21/11/2005 08:56:35 AM
Bài 7: Vô tuyến truyền hình

I. Hội thoại:   

CHỒNG: 

- Ô, 7 giờ rồi à? Tối nay tivi có gì hả em?

VỢ:

- Nhiều chương trình lắm anh ạ. Nào đài Truyền hình Việt Nam, nào đài Truyền hình Hà Nội. Anh muốn biết chương trình nào?

CHỒNG: 

- Chương trình nào anh cũng chưa biết. HTV thì thế nào?

VỢ:

- Đài Hà Nội thì tối nào cũng chiếu phim. Tối nay đài chiếu phim gì nhỉ? A, một phim của điện ảnh Mỹ thì phải, em không nhớ tên.

CHỒNG: 

- Còn chương trình của đài Truyền hình Việt Nam?

VỢ:

- VTV1 thì sau phần thời sự có một phim tài liệu.

CHỒNG: 

- Chỉ thế thôi à?

VỢ:

- Còn nữa chứ. Sau đó có phim “Vĩnh biệt mùa hè”, phim truyện Việt Nam, hình như vào lúc 9 giờ thì phải.

CHỒNG: 

- A, “Vĩnh biệt mùa hè” ấy à? Phim này ai cũng bảo là hay lắm. Thế còn chương trình VTV3 thì thế nào?

VỢ:

- VTV3 có ca nhạc, thời trang, phim hoạt hình... À, lúc 9h30’ có chương trình Thể thao, tường thuật trực tiếp trận bóng đá giữa đội tuyển Anh và đội tuyển Scotland đấy.

CHỒNG: 

- Trời ơi, hay quá. Thế thì nhất định anh phải xem.

VỢ:

- Nhưng ở VTV1 có phim?

CHỒNG: 

- Phim gì anh cũng không xem. Anh không thể bỏ một trận bóng đá nào.

VỢ:

- Nhưng em thì muốn xem phim, em cũng không muốn bỏ một bộ phim nào. Anh thì lúc nào cũng chỉ bóng đá!

CHỒNG: 

- Ờ, tối nay có mấy anh bạn hẹn đến chơi... Em sang nhà chị Hương hàng xóm xem phim được không? Bên ấy, người nào cũng mê phim lắm.

VỢ:

- Thế thì em sang nhà chị ấy vậy. Hôm nay anh được ưu tiên nhé!

Bảng từ

chương trình
Đài Hà Nội
chiếu phim
điện ảnh
thời sự
phim tài liệu
vĩnh biệt
phim truyện

HTV
VTV1, 2, 3
thời trang
phim hoạt hoạ
tường thuật

ưu tiên

II. Chú thích ngữ pháp:

1.............. hả..........

Từ hả đứng cuối câu hỏi, được dùng như sau:

a. hả tương đương với “phải không?”

Ví dụ:

Tuần sau anh đi công tác hả?
(= Tuần sau anh đi công tác phải không?)

b. hả đứng cuối các câu hỏi có từ để hỏi như “gì, ai, đâu, nào” nhằm định hướng câu hỏi đến một người xác định.

Ví dụ:

- Chị hỏi gì hả chị Hoa?
(
Câu hỏi hướng đến chị Hoa)

- Ngày mai anh đi đâu hả anh Tân?
(
Câu hỏi hướng đến anh Tân)

c. Đứng sau từ hả thường là một đại từ nhân xưng ngôi thứ hai (anh, chị, em...) hoặc một tên gọi. Nếu chỉ dùng một mình từ hả thì câu hỏi trở nên không lịch sự.

Ví dụ:

- Mấy giờ rồi hả? (không lịch sự)

- Mấy giờ rồi hả chị? (lịch sự)

d. Mặc dù vậy, từ hả chỉ nên dùng với những người ngang hàng hoặc ở vị trí thấp hơn. Với người ở vị trí cao hơn, ta nên dùng từ ạ.

2........ nào cũng........ /....... ai cũng........ /........ gì cũng.........

Cách nói này được dùng để nhấn mạnh tính chất “tất cả, toàn thể” của sự vật hay hành động. Chúng gồm những kết cấu sau:

a. Kết cấu nhấn mạnh chủ ngữ:

 Mẫu:

 Danh từ + nào + cũng + động từ / tính từ
 
= Tất cả mọi + danh từ + đều + động từ / tính từ

Ví dụ:

- Quyển sách nào cũng hay.
(= Tất cả mọi quyển sách đều hay)

- Sinh viên nào ở lớp tôi cũng học chăm chỉ.
(= Tất cả mọi sinh viên ở lớp tôi đều học chăm chỉ)

Mẫu:   

Ai
Người nào 

+ cũng

+ động từ
    tính từ

= Tất cả mọi người đều + động từ + tính từ

Ví dụ:

- Ở Việt Nam ai cũng biết bác Hồ
(= Ở Việt Nam tất cả mọi người đều biết bác Hồ)

- Ở đây người nào cũng biết nói tiếng Việt.
(= Ở đây tất cả mọi người đều biết nói tiếng Việt)

Mẫu:   


Cái gì 

+ cũng  

+ động từ
    tính từ

= Tất cả mọi cái/ Tất cả mọi thứ 

+ đều 

+ động từ 
    tính từ

Ví dụ:

- Ở Nhật Bản cái gì cũng đắt.
(= Ở Nhật Bản tất cả mọi thứ đều đắt)

- Trong nhà này cái gì cũng do anh ấy mua.
(= Tất cả mọi thứ trong nhà này đều do anh ấy mua)

Mẫu: 

Nơi đâu 
Nơi nào
Chỗ nào

+ cũng  

+ động từ
    tính từ

= Tất cả mọi nơi 

+ đều 

+ động từ
    tính từ

Ví dụ:

- Ở thành phố này nơi nào cũng đẹp.
(= Ở thành phố này tất cả mọi nơi đều đẹp)

- Nơi đâu trong Việt Nam cũng là quê hương tôi.
(= Tất cả mọi nơi trong Việt Nam đều là quê hương tôi)

b. Kết cấu nhấn mạnh bổ ngữ:

Mẫu: 

    Bổ ngữ + nào / gì  + chủ ngữ + động từ

= Chủ ngữ + động từ + tất cả + bổ ngữ

Ví dụ:

- Món ăn nào chị ấy nấu cũng rất ngon.
(= Chị ấy nấu rất ngon tất cả các món ăn)

- Bài hát tôi cũng biết hát.
(= Tôi biết hát tất cả các bài hát)

c. Kết cấu nhấn mạnh trạng ngữ: 

Mẫu:

Trạng ngữ thời gian + nào + chủ ngữ + cũng + động từ (năm, tháng, tuần, ngày, giờ, lúc, khi... )
 
Hàng năm / tháng / tuần / ngày / giờ + chủ ngữ + động từ

Luôn luôn  

Ví dụ:

- Ngày nào tôi cũng đi học.
(= Hàng ngày tôi đi học)

- Lúc nào anh ấy cũng muốn ngủ.
(= Anh ấy luôn luôn muốn ngủ)

Mẫu: 

Trạng ngữ địa điểm + nào + chủ ngữ + cũng + động từ (nơi, chỗ, vùng, thành phố, tỉnh, làng...) 

Ví dụ:

- Thành phố nào ở Việt Nam tôi cũng đã đến.
(= Tôi đã đến tất cả các thành phố ở Việt Nam)

- Ở phố nào bạn cũng có thể thấy quán cơm bình dân.
(= Bạn có thể thấy quán cơm bình dân ở tất cả các phố)

3........... nhỉ?

Từ nhỉ đứng sau câu hỏi thường biểu thị ý tự hỏi, không hướng tới người nào cả.

Ví dụ:

- Bây giờ, tôi phải làm gì nhỉ?

- Sao anh ấy không gọi điện cho mình nhỉ?

4............ thì phải / Hình như.......... thì phải
Mẫu:  

Mệnh đề + thì phải

Hình như + mệnh đề + thì phải  

Các kết cấu này dùng để chỉ sự phỏng đoán, người nói không chắc chắn lắm về phỏng đoán của mình, ý nghĩa gần giống như có lẽ.

Ví dụ:

- Họ yêu nhau thì phải.

- Hình như cô ấy quên tôi rồi thì phải.

5.............. không........ (một)........... nào

Mẫu: 

Chủ ngữ + không + động từ + (một) + bổ ngữ  

Hoặc:

Không + (một) + chủ ngữ + nào + động từ

Kết cấu này biểu thị sự phủ định hoàn toàn.

Ví dụ:

- Tôi không biết một người nào ở đây.
(= Tôi không biết tất cả mọi người ở đây)

- Không một sinh viên nào nghỉ học.
(= Tất cả các sinh viên đều đi học)

III. Bài luyện:

1. Biến đổi các câu sau thành câu hỏi, dùng từ  “hả” ở cuối câu:

Mẫu:

- Ngày mai là thứ bảy.

- Ngày mai là thứ bảy hả em?

a. Bây giờ là 7 giờ đúng.

b. Chị ấy mới lấy chồng.

c. Ngày mai chúng ta được nghỉ học.

d. Cô ấy không biết nói tiếng Pháp.

e. Hôm nay có mưa.

f. Anh không quen ông ấy.

g. Chị ấy nấu ăn ngon lắm.

h. Nhà hàng xóm mới mua tivi màn hình phẳng.

2. Biến đổi các câu sau thành câu hỏi, dùng từ “nhỉ” ở cuối câu:

Mẫu:

- Đồng hồ của tôi ở trên bàn.

- Đồng hồ của tôi ở đâu nhỉ?

a. Ga này là ga Thừa Thiên  Huế.

b. Anh ấy đang tìm ông giám đốc.

c. Tôi để ví trong túi áo khoác.

d. Anh ấy vẫn còn nhớ người yêu cũ.

e. Bánh mỳ ngon thì mua ở hiệu Như Lan.

f. 8 giờ rồi.

g. Chị ấy đã nhận được thư của mình.

h. Xe máy Hàn Quốc không tốt lắm.

3. Chuyển các câu sau sang kết cấu “... nào... cũng...”

Mẫu:

- Tất cả các cô gái đều đáng yêu.

- Cô gái nào cũng đáng yêu.

a. Tất cả các sinh viên đều cố gắng để đạt kết quả tốt trong kỳ thi.

b. Tất cả mọi nơi trên đất nước, tôi đều muốn đến.

c. Mọi bài tập đều dễ, tôi có thể làm rất nhanh.

d. Tôi định mua một cái máy ghi âm, nhưng tất cả những cái mà tôi xem, tôi đều không thích.

e. Hôm kia trời mưa, hôm qua trời mưa, hôm nay trời vẫn mưa.

f. Tất cả các tuần, anh ấy đều đến lớp vào ba buổi sáng: thứ hai, thứ tư, thứ sáu.

g. Hai chiếc áo này đều rất đẹp nên tôi rất khó quyết định sẽ mua cái nào.

h. Hàng năm, vào mùa hè, gia đình chúng tôi đều đi biển một thời gian.

4. Hoàn thành các câu sau:

a. Bà ấy muốn xem tất cả các chương trình ti vi vì chương trình nào cũng......................

b. Bức tranh nào cũng đẹp nên tôi rất.......................

c. Tôi có nhiều bạn bè, người nào cũng.......................

d. Tối thứ bảy nào, hai người cũng...........................

e. Cô gái ấy rất thích thể thao. Sáng nào tôi cũng thấy cô ấy..................

f. Truyện ngắn nào của nhà văn ấy cũng.......................

g. Loài hoa nào cũng......................

h. Sáng chủ nhật nào ông tôi cũng.......................

5. Dùng mẫu “... lúc nào cũng...”  để chuyển đổi các câu sau:

Mẫu:

- Hai vợ chồng trẻ ấy cãi nhau thường xuyên.

- Hai vợ chồng trẻ ấy lúc nào cũng cãi nhau.

a. Bạn cô ấy luôn phải đợi cô ấy vì cô ấy thường đến muộn.

b. Anh ấy luôn giúp đỡ bạn bè rất nhiệt tình.

c. Ông ta luôn thích nói về bản thân mình.

d. Vì thằng bé này là con một nên nó thường chỉ chơi một mình.

e. Chồng chị ấy thường xuyên đưa vợ đi làm.

f. Nó luôn luôn nói dối.

g. Bạn tôi là một cô gái vui tính, cô ấy luôn luôn thích đùa.

6. Dùng các từ dưới đây để hoàn chỉnh các câu sau:

đắt

học

quan tâm

nói 

tốt

 

tin

nhận

hạnh phúc

a. Họ làm gì tôi cũng không........................

b. Anh ấy nói gì, bạn anh ấy cũng.........................

c. Anh ta tặng gì, cô ấy cũng không.........................

d. Mẹ tôi nói rằng làm nghề gì cũng.......................

e. Chúng tôi hỏi gì, bà ấy cũng không.........................

f. Muốn làm nghề gì cũng phải..................... cẩn thận.

g. Trong chợ này, cái gì cũng.................. hơn bình thường.

h. Ai cũng muốn có.........................

7. Chuyển đổi các câu sau theo mẫu “... không... nào...”

Mẫu:

- Người nào cũng thích bộ phim này.

- Không người nào thích bộ phim này.

a. Phòng nào cũng sạch sẽ.

b. Ngày nào trời cũng mưa.

c. Buổi học nào anh ấy cũng đến muộn.

d. Thứ bảy nào chúng tôi cũng gặp nhau ở đây.

e. Món ăn nào ở Huế anh ấy cũng cảm thấy ngon.

f. Mưa to, người nào cũng muốn ra khỏi nhà.

g. Bài hát nào của nhạc sĩ ấy cũng hay.

h. Bộ phim nào anh ấy cũng muốn xem.

8. Chọn câu trả lời thích hợp:

a. Hôm qua trên ti vi có phim “Cuốn theo chiều gió”....................... cũng nói rằng, bộ phim này hay.

A. lúc nào

C. cái gì

B. người nào

D. ai nào

b. Bạn tôi là phóng viên báo Tuổi trẻ,..................... anh ấy cũng bận.

A. khi nào

C. nơi nào

B. ai

D. cái gì

c. Chị ấy làm việc cho hai cơ quan nên lúc nào chị ấy cũng..................

A. ở nhà

C. đi chơi 

B. rỗi

D. bận

d. Xin anh gọi điện thoại cho tôi vào buổi tối. Tối nào tôi cũng..................

A. đi vắng

C. đi làm

B. đi chơi

D. ở nhà

IV. Bài đọc:

1. Đài truyền hình Việt Nam

Đài truyền hình Việt Nam (ĐTHVN) phát sóng lần đầu tiên vào ngày 7 tháng 9 năm 1970 tại Hà Nội. Những năm đầu phát sóng, ĐTHVN chỉ xây dựng và phát được một số chương trình như: Những bông hoa nhỏ (chương trình dành cho trẻ em), chương trình Thời sự, chương trình Quân đội, chương trình Vì an ninh Tổ quốc, Thanh niên, Phụ nữ, Ca nhạc, Phim truyện...

Do quá trình phát triển liên tục, nhiều năm gần đây, ĐTHVN đã phát thêm nhiều chương trình hay, bổ ích và thiết thực với đời sống của mọi người ở mọi lứa tuổi như: chương trình Kinh tế, Du lịch qua màn ảnh nhỏ, Nông thôn, chương trình Phổ biến kiến thức, chương trình dạy ngoại ngữ...

Hiện nay, ĐTHVN chia ra làm nhiều kênh phát sóng như VTV1, VTV2, VTV3, VTV4. Mỗi kênh thường phát vào một giờ nhất định trong ngày và thường có những nội dung đặc trưng, chẳng hạn như VTV2 thường có chương trình Phổ biến kiến thức, Thế giới động vật, dạy ngoại ngữ...; VTV3 thường có chương trình Ca nhạc, Thể thao, Thời trang, Phim truyện v.v... Từ chỗ chỉ phát vào buổi tối, hiện nay ĐTHVN phát sóng liên tục 16 giờ trong ngày trừ buổi đêm.

Nhìn chung, ĐTHVN đã đáp ứng được nhu cầu tiếp nhận thông tin và giải trí của nhân dân, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều gia đình.

Bảng từ


Đài truyền hình Việt Nam
phát sóng
phát
những bông hoa nhỏ
an ninh
bổ ích
thiết thực
màn ảnh nhỏ


nông thôn
phổ biến kiến thức
kênh
đặc trưng
động vật
liên tục
đáp ứng
tiếp nhận

2. Lấy chồng hay lấy tivi?

Hương là một cô gái xinh đẹp. Bố mẹ cô rất giàu. Nhiều chàng trai muốn cưới cô nhưng cô chẳng thích người nào.

Một buổi tối, một chàng trai đến chơi và cầu hôn với cô. Nhưng cô đáp: "Không, em sẽ không lấy anh đâu. Em muốn lấy một người đàn ông nổi tiếng, biết chơi nhạc, biết hát và khiêu vũ giỏi. Người đó lúc nào cũng có thể kể những câu chuyện thật hay. Người đó sẽ không uống một ly rượu nào, không hút một điếu thuốc nào. Người đó tối nào cũng ở nhà, và người đó lúc nào cũng có thể im lặng nếu em đã chán nghe!”.

Chàng trai đứng dậy, lấy áo khoác và đi ra cửa. Trước khi rời khỏi nhà, anh quay lại và nói với Hương: Không phải cô đang tìm một người đàn ông, Hương ạ. Cô đang tìm một cái ti vi.

V. Bài tập:

1. Trả lời các câu hỏi về bài đọc:

a. Ngày phát sóng đầu tiên của ĐTHVN là ngày nào?

b. Những năm đầu phát sóng, các chương trình chủ yếu của ĐTHVN là những chương trình nào?

c. Những năm gần đây, các chương trình của ĐTHVN thế nào?

d. Hiện nay, ĐTHVN có mấy kênh?

e. Hiện nay, ĐTHVN phát bao nhiêu giờ một ngày?

f. Theo bạn, chức năng của truyền hình là gì?

2. Kể lại câu chuyện trong bài đọc “Lấy chồng hay lấy tivi?”

3. Bạn có thể cho biết bạn muốn lấy một người chồng (người vợ) như thế nào không?

4. Sắp xếp các câu sau để trở thành một hội thoại hợp lý:

A. Dạ, bật bây giờ ạ?

B. Mai là chủ nhật hả bố? Thích quá, chủ nhật có nhiều chương trình tivi lắm. Sáng, chiều, tối, buổi nào cũng có!

C. Ừ... bố không biết. Hình như họ sắp giới thiệu chương trình thì phải, con xem đi?

D. Khánh ơi, bật tivi lên con!

E. Nhưng nếu lúc nào cũng xem tivi thì không tốt, con ạ.

F. Ừ, bật lên để xem chương trình tivi ngày mai thế nào.

G. Vâng... nhưng.... À, ngày mai họ có chiếu phim “Điệp viên 007” không hả bố?

5. Dựa vào bài đọc, hãy viết một bài giới thiệu về hệ thống truyền hình ở nước bạn đang sinh sống. 

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang