21/02/2005 01:16:11 AM
XIII. Nhà Lý (1010-1225) 215 năm, quốc hiệu Đại Cồ Việt, kinh đô Hoa Lư. Năm 1010 dời đô về Thăng Long. Từ 1054 đổi quốc hiệu là Đại Việt (phần 2)

(Tiếp theo kỳ trước)

DANH NHÂN THỜI LÝ

Đất nước Việt Nam ta, thời nào cũng sản sinh ra những anh hùng của dân tộc và những danh nhân của đất nước. Xin giới thiệu một số danh nhân của thời Lý:

Nguyên phi Ỷ Lan

Tên thật là Lê Thị Yến, quê ở làng Thổ Lỗi (Thuận Thành, Bắc Ninh) nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Mẹ mất từ lúc 12 tuổi, bố lấy vợ kế nên cô Yến cũng khổ như cô Tấm trong chuyện cổ tích.

Năm ấy, vua Lý Thánh Tông đã 40 tuổi mà chưa có con trai nối dõi nên về chùa Dâu cầu tự. Dân làng đổ ra xem, chỉ riêng cô Yến vẫn vừa hái dâu vừa hát. Nhà vua thấy lạ, cho người vời lại hỏi thì đấy là một cô thôn nữ bội phần xinh đẹp, lại đối đáp lưu loát. Vua cảm mến đưa về triều, phong làm Nguyên phi Ỷ Lan.

Nguyên phi Ỷ Lan sinh ra Thái tử Càn Đức ngày 25 tháng Giêng năm Bính Ngọ - 1066. Khác với các hậu phi, Ỷ Lan không lấy việc trau chuốt nhan sắc làm chính, mà chỉ miệt mài đọc sách, khổ công học hỏi, nên trong một thời gian ngắn, triều thần đều kinh ngạc trước sự hiểu biết uyên thâm về nhiều mặt của bà.

Năm 1069, Vua Lý Thánh Tông đích thân cầm quân đi đánh giặc Chiêm Thành. Ỷ Lan được trao quyền nhiếp chính, cũng năm đó nước ta không may bị lụt lớn, mùa màng thất bát, nhiều nơi bị đói khổ, bà đã cho mở kho thóc dự trữ phát trẩn cho dân, nhờ có tài trị nước đúng đắn, quyết đoán táo bạo của bà mà loạn lạc đã được dẹp yên, dân đói đã được cứu sống. Cảm ơn đó, nhân dân ta đã tôn thờ bà Ỷ Lan là Quan Âm nữ.

Năm 1072, Lý Thánh Tông đột ngột qua đời, vua kế vị là Lý Nhân Tông mới 7 tuổi.

Ỷ Lan trở thành Hoàng Thái hậu nhiếp chính cùng với Lý Thường Kiệt nắm quyền Tể tướng làm cho đất nước ta ngày càng cường thịnh.

Năm 1077, nhà Tống phát đại binh sang xâm lược nước ta. Thái hậu

Ỷ Lan cử Thái uý Lý Thường Kiệt chuyên tâm lo việc binh chống giặc ngoại xâm và cho người vào Nghệ An đón Lý Đạo Thành về làm Thái sư để cùng bà điều khiển triều đình, huy động sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Nhờ vậy mà chỉ trong vòng mấy tháng quân giặc đã phải rút chạy về nước.

Thái hậu Ỷ Lan hiểu rõ nỗi khổ của nông dân. Bà lấy tiền kho chuộc những người con gái nghèo bị bán rồi dựng vợ gả chồng cho họ.

Bà nhắc nhở nhà vua trị tội thật nặng những kẻ ăn trộm trâu và giết trâu vì cho rằng "nông dân có con trâu là đầu cơ nghiệp".

Ngày 25 tháng Bảy năm Đinh Dậu - 1117, Hoàng Thái hậu Ỷ Lan qua đời, nhân dân ta vô cùng thương tiếc, nhiều nơi lập đền thờ.

Thái uý Lý Thường Kiệt

Năm 1019 tại căn nhà của một võ quan ở phường Thái Hoà (phía trên vườn Bách Thảo ngày nay) con trai đầu lòng của ông Ngô An Ngữ và bà họ Hàn ra đời, được đặt tên là Ngô Tuấn.

Năm Thiên Thành đời Lý Thái Tông, ông Ngô An Ngữ được cử đi tuần ở phía nam Thanh Hoá, ít lâu sau lâm bệnh qua đời.

Chồng của cô ruột là Tạ Đức đem Ngô Tuấn về nuôi dạy văn võ.

Năm Ngô Tuấn 18 tuổi (1036) thì mẹ mất. Ông cùng em lo đủ các lễ mai táng. Hết tang, ông được bổ chức kỵ mã hiệu uý. Do tính siêng năng, cần mẫn lại hết lòng trung thành, ông được vua tin yêu thăng thưởng dần lên đến chức Đô tri và được đổi sang họ vua gọi là Lý Thường Kiệt.

Năm 1061, được cử vào trấn giữ vùng núi Thanh - Nghệ hiểm trở, ông đã vỗ về nhân dân chăm lo sản xuất, khai khẩn đất hoang làm cho cuộc sống ấm no, biên cương vững vàng.

Năm 1075, nhà Tống do Dương An Thạch làm Tể tướng âm mưu xâm lược nước ta. Thái uý Lý Thường Kiệt tâu với Thái hậu Ỷ Lan: "Ngồi yên đợi giặc, không bằng đưa quân ra trước". Thái hậu đồng ý cho Lý Thường Kiệt và Tông Đản đem quân sang đánh phá các căn cứ tập kết lương thực, vũ khí của nhà Tống ở Châu Khâm, Châu Liêm, Châu Ung (Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay) rồi chủ động rút quân về nước, lập phòng tuyến chống giặc ở bờ nam sông Cầu.

Đầu năm 1077, Quách Quỳ và Triệu Tiết dẫn 100 nghìn quân tiến vào xâm lược nước ta, nhưng bị quân và dân ta chặn lại bên bờ bắc sông Cầu hơn 2 tháng.

Chính trên phòng tuyến sông Cầu, Lý Thường Kiệt đã cho ra đời bài thơ:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!

Đấy chính là "Bản Tuyên ngôn độc lập" lần thứ nhất của Tổ quốc ta. Quân Tống phải rút chạy về nước, Tổ quốc ta lại vững bền.

Lý Thường Kiệt đã có công đánh Tống, lại có công bình Chiêm.

Tháng Sáu năm Ất Dậu - 1105, Đôn Quốc Thái uý Lý Thường Kiệt mất, thọ 87 tuổi. Ông được nhà vua truy tặng chức Nhập nội điện đô tri hiển hiệu thái uý bình chương quân quốc trọng sự, tước Việt quốc công.

Tô Hiến Thành

Tô Hiến Thành, hiệu Phi Diên, người làng hạ Mỗ, huyện Ô Diên nay là thôn Hạ Mỗ, xã Hồng Thái, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây.

Là người khảng khái, làm quan đến Thái phó rồi Thái uý đời vua Lý Anh Tông, ông là người trung thực và liêm khiết.

Ông đã có nhiều công to: năm Kỷ Mão - 1159 đánh tan giặc Ngưu Thống và Ai Lao vào cướp phá biên giới phía tây, năm Tân Tỵ - 1161 cầm quân đi tuần du biên giới tây nam và ven biển, năm Đinh Hợi - 1167 đánh thắng Chiêm Thành.

Khi ông lâm bệnh sắp mất có Tham tri chính sự Võ Tán Dương sớm tối lo hầu hạ, còn quan Gián nghị đại phu là Trần Trung Tá vì bận việc nước không hề đến thăm. Thái hậu hỏi: "Ông mất thì ai sẽ nối nghiệp?" Ông trả lời không do dự: "Gián nghị đại phu Trần Trung Tá...".

Tháng Sáu năm Kỷ Hợi - 1179, Tô Hiến Thành qua đời.

Lê Phụng Hiểu

Lê Phụng Hiểu quê ở Băng Sơn, gọi là thôn Bưng (Hoằng Hoá, Thanh Hoá). Ông say mê đánh vật, đấu quyền, quăng đao, múa kiếm.

Lý Thái Tổ tuyển người giỏi võ vào đội quân Thượng Đô. Ông lên Kinh dự thi, và được tuyển dụng.

Chỉ ít lâu sau ông được thăng đến chức Vũ vệ tướng quân.

Năm 1028, Lý Thái Tổ mất, Thái tử Phật Mã lên ngôi tức là Lý Thái Tông. Ba Hoàng tử là Đông Chính Vương, Dực Thánh Vương, Vũ Đức Vương vây kinh thành để cướp ngôi - gọi là loạn tam Vương. Lê Phụng Hiểu chỉ huy quân cấm vệ, đánh tan được bọn vương tử làm loạn, bảo vệ ngôi vua.

Lý Thái Tông phong ông là Đô thống. Năm 1043, quân Chiêm Thành sang xâm lược nước ta, Lê Phụng Hiểu hộ giá Lý Thái Tông đi đánh giặc. Năm 1044 chiến thắng trở về, vua xét ban thưởng quan tước, ông xin trèo lên núi Băng Sơn ném con đao lớn ra xa, đao rơi xuống nơi nào thì xin ban cho vùng đó để dựng nghiệp. Vua ưng thuận. Ông đứng trên núi Băng Sơn vung tay ném đao rơi xuống tận thôn Đa Mi, tính đến hơn một nghìn mẫu đất. Vùng ấy gọi là "Thác đao điền".

(Xem tiếp kỳ sau)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang