02/11/2009 03:31:21 PM
Họ không phải là những kẻ điên khùng của thế gian

Tôi dành phần cuối trong ký sự rời rạc về nước Nga để nói đôi điều về những văn nghệ sỹ người Việt đang sinh sống ở nước Nga mà tôi quen biết. Họ sống ở Moscow đã năm năm, mười năm, hai mươi năm và có người còn lâu hơn nữa. Nước Nga thực sự đã trở thành quê hương thứ hai của họ.

Có người đến Nga học tập và ở lại với những lý do riêng của mình. Có người cùng vợ con đến Nga làm ăn. Có người ở lại với niềm vui, có người ở lại với nỗi đau buồn và có người ở lại bởi không nỗi hoang mang không biết nên trở về hay nên ở lại….

 



 Từ trái qua phải: dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà báo Nguyễn Lương Phán, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng, nhạc sỹ Hồng Hà ở quán My My, Moscow (10/2009)  Ảnh: Châu Hồng Thuỷ

 
Vì chuyến đi Nga quá ngắn ngày và lại đi cùng đoàn nên tôi không có ý định đi tìm những người tôi quen biết. Chúng tôi chỉ có hai ngày ở Moscow rồi sau đó đi Saint Petersburg và trở về nước. Nhưng nhà thơ, nhà báo Trần Quang Hải có việc gặp một dịch giả đang sống ở Moscow. Dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền đến khách sạn thăm nhà thơ Trần Quang Hải. Chị bấm điện thoại cho tôi nói chuyện với nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng. Thế là chúng tôi hẹn gặp nhau. Ngày 11 tháng 10, chúng tôi dành cả ngày đến thăm khu điền trang của văn hào Lev Tolstoi. Hơn 9 giờ tối chúng tôi mới trở lại Moscow. Và những người bạn văn nghệ sỹ cũ và mới đã đến đón tôi. Chúng tôi đến một quán người Nga và nói chuyện với nhau đến khuya.

Đấy là một buổi tối của mười năm. Tôi nghĩ vậy vì có lẽ đã mười năm rồi tôi mới gặp lại nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng và nhà thơ Châu Hồng Thuỷ. Cũng buổi tối đó, tôi được làm quen thêm nhạc sỹ, hoạ sỹ  Hồng Hà. Dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền đã sống hơn hai chục năm ở Moscow. Chị hiện đang làm việc cho Đài phát thanh quốc gia “ Tiếng nói nước Nga”. Còn nhạc sỹ Hồng Hà tài hoa đang quyến rũ những người Moscow bằng kiến thức phong thuỷ và thiết kế nội thất của mình. Tất cả những người này đều đang sống với gia đình ở Moscow.

Cho dù nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng không muốn thì tôi vẫn phải kể lại câu chuyện buồn đau của anh. Với tôi, đó là lý do anh ở lại nước Nga cho đến bây giờ. Nước Nga là hạnh phúc của anh và cũng là nỗi đau của anh. Một ngày cách đây nhiều năm, con gái nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng nhận giải học tập của trường, vợ chồng anh thưởng cho con một chuyến đi chơi biển. Nhưng vợ chồng anh không đi cùng con được. Họ đã gửi con cho vợ chồng một học sinh cũ. Và câu chuyện đau buồn ấy đã xảy ra trên một bờ biển nước Nga. Tôi chỉ biết rằng sau một tuần không thấy con trở về, tóc nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng đổ trắng.

Mấy ngày vừa rồi, Hội đồng thơ của Hội nhà văn Việt Nam họp, các thành viên Hội đồng chúng tôi nói đến thơ anh và cũng nói đến đứa con gái yêu dấu của anh. Với lý do đó, vợ chồng anh quyết định ở lại nước Nga để đợi con. Một nhà tiên tri nổi tiếng thế giới đã nói với họ rằng con gái họ sẽ trở về. Đã bao nhiêu năm trôi qua rồi, nhưng tôi vẫn hình dung có một đôi mắt của vợ chồng anh không lúc nào ngủ. Đôi mắt ấy mở to đợi đứa con của họ hiện ra. Sự chờ đợi này là sự chờ đợi lớn nhất trong cuộc đời họ. Có lẽ thế mà những câu thơ của Nguyễn Huy Hoàng dù viết về điều gì cũng da diết khôn cùng.

Chúng tôi ngồi trong quán My My của người Nga uống bia, uống cà phê và trôi lang thang cùng những câu chuyện về những văn nghệ sỹ người Việt ở Nga. Và tôi nhận thấy một nỗi cô đơn cùng với những khát vọng nhân văn như những ngọn gió thổi không ngừng dọc cuộc đời họ ở chốn tha phương. Nhà thơ Châu Hồng Thuỷ nói: có lẽ chỉ khi không thể làm gì được nữa, anh mới có thể trở về vùng Gia Lâm, Hà Nội của anh. Tốt nghiệp Học viện M. Gorki, anh ở lại Nga làm ăn như bao người khác. Bây giờ anh đang giữ chức Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Việt Nam ở Nga. Giữ chức vụ ấy mà anh chẳng có một chút quyền lợi gì. Nhưng văn nghệ người Việt ở Nga đã lập ra tổ chức ấy để cùng nhau chia sẻ và sáng tạo. Tổ chức của họ là tổ chức văn học nghệ thuật phi lợi nhuận và trong sáng nhất mà tôi được biết. 



Nhà thơ Châu Hồng Thuỷ

Có một thời, những văn nghệ sỹ ở Nga đã muốn trở thành một bộ phận của Hội nhà văn Việt Nam. Bởi họ muốn mọi sáng tạo của họ đều nằm trong một tổ chức chung của những người Việt Nam vì cái đẹp. Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng nhớ lại : “Dịp tôi về nước năm 99, Nguyễn Đình Chiến trao đổi với tôi là “cố dành thời gian đến thăm Hội Nhà văn Việt Nam, phải gặp được một vị nào trong Ban thường vụ thì tốt để nếu có thể thì xin phép họ coi ta là một chi hội…” Tôi làm vượt năng suất, đến thăm anh em đồng nghiệp trong nước ba lần, gặp được nhà thơ giữ quyền trượng của Hội Nhà văn. Tôi được đón tiếp long trọng quá mức mình được hưởng, nhưng chẳng ai gật đầu khi tôi đưa ra sự ủy nhiệm của Nguyễn Đình Chiến. Thôi đành coi ta là khu tự trị vùng xa vậy”.

Và bây giờ, tôi đang nhớ tới nhà thơ Nguyễn Đình Chiến, người đã từng giành Giải nhất cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ năm 1982. Tôi biết anh từ những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Có lần tôi chứng kiến anh anh đã gục mặt xuống bàn khóc sau chuyến đi biên giới trở về vì thương những người lính sống quá khổ sở trên một điểm chốt ở biên giới phía Bắc. Anh đến Nga để theo học ở Học viện M. Gorki. Rồi anh ở lại Nga. Một thời, nghe nói anh làm ăn kinh tế rất quyết liệt.

Em trai tôi hồi còn làm ăn ở Moscow đã định liên doanh cùng anh mở nhà hàng cho người Việt. Ôi, cơm áo và khách thơ. Nỗi đau đớn nhất và cũng trớ trêu nhất đối với các nhà thơ là họ không thể vùi mình trong cơm áo nhưng cũng không thể bay lượn mãi với những cơn mơ. Họ phải đi ở giữa, họ phải chạm vào cả hai phía. Đấy chính là nỗi đày đoạ của họ. Sau rất nhiều năm ở Nga, nhà thơ Nguyễn Đình Chiến đã về nước. Nhưng tôi vẫn cứ nghĩ anh đang lang thang đâu đó trên những đường phố Moscow giá lạnh để tính toán làm ăn và vẫn đứng một mình trong những cánh rừng nước Nga lá đỏ, tóc bay rũ rượi như một Êxenhin của người Việt. 

Nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa cũng tốt nghiệp Học viện M. Gorki. Học xong anh về nước có lẽ vì anh là sỹ quan quân đội đi học. Tôi cứ hình dung nếu Trần Đăng Khoa ở lại và mua một kiốt để bán hàng may mặc của Thổ, của Trung Quốc hay bán hàng khô như măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương hay kinh doanh lòng lợn tiết canh ở khu chợ Vòm Moscow thì sẽ như thế nào nhỉ? Liệu Trần Đăng Khoa có phát đạt trong kinh doanh không ? Rồi nữ nhà văn Thùy Linh nữa. Nếu học xong Học viên M. Gorki, có thể chị sẽ ở lại Moscow làm chủ một tiệm sơn sửa móng tay, móng chân hoặc mở tiệm bún chả, búng ốc chăng? Tất nhiên nếu ở lại, họ cũng phải tìm cách mưu sinh như mọi người khác. Rồi đêm đêm sau khi dọn hàng xong, họ lại ngồi trước một chiếc bàn chật hẹp trong một căn hộ chật hẹp thuê giá rẻ để viết.

Còn nếu tôi cũng được học ở Học viện M. Gorki thì học xong tôi có ở lại Nga không? Nếu ở lại, tôi sẽ làm gì để sinh sống khi mà ở đó không thể làm báo được. Tôi sẽ mở quán ăn vì cũng có chút khả năng ẩm thực. Tôi sẽ nấu phở bò. Tôi mê phở bò và cũng học được một bí quyết nấu nước dùng từ hai mươi năm nay của một người nấu phở danh tiếng ở Hà Nội mê đọc văn chương. Và sau khi dọn dẹp quán phở mỗi khuya, tôi sẽ ngồi xuống làm thơ trong mùi thịt bò ám vào da thịt suốt một ngày.

Tôi còn nhớ, một lần bạn bè tôi phát hiện ra một chủ quán thịt chó ở Nghi Tàm giống tôi như lột. Thế là bạn bè nói rằng: không biết Thiều nào làm thơ và Thiều nào nấu món cầy tơ bảy món. Có lẽ hai người này nên đổi nghề cho nhau thì mới đúng. Tôi ngẫm có lẽ mà đúng. Bởi thiên hạ có lẽ có cả tỷ người làm thơ hay hơn tôi nhưng họ không làm mà thôi. Và tôi có lẽ hơn một tỷ người nấu món cầy tơ - nhưng vì tôi không nấu, chứ không phải là họ giỏi. 
 
Trong một bài viết của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng về cuộc sống của anh em văn nghệ sỹ người Việt ở Nga sau giai đọan khủng hoảng kinh tế Nga, anh đã viết những dòng chân thật mà đắng cay khôn tả : “Cộng đồng người Việt lại phải tiếp tục đứng trước nhiều thử thách gay go. Nhiếu chủ lớn vỡ nợ, tiền mất giá, hàng trăm  người lấy hàng từ các thành phố xa không còn  khả năng thanh toán cho chủ hàng ở Moscow, bỏ của chạy lấy người, gây nên tình trạng an ninh hỗn độn. Riêng anh em làm văn nghệ vốn đã khó khăn, nay lại khó khăn lại gấp bội phần. Đa số hội viên không có việc kiếm ra tiền một cách ổn định, có vị thì làm hàng khô quanh quẩn với miến măng, bánh rán và nước mắm; có vị thì làm dịch vụ điện thoại ông ống nói suốt ngày thu nhập chẳng là bao; có vị thì làm văn phòng ở một ‘ốp’ nào đó lương bổng ba cọc, ba đồng; vài vị cũng điền trạch khá có kiôt hoặc quầy mua bán ở các ‘ốp’, các chợ có đồng ra, đồng vào, nhưng nhìn chung thì trôi nổi, loai xoai giữa vòng xoáy thương trường…

Kiếp làm văn chương ở cái đất nhà nhà ra chợ, người người ra chợ này mà không bị trải chiếu, cầm ống bơ đứng đường là mả tổ còn phát lắm. Trong số gần trăm ngàn người Việt, nếu ai đó dày công làm một công trình điều tra thì kết quả cho thấy là phần lớn những người theo nghiệp văn nghệ chăc chắn là đứng đội sổ về thu nhập, chỉ nhỉnh hơn ô-sin một tí”.

Có những người sống ở Nga mười mấy, hai mươi năm khi về nước túi không một đồng xu. May còn một chút an ủi là những bài thơ, những truyện ngắn, những bức tranh, những bản nhạc mà họ sáng tác trong những năm tháng tha phương cầu thực buồn bã ấy. Có lẽ vì điều ấy mà họ không hoá điên hay không rơi vào vực thẳm của tuyệt vọng. Có những người đã nằm lại vĩnh viễn rời bỏ cuộc sống này sau những năm tháng nhọc nhằn như nhà văn Nguyễn Văn Tài.

Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng kể trong suốt ba năm liền, anh Tài làm tất cả mọi công việc và tự bỏ tiền túi để cho ra mắt 11 số tạp chí “Đồng Hương”. Anh cứ phải cõng từng kiện tạp chí đi từ ốp này đến ốp khác rao bán bởi không ai cho anh một góc chỉ vừa bằng diện tích cuốn tạp chí ở kiốt của họ để anh bày bán. Anh Tài làm tạp chí và cõng đi bán không phải để mưu sinh. Anh làm bởi một điều gì đó thẳm sâu trong tâm hồn anh mà không nhiều người thấu hiểu được. Khi tập truyện ngắn, tài sản lớn nhất và duy nhất trong suốt cuộc đời anh chưa kịp ra mắt thì anh đã rời bỏ thế gian.

Có người vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất Nga xa xôi như hoạ sỹ Trịnh Văn Khanh. Anh bị bệnh nan y. Và những nhà thơ, nhà văn, hoạ sỹ, nhạc sỹ bạn bè đã đi xin từng đồng để chữa bệnh cho anh. Nhưng định mệnh đã đưa anh sang một con đường khác - con đường về với Thiên thu. Khát vọng về một triển lãm của anh đã dừng lại. Giờ anh yên nghỉ trong một nghĩa địa ở phía nam sân bay Đômôđeđôvô.  Và trong thế giới vĩnh hằng anh đã trú ngụ, nếu làm triển lãm thì anh sẽ treo những bức tranh nào? Những bức tranh về những năm tháng tha phương buồn bã và thiếu thốn hay những những tranh về những vẻ đẹp còn sót lại trong các thân phận ở thế gian nặng nề và u tối của chúng ta.

Những văn nghệ sỹ người Việt không chỉ sống trong khó khăn thiếu thốn ở nước Nga mà không ít người trong số họ còn là nạn nhân của thói côn đồ và bạo hành ở nước Nga. Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng kể :Có một nhạc sĩ ở “ốp” Xôkôl, đi làm về muộn bị một nhóm bảo vệ “làm tiền”, anh không có tiền, chúng đánh cho anh lên bờ, xuống ruộng, đến mức gẫy cả xương sườn. Sau này, công an đã xác minh tìm ra và xử lý bọn cướp đó. Còn một nhà thơ thuê căn hộ để ở, bị bọn cướp mạo danh công nhân lừa, mở cửa cho chúng nó vào nhà kiểm tra hệ thống nước. Chúng ra tay bằng cờ lê và búa hành hung bố con anh,  may mà nhà anh còn có phúc, không thì thân thể khó mà được vẹn toàn. Nhưng hầu hết những văn nghệ sỹ đó không tìm đến một nơi ấm áp và no bụng. Ngược lại, họ đi vào giá rét và viết những bài ca về cuộc sống này.

Khi biết về cuộc sống của họ, không ít người băn khoăn: Tại sao họ không vứt đi những bài thơ hay những tác phẩm và không bao giờ nuôi nổi chính bản thân họ? Những bài thơ, những truyện ngắn, những bức tranh hay những bản nhạc mà trong mắt không ít người Việt Nam bây giờ chẳng có ích gì và như một sự hão huyền. Tại sao họ không đi bán thuốc lá lẻ hay chung tiền mua một cái “Công” để ngồi bán lẻ áo quần, giày dép…Tại sao trong thiếu thốn và trong nguy cơ có thể bị đuổi ra đường ăn xin mà họ vẫn ngồi lại với nhau để nói những điều đẹp đẽ và đau đớn của con người?

Họ vẫn bỏ tiền hoặc đi xin tiền làm ra những tờ báo, những tạp chí, in những cuốn thơ, tiểu thuyết, dịch những tác phẩm của các nhà văn Nga, làm ra những  album…và lại lầm lũi mang đến cho bạn đọc giống như mang những đám mây, những ánh sao, những ngọn gió cho những người đang tối mặt kiếm tiền. Họ là những kẻ điên khùng của thế gian hay họ là những kẻ được giao sứ mệnh chữa chạy những tăm tối của thế gian này? Không. Họ không bao giờ là những kẻ điên khùng mà họ là những kẻ làm cho thế giới này bớt điên khùng - dù chỉ trong một khoảnh khắc nhanh hơn cả một cái chớp mắt mà thôi.

Nguyễn Quang Thiều/ Người bạn đường

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Tháng chín mùa này (28/10/2009)
  • Lạc quan (23/10/2009)
  • Long Biên cầu nhớ (13/10/2009)
  • Con gái của mẹ (09/10/2009)
  • Cùng chung muối mặn, gừng cay (09/10/2009)
  • Cầu vồng (30/09/2009)
  • Leo dốc (24/09/2009)
  • Cố hương (24/09/2009)
  • Của hồi môn của mẹ (17/09/2009)
  • Với mùa thu Hà Nội (02/09/2009)
Các tin khác
  • Nghĩ về mẹ (08/03/2024)
  • Sa lưới (05/03/2024)
  • Một thoáng chiều thu (31/10/2023)
  • Chiều nắng hạ (11/07/2023)
  • Xúc động những vần thơ về Trường Sa của kiều bào Đức (27/06/2023)
  • Vương trong sương mù (20/06/2023)
  • Nàng Thơ (30/03/2023)
  • Vành khăn tang trắng (14/03/2023)
  • Khúc hát Xuân (24/02/2023)
  • Ngủ đi em (14/02/2023)

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Bức tranh tặng người chiến sĩ đấu tranh vì độc lập
Hoa cúc vàng
Việt Nam yêu dấu
Quê hương tôi
Mùa Đông với nước Đức
Mùa Xuân tới
Nghĩ về mẹ
Sa lưới
Một thoáng chiều thu
Chiều nắng hạ
Xúc động những vần thơ về Trường Sa của kiều bào Đức
Vương trong sương mù
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang