16/02/2009 02:05:51 PM
Bí mật cây đa làng

Cả làng, người lớn, trẻ con kéo đến đông đặc, vây quanh cây đa làng để xem ông kỹ sư khám bệnh cho nó. Ông kỹ sư đeo kính cận hay kính lão gì đó, hai mắt kính dày y như hai cái trôn bát. Ông đi vòng quanh gốc đa, sờ sờ, nắn nắn. Rồi ông ngước mắt nhìn lên mấy cành đa đang héo dần.

Cây đa làng sắp bị chết rồi!

- Phải cứu lấy cây đa làng, nó là biểu tượng hơn một trăm năm nay của làng, phải cứu lấy nó bằng mọi giá!

Cứ thế, tin về cây đa làng có dấu hiệu bị chết lan nhanh trong làng. Người lớn có nỗi buồn của người lớn, lũ trẻ con chúng tôi có nỗi buồn của trẻ con. Cây đa làng chết đi, sẽ chẳng còn cái nón khổng lồ của nó che mát cho những người nông dân đi làm đồng về nghỉ ngơi; cho lũ trẻ chúng tôi chơi đùa hay chí chóe cãi nhau. Có người còn bảo cây đa làng là lá phổi của làng, mất nó, làng khéo mà trở thành cái lò nung gạch mất thôi!

Rồi làng họp thống nhất quyên góp tiền từng nhà, lên tận thành phố thuê hẳn một ông kỹ sư bảo vệ giống cây trồng về điều trị bệnh cho cây đa làng. Ông kỹ sư không chịu ngồi xe máy, cũng chẳng chịu ngồi xe khách, thành thử làng phải thuê luôn cả xe hơi chở ông về.

Cả làng, người lớn, trẻ con kéo đến đông đặc, vây quanh cây đa làng để xem ông kỹ sư khám bệnh cho nó. Ông kỹ sư đeo kính cận hay kính lão gì đó, hai mắt kính dày y như hai cái trôn bát. Ông đi vòng quanh gốc đa, sờ sờ, nắn nắn. Rồi ông ngước mắt nhìn lên mấy cành đa đang héo dần. Tôi ngưỡng mộ ông lắm nên cố chen vào để được đứng gần ông. Nhưng cái số tôi chẳng được gần người sang trọng, ông kỹ sư cầm tai tôi kéo mạnh:
- Ranh con biết cái gì mà sấn vào, xéo ra ngoài kia!
Tôi đau điếng kêu lên oai oái. Chưa hết, một anh an ninh xã còn túm lấy áo tôi lôi ra, đá đít tôi mấy cái. Tôi buồn bã, lủi ra vòng ngoài. Ông kỹ sư sai người trèo lên cây đa bẻ những cành đa lá vàng xuống. Ông bứt mấy cái lá, xé nó ra, nghiêng ngó, ngửi ngửi. Quay ra đám đông, ông nói như đinh đóng cột:
- Bệnh vàng lá, tôi mà ra tay thì chỉ vài ngày là tiệt!
Những tiếng trầm trồ, thán phục lao xao nổi lên. Khuôn mặt ai cũng dãn ra hân hoan, chỉ riêng khuôn mặt ông kỹ sư vẫn lành lạnh như thịt đông ngày Tết. Thì đã sao, có tài người ta được quyền khinh người một tí chứ!

Làng cho người theo ông kỹ sư đi lấy thuốc. Theo hướng dẫn của nhà chuyên môn, ngày hai lần vào sáng sớm và chiều tối, khu vực lá đa bị vàng, bị héo được phun một thứ thuốc trăng trắng như sữa. Một ngày, hai ngày, rồi một tuần, hai tuần, những đám lá đa vẫn cứ thi nhau vàng ệch ra. Thế là hỏng rồi, tiền mất tật mang, những người dân làng tôi lo lắng nhìn nhau, nhìn cây đa đang có nguy cơ chết dần chết mòn mà héo hết cả ruột gan.

Còn tôi, tôi cũng buồn lắm, chả gì cây đa đã gắn với một kỷ niệm sống chết của đời tôi. Lần đó, tôi đi bắt cua giữa trưa Hè, bị cảm nắng đến ngất, mấy bác nông dân bế tôi chạy về gốc đa sơ cứu mãi tôi mới tỉnh lại.

Ngày nào tôi cũng đi ra chỗ cây đa, hết lượn lờ quanh gốc, lại ngước nhìn đám lá đa bị chết. Trưa nay, ăn cơm xong, tôi lại ra thăm cây đa, tôi đang ủ rũ ngồi dưới gốc đa thì lão Bào nhà ở bên kia đường đi sang dọa tôi:
- Giữa trưa nằm ở đây, ma nó bắt đấy!
- Làm gì có ma! - Tôi bực mình đáp. Lão Bào bảo chính mắt lão đã nhìn thấy một người mặc quần trắng áo trắng, hay lượn lờ ở gốc đa vào những lúc trưa vắng, đêm mưa phùn. Đôi mắt thao láo của lão nhìn tôi soi mói. Tôi thấy đôi mắt của lão gian gian thế nào ấy.


***

Đêm, tôi rón rén mở cửa nhà đi ra chỗ hẹn với thằng Khang. Mãi lâu sau, nó mới mò tới. Tôi và nó mang theo con dao mác, chui vào bờ dậu vườn nhà lão Bào rình. Muỗi cắn ngứa ran cả chân tay, quá mười hai giờ đêm không thấy động tĩnh gì, chúng tôi đành ra về. Tối thứ hai vẫn thế. Tối thứ ba, ngay từ chập tối, trời lất phất mưa phùn, tôi sang rủ thằng Khang, nó từ chối, tôi nài nỉ, lại còn hứa sẽ thường giảng giải toán cho nó, chả là nó rất dốt và sợ môn toán như sợ cọp, nó mới chịu đi.

Làng tôi, người ta đi ngủ sớm lắm, chín mười giờ tối đường đã vắng tanh vắng ngắt. Thằng Khang ngồi được một lúc, gục đầu vào cây xoan ngủ. Tôi cũng buồn ngủ rũ mắt nhưng cố chống cự bằng cách mường tượng ra con ma quần trắng áo trắng lượn lờ quanh gốc đa trước mặt. Bỗng tim tôi như ngừng đập. Kìa, một con ma mặc quần áo màu đen đang cuốc cuốc cái gì đó ở chỗ gốc đa.

Tôi đánh thức thằng Khang, bảo nó lẻn về báo cho đội thường trực an ninh xã, còn tôi ở lại theo dõi con ma kia! Con ma tiếp tục cuốc cuốc một lúc nữa rồi ngồi xuống làm cái gì đó mà tôi không nhìn rõ. Một chốc con ma đi ra mé đường cúi xuống bốc bốc rồi quay lại chỗ vừa cuốc. À, thì ra nó bốc cát! Giời ơi! Cái thằng Khang chết tiệt, mày què chân, ỉa đùn ra quần hay sao mà chậm như rùa vậy? Mồ hôi vã ra đầm đìa cả người tôi. Con ma có dấu hiệu biến mất, nếu còn thằng Khang, có thể tôi dám vác dao xông ra, bây giờ có một mình, chân tôi như chôn chặt xuống đất. Tôi tuyệt vọng nhìn con ma bắt đầu bước đi.

- Đứng lại, giơ tay lên! - Cùng với tiếng quát của đội an ninh xã là những ánh đèn pin loang loáng. Tôi lao ra hét lên:

- Bắt lấy nó!

Con ma chính là lão Bào mà tôi nghi ngờ. Lão đã phải khai ra sự thật, nhà lão bị chết hai con lợn sề liền lúc, vợ lão đi xem bói về bảo cây đa trước nhà có ma, nếu không phá nhà của con ma đi, nó còn ở đây, hôm nay con ma bắt lợn, ngày mai sẽ bắt người. Lão Bào là kẻ mê tín, sợ quá bèn đi xin dầu nhớt thải ra ở hiệu sửa xe máy về, đào gốc đa rồi tưới nhớt vào để “giết” dần cây đa.

Ngay đêm đó, người ta bắt lão Bào phải đào bốn cái hố cả cũ lẫn mới lên, rửa sạch dầu nhớt, bón phân chuồng vào rồi lấp đất lại. Lão còn bị làm kiểm điểm, bị phạt tiền về cái sự mê tín ngu ngốc của lão. Một tuần sau, cây đa thôi không còn bị vàng lá nữa. Tôi rất sung sướng vì cây đa làng đã được cứu sống nhưng cũng rất ngại ra đường bởi mỗi khi gặp tôi, người làng lại bảo: “Chào kỹ sư làng!”. Tôi ngượng lắm vì kỹ sư là phải học xong đại học, còn tôi chỉ mới là cậu học sinh lớp năm trường làng!

Vũ Đảm

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Niềm vui ngày xuân (09/02/2009)
  • Sang Xuân (05/02/2009)
  • Đi Tết Thầy (25/01/2009)
  • Chiếc gương hình mặt trời (21/01/2009)
  • Đào phai năm cũ (12/01/2009)
  • (10/01/2009)
  • Sớm mai trên sông (05/01/2009)
  • Truyện ngắn: Điện thoại lúc nửa đêm (26/12/2008)
  • Phong lan đỏ (22/12/2008)
  • Ngoại hình dễ nhìn (19/12/2008)
Các tin khác
  • Phố rừng (08/03/2024)
  • Hạnh phúc trở về (23/02/2024)
  • Tết, là để trở về nhà! (07/02/2024)
  • Xứ bình an (19/01/2024)
  • Đèn không tắt sáng (12/01/2024)
  • Sông Nguồn (15/12/2023)
  • Núi Trời Cho (08/12/2023)
  • Chiều nay có một cuộc hẹn (01/12/2023)
  • Mưa qua tháp cổ (24/11/2023)
  • Những người mẹ (17/11/2023)

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Bí mật cây đa làng
Cô giáo trẻ
Đồng quê
Con vẹt xanh
Phố rừng
Hạnh phúc trở về
Tết, là để trở về nhà!
Xứ bình an
Đèn không tắt sáng
Sông Nguồn
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang