17/10/2005 02:48:19 PM
Bài 2. Chuyện gia đình

I. Hội thoại: 

THU:

- Anh Hùng ơi, em định tháng sau đi làm.

HÙNG:

- Ơ, sao thế em? Thằng Bi nhà mình còn bé quá. Khi em đi làm thì ai trông con giúp?

THU:

- Em nhờ bà ngoại trông hộ vài tháng. Khi nào thằng bé lớn hơn thì gửi cho chị Nghĩa trông hộ.

HÙNG:

- Nhưng sao em vội đi làm thế? Ở nhà cho khỏe!

THU:

- Em đã ở nhà hơn nửa năm rồi. Ở nhà mãi chán lắm! Hôm nào cũng chỉ làm mấy việc: chăm sóc thằng Bi, chợ búa, cơm nước, giặt giũ... Cuộc sống trở nên buồn tẻ, đơn điệu quá, anh ạ! Em sắp trở thành bà già rồi!

HÙNG:

- Em muốn đi làm cũng được, nhưng anh chỉ sợ em chưa khỏe. Vừa chăm sóc con, vừa đi làm thì mệt lắm.

THU:

- Kệ, chẳng sao đâu anh ạ. Em chỉ xin đi làm một tuần ba buổi thôi! Sáng thứ hai anh đèo em đến cơ quan nhé! Em đến báo em đi làm từ tháng sau.

HÙNG:

- Ừ, được rồi. Thế thì tối mai anh lên bà ngoại nhờ bà giúp ít lâu.

THU:

- Dạ, anh Hùng ơi, anh vặn nhỏ hộ em cái tivi, sợ thằng Bi giật mình. À, em quên mất, sáng nay anh Thắng gọi điện cho anh. Khi anh vừa mới đi khỏi nhà được 10 phút thì anh ấy gọi. Anh Thắng định nhờ anh dịch giùm bản báo cáo.

HÙNG:

- À thế à, để anh gọi điện cho anh ấy. Thu ơi, sổ điện thoại đâu nhỉ?

Bảng từ

chợ búa
cơm nước
giặt giũ                   
buồn tẻ
đơn điệu

đèo
ít lâu
vặn (TV)
đi khỏi
số điện thoại

II. Chú thích ngữ pháp:

1. Khi A thì B

Kết cấu này được dùng như sau:

a. Khi A thì B dùng để chỉ 2 hành động xảy ra đồng thời:

Ví dụ:

- Khi Nam làm bài tập ở nhà thì Lan viết thư cho bạn.

- Khi bà Hòa nấu ăn thì ông Hòa đọc báo.

b. Khi A thì B dùng để chỉ quan hệ điều kiện - kết quả. A là điều kiện, B là kết quả.

Ví dụ:

- Khi tôi thi đỗ thì bố mẹ tôi rất vui.

- Khi bà ấy ốm thì bà ấy đi bệnh viện.

c. Khi A thì đang B dùng để chỉ hành động A xảy ra giữa quá trình của hành động B.

Ví dụ:

- Khi anh ấy bước vào phòng thì bà giám đốc đang nói chuyện qua điện thoại.

- Khi thầy giáo gọi tôi thì tôi đang ngủ gật.

d. Khi đang A thì B dùng để chỉ hành động B xảy ra giữa quá trình của hành động A.

Ví dụ:

- Khi chúng tôi đang xem phim thì mất điện.

- Khi họ đang nói chuyện về anh ấy thì anh ấy xuất hiện.

2. Động từ + giúp/ hộ/ giùm

giúp hoặc hộ hoặc giùm đứng sau động từ có ý nghĩa: làm gì để giúp đỡ người khác. Trong lời đề nghị, cầu khiến thì những từ này biểu thị thái độ lễ phép, lịch sự.

Ví dụ:

- Chị hỏi giúp em chuyện này nhé?

- Bà mua giúp tôi tờ báo được không? 

3. Trở thành, trở nên

Mẫu:

trở thành + danh từ

Kết cấu này dùng để chỉ sự biến đổi về vai trò, vị trí

Ví dụ:

- Anh ấy đã trở thành bạn tôi.

- Sau khi tốt nghiệp đại học Y, Trung trở thành bác sĩ ở bệnh viện này.

Mẫu:

trở nên + tính từ

Kết cấu này dùng để chỉ sự biến đổi về tính chất, trạng thái.

Ví dụ:

- Bây giờ bà ấy trở nên vui vẻ hơn.

- Trời trở nên lạnh. 

III. Bài luyện:

1. Điền “trở thành” hoặc “trở nên” vào chỗ trống cho thích hợp:

a. Tôi rất mừng vì cậu bé ấy đã..................... chăm chỉ.

b. Sau động đất, căn nhà ấy đã..................... một đống gạch vụn.

c. Sau 5 năm, mảnh đất này......................... rất có giá.

d. Nếu thường xuyên tập thể dục thì chúng ta sẽ ............... khỏe mạnh.

e. Chúng tôi đều hy vọng rằng, cuộc sống của bà ấy sẽ................ thuận lợi hơn.

f. Bố mẹ luôn muốn con mình....................... một người có ích cho xã hội.

g. Khi tôi còn nhỏ, tôi rất muốn trở nên nổi tiếng. Tôi đã mơ ước..............ca sĩ hoặc diễn viên điện ảnh.

2. Chọn các từ ngữ sau để điền vào chỗ trống cho thích hợp:   

thành viên
đẹp
cô giáo dạy tiếng Việt

rất có ích
nóng
bạn

vui vẻ
hiện đại
quen thuộc

a. Thành phố Hà Nội đang trở nên ............... hơn,................ hơn.

b. Cô Lee học tiếng Việt rất giỏi. Cô ấy muốn trở thành................

c. Tấm bản đồ nhỏ đó trở nên...............cho họ trong lúc này.

d. Ngôi nhà này đã trở nên............đối với gia đình chúng tôi.

e. Chúng tôi trở thành............... của nhau cách đây 10 năm.

f.  Tính tình của cô ấy trở nên................... hơn so với trước.

g. Việt Nam trở thành....................của ASEAN từ năm 1995.

h. Tháng 7, trời trở nên.............. hơn.

3. Dùng mẫu câu “Động từ + giúp/ hộ / giùm” và các từ dưới đây để điền vào chỗ trống cho thích hợp: 

trông nhà
giải thích
xách

chuyển
chỉ

báo
mua
xin phép

a. Em không hiểu câu này. Thày.................. em ạ!

b. Tôi bận quá, chị đi chợ.................. một ít thức ăn nhé!

c. Anh tôi đi vắng. Tôi phải................... anh ấy.

d. Mình bị cảm không đi học được. Bạn................... mình nhé!

e. Anh làm ơn .................. tôi đường đến khu Bách Khoa.

f.  Nhờ cô................... bức thư này cho ông giám đốc.

g. Chị để tôi.............. vali cho!

h. Xin bác .................. cho anh Nam là cuộc họp chiều nay hoãn. 

4. Dùng mẫu câu “khi... thì” để ghép các vế trong cột A với các vế trong cột B cho thích hợp:

A         

- tôi đến

- chúng tôi đang xem phim

- tôi thức dậy

- ông ấy nói điều đó

- tôi hỏi bạn tôi

- chúng tôi đến nơi

- tên trộm chạy trốn

- anh ấy 18 tuổi

B

- cửa hàng đã đóng cửa

- bị công an bắt được

- anh ấy đang viết báo cáo

- anh ấy nói rằng anh ấy không biết

- mất điện

- anh ấy vào quân đội

- đã 8 giờ sáng

- mọi người ngạc nhiên

5. Hoàn thành đoạn đối thoại sau:

Chồng: - ......................... anh đi công tác, Bình ạ.

Vợ:       - Tuần sau à? Anh...........................?

Chồng: - Đi Vĩnh Phú. Anh.............................

Vợ:      - Một tháng cơ à? Lần này anh đi lâu quá nhỉ!...............có đi với anh  không?

Chồng: - Có, anh Tuấn cũng đi với anh. Khi anh đi vắng thì hai mẹ con em về ở với ông bà nội nhé! Còn nhà, nhờ hàng xóm trông hộ.

Vợ:       - ............... mai, khi đi làm về thì em sẽ mua.

6. Chọn câu trả lời thích hợp:

a. Tính tình anh ấy ngày càng trở nên..........................

A. thông minh

B. người thông minh

C. khó chịu

 D. người khó chịu

b. Ông ấy đã trở thành.......của trường Đại học Quốc gia cách đây 5 năm.

A. bộ trưởng

B. chủ nhiệm

C. trưởng ban

D. hiệu trưởng

c. Khi anh ấy đến nơi thì bữa tiệc đã............... Anh ấy đến muộn 15 phút.

A. xảy ra

B. xuất hiện

C. bắt đầu 

D. xong

d. Cháu.........................hộ bà cái cửa sổ. Tối quá!

A. đóng

B. mở 

C. tắt

D. bật

IV. Bài đọc:

Muốn làm vui lòng chồng

Khi cô Hoa đang quét dọn nhà cửa thì chồng cô đi làm về. Hoa đang mặc một bộ quần áo cũ và bẩn, đầu tóc chưa chải. Trông cô có vẻ lôi thôi và mệt mỏi. Chồng Hoa nhìn Hoa và nói: “Trời ơi, sau một ngày vất vả, em làm cho anh trở nên mệt mỏi hơn! Em ăn mặc lôi thôi quá!”.

Lúc đó, cô Lan, hàng xóm của Hoa cũng đang có mặt. Khi nghe thấy chồng Hoa nói như thế, cô chào vợ chồng Hoa và ba chân bốn cẳng chạy về nhà. Cô tắm gội, chải tóc, trang điểm thật cẩn thận, rồi mặc chiếc váy đẹp nhất, đợi chồng về.

Hơn nửa giờ sau, chồng Lan về nhà, anh ấy rất mệt. Anh chậm chạp bước vào nhà. Khi nhìn thấy vợ, anh dừng lại và giận dữ kêu lên: “Sao? Cô đã trở thành người ăn diện thế này từ bao giờ? Cô định đi đâu tối nay, hả?”.

Bảng từ

quét dọn
nhà cửa
đầu tóc
chải
lôi thôi

mệt mỏi
ba chân bốn cẳng
tắm gội
ăn diện

V. Bài tập:

1. Trả lời các câu hỏi về bài đọc:

a. Chồng Hoa về nhà khi cô ấy đang làm gì?

b. Quần áo và đầu tóc Hoa như thế nào?

c. Trông cô ấy thế nào?

d. Chồng Hoa cảm thấy thế nào? Vì sao?

e. Lan là ai?

f. Khi nghe chồng Hoa nói, cô ấy đi đâu?

g. Tại sao cô ấy làm như thế?

h. Chồng cô Lan có thái độ thế nào? Tại sao?

i. Bạn đồng ý với ai trong chuyện này: các ông chồng hay các bà vợ?

2. Trong các câu sau, câu nào đúng, câu nào sai? Chữa lại các câu sai cho đúng:

a. Cậu ấy luôn mơ ước trở nên nhà vô địch ở thế vận hội Olympic.

b. Bạn sẽ giúp làm bài tập mình nhé!

c. Sau khi quét dọn, căn phòng trở nên sạch sẽ.

d. Các bạn có muốn trở thành nổi tiếng không?

e. Khi bạn tôi buồn thì tôi cũng không vui.

f. Tôi hộ cô ấy nấu cơm

g. Anh tôi muốn trở thành kiến trúc sư giỏi.

3. Trong mỗi câu sau có một vài từ viết sai chính tả. Hãy tìm và chữa các lỗi đó.

a. Chị ấy rất tư tế, đã mua giúp tôi vé xêm phim.

b. Khi kinh tế đang khủng hoảng thì các công ty rất khó phát chiển.

c. Cô ấy đã trở thành ca xĩ khi cô ấy 18 tuổi.

d. Càng ngày, câu truyện càng trở nên hấp rẫn.

e. Xe đạp của cháu bị xịt lốp. Bác làm ơn xửa hộ cháu.

f. Vấn đề chở nên phức tạp.

g. Hôm này trời rất nhiều may.

4. Theo bạn, cuộc sống gia đình ở Việt Nam và cuộc sống gia đình ở nước bạn có gì giống nhau? có gì khác nhau? Hãy viết một bài về chủ đề này.

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang