13/02/2006 03:54:45 PM
Bài 3. Chuyện của người già

 I. Hội thoại:

CỤ TÂM:

- Chào cụ ! Cụ đi tập dưỡng sinh về rồi đấy à?

CỤ PHÚC:

- Vâng, không dám chào cụ. Tôi vừa về. Thế sao hôm nay cụ nghỉ tập à?

CỤ TÂM:

- Vâng, đêm qua trời oi bức quá thể, mồ hôi như tắm. Cả đêm tôi chẳng làm sao mà ngủ được. Đến gần sáng ngủ quên, thế là muộn.

CỤ PHÚC:

- Thời tiết này thì chẳng ai ngủ được đâu cụ ạ.

CỤ TÂM:

- Cụ nói phải. Người già mấy khi ngủ được nhiều. Đã ngoài 70 cả rồi.

CỤ PHÚC:

- À, tuần sau, câu lạc bộ phụ lão phường tổ chức đi  tham quan Yên Tử, cụ có định tham gia không ạ?

CỤ TÂM:

- Tận Yên Tử hả cụ? Xa quá hình như những 60 km thì phải?

CỤ PHÚC:

- Xa nhưng đẹp lắm. Lâu lắm rồi, cách đây đến hai chục năm, tôi cũng đã đi Yên Tử. Ở đó có bao nhiêu là tùng cổ thụ. Những cây tùng đó tuổi thọ đến hàng trăm năm.

CỤ TÂM:

- Vâng, nhưng chùa Yên Tử cao lắm. Khi lên, leo hết bậc thang này đến bậc thang khác, mà mãi không đến nơi. Lúc đó tôi chỉ mong "giá mà có cánh để bay lên chùa".

CỤ PHÚC:

- Chà, cụ nói như là nhà thơ. Tôi định sẽ đi Yên Tử, cụ ạ. Ở nhà suốt ngày, xung quanh toàn báo là báo, đọc mãi cũng hoa mắt.

CỤ TÂM:

- Vâng, để tôi xem. Nhưng mà tận Yên Tử thì xa quá tôi sợ già rồi mắt mờ chân chậm, đi mệt lắm.

 

Bảng từ

dưỡng sinh
oi bức
mồ hôi
phụ lão
phường

cây tùng 
cổ thụ 
tuổi thọ 
bậc thang 
hoa mắt  

II. Chú thích ngữ pháp:

1. Quá thể, quá đáng

 Tính từ + quá thể/ quá đáng

Biểu thị mức độ cao giống như "rất", nhưng thường dùng với những tính từ có ý nghĩa xấu.

Ví dụ:

 - Nó lười quá thể.

 

- Cái túi này đắt quá thể.

2. Thế là

A + thế là + B 

Nhóm từ biểu thị mối quan hệ nhân quả (A: nguyên nhân, B:kết quả).

Ví dụ: - Mẹ nó mắng, thế là nó bỏ nhà đi

3. Đến, tới, những, tận

a)

đến  

tới + Số từ (thời gian, số lượng, khoảng cách)

những

Với kết hợp này, người nói muốn đánh giá là:

- Quá lâu:

Ví dụ:

 - Con mèo đã ngủ tới 4 tiếng.

- Anh ấy đã đi nước ngoài những 3 năm.

- Quá nhiều:

Ví dụ: - Con tôi ăn tới 5 chiếc kem.

- Quá sâu, quá xa:

Ví dụ:

- Bể bơi này sâu tới 4 m.

- Từ nhà tôi đến trường những 15 km.

- Quá nhanh (dùng cho vận tốc)

Ví dụ: - Anh ấy lái xe tới 120 km/ giờ.

b)

tận + Số từ (thời gian)  

Ý nghĩa: quá lâu, quá muộn

Ví dụ: - Hôm qua, tôi thức đến tận 2 giờ sáng để làm bài.

tận + danh từ địa điểm 

Ý nghĩa: địa điểm quá xa, quá cao hoặc rất quan trọng.

Ví dụ:

- Anh ấy ở tận Mỹ

 

- Chị ấy làm việc tận  Bộ Ngoại giao.

Các kết hợp khác:

Tận mắt: nhìn trực tiếp

Ví dụ: - Xem tận mắt, nhìn tận mắt. . . . . . . . .

Tận tay: đưa (trao) trực tiếp

Ví dụ: - Đưa tận tay, trao tận tay.     

- Tận nơi: (đến) trực tiếp

Ví dụ: - Đến tận nơi, đi tận nơi, thăm tận nơi gặp tận nơi

4. Hết A đến B

Ý nghĩa: ngay sau A là B, nói lên sự liên tiếp, không ngưng nghỉ của các sự vật, hành động, trạng thái (A và B có thể là danh từ, động từ, tính từ)

Ví dụ:

 

 - Anh ấy ăn hết bánh đến xôi.  

- Mai hết học tiếng Anh đến học tiếng Pháp.    

- Mặt anh ta hết đỏ đến tái.

Có thể dùng hình thức lặp danh từ để nhấn mạnh số lượng nhiều nhưng lần lượt theo thứ tự.

hết + danh từ + đến  + danh từ

Ví dụ: Anh ấy yêu hết cô này đến cô khác. 

III. Bài luyện:

1. Hãy sử dụng các từ và nhóm từ sau để hoàn thành hội thoại:

không dám

thế là

đã

quá thể

hết ....đến...

toàn là

A. Chào ông!

B. (.........................) chào Ông. Ồ, ông hình như không được khỏe?

A. Vâng, tôi bị ốm mấy hôm nay. Tôi thấy mệt mỏi

(.............................)

B. Mấy hôm rồi ông?

A. (........................) bốn hôm rồi.

B. Sao ông không đi bác sĩ?

A. Tôi sợ đến bệnh viện lắm, (.........................) người ốm. Năm ngoái đi thăm ông bạn ở bệnh viện, tôi thấy (.........................) người bị tai nạn (........................) người cấp cứu. Sợ quá, (.................) về nhà cũng ốm.

2. Viết tiếp các câu sau:  

a. Hôm qua tôi thức quá khuya, thế là ..........................................

b. Anh ấy không học bài, thế là ....................................................

c. Con hư cãi mẹ, thế là ................................................................

d. Tôi giả vờ ăn bánh của nó, thế là ..............................................

e. Anh ấy đi xe máy nhanh quá, thế là ..........................................

f. Nó đi nắng mà không đội mũ, thế là .........................................

g. Anh ta nói anh yêu em, thế là ................................................

h. Chồng quên ngày sinh nhật của vợ, thế là .................................

i. Con mèo nhìn thấy con chuột, thế là ........................................

k. Chị Lan tắm xong quên khóa vòi nước, thế là ...........................

3.Viết các câu dưới đây theo kết cấu hết A đến B:

Mẫu: - ......................... xem / phim này / phim khác

- Tôi xem hết phim này đến phim khác.

a. Đọc / báo / tạp chí

.....................................................................................................

b. Ăn/ bánh mì/ bánh bao

.....................................................................................................

c.  Học / tiếng Anh / tiếng Pháp.

.....................................................................................................

d. Ngủ / xem vô tuyến.

.....................................................................................................

e. Làm việc ở công ty / dạy ngoại ngữ.

.....................................................................................................

f. Nói chuyện / cô gái này / cô gái khác.

.....................................................................................................

g. Học thêm ở trường /học thêm ở nhà.

.....................................................................................................

h. Đi dự sinh nhật / đi khiêu vũ.

.....................................................................................................

i. Đi dạo / phố này / phố khác.

.....................................................................................................

4. Chuyển đổi các câu sau theo mẫu:

Mẫu: - Hôm nay cô ấy đọc rất nhiều báo.

  Hôm nay cô ấy đọc hết tờ báo này đến tờ báo khác.

a. Anh ấy phải dịch nhiều bài. 

b. Sau khi đi xa về nó kể cho tôi nghe nhiều chuyện.

c. Em Nam sắp phải thi nên phải đọc nhiều sách.

d. Mùa hè năm nay chị Ngà may rất nhiều áo.

e. Bây giờ Linh được nghỉ hè nên em ấy xem rất nhiều phim

f. Anh ấy đang khát nên uống rất nhiều bia.

g. Hôm nay có một anh phóng viên đến đây và anh ấy phỏng vấn rất nhiều người.

h. Chị ấy phải làm nhiều việc.

5. Dùng những và số từ chỉ lượng để hoàn thành câu:

a. Con chó này chỉ nặng 1 kg, con chó kia ...................................

b. Anh Sơn chỉ có 1 bằng đại học, anh Hùng ................................

c. Hôm qua bố chỉ câu được 2 con cá, Minh .................................

d. Gia đình tôi chỉ có 2 chị em, gia đình Nguyên .........................

e. Anh ấy chỉ đi nước ngoài 1 tuần, chị ấy ....................................

f. Trong cuộc thi hát tối hôm kia, ca sĩ Mỹ Linh chỉ hát một bài, ca sĩ Thu Phương ....................

6. Thêm từ "đến/tới" vào những câu sau:

a. Núi này cao 1.000 m.

b. Từ đây tới chùa Yên Tử 60 km.

c. 5 năm rồi tôi không gặp Joe. 

d. Có 10 sinh viên cùng muốn phát biểu.  

e. Hồ kia sâu 30 m.

f. Cầu thủ đội bóng rổ Mỹ thường cao 2 m.

7. Chọn một trong số các từ cho dưới dây để hoàn chỉnh các câu sau:

tận

tận mắt

tận nơi

tận tay

tận miệng

a. Thư của anh, tôi đã chuyển đến ..................... cho chị ấy.

b. Mặc dù mẹ đưa thìa cơm ..................... con bé vẫn không chịu ăn.

c. Cô gái này đã đến ..................... Nam cực.

d. Tôi đã chứng kiến ..................... tai nạn xảy ra như thế nào.

e. Khi tôi nhìn thấy ánh sáng lạ ở trên đồi, tôi đi đến ...................  để xem đó là cái gì.

IV. Bài đọc:

Cuộc sống của những người cao tuổi ở Việt Nam

Ở Việt Nam, nam giới về hưu lúc 60 tuổi, phụ nữ về hưu lúc 55 từ lúc đó, họ được gọi là người cao tuổi. Cuộc sống của họ cũng một hướng khác. Khi về hưu, thế giới hẹp lại, có khi chỉ gồm những người thân trong gia đình, dăm ba người bạn hưu, vài người hàng xóm. Công việc hàng ngày cũng đơn giản, chỉ chút ít việc nhà, hay là đọc báo, đọc sách. Vì nếp sống thay đổi nhanh chóng, một số người chẳng làm sao mà quen được, thế là bị khủng hoảng, trầm uất, cho rằng mình bị bỏ rơi. Nếu con cháu họ quá mải làm việc hoặc quá ích kỷ mà không chú ý quan tâm đến họ thì tình trạng đó còn trầm trọng hơn.

Nhưng không phải tất cả mọi người đều như thế. Nhiều người cao tuổi đã tìm cách tự khắc phục hoàn cảnh. Một số người vốn là chuyên gia giỏi trong nghề của mình, sau khi về hưu đã trở thành những cố vấn rất có uy tín đối với các đồng nghiệp trẻ. Một số khác chuyển sang nghề buôn bán. Lãi suất kinh doanh dù không nhiều nhưng cũng giúp họ có thêm tiền để chi phí cho cuộc sống. Có những người mở dịch vụ trông trẻ tại nhà, khiến cho các ông bố bà mẹ rất vui mừng vì có thể gửi con và yên tâm đi làm cả ngày v.v... Hơn nữa, xã hội cũng cố gắng quan tâm đến người cao tuổi. Tất cả mọi người làm việc cho nhà nước, khi về hưu đều có lương hưu. Đài phát thanh có chương trình dành riêng cho người cao tuổi. Họ còn một tờ báo riêng cho mình, là tờ Người cao tuổi trong đó có nhiều bài thuốc chữa bệnh, các phương pháp dưỡng sinh, cách ăn uống điều độ... Tờ báo còn có một chuyên mục rất hay, đó là những cuộc thảo luận xung quanh cuộc sống người già như viết về ông bà cha mẹ của chúng ta, con cháu ngày nay có hiếu hay bất hiếu với ông bà cha mẹ v.v... Mặt khác, ở phường xã nào cũng có hội phụ lão. Các cụ già tham gia hội phụ lão để cùng nhau tập thể dục thể thao, đọc báo, trồng cây xanh, giúp đỡ người già cô đơn, làm lễ mừng thọ hoặc phúng viếng những người vừa qua đời...  

Bảng từ

về hưu
nếp sống
khủng hoảng
trầm uất
bỏ rơi
ích kỷ
khắc phục
chuyên gia
cố vấn
uy tín
đồng nghiệp

buôn bán
lãi suất
chi phí
dịch vụ
người cao tuổi
điều độ
thảo luận
hiếu
mừng thọ
phúng viếng

V. Bài tập:

1. Trả lời những câu hỏi về bài đọc:

a. Khi về hưu, người ta gặp phải những khó khăn gì?

b. Tại sao nhiều người bị trầm uất khi về hưu?

c. Có phải tất cả mọi người đều bị trầm uất không? Tại sao?

d. Công việc mới của người về hưu là gì?

e. Xã hội quan tâm đến họ như thế nào?  

f. Hội phụ lão là gì? Hoạt động của hội như thế nào?

2. Đặt câu hỏi cho những câu dưới đây:

a. - ........................................?

- Ở Việt Nam, nam giới về hưu lúc 60 tuổi.

b.-  ........................................?

Bởi vì nếp sống của họ thay đổi nhanh chóng.

c. - ........................................?

- Người về hưu có thể mở cửa hàng buôn bán, dịch vụ trông trẻ ở nhà v.v...

d. - .......................................?

- Những người làm việc cho nhà nước thì có lương hưu.

e. - ......................................?

- Báo có tên là "Người cao tuổi"

f. - ..................................... ?

- Họ tham gia hội phụ lão để cùng nhau tập thể dục, đọc báo, trồng cây v.v...

3. Hãy điền vào chỗ trống các từ dưới đây:

nhanh chóng

bất hiếu

vui mừng

Trầm uất

uy tín

dưỡng sinh

điều độ

 

 

a. Gặp lại anh, tôi rất ..................................

b. Tập ....................... là phương pháp làm tăng sức khỏe.

c. Do nhịp sống quá căng thẳng, người ta dễ bị .............

d. Cô ta ....................... xuất hiện trước mặt tôi.

e. Hãy ăn uống ...................... , nếu không bà sẽ tăng cân.

f. Anh ta tìm cách làm giảm ....................... của giám đốc

g. Đối với người phương Đông,............. là tội nặng nhất.

4. Nghe băng và chọn câu trả lời đúng cho những câu hỏi sau:

1) Con rắn:  

a. có thật

b. do chồng tưởng tượng

c. hình chữ nhật

2) Người vợ

a. ghét chồng

b. không tin chồng

c. nói khoác với chồng

3) Người chồng

a. nói khoác không hay

b. nói khoác rất hay

c. không bao giờ nói khoác

5. Nghe lại đoạn băng trên và điền các từ còn thiếu vào các chỗ trống trong bài dưới đây:

(1).................... vuông

(2) ................. làng nọ, (3) .................. một anh chàng (4) ................. (5) ...................., nhưng nói khoác (6) ...............................................(7) ............................................. anh ta (8)  .........................., và nói (9) .............................

- Em (10) .................... tưởng tượng được (11)........................ anh đã (12) ....................... chuyện gì.

Người vợ (13) ........................

- (14) ... sắp bịa.(.15 ................................

Anh ta (16) ..................cãi:

- (17) ................. ! Hôm nay anh đã (18) ................. (19)…….... của nó đến (20) ................... còn (21) ................... thì (22) .................

- Làm sao mà (23) ......................? Người vợ (24) ..................... (25) ...................... con rắn (26) ......................

- (27) ...................... không có? Chính (28) ...................... nhìn thấy (29) ........................ thì dài 80 m.

- Cũng (30) ...................... con rắn nào (31) ...................... đâu, anh ạ !

- (32) ...................... ít nhất là (33) ................................... Có thể anh (34) .................... không (35) ......................, nhưng anh nghĩ rằng con rắn (36) ......................

- Anh (37) ..................... nữa. Em không tin đâu.

- Thế thì (38) ...................... Con rắn ấy có lẽ (39) ......................

- Hay là (40) .....................? Em nghĩ (41) ...........................

Anh chồng (42) ......................:

- Ừ, có lẽ (43) ......................

(44) ...................... thì người vợ (45) .......................

- Con rắn (46) ......................, (47) ...................... Thế thì con rắn (48) ...................... à?

6. Kể lại bài nghe.

7. Hãy viết một bài kể về cuộc sống của người cao tuổi ở nước bạn.

VI. Bài đọc thêm:

Cụ Trần Thị Đễ là một trong số rất ít người đã sống qua hai thế kỷ. Cụ sinh ra và lớn lên ở một làng ven sông Đồng Nai vào năm 1891. Năm 24 tuổi, cụ về làm dâu nhà họ Nguyễn, một nhà có nghề thợ mộc lâu đời Khi cụ sinh ra thì vùng đất cụ ở còn nhiều rừng cây, con đường Bắc - Nam chạy qua làng mới chỉ là một con đường nhỏ. Năm cụ lấy chồng thì chiếc cầu đầu tiên dành cho cả đường sắt lẫn đường bộ được xây dựng. Cụ đã dắt con trai ra đứng ở đầu làng chứng kiến buổi thông cầu vẫy tay chào đoàn xe lửa từ Sài Gòn lần đầu nặng nề vượt qua 2 chiếc cầu chạy qua làng.

Bây giờ cụ đã 106 tuổi. Con trai cụ 84, cháu nội 59, chắt 40 tuổi và những đứa chút đã lớn như thổi. Một gia đình lớn do cụ nuôi dưỡng và dạy dỗ đông tới hơn 100 người gồm 8 con, 30 cháu, hơn 70 chắt và 9 chút. Những người sinh ra trong gia đình này đều khỏe mạnh, không ai chết trẻ (trừ cụ ông qua đời năm 87 tuổi). Theo những người trong gia đình kể lại, cụ ăn cơm cùng gia đình, không phải có chế độ riêng. Cụ thích thế. Mỗi bữa cụ ăn nửa bát cơm, có thịt dùng thịt, có cá dùng cá, không ăn canh. Cơm xong, cụ dùng một cốc trà, không khi nào dùng sữa, nước ngọt. Hơn một thế kỷ cụ chưa phải nằm viện, thỉnh thoảng bị ốm chỉ dùng thuốc lá cây. Cụ chưa bao giờ dùng thuốc kháng sinh, thuốc tiêm. Năm 99 tuổi cụ bị ngã gẫy chân. Từ ấy cụ ít khi ra khỏi nhà.

Mặc dù tuổi rất cao, cụ không hề lẫn lộn về những sự kiện đã xảy ra từ hồi đầu thế kỷ. Sống chung với cụ ông 60 năm, cụ đều lo công việc nội trợ. Con cháu 5 đời của cụ hầu hết vẫn ở Biên Hòa. Hơn chục đứa chắt đi học đại học và một số đã ra trường. Số còn lại đi học phổ thông. Cụ ở chung với con gái út đã ngoài 60 tuổi và cháu trai. Kinh tế gia đình thuộc loại khá.

Cả tỉnh Đồng Nai có hơn 80 cụ trên 100 tuổi thì cụ Trần Thị Đễ là người cao tuổi nhất.  

VII. Từ ngữ thông tục và thành ngữ:

1. “Mắt mờ chân chậm”

Diễn tả tình trạng sức khỏe của người già, chậm chạp và mắt kém.

Ví dụ: - Bà tôi bây giờ mắt mờ chân chậm, không đi chơi xa được nữa

2. “Gần đất xa trời”

Nói về tình trạng những người già cao tuổi, ngày càng gần với cái chết.

Ví dụ: - Cụ già năm nay 89 tuổi, gần đất xa trời rồi. _

3. “Toi”

Toi là một loại bệnh dịch của gia súc, gia cầm, gây ra cái chết hàng loạt.

Ví dụ: - Bệnh toi gà.

           - Hiện nay đang có dịch, gà toi nhiều lắm

a. Toi = chết: dùng với ý không tôn trọng, coi thường.  

Ngoài ra, còn có thể nói toi mạng (mạng: số mạng = cuộc sống. Toi mạng = mất mạng sống, chết).

Ví dụ: - Thằng ấy toi từ lâu rồi.

          - Tên ăn cắp sợ hãi. Công an đến bây giờ thì toi.

b. Toi = mất, bị mất đi, hết mất.

Ví dụ: - Toi một ngày rồi, tôi vẫn chưa làm được việc gì.

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang