01/08/2018 04:09:00 PM
Diều quê, diều phố...

Khi gió nam bắt đầu về, ấy là mùa của những cánh diều và trời cao lồng lộng...

Ảnh minh họa

Chắc nhiều người cũng biết, chuyện chơi diều trước đây đa phần ở các miền quê đất rộng đồng xa. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, người phố, cả lớn và nhỏ đã thấy chơi diều khá nhiều tại các đô thị đông dân cư. Ngày trước ở quê, diều chơi chủ yếu làm bằng giấy. Có thể bạn tự tìm tòi hoặc nhờ anh chị, cha mẹ làm giúp. Chỉ việc cắt dán miếng giấy lên khung tre nhỏ, cùng với vài cái đuôi duyên dáng, thế là có được một chiếc diều thả bay theo gió.

À quên, muốn diều bay được và không bay mất thì phải có một cuộn chỉ, cước hoặc dây nhợ buộc vào thân diều; nói như mấy nhà lý luận nghệ thuật, cảm xúc có bay bổng đến đâu cũng phải có sợi dây buộc vào mặt đất hiện thực, để diều khỏi bay mất. Tuy nhiên, muốn diều không bị chao lắc mà bay bổng dễ dàng trong gió thì bạn phải làm sao cho chiếc diều cân đối, dây buộc phải ở khoảng một phần ba thân diều, cùng một số kỹ thuật nhỏ mà khi chính tay mình chơi mới biết được để chỉnh sửa phù hợp.

Nếu muốn chiếc diều thêm phần lộng lẫy hấp dẫn thì có thể dùng giấy màu xanh-đỏ-tím-vàng để làm diều hoặc dán bồi thêm mảnh giấy bóng, vẽ hình con có con chim lên diều. Chiếc diều nào càng làm công phu thì độ bay bổng và màu sắc, dáng nét càng thêm phần mê tơi khi hòa cùng nắng gió. Diều ở quê có thể thả ngoài đồng, trên đường làng hay những vùng đồi núi. Chiếc diều no gió miền quê đã thành đề tài cho biết bao bài viết, thơ nhạc, cả trong những tác phẩm hội họa, nhiếp ảnh,... Tuy nhiên, ấn tượng về cánh diều sâu đậm nhất phải nói là trong tâm hồn tuổi thơ của mỗi người; sau những buổi chiều chơi diều, đêm về nằm ngủ, trong mơ cánh diều vẫn cứ lượn bay vời vợi,...

Ở quê bây giờ, diều giấy vẫn còn nhưng việc mua diều vải để chơi cũng đã có nhiều. Tuy nhiên, chơi diều vải nhiều nhất bây giờ phải nói là ở phố từ Nam chí Bắc. Mỗi địa phương bây giờ đã có nhiều điểm bán diều vải, cùng rất nhiều người bán rong với những chiếc xe treo những chiếc diều sặc sỡ đủ màu, bay phất phơ trong gió, nhìn thật đắm say, chỉ còn cách vòi ba mẹ mua cho,... Và chỗ tuyệt đỉnh của diều vẫn là bầu trời cao lồng lộng, uốn lượn nhưng chiếc đuôi mỹ miều, kiêu hãnh giữa không trung như muốn với đến tận chỗ của những vì sao,...

Như tôi biết thuở nhỏ, muốn có chiếc diều giấy phải tự làm hoặc nhờ dán giúp, chứ không có chuyện móc tiền ra mua như với diều vải. Ở một số nơi bây giờ, người ta đầu tư hẳn hoi thành những cơ sở sản xuất diều, với hàng chục đến hàng trăm nhân công, mỗi ngày sản xuất ra hàng ngàn chiếc diều vải. Nói về sự phong phú của màu sắc, kiểu dáng của diều vải thì có lẽ hơn đứt diều giấy thật, bởi lẽ việc in màu, thiết kế tạo dáng cho diều đã thành công nghệ mất rồi! Từ những chiếc diều thuần dáng như diều giấy bình thường, đến hình con cá, con công, rồng, dơi, chim phượng, lại còn có cả hình máy bay, siêu nhân hay là những hình ảnh các nhân vật mới nhất trong truyện tranh nước ngoài. Giá diều vải bây giờ từ vài ngàn đến cả trăm ngàn đồng đều có tất, tùy theo kích cỡ và kiểu dáng công phu, phức tạp của con diều. Và rất nhiều cha mẹ, anh chị đã sẵn sàng rút tiền mua những con diều to đẹp nhất để thả chúng lên trời uốn lượn cùng gió từ sớm đến khuya.

Đừng nghĩ chuyện chơi diều chỉ là độc mỗi tuổi chúng mình, đã có rất nhiều người lớn bây giờ cũng chiều chiều cầm cánh diều thả cùng con nhỏ, hay nhiều khi là chỉ thả cho mỗi mình thưởng thức, như là một biện pháp thư giãn sau những giờ lao động mệt nhọc, như muốn thả theo những stress của phố phường, cuộc đời. Người lớn hay trẻ em, trẻ em hay người lớn, diều giấy hay diều vải, diều vẫn là diều, tự do tung trời nơi thanh cao, dưới ánh mắt dõi theo ngưỡng mộ của biết bao người.

Từ chỗ diều góp mình làm nên nét thơ mộng đồng quê, bây giờ diều đã thành một phần hồn của phố. Nơi nào có đất rộng trời cao, có những con người giàu tình cảm thì nơi đó diều dễ dàng bay lên, lượn uốn, múa vui trong mắt bao người, chở theo những ước mơ, khát vọng đã đi qua hoặc chưa đến của con người. Diều ơi bay lên cùng gió ngàn, bất kể đó là gió đồng, gió biển hay gió núi, gió rừng, gió phố phường, đường bê tông nhựa,... Chỉ tiếc rằng, nhiều không gian đáng ra dành cho diều và trí tưởng tượng con người đã và đang bị giết hại một cách vô tội vạ...

Đào Đức Tuấn (baolamdong)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Một thuở yêu người (24/07/2018)
  • Thức xem World cup… (20/07/2018)
  • Em gái tôi (17/07/2018)
  • Sống và cho đi (10/07/2018)
  • Những bức thư cũ (06/07/2018)
  • Ngón tay nhúc nhích (29/06/2018)
  • Nhung Đen và Tam Thể (22/06/2018)
  • Bạn cũ (20/06/2018)
  • Đêm mùa hè trở gió (13/06/2018)
  • Người không trở về (08/06/2018)
Các tin khác
  • Phố rừng (08/03/2024)
  • Hạnh phúc trở về (23/02/2024)
  • Tết, là để trở về nhà! (07/02/2024)
  • Xứ bình an (19/01/2024)
  • Đèn không tắt sáng (12/01/2024)
  • Sông Nguồn (15/12/2023)
  • Núi Trời Cho (08/12/2023)
  • Chiều nay có một cuộc hẹn (01/12/2023)
  • Mưa qua tháp cổ (24/11/2023)
  • Những người mẹ (17/11/2023)

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hội họa qua những trang Kiều
Hà Nội mùa hoa loa kèn
Ca dao về lao động sản xuất
Ca dao về tình cảm vợ chồng
Mùa ngóng Tết thần tiên
Nhớ Tết quê
Xứ bình an
Chiều nay có một cuộc hẹn
Tự viết tên mình đi em
Kết thúc có hậu
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang