đứa được gần nhau cũng nhắc tới nhắc lui mấy lần. Nhưng khi mặt trời vừa ló lên, thằng Khánh vừa lùa đàn bò ra khỏi chuồng, hai đứa đã dính vào nhau như nam châm hút sắt. Mận ngộp thở trong vòng tay siết chặt và tấm thân vạm vỡ của Phú tới khi thằng Khánh bước vào. Nó vội chạy ra sân và rú lên.

3.

Mận dụi mắt rồi uể oải bước xuống giường. Khi nào thì Phú lên trại nhỉ. Về có việc gì mà đi lâu thế. Nếu Phú chưa lên thì Mận sẽ phải về xuôi. Nhất định như thế. Dì đã chia đều cam ra làm mấy bịch đem biếu ông Tám Thử, bà Năm Nga, vợ con chú Hai Bườn… Nghe dì chịu mở miệng nói chuyện, Mận thấy lòng nhẹ nhõm rất nhiều. Nhưng về xuôi thì Mận lại không hề hứng thú. Cũng lâu rồi, Mận không về nhà. Về chỉ thêm mặc cảm và uất ức. Mẹ có được thả tự do Mận cũng không thèm về nhìn mặt. Mận tự hứa với lòng mình như thế. Nhục lắm. Đừng ai nhắc tới tên mẹ làm gì. Nhưng mỗi khi buồn buồn, nhìn về xuôi, vùng đồng bằng chỉ bé bằng cái quạt giấy và lấp ló vài đốm trăng trắng của nhà cửa, Mận lại nhớ mẹ da diết. Chắc mẹ gầy gò và xanh xao lắm. Ở tù mà, ăn sao cho đủ no, mặc sao cho đủ ấm, lại còn chuyện ma mới ma cũ nữa. Có ai ăn hiếp, đánh đập mẹ không… Mận nghe người ta kể mà toàn thân như có ai đó cầm roi vụt vào. Lúc ở cùng cha, mẹ cầm không nổi cái cuốc. Mọi việc trong nhà, cha quán xuyến cả. Vậy mà, lòng tham và sự cả tin của mẹ đã vô tình giết cha, giết luôn cả tình mẫu tử trong tâm hồn chị em Mận.

… Từ ngày có chủ trương phát triển kinh tế rừng và giải phóng mặt bằng để xây hồ thủy lợi, các hộ gia đình trên này đồng loạt rời thung lũng và tái định cư với một khoản tiền đền bù thỏa đáng. Người người bán rẫy, nhà nhà bán rẫy lấy tiền về xuôi ở. Riêng dì và mấy người nữa vẫn muốn bám trụ trên này vì mấy cái rẫy ấy vừa thoáng rộng vừa tốt đất. Về xuôi, chắc gì dễ làm ăn. Thiệt chớ. Cuộc sống của xóm Mới chưa yên ả được bao lâu thì lại có chuyện chẳng hay ho. Đàn ông rủ nhau lên núi phát chồi trồng cây. Đàn bà con gái rỗi rãi nhiều. Người khôn thì bỏ vốn xây quán xá buôn bán. Người khác sắm hàng ra chợ ngồi… Riêng mẹ con nhà Mận, cha bảo vất vả nhiều rồi, được tới lúc mở mày mở mặt thì cứ thư thư mà sống cho khỏe. Mấy héc ta rẫy của ông nội đã bán được gần một tỉ, gộp cả tiền đền bù vào, sửa sang phần mộ cho ông bà và xây nhà dựng cửa xong cũng còn hơn sáu trăm triệu. Mẹ cứ ở nhà, lo cho chị em Mận học hành. Cha đi phát chồi kiếm tiền ăn hàng ngày. Thế là đủ.

Nhưng mọi điều không suôn sẻ như cha nghĩ. Tiền đền bù không nằm được lâu trong tủ. Bọn người xấu như bầy quạ đen đã đánh hơi và dò la tin tức tự khi nào. Nhân lúc cha đi vắng, một nhóm người ăn vận chỉnh tề, áo quần gom nịt gọn gàng, nước hoa thơm phức, có ông còn thắt cà vạt, đến hỏi thăm nhà Mận. Họ tự giới thiệu là cán bộ tín dụng đi huy động vốn vay với lãi suất rất cao. Mẹ Mận ngồi vắt chéo chân, mắt sáng rực lên, đầu gật gù lia lịa như bị thôi miên. Một tháng sau, mẹ cũng ăn vận chỉnh tề, tay xách nách mang những giấy tờ sổ sách… Ăn xong là mẹ đi, về nghỉ trưa chút lại đi. Tới sẩm tối mới về. Nửa đêm, chờ cả nhà ngủ say rồi, mẹ ngồi tính tính đếm đếm. Tay mẹ đếm tiền xoèn xoẹt nhanh như máy. Cả mấy cục tiền dày cộm.

Đùng một cái. Hơn chục con người sừng sộ kéo tới nhà Mận. Bốn, năm người đứng chồm hỗm ở cửa chính. Hai người khác đu lên cửa sổ. Cả sau bếp cũng có người xông vào. Bà Thanh đâu? Bà khất nợ đến khi nào? Tiền lãi không có thì bà phải trả tiền gốc cho tụi tui. Bà hứa hoài. Tròn năm nay vẫn chưa thấy tiền đâu... Mẹ Mận lúng ta lúng túng rồi chạy vội vào buồng, đóng trái cửa và nằm vật vã. Cha Mận đi phát rẫy về, chưa kịp gỡ cái bao đựng đồ xuống đã bị người ta xúm xít tới. Mỗi người chìa ra một tờ giấy ghi nợ do mẹ Mận kí. Mận pha nước tắm cho thằng Khánh xong cũng tất tả chạy vào, ngơ ngác. Cha Mận gỡ tay từng người, bảo từ từ rồi nói chuyện cho rõ ngô khoai. Ngô khoai gì nữa. Còn đồng xu nào đâu mà ngô với chả khoai. Hơn bốn tỉ bạc, cả gốc lẫn lãi, lãi mẹ đẻ lãi con. Trời ơi! Mắt cha trợn ngược, miệng há hốc rồi ngã ngửa người ra khi vừa thò vào hộc tủ trống rỗng! Cơn đau tim đột ngột đã cướp đi mạng sống của cha.

Dì Bảy nghe tin, vội vã xuống núi. Dì quỳ phục xuống, vuốt mắt anh kết nghĩa thêm một lần nữa rồi cũng sụt sùi theo chị em Mận. Mẹ Mận ngồi cạnh đấy, như một cái xác không hồn. Không ai nói với ai câu nào. Còn ngoài kia, ồn ã vô cùng. Đám đông tập trung chật sân nhà. Họ cứ như bản nhạc đồng thanh. Hết xì xầm bàn tán lại xỉa xói, tiền tiền bạc bạc inh ỏi. Ới ông Bình, ới bà Thanh! Dì đứng phắt dậy, chỉ thẳng vào mặt từng người: Các ông bà không thấy anh tui nằm đây sao? Việc đâu còn có đó. Tham thì ráng chịu chứ gọi tên người chết ra để làm gì? Rồi dì đi khắp xóm Mới mượn tiền lo mai táng cho cha Mận. Chỉ có ba người thành tâm đưa tiền cho dì. Ông Tám Thử triệu rưỡi, bà Năm Nga một triệu, vợ chú Hai Bườn nghèo vậy mà cũng đưa dì năm trăm ngàn. Ba triệu bạc, dì kịp lo đám tang cho cha Mận trong ngày đó. Nhưng sau đám tang, những chủ nợ không để nhà được yên. Họ hùa nhau tới, đốc thúc mẹ Mận phải bán nhà trả nợ. Hơn bốn tỉ! Một là bán nhà, hai là ở tù. Họ viết đơn kiện rồi. Không được. Bán nhà cũng không thể đủ tiền trả nợ. Mà bán nhà thì lấy đâu ra chỗ ở. Bán nhà thì mấy cái bàn thờ biết dời đi đâu. Chẳng lẽ lại khiêng lên núi. Rồi mẹ con Mận còn nơi nào để đi đi về về... Trong cảnh ngặt nghèo, chỉ có dì mới đủ bản lĩnh để dàn xếp. Dì nói rất ít nhưng mẹ phải nghe theo. Chị làm tan cửa nát nhà rồi. Việc gì mình làm thì mình nên gánh chịu. Lưới trời lồng lộng, không thể trốn tránh mãi được. Chị cứ thành khẩn khai báo, rồi sẽ được pháp luật khoan hồng. Mọi việc, cứ để em ở nhà lo…

4.

Chim rừng lại ríu rít gọi nhau báo hiệu trời đã sáng. Mặt trời dần dần nhô lên, tròn trịa như cái sàng lơ lửng và rực đỏ. Khắp các sườn núi lấp lóa ban mai. Sáng nay, dì lại giục Mận về xuôi. Mận vừa xếp lại mấy bịch cam vào giỏ để tí nữa gánh đi thì chú Hai Bườn tới. Chú ngoắc tay ra hiệu Mận khoan hãy đi. Mận chuẩn bị vậy chứ đã đi đâu. Không muốn đi và cũng chưa ăn gì. Dưới bếp, dì Bảy đang lục đục chiên cơm. Mùi hành phi thơm phức bay khắp nhà. Cu Khánh vẫn còn ngáy khò khò. Hai chú cháu ngồi ra giữa nhà tiếp chuyện nhau. Mà cái tính chú cũng lạ. Chặt cây thì dứt một phát đứt lìa nhưng khi vào chuyện gì lại cứ vòng vòng vo vo như kể chuyện Tam Quốc. Nhất là khi có mặt dì. Hôm nay cũng thế. Chú cứ úp úp, mở mở, dây cà ra dây muống, khiến Mận vừa tức cười vừa bực mình. Đang dự tính mua cây giống để gây lại cái rẫy, được dăm ba câu lại nhảy sang việc nhờ dì qua trông giùm mấy con bò và đàn gà vừa nở. Chú muốn cùng Mận về xuôi thăm nhà… Nhưng đáng chú ý nhất là câu này. Chú cà lăm cà lịa hỏi Mận: Nếu mẹ con về rồi, con tính sao? Dì Bảy chưa nghe hết câu, đã trừng mắt quát: Việc này có liên quan đến anh à? Chú Hai im bặt.

Dì Bảy chặn lời chú Hai vì không muốn chú làm hỏng cơ sự. Dì đã sắp đặt mọi việc đâu vào đấy cả rồi. Lần trước xuống núi, dì đã may cho chị em Mận mỗi đứa một bộ quần áo mới và gấp kĩ trong rương. Tới ba mươi tháng tư, hai đứa sẽ mặc đi đón mẹ. Thằng Khánh cứ đèo đẽo theo chân dì với câu hỏi cũ rích cũ rơ: Có thiệt là mẹ con sắp về hả dì? Thấy thằng bé háo hức được gặp mẹ, dì an tâm rồi. Nhưng còn Mận? Sở dĩ dì âm thầm sai Phú về xuôi đón bà Thanh vì còn đề phòng. Lỡ con bé không chịu gặp mẹ mà lại vùng vằng bỏ nhà đi hoang cho bõ cơn tức thì sao. Mang tiếng nữa. Hay là nói toạc móng heo cho chị em nó biết? Sao làm thế được. Dì hiểu tính Mận mà. Thương ai, thương tới chốn. Ghét ai, ghét tới cùng. Kể cả tình mẹ con. Bà Thanh trong cảnh tù tội mấy năm nay, Mận chớ hề nhắc tới một lần. Dì khó ăn khó ngủ nhiều rồi. Dì căn dặn Phú, nếu không thuyết phục được bà Thanh trở ngược lên trên này thì phải qua bên chú Hai báo tin rồi ở tạm bên ấy. Còn chú Hai, cứ nghe ngóng tình hình, dẫu thế nào cũng không được qua mặt dì. Thêm cả tuần nay, đã tính đâu vào đấy vậy mà Phú về xuôi vẫn chưa có tin tức gì là thế nào. Hay lại có chuyện gì chẳng lành. Người ta đã báo tin rồi, bà Thanh trong thời gian cải tạo, có nhiều tiến bộ, tích cực nên được mãn tù sớm. Nhưng ba mươi tháng tư đã qua được mấy hôm, sao chưa thấy tăm hơi, bóng dáng ai. Lại còn thêm cái việc thằng Phú, con Mận tự do với nhau. Nếu có chuyện thì biết giấu mặt vào đâu cho hết ngượng, hết nhục.

Lòng ai cũng như có lửa đốt, dì nôn nóng chuyện của dì, Mận nhấp nhổm chuyện của Mận. Vậy mà mới sáng ra, Hai Bườn còn giỡn mặt. Cha nội này muốn phá hỏng hết rồi. Chết thật. Nhưng… nhưng… Chú Hai vội tránh ánh mắt sắc như dao của dì và cố nói thật nhanh. Có mất lòng nhau hay bị dì Bảy chém thêm phát nữa thì chú cũng phải ngay thẳng mà nói: Thằng Phú về dẫn bà Thanh lên nhưng… Chú run lập cập và xỏ tay vào túi áo, lấy ra một tờ giấy gấp tư, đưa qua cho Mận: Đây là thư của mẹ con, con đọc đi! Nhắc tới mẹ, Mận bủn rủn cả chân tay. Mận còn hận mẹ lắm, hận đến tận xương tủy. Thư với từ mà để làm gì. Mận không muốn đọc thư lúc này. Không muốn nhắc tới mẹ nữa mà. Kể cả việc đưa cam về xuôi Mận cũng muốn cự lại dì Bảy đấy kia. Mận chẳng muốn lấy lòng dì thêm nữa. Chuyện hai đứa có gì, Mận làm Mận chịu… Mận cứ ngồi thừ ra như người ta đang ngồi thiền, mặc cho hai người lớn im lặng ngồi chờ. Mãi không thấy Mận phản ứng gì, dì Bảy gắt lên, giọng không khác gì ra lệnh: Dù sao cũng là mẹ con. Cứ đọc xem trong thư nói những gì, để tùy cơ mà ứng biến!

Mận giật thót người và miễn cưỡng cầm lá thư lên, những ngón tay cứng đơ và vụng về. Nửa muốn đọc, nửa muốn không. Vậy mà mới giở tờ giấy ra, đọc được mấy dòng đầu tiên, Mận đã thấy chữ nghĩa nhòe nhoẹt trước mắt. Mỗi con chữ quen thuộc của mẹ như xoáy vào tận tâm can Mận, buốt nhói và tê tái. Cuống lưỡi Mận líu lại, không thể đọc thêm được từ nào. Hận thù và thương yêu chỉ cách nhau trong gang tấc và bây giờ chúng đang lấn át, tranh giành chỗ đứng của nhau. Nỗi nhớ và tình thương mẹ như từng đợt sóng dấy lên trong ruột gan Mận. Đau đớn. Cồn cào. Ấm ức. Nước mắt nước mũi ròng ròng chảy ra. Tờ giấy cũng đang run lẩy bẩy theo tay Mận. “Mẹ đâu dám dối lòng. Một ngàn lần mẹ chết không đổi lại được sự sống của cha. Một ngàn lần mẹ chết không đổi lại hạnh phúc cho các con và danh dự gia đình. Nhưng mẹ không thể chết. Ai cho mẹ dễ dàng được chết. Mẹ còn nợ mọi người, mẹ nợ dì Bảy, nợ các con nhiều lắm. Bước ra khỏi nhà tù, mẹ chỉ muốn tìm gặp và ôm chầm lấy các con mà ôm hôn cho thỏa lòng mong nhớ. Nhưng mẹ đã không dám gặp ai. Mẹ sợ dì ghẻ lạnh, sợ các con xua đuổi, xa lánh mẹ. Mẹ xin các con…”.

Mận thả bức thư xuống, nước mắt thấm một góc của tờ giấy bã ra. Mận khóc ồ ồ và chạy vù ra hiên, cố tránh né mọi ánh nhìn. Mấy sợi tóc lòa xòa ướt nhẹp. Mẹ! Mẹ ơi! Mẹ biết lỗi của mẹ rồi đấy ư. Mấy năm nay, mẹ luôn sống trong đau khổ và ân hận thật đấy ư. Từng phút, từng giây mẹ chỉ mong được gặp các con của mẹ thật ư. Có thật là mẹ không dối lòng… Nước mắt vẫn chảy đều trên mặt, Mận chạy ngược vào nhà và lắc lắc thằng Khánh, giọng đã khàn đục nhưng không giấu được niềm sung sướng như khướu hót được mùa: Khánh! Dậy, dậy đi! Mẹ về rồi! Mẹ được thả rồi! Khánh ơi!

Dì Bảy và chú Hai Bườn cũng không kìm được xúc động. Họ cùng lắc đầu và nhìn nhau ái ngại. Hai cặp mắt cũng đỏ hoe. Từng giọt nước mắt chầm chậm rơi xuống. Dù cổ đang nghẹn nấc nhưng dì Bảy thấy vui lắm rồi. Nụ cười hiếm hoi đã nở trên miệng người đàn bà lầm lũi ấy. Dì quay qua bàn vội với chú Hai. Tình hình thế này, nhốt bò, nhốt gà vài đêm cũng chẳng sao, cứ bỏ thức ăn, đổ đầy nước vào máng là êm chuyện. Chắc chắn là tí nữa thôi, mọi người sẽ cùng nhau xuống núi

Hương Văn/http://vannghequandoi.com.vn/

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Những người hàng xóm (22/05/2020)
  • VIPBOY của chồng (15/05/2020)
  • Mùa trong sương sớm (08/05/2020)
  • Chuyện tình người quản trang (01/05/2020)
  • Đôi giày quân nhu (24/04/2020)
  • Kiệt tác (17/04/2020)
  • Nỗi lòng của cha (03/04/2020)
  • Truyện hay cực ngắn về Mẹ (20/03/2020)
  • Năm tháng tuổi trẻ (13/03/2020)
  • Về quê (06/03/2020)
Các tin khác
  • Phố rừng (08/03/2024)
  • Hạnh phúc trở về (23/02/2024)
  • Tết, là để trở về nhà! (07/02/2024)
  • Xứ bình an (19/01/2024)
  • Đèn không tắt sáng (12/01/2024)
  • Sông Nguồn (15/12/2023)
  • Núi Trời Cho (08/12/2023)
  • Chiều nay có một cuộc hẹn (01/12/2023)
  • Mưa qua tháp cổ (24/11/2023)
  • Những người mẹ (17/11/2023)

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hội họa qua những trang Kiều
Hà Nội mùa hoa loa kèn
Ca dao về lao động sản xuất
Ca dao về tình cảm vợ chồng
Mùa ngóng Tết thần tiên
Nhớ Tết quê
Xứ bình an
Chiều nay có một cuộc hẹn
Tự viết tên mình đi em
Kết thúc có hậu
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang