26/03/2010 08:18:33 AM
Chú Tư, con là ai (Phần 6)

...Tôi nghĩ ngay Bảy Hường là người không tốt, có cái gì mách biểu nghĩ vậy thôi chớ đâu có bằng cớ gì. Coi cái mắt bả khi thì nhìn hau háu khi thì liếc trộm chú Tư nên tôi nghĩ vậy đó. Tôi rất muốn mách chú Tư cái ý nghĩ ấy nhưng ngại quá, không tài nào mở nổi miệng. Ngày nào chú Tư cũng trúng vài chục ký cá, có hôm trúng vài con cá lóc bự mấy kí, bắt được ít nhất một con rắn, khi nhiều tới bảy con. Chú chặt đầu chúng rồi lột da, nong ra phơi, con nhỏ dài sáu tấc, phơi khô thu lại bộ da cũng còn dài gần năm tấc. Chú Tư để cho mụ Hường bao tiêu tất cả...

 

(...) Mùa mưa đến bất thình lình với những đám mây đen rất thấp, những cơn giông gió và những trận mưa ào ào trên mặt sông. Nước sông lên hàng ngày, xóm ghe cũng nổi theo nước vào tới mé sông. Cho tới một hôm nước nổi mênh mông thì cả cái xóm ghe theo nhau vô tuốt trong kinh, rộn rịp chuẩn bị vô mùa làm ăn. Trong những ngày đầu mùa mưa, chú Tư bơi xuồng qua lại, sắm được hơn nghìn thước lưới câu. Chú còn tự làm một cái chĩa dài, một cái thòng lọng, mua thêm một cái quẹt lửa, chất lên xuồng một cái rựa và một cái nồi. Chú biểu tôi:

- Nước đang vô đồng. Đến mùa giăng câu rồi.

Quả thiệt nước đang hàng ngày dâng lên trắng đồng, ngập hết các bụi cây và tràn vô tận khu rừng phía tít tắp xa. Trên mặt nước vật vờ đu đưa ngọn cây me gai và điên điển, lào phào trôi nổi từng mảng lục bình và đủ thứ cỏ rác. Các loại chim cùng lũ rắn lũ chuột kiếm ăn ven sông nay cũng bị nước dồn về các gò bãi cao hoặc vô tận rừng. Tôi ríu rít vui vẻ như con chim sáo khi chú Tư cho vô đồng phụ giúp chú giăng câu.

- Nước ngập làm sao bắt được trùn hả chú?

- Bắt trùn phải vô gò, xa lắm. Trên đường đi mình kiếm ổ kiến làm mồi.

Nước ngập nên kiến lên hết các ngọn cây làm ổ. Chú Tư bơi xuồng qua nhiều ổ kiến nhưng chỉ dừng lại ở một ổ to nhất, nặng trĩu xuống gần mặt nước. Chú lấy tay vục nước té rào rào lên cành cây. Bầy kiến bự ngỡ có mưa ập tới nên lũ lượt kéo nhau rúc vô ổ. Liền đó chú lấy rựa chặt một phát đứt lìa cái cành cây rồi dìm liền cả ổ xuống nước. Chú cứ dìm như thế một chốc mới kéo lên, dỡ ổ ra, được nửa nồi kiến càng đã chết ngạt. Những người bơi xuồng giăng câu bên cạnh thấy chú Tư làm hay quá thì khen:

- Anh Tư làm mồi kiến ngon quá ha.

Chú Tư đáp:

- Mình làm như vậy không bị con nào chích.

Chú Tư bỏ họ lại phía sau, bơi xuồng vô gần rừng. Chú biểu tôi tìm vô chỗ nước có màu đen mới giăng câu. Chú tỉ mỉ gắn mồi vô gần một ngàn cái lưỡi. Phía trên, mặt trời nắng như đổ lửa, phía dưới mặt nước màu đen bốc mùi thúi khẳn rất khó chịu. Giăng câu cực hơn vớt ốc nhiều lắm. Đi vớt ốc thì chừng này chúng tôi về rồi, ít cũng được mươi mười lăm ký. Giăng câu mặt trời gần ngang đầu mới xong, mắt hoa lên vì đói khát. Hai chú cháu tôi bơi vô một gốc cây to có bóng mát cắm xuồng lại nghỉ, bỏ bắp luộc ra ăn. Tôi ăn liền hai trái mới đỡ đói. Chú Tư bỗng dừng gặm bắp, mắt chăm chú nhìn ngọn cây trước mặt. Tôi dòm theo, thấy một đống màu đen xám trên chạc cây, dòm kỹ nhận ra một con rắn nằm cuộn tròn. Chú Tư nói nhỏ:

- Con hổ lửa bự quá, vậy là trúng rồi.

- Làm sao bắt được chú?

- Lặng im đi, để chú bắt.



Ảnh minh họa Internet 

Tôi thấy sợ khi nghe chú nói đó là con hổ lửa. Nếu bắt không thành mà nó phóng xuống xuồng thì chú cháu tôi chạy đâu thoát. Chú Tư liệng chiếc bắp đang gặm dở xuống nước, nhẹ nhàng bơi xuồng tới sát, nhẹ nhàng nhặt lấy chiếc chĩa. Chú đứng lên, giữ thăng bằng, khéo tới mức xuồng im re, không động cựa nghiêng ngả. Chú lấy đầu chĩa chọc nhẹ vô cái đuôi con rắn. Bị chọc tức, hắn ngóc đầu lên nghiêng ngó, miệng há ngoác, cái lưỡi thò ra thụt vô dễ sợ. Chú Tư lựa tay phóng thẳng chĩa vô cổ con rắn, một phát trúng liền. Chú với tay ra sau kêu tôi đưa chú cái thòng lọng. Tôi vội vàng nên chiếc xuồng hơi chao đi nhưng chú Tư đổi ngay thế đứng, lấy lại thăng bằng. Chú cầm lấy cái thòng lọng rê vô đầu con rắn và rút dây, cái vòng tròn nhỏ thít chặt nơi cổ con hổ lửa. Khi lôi con rắn xuống xuồng, chú lấy tay bóp mạnh cho nó há rộng miệng ra, biểu tôi bẻ cho chú một đoạn thân cây điên điển. Tôi lựa đoạn non, bẻ cho chú khoảng một tấc, chú cầm lấy đút ngang vô miệng rắn. Con rắn đớp lấy, chú liền cầm khúc thân cây lăn đi một vòng. Tôi chăm chú nhìn chú làm, thấy bao nhiêu răng rắn đều gẫy ra, dính chặt vô khúc thân cây. Bẻ răng rắn xong chú Tư liền nhốt nó vô gầm xuồng. Chú tươi cười biểu tôi:

- Con hổ lửa dễ tới gần hai mét.

- Mình bán cho người ta làm thịt hả chú?

- Không có, chú làm da, bán được nhiều tiền hơn.

Chú Tư bơi một vòng quanh gần đó, bắt liền được hai con hổ lửa cũng bự như con đầu tiên. Tôi hỏi:

- Chừng nào gỡ câu hả chú?

- Ngay bây giờ đây. Nước này chắc bắt được nhiều cá lắm.

Chúng tôi quay lại, mải miết gỡ câu. Gần như lưỡi nào cũng dính, cá to cá nhỏ đủ các loại như chèn bàu, cá rô, cá lóc, cá trê, cá he, cá thát lát. Cá quẫy mạnh, vây cá mang cá đánh mười ngón tay tôi dím máu đau buốt. Gỡ tới đâu mắc mồi lại tới đó, gỡ hết lượt hai chú cháu vội vàng bơi về cho kịp lúc thương lái tới. Vẫn là cái người đàn bà phốp pháp trắng trẻo. Bả đang cân cá cho mọi người, thấy xuồng chú Tư tới thì lập tức đon đả.

- Anh Tư về rồi kìa. Trúng không?

- Cũng được.

- Em cân luôn cho anh Tư nghe, để anh Tư mau về nghỉ. Mệt không?

- Cũng mệt.

Chú Tư lúc ấy để trần, ngực nở, lưng bắt nắng cháy đỏ, hai bắp tay cuộn lên vạm vỡ. Tôi thấy người đàn bà thường ngắm trộm chú Tư.

- Tất cả được hai mươi hai ký bảy đó anh Tư.

- Vậy cũng được.

- Còn ba con hổ lửa anh Tư tính sao?

- Cái đó để tôi lấy da.

- Phơi rồi cũng bán cho em nghe anh Tư.

- Để coi.

- Có rượu đế đó, anh Tư làm một xị đi.

- Được.

Người đàn bà đó cố tỏ ra dịu dàng, để ý coi sóc chú Tư, giọng nói nghe ngọt lịm. Tôi hỏi Gấm:

- Bả tên gì?

- Bả tên Hường. Bảy Hường.

- Coi bộ dễ ghét quá ta.

 Gấm thì thào nói nhỏ:

- Bà hay hỏi dò về chú Tư nhà mày đó.

- Tao không ưa bả.

- Nhưng mấy người đàn ông thì ưa bả thấy mồ.

Tôi nghĩ ngay bả là người không tốt, có cái gì mách biểu nghĩ vậy thôi chớ đâu có bằng cớ gì. Coi cái mắt bả khi thì nhìn hau háu khi thì liếc trộm chú Tư nên tôi nghĩ vậy đó. Tôi rất muốn mách chú Tư cái ý nghĩ ấy nhưng ngại quá, không tài nào mở nổi miệng. Ngày nào chú Tư cũng trúng vài chục ký cá, có hôm trúng vài con cá lóc bự mấy kí, bắt được ít nhất một con rắn, khi nhiều tới bảy con. Chú chặt đầu chúng rồi lột da, nong ra phơi, con nhỏ dài sáu tấc, phơi khô thu lại bộ da cũng còn dài gần năm tấc. Chú Tư để cho mụ Hường bao tiêu tất cả. Ngày nào mụ cũng mua sẵn rượu đế chuốc chú Tư, lúc đầu rượu không, sau kèm mồi. Dần dần bả lên hẳn ghe ngồi ăn nhậu cùng chú Tư, tối sẫm mới xuống xuồng chèo đi. Bả mơn trớn chú Tư ngay trước mặt tôi, coi như không có tôi ở đó. Tôi rất sợ khi phải nhìn thấy bả âu yếm chú Tư nên thường bỏ qua ghe nhà Gấm nhưng cả nhà nó đi phơi cá, làm gì có ai để ý tới tôi. Một buổi tối ăn cơm xong tôi phải rửa chén còn hai người ngồi nói chuyện ngả ngớn. Tôi nghe rõ câu chuyện của họ:

- Ba hôm này Bảy Hường chưa trả tiền cá cho anh.

- Hường vay một trả mười, anh Tư chịu hông?

- Cả mười một bộ da rắn cũng chưa trả anh tiền.

- Nợ nhiều quá Hường lấy cái gì mà trả đây.

- Nợ tiền thì trả tiền.

- Không tiền Hường trả tình cho anh Tư, ưng hông!

Thì ra nhiều ngày nay Bảy Hường không trả tiền cá chú Tư. Tôi nghi bả đã lấy tiền sắm bộ dây vàng bự, mấy hôm này mới thấy đeo trên cổ trắng nõn của bả. Tôi xót xa cho chú Tư bị mất tiền mà không biết. Chú Tư sao mà khờ quá vậy. Với tôi chú luôn là người đàn ông mạnh mẽ, giỏi giang và khôn ngoan, vậy mà sao bây giờ chú trở nên khờ quá vậy. Tại sao chú lại để cho cái con yêu tinh phù thuỷ này gạt chú dễ dàng quá. Tôi xót xa như thế nhưng cứ lặng im như cái bóng suốt ngày. Trước tôi hay nói chuyện với chú, nay tôi không thể mở miệng ra được. Tôi buồn lắm nhưng hình như chú cũng không biết tới những thay đổi ấy ở tôi. Một chiều tôi không thấy Bảy Hường tới cân cá. Xuồng cá chú Tư hôm đó cũng nhiều nhưng chú nói với tôi không cân cho ai mà gọng lại chờ dì Bảy. Ối chà, bây giờ chú lại bắt tôi gọi mụ là dì Bảy nữa kia đấy. Chú đi ra đi vô, không ăn không nhậu, dáng vẻ sốt ruột trông chờ Bảy Hường. Bỗng dưng tôi thấy ghét chú quá. Chưa bao giờ tôi thấy ghét chú thế này. Tôi muốn hất phéng cái nồi cơm xuống sông hay đập bể một cái chén cho bõ ghét, nhưng rốt cuộc tôi chẳng làm được gì. Tôi biểu chú đi ăn cơm chú không chịu, lại ra mũi ghe đứng ngó xuống sông. Sông sáng trăng mênh mông êm đềm lắm. Từ ghe cà phê dì Tám lại vẳng lên mấy câu vọng cổ buồn. Những chiếc xuồng bơi trên sông trăng lấp lóa mơ hồ, chợt có một chiếc tách ra, từ từ tới gần rồi cập sát vô. Có người trèo lên ghe. Tôi biết ngay đó là Bảy Hường. Tim tôi thắt lại.

- Ủa, sao giờ này muộn rồi mà Hường còn tới?

Chú Tư làm ra bộ ngạc nhiên, nhưng niềm vui chẳng phải đang toát lên từ ngay giọng nói của chú, chẳng phải chú vừa trút bỏ được những giờ phút trông chờ nặng nề trong suốt cả chiều tối nay đó sao. Trời ơi, té ra chú cũng nói dối, tại sao chú không nói toẹt ra rằng Hường ơi anh trông em tới với anh quá chừng. Thiệt đáng ghét, đáng ghét qúa! Không một chút ngượng ngùng Bảy Hường nói luôn:

- Em tới ở luôn với anh, anh Tư. Em lấy tình trả tiền cho anh Tư, nợ anh nhiều quá rồi.

- Làm sao cư xử như thế được.

- Uả, làm sao không được. Mà nói thiệt nhé, em hết chịu nổi rồi, đêm nằm một mình toàn mơ thấy anh Tư.

Bảy Hường mang theo một cái bọc vô trong ghe, chắc đó là đồ dùng của bả. Chú Tư lúng túng lui ra tránh đường cho bả, Bảy Hường cầm tay chú kéo tuốt vô trong mui. Tôi gai cả người, muốn bỏ đi. Nhưng đi đâu. Con Gấm đang mổ cá, ngày mai kịp phơi. Mổ cá phơi khô cực lắm, có khi tới nửa đêm chưa xong. Đi qua ghe dì Tám giờ này thì khuya quá. Mà cần gì tôi phải đi đâu. Chừng nào chú Tư chưa đuổi tôi đi thì việc gì tôi phải tự nhiên bỏ đi, chẳng hoá ra sẽ làm Bảy Hường càng thích hay sao. Tôi ngồi thu lu một góc, đơn độc, không khóc mà nước mắt vẫn cứ chảy hoài xuống.

Đêm ấy trên ghe tự nhiên có ba người. Tôi không ngủ trong mui mà mang mền ra ngoài. Thấy tôi ôm mền đi mà họ không hỏi han gì. Tôi nằm ngửa nhìn lên bầu trời trăng sao vằng vặc, thiếp đi. Tới lúc tỉnh dậy tôi run lên khiếp sợ khi nhìn rõ mụ Hường đang ngồi trên chú Tư mà nhún lên nhún xuống liên hồi, tóc xõa xưỡi buông trên vai, trong đêm vắng càng nghe rõ tiếng mụ rên lên gọi tên chú Tư. Tôi kéo mền quấn quanh mình, kéo kín cả đầu, nhắm nghiền mắt mà vẫn thấy mụ đang nhảy trên bụng chú. Tôi cứ quấn mền nằm như thế dưới sương. Sáng sớm chú Tư gọi tôi:

- Dậy con, dậy nấu cơm chú còn đi kẻo trễ.

Tôi kéo mền trùm kín đầu, quay lưng lại. Mặc kệ, hôm nay tôi cũng không cần đi phụ chú nữa. Gọi người đàn bà kia dậy nấu cơm cho chú có được không. Nhưng chú Tư không gọi mụ, chú lẳng lặng xuống xuồng bơi đi. Trong mui, Bảy Hường vẫn ngủ ngon lành, gió trên sông thổi mạnh thế mà tôi vẫn nghe mụ ngáy ro ro. Khó chịu quá tôi tung mền ngồi dậy, dựa lưng vô mui nhìn dòng sông ban mai. Có Bảy Hường trên ghe nên dòng sông ban mai không còn trong lành tinh khiết như thường ngày. Tiếng ngáy ro ro của mụ lẫn vô tiếng gió chẳng khác gì những rong rêu bèo rác táp vô mặt sông trong xanh. Không chịu được thứ cỏ rác ấy, tôi tức tối kiếm xuồng của con Gấm, chống ra sông rồi cứ thế bơi đi. Đi cho mụ biết, cho cả chú Tư biết nữa, con nhỏ bằm lươn này không cần gì hết trơn. Tôi không biết mình đang bơi đi đâu nhưng cứ bơi đều đặn và chăm chỉ. Xóm chài Vô Tiêu bé dần rồi khuất hẳn, trên dòng sông bao la chỉ có mỗi chiếc xuồng nhỏ tí xíu của tôi. Khi đã đi rất xa, tôi chợt nhận thấy những đám mây đen đang ào tới rất nhanh, bay sát ngay trên đầu, như muốn đè ập xuống chiếc xuồng tí xíu của tôi. Gió đã thổi ràn rạt, sóng bắt đầu lắc xuồng nghiêng ngả. Tôi rất sợ những cơn mưa giông bất chợt trên sông. Mùa nước này mưa giông to lắm, thường vô buổi chiều. Như vậy là tôi đã bơi được xa lắm, từ sớm tới chiều. Bây giờ tôi cũng không biết mình đang ở đâu, nhìn ra chung quanh chỉ thấy mù mịt mây gió, nước trên trời đang sẵn sàng tuôn xuống, sóng dưới sông dồi xuồng tôi trở lên, tôi nôn nao muốn oẹ. Liền đó mưa ập tới, vùi dập chiếc xuồng, nó xoay tròn liên tục trước khi hất tôi xuống nước rồi lật úp. Sóng đánh bật tôi tới trước nên tôi không bám được vô xuồng. Tôi ráng sức vùng vẫy nhưng càng ráng nước vô bụng càng nhiều. Tôi nghĩ là tôi sắp chết, tôi đang vật lộn với cái chết, nhưng tôi cũng không muốn ráng thêm nữa bởi tôi cũng đang muốn chết, tôi muốn chết để cho chú Tư biết là chú đối xử với tôi như vậy thì tôi cũng đâu có cần sống. Tôi hận chú. Giữa lúc tôi thấy mình đang chìm xuống thì có ai đó kéo tóc nâng tôi lên, đỡ tôi ngoi được khỏi mặt nước. Vẫn có ai ở dưới sông đẩy tôi tới một chiếc xuồng, kế đó có người trên xuồng kéo tôi. Họ làm cách gì đó mà khiến tôi tháo qua miệng bao nhiêu là nước. Sau đó tôi thấy mình âm âm u u, phần tối phần sáng, phần mê phần tỉnh, lơ lơ lửng lửng không biết đang ở đâu. Rõ ràng chung quanh tôi có những bóng đen đi đi lại lại, cúi xuống dòm vô mặt tôi hoài. Khi đầu óc sáng dần ra tôi mở mắt nhìn, khuôn mặt đầu tiên tôi nhận ra là khuôn mặt chú Tư, vết thẹo kéo một bên má chú răn rúm. Tôi quay đi, nhắm mặt lại, miệng nói:

- Chú để con chết đi còn sướng hơn, chú cứu con làm gì. Con hận chú!

Chú Tư lặng im bỏ đi.

Tôi còn chưa khỏi hẳn thì Bảy Hường và chú Tư đã sinh chuyện. Một hôm bả lần được trong túi đồ của chú Tư một cái bọc. Bả đòi chú cho xem nhưng chú gạt đi. Chú ngay thật nói:

- Đây là vàng của người ta gửi anh giữ dùm. Đã gần chục năm nay rồi không có tin tức gì, không biết người ta lưu lạc đi đâu.

- Thiệt không anh, coi nhiều dữ quá.

- Anh không biết có bao nhiêu.

- Sao không bỏ ra xài đi, làm tặng em một đôi bông đi.

- Đâu được, có phải vàng của anh đâu.

- Người ta đi đâu mất tiêu rồi. Mà có quay lại mình xài rồi cũng là thôi chớ sao.

- Bảy quên chuyện này đi, có chết anh Tư cũng không làm vậy đâu.

Tôi mang máng nhớ ra là mình đã nhìn thấy mẹ anh Som Bát dúi vào tay chú Tư cái bọc, lại còn quỳ xuống vái cái bọc nữa. Đó là hôm ở Hố Lương, cả nhà dì Bảy và mẹ Som Bát bị Pốt bắt lên bờ rồi từ bấy đến nay mất tăm.

Bảy Hường cứ thỉnh thoảng lại biến đi đâu mất rồi lại bất thình lình trở lại. Một hôm đi giăng lưới về, chú Tư ghé vô xóm tìm đổi ít mật ong, biểu tôi bơi về trước cân cá kẻo trễ. Linh tính có điều gì không hay nên tôi vội vã bơi. Vừa trèo lên ghe đã thấy mụ Bảy Hường đang lục lọi khắp các xó xỉnh. Tôi đoán ngay là mụ đang lục tìm bọc vàng. Mụ chợt ngẩng lên nhìn tôi, trông đôi mắt mụ rất giận dữ. Mụ hỏi:

- Chú Tư về tới chưa?

- Chú vô xóm.

- Mày biết ổng giấu cái bọc đâu không?

- Không biết.

- Biết ở đâu biểu tao, tao cho một ít.

- Không biết.

Tôi ngó hoài mà không thấy bóng dáng chú Tư đâu. Sốt ruột quá chịu không nổi tôi liền tút xuống xuồng bơi đi tìm chú. Được một quãng thấy chú đang đi trên bờ sông, mừng quá tôi chụm tay gọi:

- Chú Tư, về mau, bả đang lục lọi ở nhà đó.

Nhìn dáng điệu của tôi chú Tư hiểu ra ngay. Chú vội vàng lội xuống xuồng. Hai chú cháu quay lại gần tới ghe thì thấy Bảy Hường cùng một người đàn ông đang đi trên bờ, vội vã như chạy. Chú Tư kêu:

- Hường, Hường ơi, đợi đã.

Bả giật mình quay nhìn. Tôi và chú Tư cập xuồng vô mé sông, nhanh chóng lội lên bờ. Người đàn ông đi cùng Bảy Hường đứng lại, ra thế ngăn chú Tư. Nhìn thế đứng với con mắt hung hãn của hắn biết ngay hắn đang sẵn sàng ăn tươi nuốt sống chú Tư. Tôi chợt nghĩ hắn có thể giấu dao găm hay súng lục trong người nên kéo chú Tư ra xa hắn. Chú Tư nói:

- Hường đứng lại nói chuyện.

Mụ thở hổn hển:

- Anh để tôi đi, cớ gì rượt tôi.

- Sao tự nhiên Hường bỏ đi?

- Tôi có việc, xong sẽ quay lại.

- Anh không có giữ Hường, nhưng...

Người đàn ông lạ vừa vờn vờn tay tiến gần tới chú Tư vừa quát:

- Con Bảy không chạy đi chớ còn đứng đó mà đợi cái gì. Chạy lẹ đi, để thằng này cho tao.

Nói rồi hắn ra đòn uýnh chú Tư. Chú Tư vừa đỡ vừa uýnh lại. Nhân lúc không ai để ý tới mình, tôi liền sáp tới nhanh tay giựt lấy cái túi Bảy Hường đang cầm. Mụ hốt hoảng giằng lại, cái túi xoay ngang, một cái bọc rớt uỵch xuống sát chân tôi. Mụ cúi xuống định lượm lấy nhưng tôi nhanh chân sút cái bọc ra xa, chân tôi sút vô bọc như sút vô đá, đau điếng nhưng tôi vẫn lập tức chạy theo lượm lấy. Mụ tức điên, nổ mắt nhìn tôi trong khi tim tôi đập thình thịch liên hồi, còn tay khư khư nắm chặt cái bọc. Chú Tư vừa đánh lại thằng cướp, vừa biểu:

- Thôi, giờ thì Hường đi đi. Đừng có mà bao giờ quay lại nữa.

Chú vòng tay, xoay người tung chân đá trúng vào mặt địch thủ. Bị đòn đau, thằng này lùi lại, bất thình lình rút dao xấn tới đâm chú Tư. Chú Tư điềm nhiên né tránh, tóm lấy tay hắn bẻ quẹo, con dao rớt ngay xuống đất. Rồi chú đẩy hắn xiêu vẹo về phía trước, nói:

- Cả hai đứa chúng bay mau cút đi.

Thằng chả không ngờ chú Tư uýnh giỏi như vậy, vừa ôm tay đau vừa chạy trước mụ Bảy Hường. Mụ hứ một tiếng rồi quay phắt đi nhưng không chạy. Tôi nhẹ cả người, vui vẻ nói chuyện luyên thuyên với chú Tư.

- Chú uýnh đẹp quá chú Tư, chú biết võ hả?

- Ờ!

- Từ hồi nào con có thấy chú học võ đâu.

- Ờ.

- Con biết ngay thằng chả có dao găm.

- Ờ, chú cũng biết.

- Thằng chả đồng bọn với mụ Bảy, ngay từ đầu con đã biết mụ Bảy là người không tốt.

- Ờ.

Ủa, sao chú cứ ờ suốt vậy. Không khéo chú lại giống ba tôi ngày xưa cái gì cũng ờ ờ. Tôi quay qua nhìn chú, chú bước đi, dáng buồn rầu không kể xiết.

Bảy Hường không cướp được bọc vàng của chú Tư nhưng tất cả cá của chú cháu tôi cho mụ bao tiêu coi như cũng mất trắng. Chú Tư buồn mãi, xao lãng việc thả lưới giăng câu. Tôi cũng buồn lây, có hôm hai chú cháu không nói với nhau một lời. Tôi hỏi Gấm:

- Tại sao chú Tư cứ buồn hoài?

- Chú phải lòng bả chớ sao.

- Bả xấu tính lắm, chú Tư không thương bả đâu.

- Mày biết gì. Má bảo chú Tư mê hơi con mụ đó rồi.

Cũng có thể má Gấm nói đúng. Tôi bắt chước mụ Bảy Hường đi mua rượu và đồ nhắm cho chú Tư. Chú lặng lẽ nhậu trong khi ngoài sông gió thổi ào ào. Đêm khuya lắm chú Tư vẫn không ngủ, nằm vật vã xoay dọc xoay ngang, chắc chú nhớ hơi mụ Bảy Hường. Tôi thấy tội chú quá nên gọi chú:

- Chú Tư, chú không ngủ được à?

- Ờ, chú khó ngủ quá. Con chưa ngủ sao?

- Con thương chú, con không ngủ được.

- Ngủ đi con, chú có sao đâu.

Tôi khẽ đi tới, vén mùng chui vô ôm lấy chú. Chú ngỡ ngàng một chút rồi nhẹ nhàng ôm tôi vô lòng.

- Làm sao vậy con, sao không ngủ đi?

- Con thương chú, con ghét cái con mụ kia.

- Ờ, chú biết, chú cũng thương con nhiều.

- Không có mụ ta chú cực lắm hả chú?

- Chú cực quen rồi.

- Thấy chú cực quá con thương chú.

Tôi ôm chặt cổ chú, gục đầu vào vai chú. Chú gỡ tôi ra, biểu:

- Mình ra ngoài khoang cho mát đi con.

Chúng tôi ra ngoài khoang, gió sông lùa mát lạnh. Trăng cuối tháng một mảnh lung linh soi xuống mặt sông. Tôi tò mò hỏi chú:

- Sao con không thấy chú có vợ, chú Tư?

Chú buông ra một tiếng thở dài trong đêm.

- Có chớ, chú đã có một lần rồi.

- Vậy chớ thím đâu?

- Nó bị Pốt bắn chết.

Tôi nhớ lại cái buổi tối trời mưa chú tới kêu ba tôi phụ chú đi chôn Út Thuỷ. Tôi hỏi:

- Út Thuỷ đẹp lắm hả chú?

- Đẹp. Đẹp lắm.

- Giống mụ Bảy Hường không?

- Cũng vậy nhưng Út Thủy dịu dàng hơn con à...

- Con không ưa mụ Bảy Hường. Chú thương bả thiệt không?

- Chú thương thiệt nhưng người ta không thương mình thiệt.

Chú lại thở dài. Đêm càng về khuya càng lạnh, tiếng cá quẫy dưới mạn ghe nghe cũng lạnh luôn.

- Con vô ngủ đi, mai thức dậy sớm nấu cơm đem đi.

- Con quên nói chú mình hết gạo rồi.

- Hết rồi hả? Sang thím Sáu mượn đỡ đi.

- Giờ này người ta ngủ hết rồi, biết mượn ai.

- Ờ nhỉ, vậy luộc khoai mang theo cũng được.

 

(Còn nữa)

Thăng Sắc

 

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Chú Tư, con là ai (Phần 5) (24/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 4) (23/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 3) (20/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 2) (19/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 1) (18/03/2010)
  • Tiểu thuyết “Chú Tư, con là ai” nhận Giải thưởng văn học Mê-kông (17/03/2010)
Các tin khác
  • Chú Tư, con là ai (phần cuối) (07/05/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 20) (06/05/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 19) (05/05/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 18) (04/05/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 17) (30/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 16) (27/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 15) (20/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 14) (16/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 13) (13/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 12) (10/04/2010)

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Chú Tư, con là ai (phần 1)
Tiểu thuyết “Chú Tư, con là ai” nhận Giải thưởng văn học Mê-kông
Chú Tư, con là ai (phần 4)
Chú Tư, con là ai (phần 2)
Chú Tư, con là ai (Phần 5)
Chú Tư, con là ai (phần cuối)
Chú Tư, con là ai (phần cuối)
Chú Tư, con là ai (phần 20)
Chú Tư, con là ai (phần 19)
Chú Tư, con là ai (phần 18)
Chú Tư, con là ai (phần 17)
Chú Tư, con là ai (phần 16)
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang