30/12/2009 05:50:55 PM
Chín bông hồng đỏ - một hồn thơ nồng nàn đam mê

Người đọc sau khi gấp lại “Chín bông hồng đỏ”, chắc chắn sẽ đặt nhiều kỳ vọng ở sự sáng tạo những tác phẩm văn, thơ mới, với những bước tiến ngoạn mục của Phạm Châu Loan trong thời gian tới...

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, từ nhỏ Phạm Châu Loan đã mê múa hát và đã theo học, tốt nghiệp hệ Trung cấp múa chuyên nghiệp tại Trường Múa Việt Nam năm 1971; từ đó đến năm 1983 là nghệ sĩ múa của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Vốn đam mê văn học, những năm định cư tại Italia (1983 -2008), chị đã theo học tại Khoa Ngữ văn hiện đại tại Trường Đại học Torino và tốt nghiệp năm 2007. Nhưng dù tiếp cận và ít nhiều chịu ảnh hưởng với những khuynh hướng, trào lưu văn học, nghệ thuật của châu Âu, song hồn thơ của Phạm Châu Loan vẫn mang nét thuần Việt, đậm đà bản sắc thi ca truyền thống, với những câu thơ nồng nàn, mê đắm đầy khát vọng về tình yêu, cuộc sống.



Phạm Châu Loan phát biểu tại Lễ ra mắt tập thơ,văn "Chín bông hồng đỏ"

“Chín bông hồng đỏ” là tập thơ, văn thứ hai của nghệ sĩ múa Phạm Châu Loan, vừa được tổ chức ra mắt bạn đọc yêu thơ TP. HCM tại nhà hàng ca nhạc Nhánh Lan Rừng vào sáng 26/12/2009. Đọc kỹ hai tập sách, điều dễ dàng nhận thấy là từ tập “Thơ Phạm Châu Loan” (NXB Văn Nghệ- 2008), đến tập “Chín bông hồng đỏ” (NXB Văn Học – 2009), chị đã có một bước tiến khá dài trong sáng tạo cả về số lượng và chất lượng.    

Nhiều bài thơ, câu thơ với cấu tứ, ngôn từ, hình ảnh rất dung dị, không cầu kỳ, không làm xiếc câu chữ, nhưng ẩn chứa những thông điệp về tình yêu, hạnh phúc lứa đôi và tình yêu quê hương, đất nước thật mãnh liệt, thật tràn trề khát vọng. Đó là những cảm xúc chân thật được cất lên từ một trái tim nhạy cảm của một người nghệ sĩ từng trải nghiệm cuộc sống với đủ cả những cung bậc vui, buồn, chia ly, mất mát… “Em tìm anh phố vắng/ Gọi tên mãi người ơi/ Chỉ có lá vàng rơi/ Trả lời em lá rụng” (Thu chia ly). Những câu thơ đọc lên như một tiếng thở dài tê tái, bởi cuộc chia ly. Dù vậy, nhưng với chị trái tim còn đập là còn cháy bỏng những đam mê: “Nhưng không em không thể/ Bớt điên cuồng say mê/ Yêu anh và yêu mãi/ Cho dù hồn tái tê” (Thu chia ly). Trong lịch sử thi ca Việt Nam, chúng ta bắt gặp không ít thi nhân đã mượn hình ảnh hoa để nói về tình yêu, nhưng với bài thơ “Chín bông hồng đỏ”, Phạm Châu Loan đã mê hoặc người đọc bằng cảm xúc thật mới mẻ và đau đáu những nỗi niềm “như máu chảy trong tim”. “Chẳng là Valentine ngày đó/ Nhưng là ngày mà ta đã yêu nhau/ Anh trao tặng em chín bông hồng đỏ/ Sắc đỏ tươi như máu chảy trong tim/ Mãnh liệt/ Nồng nàn/ Tha thiết/ Đam mê…”. Tôi dám chắc rằng, đối với những người xa xứ trong cái lạnh giá của tiết trời châu Âu, mỗi khi Tết đến nghĩ về nguồn cội quê hương, sẽ rất xúc động khi đọc bài “Tết ta” của chị: “Xa quê hương bên trời Âu lạnh giá/ Tháng Giêng về tuyết trắng chiều mờ sương/ Bên khung cửa tựa mình tôi lặng nhớ/ Tết đang về còn tôi vẫn tha hương…”. Những dòng cảm xúc, những nỗi niềm da diết nhớ nhung nguồn cội quê hương như thế, chúng ta bắt gặp khá nhiều trong “Chín bông hồng đỏ”: “Mùa thu nhè nhẹ tuổi ngây thơ/ Hà Nội thu vàng trong tâm tưởng” (Tương tư thu Hà Nội); “Tiếng gọi “quê hương” sao nồng nàn tha thiết/ Nỗi nhớ quê hương sao thấm đậm lòng ta” (Tiếng gọi quê hương)…



Khách tham dự chụp ảnh lưu niệm cùng Phạm Châu Loan

Có một nhà lý luận phê bình văn học nói đại ý rằng, thơ có ba cấp độ mà người làm thơ phải đạt tới, đó là ngôn thi, ảnh thi và cuối cùng là tâm thi. Tuy không nhiều, nhưng trong “Chín bông hồng đỏ” của Phạm Châu Loan cũng đã có những câu thơ lấp lánh đạt tới tâm thi, đủ sức lay động tận sâu thẳm tâm hồn người đọc. Đó là những câu thơ như được xuất thần thăng hoa trong một trạng thái phiêu diêu mộng mị, “mơ mơ, tỉnh tỉnh”: “Có những chiều một mình buồn hiu quạnh/ Mây lang thang và tôi cũng lang thang/ Mây về đâu, tôi nào biết về đâu/ Mây tìm trời, còn tôi, sẽ tìm ai?/ Có những chiều ngồi hoang trên đồi vắng/ Tĩnh mịch nghe khoảng không ngỡ lặng câm/ Một luồng gió tha hồn tôi đâu mất/ Thoang thoảng bay sâu thẳm phía chân trời/ Thân ngồi sững khi hồn vào cõi lạ/ Bát ngát bao la thăm thẳm vô cùng/ Mơ mơ… tỉnh tỉnh… say say… phơ phất…/ Có phải chăng mình ta đã phiêu linh?/ Chợt gai gai… gờn gợn… cơn gió thổi/ Lá xạc xào khẽ thầm gọi tên ai/ Từ khoảng không nghe trở về bến cũ/ Vời vợi mông lung, ôi khoảnh khắc siêu phàm” (Phiêu linh).

Phần văn xuôi trong “Chín bông hồng đỏ”, chiếm tỷ lệ ít hơn so với thơ, nhưng với những trang hồi ký, bút ký, du ký… giàu chất thơ và thấm đậm chất nhân văn đã đem đến cho người đọc cả sự lý thú lẫn những xúc động, sự ám ảnh không nguôi về thân phận con người, như: “Âm hưởng còn lại”; “Bác thợ ủi”; “Chú sẻ nhỏ”; Thăm mộ liệt sĩ”; “Lau kính xe”… Người đọc sau khi gấp lại “Chín bông hồng đỏ”, chắc chắn sẽ đặt nhiều kỳ vọng ở sự sáng tạo những tác phẩm văn, thơ mới, với những bước tiến ngoạn mục của Phạm Châu Loan trong thời gian tới. Và tôi tin Phạm Châu Loan sẽ tiến xa trên con đường dấn thân vào nghiệp văn chương đầy nhọc nhằn, nghiệt ngã này.

Lương Định

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Qua bến Vũ (24/12/2009)
  • Niềm mong đêm Giáng sinh (23/12/2009)
  • Chất lính (22/12/2009)
  • Hà Nội tháng Đông (18/12/2009)
  • Tam Đảo (17/12/2009)
  • Đời người như bóng tà dương (11/12/2009)
  • Chùm thơ của nhà thơ Châu Hồng Thủy (04/12/2009)
  • Bao giờ… (27/11/2009)
  • Ở phía sâu cửa sổ (13/11/2009)
  • Thăm Hungary (06/11/2009)
Các tin khác
  • Nghĩ về mẹ (08/03/2024)
  • Sa lưới (05/03/2024)
  • Một thoáng chiều thu (31/10/2023)
  • Chiều nắng hạ (11/07/2023)
  • Xúc động những vần thơ về Trường Sa của kiều bào Đức (27/06/2023)
  • Vương trong sương mù (20/06/2023)
  • Nàng Thơ (30/03/2023)
  • Vành khăn tang trắng (14/03/2023)
  • Khúc hát Xuân (24/02/2023)
  • Ngủ đi em (14/02/2023)

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Bức tranh tặng người chiến sĩ đấu tranh vì độc lập
Hoa cúc vàng
Việt Nam yêu dấu
Quê hương tôi
Mùa Đông với nước Đức
Mùa Xuân tới
Nghĩ về mẹ
Sa lưới
Một thoáng chiều thu
Chiều nắng hạ
Xúc động những vần thơ về Trường Sa của kiều bào Đức
Vương trong sương mù
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang