05/12/2005 10:13:48 AM
Bài 9. Đám cưới

I. Hội thoại: 
  

NORIKO:

- A, đẹp quá! Hiền mặc áo dài đẹp quá! Định đi đâu bây giờ à?

HIỀN:

- Không, tớ vừa may cái áo dài này, hơn nữa, ngày mai anh họ của tớ làm lễ ăn hỏi, tớ mặc thử xem có hợp không. Ngày mai tớ phải mặc áo dài.

NORIKO:

- Ơ, chẳng lẽ anh họ cậu ăn hỏi thì cậu phải mặc áo dài à?

HIỀN:

- Vì tớ phải bê tráp ăn hỏi.

NORIKO:

- Bê tráp ăn hỏi à? Tớ chưa hiểu...

HIỀN:

- Thế này nhé. Trước khi tổ chức đám cưới, nhà trai phải đến nhà gái để ăn hỏi. Khi đến, nhà trai mang theo các lễ vật ăn hỏi, đựng trong hộp tròn gọi là tráp ăn hỏi hay quả cưới.

NORIKO:

- Cần có bao nhiêu quả cưới hả Hiền?

HIỀN:

- À, tùy từng gia đình, có thể là ba, năm hoặc bảy quả.  Thường thường người ta chuẩn bị năm quả cưới. Nhà bác tớ cũng vậy.

NORIKO:

- Lễ vật... gồm có những cái gì?

HIỀN:

- Có nhiều thứ, chẳng hạn như trà, cau, trầu, bánh cốm, mứt sen, rượu... Trong lễ ăn hỏi, gia đình chú rể tương lai sẽ xin phép gia đình cô dâu tương lai cho tổ chức lễ cưới. Sau đó hai bên gia đình sẽ bàn bạc về việc tổ chức đám cưới như thế nào. Đám cưới thường được tổ chức sau lễ ăn hỏi một hay hai tuần...

NORIKO:

- Vui quá Hiền nhỉ!

HIỀN:

-  Ừ, vui như Tết, Noriko ạ. Ngày mai cậu có bận gì không? Nếu không thì đi cùng tớ cho vui. Hơn nữa cậu nên đi để biết phong tục cưới xin ở Việt Nam. Đi nhé!

NORIKO:

- Ừ, đi chứ, mình thích lắm.

Bảng từ

áo dài
may
lễ ăn hỏi
họp
tráp
lễ vật
quà cưới

cau
trầu
bánh cốm
mứt sen
chú rể
cô dâu
cưới xin

II. Chú thích ngữ pháp:

1. Kết cấu A, hơn nữa B dùng để diễn đạt ý bổ sung của B, bên cạnh nội dung A đã nói trước đó.

Ví dụ:

- Từ đây đến đó rất xa, hơn nữa trời nắng quá, nên tôi không muốn đi.
 
- Tôi không muốn vì xe máy ấy không tốt, hơn nữa giá đắt quá.

2. chẳng lẽ... à? / chẳng lẽ... hay sao?

Kết cấu chẳng lẽ... à? (hoặc chẳng lẽ... hay sao?) là một kết cấu nghi vấn - phủ định, dùng để biểu thị ý ngạc nhiên, hay hoài nghi trước một sự việc, hiện tượng mà người nói cho là vô lý hoặc kỳ lạ.

Ví dụ:

- Chẳng lẽ hai người ấy chia tay nhau à?
 
- Chẳng lẽ có người ngoài trái đất hay sao?

3. ... chẳng hạn như...

Sau cụm từ chẳng hạn như là một số ví dụ để minh họa hay giải thích cho ý kiến đã nói trước đó.

Ví dụ:

- Hè năm ngoái, chúng tôi đã đi tham quan một số điểm du lịch ở miền Trung và miền Nam, chẳng hạn như Hội An, Củ Chi, Vũng Tàu...
 
- Anh ấy có thể nói được nhiều ngoại ngữ, chẳng hạn như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga...

Cụm từ này tương đương với “ví dụ như” hoặc “như”

4.... chứ

Từ chứ dùng cuối câu, trong khẩu ngữ, được người nói dùng để nhấn mạnh hoặc khẳng định chắc chắn ý kiến của mình. Nó có ý nghĩa tương tự như “tất nhiên” hoặc “chắc chắn”.

Ví dụ:

- Anh có đi không?
 
- Tôi đi chứ! (= Chắc chắn tôi sẽ đi)

Đôi khi từ này vừa dùng để phủ định ý kiến của người đối thoại, vừa để khẳng định ý kiến của mình.

Ví dụ:

- Hình như ngày 5 tháng 6 là sinh nhật chị Bình.
 
-  Không, mồng 6 tháng 5 chứ!

III. Bài luyện:

1. Thêm từ “hơn nữa “ vào vị trí thích hợp:

Mẫu:

- Tôi phải giúp cô ấy vì cô ấy gặp khó khăn, cô ấy là bạn tôi.

- Tôi phải giúp cô ấy vì cô ấy gặp khó khăn, hơn nữa cô ấy là bạn tôi.

a. Sắp tới tôi không vào thành phố Hồ Chí Minh vì tôi rất bận, tôi không được khỏe.

b. Hôm nay là chủ nhật, trời rất đẹp, ta đi chơi nhé.

C. Anh không nên đi xuyên Việt bằng xe máy vì rất mệt, rất nguy hiểm.

d. Chúng tôi chưa thể hoàn thành việc này vì chúng tôi có quá ít thời gian, công việc quá phức tạp.

e. Cái túi này đẹp, không đắt lắm, tôi mua để làm kỷ niệm.

f. Giá phòng ở khách sạn này đắt, không có điều hòa nhiệt độ nên tôi không thuê.

g. Tôi không thích bà ấy. Bà ấy là người khó tính, rất tò mò.

h. Hôm nay bài tập ít, rất dễ nên ai cũng làm xong sớm.

2. Hoàn thành các câu sau:

a. Anh ấy có khả năng, hơn nữa.................. nên mọi người đều tin tưởng.

b. Trời hôm nay lạnh, hơn nữa........................ nên tôi chẳng muốn đi đâu.

c. An và Bình học cùng lớp, hơn nữa....................... nên rất thân nhau.

d. Thành phố này đẹp, hơn nữa........................ nên tôi rất thích.

e. Tôi không có nhiều thời gian, hơn nữa quyển sách.................... nên mấy tuần rồi tôi vẫn chưa đọc xong.

f. Chị ấy rất........................, hơn nữa nói tiếng Anh rất giỏi nên đã thi đỗ vào công ty tốt.

g. Dạo này ti vi có nhiều phim hay, hơn nữa........................ nên bọn trẻ con hôm nào cũng đi ngủ muộn.

3. Dùng kết cấu “chẳng lẽ... à?” hoặc “chằng lẽ... hay sao?” để hoàn thành các đối thoại sau:

Mẫu:

- Tôi không biết ông ấy là ai.

- .............? Ông ấy là giám đốc công ty ta. Chẳng lẽ anh không biết ông ấy là ai à?

a. - Tôi chưa xem bộ phim này.

- Bộ phim này nổi tiếng lắm............................?

b. - Cậu ấy năm nay mới 14 tuổi nhưng đã là một sinh viên.

-.............................?

c. - Anh Minh thi trượt rồi!

- Anh ấy học rất giỏi, ...........................?

d. - Ngày mai tôi phải đi làm.

- Mai là chủ nhật, ...........................?

e. - Sự thật là như vậy.

- ..........................?

f. - Hôm qua cô ấy cãi nhau với trưởng phòng.

- Cô ấy là người rất nhút nhát, ..........................?

g. - Cô ấy đã theo gia đình chuyển vào Đà Nẵng rồi.

- Thế mà tôi không biết gì cả..........................?

h. - Tối nay anh Lâm không đến sinh nhật tớ đâu.

- Cái gì? Anh ấy là người yêu của cậu,..........................?

4. Dùng “chẳng hạn như" để viết tiếp các câu sau:

Mẫu:

- Ở Việt Nam có nhiều bãi biển...............

- Ở Việt Nam có nhiều bãi biển, chẳng hạn như Đồ Sơn, Sầm Sơn, Nha Trang, Cửa Lò, Vũng Tàu...

a. Anh ấy có nhiều tính cách tốt,...................

b. Tiếng Việt có nhiều thanh điệu,.................

c. Ở đại học chúng tôi học nhiều môn,.................

d. Ở nước tôi thanh niên chơi nhiều môn thể thao,...................

e. Ở Hà Nội có nhiều chợ,...........................

f. Tôi đã ăn nhiều món ăn Việt Nam,..........................

g. Tôi rất thích ăn các loại hoa quả,.......................

h. Ở Việt Nam người ta đi lại bằng nhiều phương tiện khác nhau.............................

i. Tôi biết tên một số tờ báo ở Việt Nam,..............................

k. Ti vi có nhiều chương trình phong phú,...........................

5. Dùng “chứ” để hoàn thành các đối thoại sau:

Mẫu:

 

- Mai anh có đi học không?

- Có chứ!

a. - Chị ấy là người Hàn Quốc à?

- Không,............................!

b. - Cô ấy biết nấu ăn không?

- ..............................!

c - Quyển sách này của anh phải không?

- Không,........................!

d. - Anh bảo trời này có mưa không?

- .............................!

e. - Anh không thích ăn chuối phải không nhỉ?

- Ai bảo anh thế?........................!

f - Ngày mai chúng ta được nghỉ học.

- Anh nghe nhầm rồi,.......................!

6. Những câu sau, câu nào đúng, câu nào sai? Chữa các câu sai cho đúng:

a. Cô ấy bận và cô ấy không muốn đi hơn nữa.

b. Tôi không thích cô ấy, cô ấy tuy đẹp, hơn nữa xấu tính.

c. Anh là nhà văn nổi tiếng, chẳng lẽ không đúng hay sao?

d. Chẳng lẽ anh không tin chị ấy hay sao à?

e. Tôi thích một số môn thể thao, chẳng hạn như.

f. - Anh thích phở gà không?

- Không thích chứ!

g. Chẳng lẽ em anh nói dối tôi à?

IV. Bài đọc:

Đám cưới Việt Nam ngày nay

Mùa thu là mùa cưới ở Việt Nam. Trước ngày cưới khoảng một tháng, gia đình nhà trai và nhà gái tổ chức ăn hỏi. Sau đó hai gia đình chuẩn bị những thủ tục cần thiết cho ngày cưới, chẳng hạn như đăng ký kết hôn trước chính quyền, mua sắm đồ vật, in và đưa thiếp mời... Khách được mời dự lễ cưới là họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp của gia đình cô dâu và gia đình chú rể. Trừ những người theo đạo Thiên chúa, lễ cưới của người Việt Nam nói chung không tổ chức tại nhà thờ. Nơi diễn ra lễ cưới thường là nhà riêng, các khách sạn hoặc hội trường lớn. Khi đến dự đám cưới, khách mời thường mang theo quà cưới mừng cô dâu, chú rể, cùng những lời chúc hạnh phúc. Món quà có thể là những vật dụng trong gia đình, hoặc đó là một món tiền. Lễ cưới được diễn ra trong một ngày. Buổi sáng hay buổi trưa, nhà trai và nhà gái mời khách đến dự một bữa cơm thân mật tại nhà. Buổi chiều, nhà trai đến nhà gái xin dâu vào một giờ tốt đã được lựa chọn cẩn thận từ trước, rồi cô dâu chú rể lễ tổ tiên. Tiếp đó, tất cả mọi người đến hội trường - nơi tổ chức bữa tiệc ngọt, hoặc đến một hiệu ăn lớn để ăn tiệc mặn. Tuy nhiên hiện nay, nhà nước Việt Nam chủ trương tổ chức đám cưới đơn giản, tiết kiệm, nên xu hướng mới của các đám cưới là chỉ tổ chức tiệc ngọt. Khi bữa tiệc kết thúc, hai vợ chồng trẻ trở về gia đình nhà trai hoặc về nhà riêng. Phòng ngủ được trang trí rất đẹp, thể hiện sự quan tâm, tôn trọng đối với cô dâu. Hai vợ chồng bắt đầu cuộc sống mới với tuần trăng mật đầy hạnh phúc.

Bảng từ

mùa cưới
nhà trai
nhà gái
thủ tục
đăng ký kết hôn
chính quyền
thiếp mời
đạo Thiên Chúa

hội trường
vật dụng
món quà (tiền)
xin dâu
lễ tổ tiên
tiệc ngọt
tiệc mặn
tuần trăng mật

V. Bài tập:

1. Trả lời các câu hỏi về bài đọc:

a. Trước lễ cưới, nhà trai và nhà gái phải tổ chức lễ gì?

b. Thiếp mời được gửi đi khi nào?

c. Khách mời là những ai?

d. Lễ cưới của người Việt thường được tổ chức ở đâu?

e. Quà cưới thường là những thứ gì?

f. Chủ trương mới của Nhà nước Việt Nam là gì?

2. Chọn câu trả lời đúng:

a. Em không muốn ăn,............... em không đói.

A. nên

C. vì vậy

B. mặc dù

D. hơn nữa

b. “Đi với tôi, được không?”......................! Tôi sẽ đi.

A. chứ

C đi được       

B. được chứ

D. không chứ

c. Anh tôi thích chị ấy lắm. Chị ấy thông minh, hơn nữa rất......................

A. khó chịu

C. không đẹp      

B. đẹp

D. lười

d. Vịnh Hạ Long đẹp lắm, chẳng lẽ anh không muốn...................... đó à?

A. du lịch             

C. đến          

B. đi

D. đi thăm

e. Năm nay anh ấy sẽ làm một số việc quan trọng, chẳng hạn như.................

A. đi chợ            

C. nghỉ hè            

B. cưới chồng

D. cưới vợ

3. Điền từ thích hợp vào chỗ trống:

có 

chẳng lẽ          

mứt sen

hơn nữa            

đi du lịch

hay sao

sớm

a. Nhà trai sắm bao nhiêu thứ: bánh cốm, cau trầu, chè, thuốc, rượu,........................ nữa!

b. Ông ấy không ở nhà đâu, ông ấy....................... đấy!

c. Anh....................... đồng ý không?

- Có chứ!

d. Hàng cơm bình dân này rẻ....................... ngon.

e. Chẳng lẽ ông ấy nghĩ về tôi như thế.......................?

f. Hôm nay tôi không đi đâu vì ngoài đường rất lạnh.................... ti vi có phim hay.

g. Em không thích xem ca nhạc, hơn nữa mai em phải đi học.............. nên xin lỗi nhé, em không đi với anh đâu.

h. Tốn tiền vẫn phải cưới,....................... anh không định lấy vợ à?

4. Nghe và điền từ còn thiếu vào chỗ trống:  

Lợn cưới (1)............... mới.

Có một người (2)................. sắp làm (3)................... Anh ta nuôi được một (4)................... lợn cưới. Một hôm, không hiểu (5)............ mà con (6)................. của anh ta ra khỏi (7)................... và chạy đâu (8)................... Anh ta chạy ra (9)..................., tìm (10)............ Gặp một người đàn ông đang (11)................... một chiếc (12)................... Vốn bản tính hay (13)..................., người có lợn (14)...............:

- Này, anh ơi, anh có (15)................... con (16)................... của tôi (17).................. qua đây không?

Người kia, hai tay vuốt (18)................... , nói:

- Từ lúc tôi mặc (19)................... áo mới này, tôi chưa thấy con lợn nào chạy qua (20).............

5. Sau khi điền từ, đọc bài nghe và cho biết những thông tin sau sai hay đúng:

a. Người đàn ông thứ nhất sắp có vợ.

b. Anh ta vừa mua một con lợn.

c. Con lợn của anh ta ra khỏi chuồng và anh ta không tìm được.

d. Anh ta gặp một người đàn ông.

e. Người đàn ông ấy có một chiếc áo mới.

f. Người đàn ông thứ nhất không thích khoe.

g. Người đàn ông thứ hai thích khoe.

h. Người đàn ông thứ hai nhìn thấy một con lợn

6. Anh / chị hãy viết một bài về lễ cưới ở nước của anh / chị. Có điều gì anh / chị thích hoặc không thích đối với lễ cưới đó?

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang