10/03/2017 09:01:00 AM
Chị dâu tôi

Chị ít hơn tôi bốn tuổi. Hồi tôi mới đỗ đại học, vừa lên trường thì bố mẹ gọi về cưới vợ cho anh trai. Chị dâu tương lai nhìn tôi, mặt cúi gằm, thẹn thùng, mới đầu còn chào tôi bằng anh, sau lấy anh tôi, thành người một nhà mới đổi cách xưng hô cho đúng mực. Tôi đi học muộn so với bạn bè, học xong phổ thông lại đi làm thuê vài ba năm mới đi thi đại học. Nên nhẽ ra đến cái tuổi lấy vợ, sinh con rồi mà vẫn mài đũng quần trên ghế giảng đường, mỗi tháng vẫn về nhà ngửa tay xin tiền mẹ. Đôi lúc nghĩ thấy mình vô dụng mà buồn…

Chị dâu không được học hành đến nơi đến chốn, chị là con một thầy lang nghèo, chỉ bốc thuốc làm phúc mà không lấy tiền. Chị mồ côi mẹ từ lúc nhỏ nên sớm phải tảo tần, nuôi cha, chăm nom hai đứa em gái và coi sóc nhà cửa những hôm cha chị lên rừng hái thuốc dài ngày. Cả làng ai cũng bảo sau này con trai nhà ai lấy được con gái ông thầy lang là phúc cả một đời, ai ngờ cái phúc ấy lại thuộc về gia đình tôi. Từ khi về làm dâu, chị giúp mẹ quán xuyến mọi việc đồng áng đến công việc lớn nhỏ trong nhà, chỗ nào cũng thấy bàn tay khéo léo của chị dù không phải là con dâu cả. Mẹ tôi mừng vui ra mặt, đi đâu, gặp ai cũng khoe:

- Con dâu tôi đấy, nó con nhà nghèo nhưng lại đẹp người, đẹp nết.

Những lúc ấy chị lại thẹn thùng ém sau lưng mẹ, đôi gò má ửng hồng, tóc đen, mắt láy. Chị dâu tôi mười tám, lấy chồng, ruộng nương vất vả nhưng con gái cả làng vẫn chẳng ai đẹp bằng. Anh tôi yêu vợ nhưng khô khan, cục tính, đôi lúc quát mắng chị những việc không đâu. Mỗi lần đi học về, thấy vậy tôi đùa:

- Lo mà giữ vợ đi, chị dâu em vừa đẹp vừa giỏi giang thế, anh mà cứ quát mắng là mất vợ có ngày.

Anh tôi gãi đầu cười khì khì:

- Thách đứa nào cướp được vợ thằng Hà này nhé. Có gan giời.

Anh tôi thuộc loại con chữ thì dốt nát, vai u thịt bắp được cái hay lam hay làm bù lại. So với tôi, anh thiệt thòi, vất vả từ tấm bé, nhất là bố lấy vợ lẽ, anh cả theo bố sang sông, nhà chỉ còn anh, những lúc khó khăn hay giông bão anh thành đứa con trai lớn trong gia đình, thành trụ cột, thành cái nóc nhà chống đỡ, che chắn cho cả ba mẹ con tôi. Thôi thì bấy nhiêu cái vất vả, khó khăn đến bây giờ ông trời thương nên anh có được chị dâu tôi cũng là mát mày mát mặt.

Tôi đi học, gánh nặng trên đôi vai chị dâu lại càng nhiều. Mỗi tháng về xin tiền tôi chẳng dám ngẩng lên nhìn chị. Nhưng lần nào cũng thế, lúc tôi sắp xuống trường chị lại giấu mẹ dúi vào ba lô tôi thêm vài chục, một trăm, bảo: “Đây là tiền của riêng chị, cho chú đi đường”. Có lúc còn đùm thêm khoanh giò, mấy cân gạo nếp hay vài tấm mía, y như một người chị chiều chuộng đứa em út trong nhà. Sau này tôi xin được việc làm thêm, ít về nhà hơn mà mỗi lần về nhà cũng không xin thêm tiền nữa. Nhưng thi thoảng điện xuống chị vẫn hỏi: “Tuần này chú có về thăm nhà không? Có đủ tiền tiêu không? Đi làm có vất vả lắm không?”. Rồi có lúc chị bảo tôi phải nhanh kiếm người yêu đưa về ra mắt thôi, học xong là cưới liền, nhiều tuổi rồi không nhởn nhơ được nữa đâu. Tôi cười xòa bảo: “Em còn phải chơi đã, vợ con làm gì cho nặng nợ”. Chỉ thấy chị thở dài. Chị thương tôi giống cái kiểu người chị cả thương đứa em út ít vụng dại trong nhà, thứ tình cảm đó đối với tôi thiêng liêng, ấm áp vô cùng. Bởi từ bé tôi đã luôn mong muốn mình có một người chị gái, nhưng cha thì đã lấy vợ hai tận bên sông còn mẹ thì nhất định không chịu đi bước nữa. Nên tôi thương yêu chị như ruột thịt, ở trường thì thôi chứ về nhà là cứ bám theo chị kể đủ chuyện trên trời dưới biển. Chị không hiểu biết nhiều nhưng lại chịu khó lắng nghe tôi nói.

Hai anh chị tôi lấy nhau cũng đã gần một năm mà chẳng thấy nói chuyện con cái gì cả. Lần này về thăm nhà, cứ thấy mẹ tôi ngồi ngoài hiên thẫn thờ rồi bỏ công việc đồng áng chạy đi cắt thuốc nam tận trên Yên Bái, Lào Cai. Chị dâu thì không thấy hồ hởi như mọi khi, lúc nào mặt cũng cúi gằm, im lặng. Ông anh tôi thì ngày càng cáu bẳn mà tự nhiên lại sinh ra cái thói xấu là hay uống rượu. Linh tính có chuyện chẳng lành nên tôi không dám hỏi han gì, sợ chị buồn cũng không dám làm phiền chị. Đêm rằm, mẹ giục anh chị ra chùa thắp hương, lúc hai người đã đi khuất vào con ngõ nhỏ tối tăm, mẹ vừa khóc vừa bảo tôi:

- Con học rộng, biết nhiều, con thương anh chị thì tìm xem ở đâu nó chữa được bệnh khó sinh nở để cho chị dâu con nó đi chữa, chứ lấy nhau gần một năm rồi, không kiêng cữ gì mà cái bụng cứ phẳng lì như thế là có bệnh rồi.

Tôi hỏi:

- Thế đã đi khám bệnh viện chưa ạ?

Mẹ lắc đầu, nước mắt giàn giụa, lúc này tôi mới nhận ra mới có mấy tháng bận bịu không về thăm nhà mà mẹ tôi già đi nhiều quá. Vừa thương mẹ, vừa thương chị dâu nên tôi đành động viên, an ủi:

- Không đi khám thì biết bệnh gì mà chữa. Mẹ đừng lo, con thấy trường hợp như thế trong thiên hạ không thiếu. Họ gặp thầy gặp thuốc là lại đẻ sòn sòn ấy mà. Mẹ cứ chuẩn bị tinh thần đi, chỉ sợ sau này mỗi năm một đứa, mẹ lại chẳng có sức mà trông cháu ấy chứ.

Nhưng mẹ lại càng khóc nhiều hơn, mẹ giục tôi mau mau đi tìm thuốc chỗ này, chỗ nọ. Hôm đi, chị lại dúi vào ba lô tôi đủ thứ lặt vặt, linh tinh. Nhìn mắt chị thâm quầng, buồn rười rượi mà tim tôi thắt lại. Tôi bảo chị:

- Chị cố mà lo ăn uống nghỉ ngơi đi, chứ dạo này em thấy thần sắc chị không ổn. Việc gì cũng có cách giải quyết, không phải lo, sức khỏe là quan trọng nhất nên chị phải chăm sóc mình thật tốt.

Chị cố gượng cười, nhưng đôi mắt đã ầng ậc nước. Xuống Hà Nội, tôi xin nghỉ việc trong một tháng, lên mạng tìm đủ địa chỉ, hỏi thăm các nơi, thậm chí tôi còn lân la cả bọn con gái trong lớp xem có biết chỗ nào đáng tin cậy hay không. Rốt cuộc tôi cũng lôi về mấy chục thang thuốc bổ, thuốc bệnh mà trong lòng không hiểu sao cứ có linh cảm mấy thứ thuốc đó chẳng giúp gì được cho chị. Thầy thuốc bảo:

- Cứ mang về cho uống đi, toàn thuốc nam không khỏi bệnh cũng không có hại gì cho cơ thể cả. Thậm chí còn giúp thanh nhiệt béo tốt nữa ấy chứ.

Tôi nhủ thầm “thôi thì béo tốt cũng được vậy”, nhưng chị sắc uống hết mấy chục thang bệnh chẳng khỏi mà béo cũng chẳng thấy đâu, người chị ngày càng gầy đét, xanh xao. Đêm nào chị cũng ra ngồi ngoài hiên khóc, ánh trăng soi vào khuôn mặt, đôi mắt thâm quầng, càng làm tiều tụy hơn. Anh tôi say bét nhè tối ngày, cứ về đến nhà là gây sự, chửi ầm lên, đến mẹ tôi cũng chẳng dám khuyên can gì cả. Đang đêm, lúc cả nhà đã ngủ say, anh lôi chị dậy, vứt túi quần áo, ngà ngà say, chỉ ra ngoài đêm tối bảo:

- Mày đi ra khỏi nhà ông đi, sao mày không sinh cho ông được một đứa con. Hay là lúc trẻ mày chơi bời, bậy bạ nên bây giờ muốn mà không được. Hả? Hả?

Chị dâu quỳ xuống đất, ôm mặt khóc nức nở, anh tôi cũng khóc. Tôi chạy vào đỡ chị dậy, đẩy sang phòng mẹ. Tôi bảo anh:

- Làm thằng đàn ông sao lại xử sự với vợ mình như thế?

Anh tôi càng khóc to hơn, anh bảo:

- Chú thì biết cái quái gì, lấy vợ mà không sinh được con thì vừa khổ vừa nhục. Chú có gặp phải hoàn cảnh của anh đâu mà chú biết.

Tôi bảo:

- Mình anh mới biết khổ, biết nhục chắc. Chị dâu là đàn bà, chị còn khổ còn nhục hơn nhiều. Anh là chồng không an ủi, động viên thì thôi lại còn đày đọa thêm chi cho tội.

Anh lại tu một hơi rượu dài rồi khóc như một đứa trẻ con, bức vách bên kia cũng phát ra những tiếng khóc tấm tức của chị, tiếng nấc khan của mẹ. Lòng tôi càng rối như tơ vò, càng thương anh chị mình bao nhiêu, càng giận mình vô dụng chẳng giúp được việc gì hết cả.

Sau đêm ấy, anh tôi không mắng chửi chị dâu nữa nhưng vẫn lầm lì và rượu chè triền miên, chẳng biết đâu là trời đất. Chị dâu ít điện xuống cho tôi, chỉ có mẹ thi thoảng mới điện xuống bảo tôi về nhà chơi vài ngày cho chị dâu khuây khỏa đỡ buồn. Mẹ không biết rằng tôi cố tránh không phải nhìn thấy chị những lúc này, bởi tim tôi đang thắt lại. Mẹ đã tính chuyện đi xin bùa ngải, đi giải hạn ở một ông thầy cúng nào đó trên mạn ngược. Chị dâu ngày càng lầm lũi hơn, suốt ngày đầu tắt mặt tối với ruộng đồng, lợn gà như để quên đi mọi thứ. Tôi hỏi:

- Sao anh chị không đi khám?

Chị òa khóc, bảo:

- Chị xin chú, chị sợ mấy chỗ phòng khám ấy lắm. Mà nhỡ họ bảo chị mãi mãi không sinh được con thì sao? Chị sợ lắm.

Tôi bảo:

- Có đi khám đâu mà biết bệnh, trăm bệnh, trăm thầy lo gì.

Chị im lặng một lúc lâu, nghe vẻ đã xuôi tai. Chị hỏi:

- Nếu chị không thể sinh con thì mọi người có ghét chị lắm không, chú có ghét chị không?

Tôi quay đi, nghẹn lời bảo:

- Nếu trời bắt tội, thì cớ sao mà ghét chị được. Lúc nào em cũng thương chị hết.

Tôi dẫn anh chị xuống bệnh viện thành phố khám bệnh. Chẳng biết ông bác sĩ nói những gì mà lúc đi ra mặt anh tôi tím tái. Chị dâu không chịu ở lại thành phố chơi, cứ đòi về nhà luôn để thu hoạch mùa không bão đến. Trước lúc về anh tôi bảo:

- Hóa ra lại tại anh chú ạ. Thế mà…

Tiễn anh chị ra bến xe. Tôi cố động viên chị dâu rằng không sinh được con thì xin con nuôi. Cốt mình yêu thương nó thì sau này nó cũng yêu thương mình. Chị bảo:

- Nhờ chú động viên anh. Chị thì không sao đâu. Sau này đi xin con nuôi cũng nhờ chú cả.

Chị nói rồi quay đi lau nước mắt. Tàu đã chạy được khá lâu mà tôi vẫn chưa thể cất bước quay về. Tôi thương anh, thương những người đàn bà trong gia đình. Tại sao những nỗi buồn lại rơi xuống gia đình tôi như thế? Tại sao?

* * *

Người ta mách tôi lên chùa mà xin con nuôi. Tôi lên chùa, nhìn lũ trẻ mồ côi đang tíu tít chơi với nhau trong sân chùa mà lòng càng thêm buồn. Chẳng biết một đứa con nuôi có làm chị dâu tôi nguôi ngoai cái khát khao tình mẫu tử, ruột rà? Chẳng biết anh tôi có được an ủi phần nào và còn mẹ tôi nữa. Cả đời, mẹ đã khổ quá nhiều rồi. Sư thầy nhìn lũ trẻ bảo:

- Tội nghiệp. Người thì muốn có một đứa con lại không được. Lại có người mẹ đang tâm từ bỏ đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Nhìn chúng xem, chúng như những mầm xanh, rồi chúng sẽ được yêu thương và trở thành những người công dân tốt.

Tôi hẹn sư thầy lần sau quay lại rồi lẫm lũi ra đi. Chị dâu điện xuống bảo về nhà thôi, về có chuyện gia đình. Tôi gặng hỏi chị nhất định không nói, cứ bảo “chú về thì biết”. Làm cả chặng được dài ruột gan tôi cứ nóng như lửa đốt. Vừa bước chân vào đến cửa, chị dâu đã ôm chầm lấy tôi khóc:

- Chị khổ quá chú ơi! Anh chú không cho chị ở lại nhà này.

Anh trai ngồi câm lặng trong bóng tối, tôi hỏi gì cũng không nói, cơ thể thì gầy rộc đi, chẳng còn chút gì vạm vỡ của ngày xưa nữa. Tôi bảo:

- Cần gì phải làm như thế. Em đi xin con nuôi cho anh chị rồi. Con nào mà chả là con.

Nói mãi, anh tôi quát ầm cả nhà lên, chửi tôi sao mà ngu, người ta còn đời con gái người ta phải đi lấy chồng khác mà sinh con, mà ẵm bồng. Làm đàn bà mà không được mang nặng đẻ đau, không được bế bồng thì có còn là đàn bà nữa không. Giữ người ta ở lại cái nhà này làm gì. Thương người ta thì để cho người ta đi. Anh vừa nói vừa khóc, chị tôi càng khóc to hơn. Chị ôm chầm lấy anh, van xin cho chị ở lại cái nhà này. Nếu còn đuổi chị đi thì chị sẽ chết trước mặt mọi người cho mà xem. Mẹ kêu ông trời “Sao mà cứ làm khổ các con tôi mãi thế”.

Từ khi xin đứa con nuôi về, chị dâu vui hẳn lên, tuy đôi lúc tôi bắt gặp chị thẫn thờ khi nghe tiếng người mẹ nào hát ru con, hay đứa trẻ nào đang ôm chặt bầu vú mẹ. Tôi biết là trong thẳm sâu bản năng người đàn bà, chị đang buồn lắm. Nhưng có bao nhiêu tình yêu thương chị dành cho thằng bé Khôi hết. Chị đòi đặt tên là Khôi để lớn lên nó khỏe mạnh như bố và tuấn tú như tôi. Tôi cười xòa, bảo sau này nó quấy và nghịch như quỷ sứ là được. Chị mắng:

- Chú thật là, chưa gì đã quở quang cháu thế. Chú lấy vợ đi, cháu nó làm phù rể cho kìa.

Anh tôi cũng bỏ hẳn tật rượu chè, hễ ra đồng thì thôi chứ về nhà là hai bố con lại quấn lấy nhau, cười hú hí suốt không biết chán. Nay đan cho nó cái đèn lồng, mai đan cho nó cái lồng chim, mùa gặt thì bắt cho cả chục xâu muồm muỗm, mùa cấy thì bắt cua. Được cái thằng bé khôn, miệng lúc nào cũng bảo “con yêu bố nhất”. Mẹ tôi ngày càng chăm lên chùa cầu khấn, tôi biết mẹ buồn nhiều vì đứa con cả thì theo bố sang sông, cả năm chẳng về thăm nhà được một đôi lần. Đứa con thứ hai thì hiếm muộn còn thằng út là tôi thì mãi vẫn chẳng chịu vợ con gì. Lần nào về chị dâu cũng giục:

- Chú lấy vợ đi cho mẹ vui, còn đến bao giờ nữa.

Tôi hứa với chị cuối năm sẽ cưới, chị vui ra mặt. Lúc đi còn cố đưa tôi thêm tiền bảo mua quần áo đẹp mà diện cho bảnh bao một chút, con gái bây giờ cũng cần cái mã bên ngoài lắm. Chị càng chăm chút tôi, tôi càng thấy thương chị nhiều hơn. Nhưng dẫu sao sớm tối có một đứa con, dù là con nuôi đi nữa cũng vui cửa vui nhà. Từ ngày có thằng Khôi, thần sắc chị dâu cũng tốt hơn, anh trai đi bốc thuốc bổ về cũng thấy da dẻ hồng hào, tóc lại đen như xưa.

Tôi biết chị đã hồi sinh trở lại, trong mỗi một người đàn bà cái mầm sống bao giờ cũng mạnh và tốt tươi hơn. Tự nhiên tôi bỗng thèm có một gia đình, có vợ hiền, con ngoan để sớm tối quây quần, để yêu thương, chăm sóc cho nhau. Để có cháu cho mẹ tôi đỡ mong, để chị dâu không còn phải lo cho đứa em chồng ham chơi như tôi nữa. Tự nhiên tôi thấy buổi chiều hôm nay thật đẹp.

Vũ Thị Huyền Trang (Chuyên trang Văn nghệ báo Hải Dương)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Chuyện tình của sóng (03/03/2017)
  • Nước mắt của bà (24/02/2017)
  • Trang trại @ (17/02/2017)
  • Tiết xuân về (10/02/2017)
  • Cháo hành Thị Nở (03/02/2017)
  • Mắt rồng (20/01/2017)
  • Mở cửa trời (13/01/2017)
  • Mẹ tôi (06/01/2017)
  • Đón dâu về ăn tết (30/12/2016)
  • Tổ nghiệp (23/12/2016)
Các tin khác
  • Phố rừng (08/03/2024)
  • Hạnh phúc trở về (23/02/2024)
  • Tết, là để trở về nhà! (07/02/2024)
  • Xứ bình an (19/01/2024)
  • Đèn không tắt sáng (12/01/2024)
  • Sông Nguồn (15/12/2023)
  • Núi Trời Cho (08/12/2023)
  • Chiều nay có một cuộc hẹn (01/12/2023)
  • Mưa qua tháp cổ (24/11/2023)
  • Những người mẹ (17/11/2023)

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hội họa qua những trang Kiều
Hà Nội mùa hoa loa kèn
Ca dao về lao động sản xuất
Ca dao về tình cảm vợ chồng
Mùa ngóng Tết thần tiên
Nhớ Tết quê
Xứ bình an
Chiều nay có một cuộc hẹn
Tự viết tên mình đi em
Kết thúc có hậu
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang