04/05/2010 07:22:15 AM
Chú Tư, con là ai (phần 18)

... Tôi nghĩ vậy là có chuyện lớn rồi, không chừng Xo đã bị bắn chết, nếu không chắc anh đã phải tìm được chúng tôi. Tôi không dám nói ra cái ý nghĩ đau đớn ấy, níu lấy tay Rươn và thấy anh cũng đang run. Chú Tư mải miết bơi, không biết mệt, vòng đi vòng lại một vùng nước mà vẫn không thấy động tĩnh gì. Chú thất vọng buông chèo, mặc cho xuồng quay vòng nguyên một chỗ...

  (…) Bốn người đàn ông hì hục mãi rồi cũng khiêng được chiếc lồng khỉ lên xuồng. Gần trăm con khỉ trong chuồng liên tục xô đẩy, chí choé cắn nhau, tát vào mặt nhau làm cho chiếc xuồng đã khẳm lại luôn bị chòng chành. Ông Mười nhận bơi chiếc xuồng chở khỉ, ông biểu khẳm vậy chớ khẳm nữa thì với cả đời sông biển của ông, ông cũng không ngán. Xo nhảy lên xuồng với ông Mười, tay cầm cái roi, khi lũ khỉ chí choé nhiều quá thì anh vụt tới tấp doạ chúng. Mặc dù xuồng chúng tôi bốn người nhẹ tênh nhưng vẫn đi chậm để đợi xuồng ông Mười. Đã tối hẳn, bầu trời và mặt biển hoà lẫn vào nhau trong cái màu đen loãng. Đằng sau chúng tôi là màu đen đậm đặc của rừng. Ban ngày rừng không đáng sợ như ban đêm, chỉ nghĩ tới lũ rắn ăn đêm bây giờ bắt đầu từ hang bò ra, từ trên cây tuồn xuống là tôi thấy ớn. Chú Tư nằm ngả trong lòng xuồng, chốc chốc lại nhắc Rươn:

- Chậm lại chút xíu đi mày, có nhìn thấy xuồng ổng không?

- Tối đen quá chú, hổng thấy gì hết trơn.

- Có nghe thấy gì không?

- Có tiếng lũ khỉ chí choé.

- Vậy được.

Gấm đã gục xuống ngủ, chú Tư cũng ngáy đều đều. Tôi ngồi gần Rươn, vừa đói vừa mệt nhưng vẫn yên lòng vì có Rươn ngồi cạnh. Tôi hỏi:

- Đói không?

- Đói thì biết làm sao?

- Chút về nấu thật nhiều cơm cho mà ăn.

Anh vẫn bơi đều đều. Gió biển mát rượi, thỉnh thoảng có những tàu lá hay khúc gỗ sáng như đom đóm lập lờ trên mặt nước. Tôi lại hỏi:

- Mệt không, đưa giúp cho.

Rươn ưỡn người ra bơi nhanh hơn.

- Đời lính mà đâu có biết mệt. Anh hỏi câu này nghe?

- Hỏi đi.

- Lấy chồng bộ đội như thả mồi cho sấu ăn, Nhung có hận không?

Tôi nũng nịu thụi tay vô vai anh.

- Thương chớ.

- Thương nhiều không?

- Nhiều lắm.

Đang vui chuyện bỗng anh chững lại, dướn người lên nghe ngóng. Tôi hỏi:

- Gì vậy?

- Anh nghe có tiếng người bơi xuồng.

- Xuồng ông Năm?

- Không, tiếng Miên.

Tôi hốt hoảng:

- Xuồng kiểm cá?

Rươn ngưng chèo, khẽ lay gọi chú Tư.

- Chú Tư, chú Tư, có xuồng lạ. Có chuyện rồi.

Anh chuyển chèo cho tôi rồi nhanh nhẹn vớ khẩu súng trong lòng thuyền.

- Thằng Xo lại vứt khẩu súng của nó ở đây chớ.

Chú Tư biểu:

- Mình vòng lại đón xuồng ông Năm.

- Từ từ coi, kiểm cá thường không có đi giờ này đâu.

Gấm lo lắng hỏi:

- Vậy chớ ai đi giờ này anh Rươn?

- Có khi là người dân đi trộm cá, mà cũng có thể là Pốt.

Giữa lúc ấy tôi nghe rõ tiếng người quát, tiếng người nhảy ào xuống nước kèm theo ngay tức thì tiếng súng nổ chiu chíu và tiếng đạn vô nước thụp thụp. Chú Tư hốt hoảng la lên:

- Chết mẹ rồi, đụng Pốt bay ơi.

Rươn chĩa AK về phía chiếc xuồng lạ quạt liền một băng, tôi đứng cạnh nghe đạn nổ chói tai, run cầm cập ôm chầm lấy con Gấm. Phía đằng kia nghe một tiếng thét như kiểu người bị trúng đạn, lại có tiếng hét lên:

- Lính Duôn bay ơi, chạy mau lên.

Rươn vớ khẩu súng của Xo bồi thêm một băng về phía ấy, vệt lửa đạn lừ lừ bay đỏ lòm trong đêm. Sau đó tất cả trở lại im lặng, im lặng tới kinh hãi. Gấm bắt đầu gào lên, tiếng gào trong đêm trên biển nghe thiệt thảm:

- Ba ơi, anh Xo ơi, có ai làm sao không?

Không có tiếng trả lời, cũng không nghe tiếng lũ khỉ chí choé. Chú Tư biểu:

- Rươn canh chừng nghe, tao bơi lại kiếm ông Mười với thằng Xo.

Xuồng quay lại chút xíu thì đụng người. Chú Tư vội kéo lên. Đó là ông Mười. Ông đang run cầm cập.

Rươn hỏi:

- Pốt hả?

Ông Mười vẫn còn run, nói không rõ lời:

- Hổng biết, nó bắn tụi tao. Tao nhảy đại, lật xuồng rồi, lũ khỉ chắc tiêu luôn. Thằng Xo đâu?

- Chưa thấy. Giờ mình đi tìm nghe chú.

Ông Mười đang để Gấm lau người, quay lại than:

         - Trời ơi tao tiếc đứt từng khúc ruột chớ, nồi cao khỉ cầm chắc rồi mà còn tuột mất. Đ. mẹ mấy thằng hung dữ ghê, đụng mình bắn luôn không ghê tay.

Rươn nói:

- Pốt mà chú, chúng đâu có biết ghê tay.

Chú Tư hỏi:

- Sao nó biết đụng lính Duôn mà bỏ chạy?

- Nó nghe tiếng súng AK là ớn hết rồi, là bỏ chạy liền.

Ông Mười đã hết run, kể:

- Tao cũng nhanh dữ, nghe tiếng đạn veo véo vào chuồng khỉ là tao nhảy xuống biển liền. Thằng Xo còn chần chừ tiếc lũ khỉ, không khéo bỏ mạng.

Chúng tôi vội vàng bơi dọc ngang tìm Xo. Cái Gấm quỳ trên mũi xuồng, chụm tay vô miệng gào thét:

- Anh Xo, anh đâu rồi, có nghe thấy không?

Tôi nghĩ vậy là có chuyện lớn rồi, không chừng Xo đã bị bắn chết, nếu không chắc anh đã phải tìm được chúng tôi. Tôi không dám nói ra cái ý nghĩ đau đớn ấy, níu lấy tay Rươn và thấy anh cũng đang run. Chú Tư mải miết bơi, không biết mệt, vòng đi vòng lại một vùng nước mà vẫn không thấy động tĩnh gì. Chú thất vọng buông chèo, mặc cho xuồng quay vòng nguyên một chỗ.

Nếu không chết, rằng một ngày nào đó Xo sẽ trở về với chúng tôi. Tôi cũng nói lại với Gấm những lời như thế. Nó trợn mắt lên nhìn tôi:

- Mày nói xạo, mọi người nói xạo hết. Xo chết rồi, đêm qua tao mơ thấy anh ấy biểu tao ảnh chết rồi, đang nằm dưới đáy biển. Ảnh biểu cá lớn cá nhỏ đang bu tới rỉa ảnh đau đớn lắm.

Nghe Gấm nói thế nên đêm tôi không ngủ được, hễ cứ chợp mắt là nghe tiếng nước biển róc rách như có ai nhẹ bơi chèo cập vô ghe, đổ nước vô tai.

Trong một lần ngồi nói chuyện suông, chú Tư biểu:

- Tao nóng ruột quá, chừng như đến ngày giỗ bả, bả nhắc.

Chăm Rươn hỏi:

- Bả nào, bà má chú á?

- Chớ má ai bây giờ!

- Nhằm vô ngày nào chú?

- Tao đâu có nhớ ngày, chỉ nhớ vô tháng này, đúng lúc nước nổi.

- Bao lâu rồi chú?

- Dễ thường hơn mười năm rồi. Khi đó Pốt đuổi, chạy về bển, gần tới thì bả mất. Con Nhung ngày đó còn bé tí xíu à.

Chú im lặng, hình như chú đang nhớ về cái ngày má chú mất. Nhắc lại chuyện này, tôi vẫn nhớ như in chú đã bồng bả lên bãi để chôn, những sợi tóc bạc của bà rũ bay trước gió. Chú Tư quay qua biểu Chằm Rươn:

- Mày đi xin mấy giác lưới, kiếm con cá về cúng bả nghen.

- Được rồi, chú nói cho con biết ngày nào.

- Ngày mốt là đúng bốn chín ngày thằng Xo. Làm mâm cơm giỗ bả, làm mâm cơm cúng 49 ngày thằng Xo luôn thể.

Vậy là tôi biết trong lòng chú thương nhớ Xo vô kể. Có mấy khi chú biểu tôi lo giỗ bà má chú đâu. Vậy mà lần này chú kêu tôi chuẩn bị xuồng đi cùng chú kiếm cái gì làm cho thiệt đàng hoàng. Tôi hỏi:

- Đi đâu chú?

- Vô bìa rừng, chú kiếm con chằn bè, cỡ này chúng đang mùa săn cá, dễ mắc bẫy.

Tôi chạnh nghĩ tới vụ bẫy khỉ không thành, giờ lại vô rừng thì ngán quá. Chú Tư tinh quái như hiểu được tôi nghĩ gì, chú biểu:

- Mình không vô rừng đâu con, tới bìa thôi hà, nhanh rồi về trước mặt trời lặn, không ngại.

Chú Tư lôi từ trong gầm ghe ra nào là dây câu, nào là lưỡi câu. Tới bìa rừng, chú neo xuồng rồi bắt mấy con cá chừng nửa cổ tay, lòn lưỡi câu vô miệng con cá, lặn lưỡi câu vô trong nhưng cái phần câu móc ra ngoài. Chú nhét mút vô con cá cho nó nổi lên, tiếp tới chú chặt hai ba cây nổi buộc con cá vô rồi thả theo bìa rừng. Xong chú ngồi thong thả vấn thuốc. Khói thuốc chú thả ra từ từ, chậm rãi nhưng buồn, là là xuống mặt nước chớ không bốc lên như những ngày có gió. Trên các ngọn cây, cò, diệc, chằn bè, cồng cộc các loại vừa bay vừa đậu nhiều vô kể, kêu loạn xạ, cứt chim thải ra trắng lá. Thỉnh thoảng những con chằn bè bự như một con ngỗng đậu xuống cành cây rình mồi làm cho cành cây nặng trĩu rà xuống mặt nước. Chú Tư vấn chừng ba điếu thuốc thì thấy mấy con chằn bè liệng xuống. Chú nói:

- Sắp tới rồi đó, con phải giữ lái cho chắc nghe, để chú còn ròng dây.

Vừa lúc một con chằn bè đỗ xuống khúc gỗ nổi, hai cánh sải ra, ngó nghiêng chút xíu rồi mổ vô con cá mồi đang nổi lập lờ trên mặt nước. Nó đứng trên khúc gỗ nổi bập bềnh, vươn dài cái cổ lên trước để nuốt cá. Con chằn bè đang vươn cổ nuốt cá thì bỗng chững lại, cổ vẫn vươn dài nhưng ngúc ngắc như muốn ói. Chú Tư chỉ cho tôi:

- Con thấy chưa, coi nó ăn là biết nó dính rồi. Giữ chắc nghe.

Ngúc ngắc chút nữa rồi con chim giang cánh bay lên. Chú Tư đứng choãi chân, tay buông dây theo chim, trông như người thả diều. Tới lúc thẳng dây trên tay chú Tư thì con chằn bè té. Nó cắm thẳng đầu rớt xuống như trời sập, cánh đập nước đùm đùm, tung toé. Tôi thích quá, kêu to:

- Chú ơi được rồi, con bơi tới bắt nó chớ chú?

- Khoan đã, đợi chút nữa.

Con chằn bè vùng vẫy một lúc rồi lại cất cánh bay lên nhưng lần này nặng nề hơn. Chú Tư đã thu dây nên vừa cất khỏi mặt nước chút xíu nó đã rớt ầm xuống. Những con chằn bè khác thấy động liền đập cánh bay đi, trên các ngọn cây chim cò hoảng hốt bay xao xác.

- Chú thu dây, con bơi tới đi. Lần này chắc ăn rồi.

Tôi vội vã chèo, đầu dây bên kia con chằn bè giẫy giụa làm cho xuồng trẹo bên này chệch bên kia. Tới lúc chú Tư kéo con chim lên xuồng thì nó giẫy dữ quá, bắn nước lên người lên mặt chúng tôi ướt ráo. Chú Tư lấy đầu gối dằn lưng nó xuống, nhanh nhẹn dùng dây câu bó miệng con chim. Vừa bó chú vừa nói:

- Bó miệng nó lại cho nó đừng có mổ mình. Nó khoẻ dữ lắm, giờ cháu ôm lưng nó là cháu lội được quãng xa.

Mỏ con chằn bè rất bự, vừa dài vừa nhọn, lông giống hệt lông ngỗng. Bó xong miệng con chim, chú Tư nói:

- Con này phải bự năm sáu ký. Con muốn thử nó bao lớn chỉ cần banh miệng nó ra rồi đổ nước vô cổ nó, cỡ một thùng.

Chú luồn tay vô lườn con chim, sờ nắn.

- Mập lắm, thịt này xào thiệt đã.

Chú lấy hai cái bao bố phủ lên con chim, vứt trên bao bố mấy con cá tép và mấy khóm bèo sen để nguỵ trang kiểm cá. Bắt cá trái mùa là vi phạm, bẫy chim càng vi phạm, biết thế nhưng không chảo chớp chút đỉnh thì không sống nổi. Chú Tư bẫy chim là thiện nhứt nhưng có mấy khi chú bẫy đâu, chú không muốn làm sai. Tôi biết lần này chú phải ra tay bẫy con chằn bè là vì chú muốn làm bốn chín ngày cho Xo thiệt đàng hoàng, chú thương Xo lắm mà. Thấy chằn bè vẫn còn bay lượn gần đó và rất dạn mồi, tôi biểu chú bẫy thêm con nữa. Chú phẩy tay:

- Chú mà bẫy thả sức thì phải được vài con, nhưng mà vậy là đủ rồi, mình về thôi.

Khi xuồng ngang qua vùng biển mà chúng tôi đã đụng Pốt, tôi nghe tiếng chú thì thầm trong gió:

- Nếu như mày nằm đâu đây thì mày phù hộ cho mọi người đỡ khổ nghe con. Tao thương mày lắm, kiếm con chằn bè về cúng mày đây Xo.

Rồi chú xoay qua biểu tôi:

- Mạng nó chỉ tới đó, số nó quá là khổ, chết rồi không có ai lập ban thờ, thắp nén nhang.

Tôi biểu chú:

-   Con Gấm có lập bàn thờ và thắp nhang cho ảnh.

 (Còn nữa)

Thăng Sắc

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Chú Tư, con là ai (phần 17) (30/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 16) (27/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 15) (20/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 14) (16/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 13) (13/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 12) (10/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 11) (09/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 10) (06/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 9) (02/04/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 8) (30/03/2010)
Các tin khác
  • Chú Tư, con là ai (phần cuối) (07/05/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 20) (06/05/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 19) (05/05/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 7) (27/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (Phần 6) (26/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (Phần 5) (24/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 4) (23/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 3) (20/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 2) (19/03/2010)
  • Chú Tư, con là ai (phần 1) (18/03/2010)

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Chú Tư, con là ai (phần 1)
Tiểu thuyết “Chú Tư, con là ai” nhận Giải thưởng văn học Mê-kông
Chú Tư, con là ai (phần 4)
Chú Tư, con là ai (phần 2)
Chú Tư, con là ai (Phần 5)
Chú Tư, con là ai (phần cuối)
Chú Tư, con là ai (phần cuối)
Chú Tư, con là ai (phần 20)
Chú Tư, con là ai (phần 19)
Chú Tư, con là ai (phần 18)
Chú Tư, con là ai (phần 17)
Chú Tư, con là ai (phần 16)
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang