23/01/2006 03:21:45 PM
Bài 16. Văn Miếu - trường đại học đầu tiên

I. Hội thoại:  

MARY:

- Từ khi sang Việt Nam, đây là lần đầu tiên tôi đến Văn Miếu đấy cô ạ.

HƯƠNG:

- Thế à? Vậy mà tôi tưởng chị đến đây nhiều lần rồi đấy.

MARY:

- Tôi đã định đi nhiều lần rồi, nhưng chẳng quen đường mấy, lại không có ai đi cùng nên chưa đi.

HƯƠNG:

- Thế thì tôi sẽ giới thiệu cho chị. Cổng lớn mà chúng ta vừa đi qua, có bốn cái cột to nên gọi là ''tứ trụ''. Ba chữ lớn phía trên kia là ''Văn Miếu môn'', nghĩa là ''Cửa Văn Miếu''.

MARY:

- Nơi này thật là cổ kính. Cô biết không, tôi cảm thấy thoải mái hơn ngoài phố rất nhiều đấy! Có lẽ khi nào mệt phải đến đây cho đỡ mệt. À, có phải những tấm đá trên lưng rùa kia là bia đá không?

HƯƠNG:

- Vâng. Ở đây có hẳn 82 tấm bia như vậy, bia ghi tên những ông tiến sĩ đã đỗ trong các kỳ thi trước đây.

MARY:

- Thế cái cửa có mái cao mà chúng ta vừa đi qua tên là gì?

HƯƠNG:

- Đó là gác Khuê văn, tượng trưng cho vẻ đẹp của văn học, vì sao Khuê là biểu tượng của văn học.

MARY:


- Hình như bất cứ thứ gì trong Văn Miếu này cũng có liên quan tới văn học.

HƯƠNG:

- Chị nói đúng đấy. Văn Miếu là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam mà.

MARY:

- Ồ, cái sân này rộng và đẹp quá. Có lẽ đây là khu vực chính phải không cô?

HƯƠNG:

- Vâng, khi vào khu này, chị sẽ được hẳn một người hướng dẫn chuyên nghiệp giới thiệu để chị rõ, chứ không phải người hướng dẫn nghiệp dư như tôi đâu.

MARY:

- Nhưng những gì mà cô biết đều rất thú vị. Lần sau nếu đi tham quan ở đâu, tôi rủ cô đi cùng cho vui nhé!

Bảng từ

Văn Miếu
cổng
cột
tứ trụ
môn
cổ kính
tấm đá
rùa

bia đá
mái
gác Khuê văn
tượng trưng
biểu tượng
sao Khuê
chuyên nghiệp
nghiệp dư

II. Chú thích ngữ pháp:

1. ... đấy

Đấy là ngữ khí từ, đứng ở cuối câu nói nhằm nhấn mạnh ý kiến của người nói để người nghe chú ý hơn.

Ví dụ:

- Anh đi xe máy cẩn thận đấy!

- Đây là Văn Miếu đấy!

- Tôi nói thật đấy!

2. Không / chẳng ... mấy

Kết cấu này biểu thị mức độ thấp của trạng thái, tính chất (nếu kết hợp với tính từ), và mức độ hay tần số thấp của hành động (nếu kết hợp với động từ).

Mẫu:

Chủ ngữ

+ không 
    chẳng

+ động từ 
    tính từ

+ mấy

Ví dụ:

- Anh ấy chẳng giỏi mấy.

- Nó chẳng thích đi chơi mấy.

* Chú ý: Kết cấu này thường dùng với các động từ chỉ cảm xúc, còn với các động từ bình thường thì có từ ''được'' đi kèm.

Ví dụ:

- Có nhiều bài tập nhưng nó chẳng làm được mấy.

- Hôm nay trời nóng quá, mọi người không ăn được mấy.

3. Hẳn

Khi đứng trước một danh từ, từ hẳn được dùng để nhấn mạnh tầm quan trọng của người, sự vật, hiện tượng... mà danh từ đó biểu thị.

So sánh:

Ví dụ 1:

- Tôi cho em tôi 1 triệu đồng.

- Tôi cho em tôi hẳn 1 triệu đồng.

(Nhấn mạnh: 1 triệu đồng là số tiền lớn)

Ví dụ 2:

- Hôm qua tôi gặp bà Phó Thủ tướng.

- Hôm qua tôi gặp hẳn bà Phó Thủ tướng.

(Nhấn mạnh: bà Phó Thủ tướng là người rất quan trọng)

4. Mà

Đây là đại từ quan hệ, dùng để nối danh từ chính với một mệnh đề phụ, nhằm giải thích rõ hơn về danh từ đó.

Ví dụ:

- Cô gái anh gặp hôm qua là em chị Lan.
(Anh gặp một cô gái. Cô ấy là em chị Lan)

- Ngôi nhà lớn chúng ta vừa đi qua là Bảo tàng Lịch sử.
(Chúng ta vừa đi qua một ngôi nhà lớn. Ngôi nhà ấy là Bảo tàng Lịch sử).

* Chú ý:

a. Nếu sau danh từ chính có các đại từ chỉ định như ''này, ấy, đó, nọ, kia'' thì không bao giờ có mệnh đề phụ bắt đầu bằng ''mà''.

Ví dụ: Không thể nói “Cô gái ấy anh gặp hôm qua là em chị Lan.”

b. ''Mà'' chỉ dùng để giải thích cho các danh từ làm bổ ngữ. Còn sau các danh từ làm chủ ngữ thì không dùng được ''mà''.

Ví dụ: Không thể nói “Văn Miếu ở Hà Nội được xây dựng từ năm 1070.”

Có thể nói : Văn Miếu ở Hà Nội được xây dựng từ năm 1070.

c. Sau các danh từ chỉ thời gian, có thể dùng ''mà''.

Ví dụ:

- Khi cô ấy vui, trông cô ấy rất xinh.

- Ngày anh ấy đến Hà Nội, trời mưa rất to.

III. Bài luyện:

1. Hoàn thành hội thoại sau:

- ..............................?

- Chưa, tôi chưa bao giờ đến Văn Miếu, Còn chị .....................?

- Vâng, tôi đã đến ba lần rồi.

- Chị đi hẳn ba lần à? ...........................?

- Tôi chẳng đi với ai cả, một mình thôi.

- ................................?

- Chẳng sợ mấy. Chị biết không, tôi muốn đi một mình cho quen. Hơi sợ một chút vì đường phức tạp, nhưng rất thích.

- ...........................?

- Tôi thấy Văn Miếu là nơi rất cổ kính, đẹp và trang nghiêm.

- ...............................?

- Vâng, tôi định ngày mai sẽ đi.

2. Thêm từ ''đấy'' vào các câu sau cho thích hợp :

a. Tôi có đĩa CD bài hát ấy, anh có muốn nghe không?

b. - Sao anh đen thế?

- Tôi mới đi biển 2 tuần.

c. Chị không biết cô ấy à? Cô ấy là cô giáo của tôi.

d. Tôi nói thật, tin tôi đi.

e. - Nem rán làm từ thịt lợn, đúng không?

- Đúng.

f. Mẹ thấy cái áo này đẹp không? Con mới mua.

g. Xe máy này là xe máy Trung Quốc, không phải xe Nhật đâu

3. Hoàn thành các câu sau:

Mẫu:

Trời lạnh lắm, con mặc thêm áo vào cho ..............

Trời lạnh lắm, con mặc thêm áo vào cho ấm.

a. Cháu ăn cho .............. đi, còn nhiều cơm lắm.

b. Đi xe máy cho .............. nhé?

c. Tôi không hiểu ngữ pháp này, tôi phải hỏi lại cô giáo cho ...........

d. Khi ăn phở, nên vắt thêm chanh cho ..............

e. Cái áo này rộng quá, tôi phải sửa lại cho ..............

f. Chị ơi, cho tôi một ít đường vào cà phê cho ..............

g. - Khát nước quá!

- Uống cốc nước lạnh này đi cho ..............

h. Mẹ dặn con : ''Khi sang Việt Nam, nhớ học cho .............. nhé!''

i. Cái quần của em bẩn quá, em phải giặt nhiều nước cho ..............

k. Ông vẫn còn yếu lắm, ông cố gắng ăn nhiều cho ..............

4. Dùng ''mà'' để biến đổi các câu sau:

Mẫu:

Hôm qua tôi đọc một quyển sách. Quyển sách ấy tên là ''Chiến tranh và hòa bình''.

Quyển sách mà tôi đọc hôm qua tên là ''Chiến tranh và hòa bình''.

a. Sáng nay tôi gặp một cô gái. Cô ấy là em bạn tôi.

b. Chúng ta sẽ nghe một bài giảng. Bài giảng ấy của giáo sư Phan.

c. Tôi sẽ đưa bạn đi thăm một hồ. Hồ đó ở phía tây Hà Nội.

d. Chúng ta vừa đi qua một phố đông người. Đó là phố Hàng Đào.

e. Chị vừa gặp ở cổng trường một anh sinh viên. Anh ấy là người Hàn Quốc.

f. Hôm qua cô giáo cho bài tập về nhà. Bài tập ấy rất khó.

g. Tôi mới mua một chiếc áo. Chiếc áo ấy màu đỏ.

h. Chúng tôi sắp đi đến một khách sạn. Khách sạn ấy đẹp nhất Hà Nội.

i. Anh Hoàng đang viết một bài báo. Bài báo ấy có chủ đề là: phố cổ Hà Nội trong tương lai.

k. Nhà tôi nuôi một con mèo. Nó màu đen nhưng đuôi màu trắng.

5. Thêm ''hẳn '' vào vị trí thích hợp trong các câu sau: 

a. Một đêm đi đánh bạc, ông ấy tiêu hết hai triệu đồng.

b. Anh ấy sống một mình nhưng thuê hai người phục vụ.

c. Nhà ông ấy không rộng nhưng ông ấy xây một bể bơi.

d. Khi về nước, anh Lâm mang về một công-ten-nơ sách.

e. Tôi không muốn gặp cô thư ký. Tôi muốn gặp ông giám đốc.

f. Chỉ trong một tháng anh ấy đi sáu tỉnh.

g. Vì sắp thi đại học nên mỗi ngày chúng tôi học tám tiếng.

h. Con trai bà Nga mới 15 tuổi, nhưng bà ấy đã mua cho nó một cái xe máy rất đắt tiền. 

6. Dùng ''chẳng ..... mấy'' đặt câu với các từ và cụm từ:

a. thích uống bia

e. đi chơi

b. ngon

f. ngủ

c. cay

g. hay

d. chăm học

h. lạnh


IV. Bài đọc:

Văn Miếu

Văn Miếu (còn gọi là Quốc Tử Giám) ở trung tâm Hà Nội luôn được coi là biểu tượng của văn hóa thủ đô. Theo các văn bản cổ hiện nay còn giữ được, Văn Miếu được xây dựng từ đời vua Lý Thái Tổ (1010) tại kinh thành Thăng Long của nước Đại Việt trước đây. Năm 1070, vua Lý Thánh Tôn lấy Văn Miếu làm nơi dạy học cho các thái tử. Năm 1076, vua Lý Nhân Tông chính thức thành lập Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Đến đời Trần, năm 1236, vua Trần Thái Tông đổi tên Quốc Tử Giám thành Quốc Tử Viện để dạy con em nhà vua và các quan văn. Năm 1243, Quốc Tử Viện lại được đổi thành Quốc Tử Giám. Từ 1257, nơi này mang tên Quốc Học Viện và sang đầu đời Lê đổi thành Thái Học Đường.

Từ khi thành lập, dù các triều đại kế tiếp nhau có đổi tên, nhưng nơi đây vẫn là trường đại học duy nhất của cả nước, nơi đào tạo những người có học vị cao. Đây cũng là nơi tổ chức các buổi bình thơ văn mà người tham dự là các nho sĩ nổi tiếng, đôi khi có cả nhà vua. 

Hiện nay, Văn Miếu là khu di tích lịch sử - văn hóa có qui mô khá rộng lớn của thủ đô. Trong các kiến trúc ở đây, đặc biệt nhất là Khuê Văn Các, được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX. Nhà Bái đường và Hậu cung còn giữ lại được nhiều bộ phận kiến trúc và các bức chạm gỗ rất độc đáo của thời Lê. Đặc biệt, ở đây có hẳn 82 tấm bia Tiến sĩ bằng đá được đặt trên lưng những con rùa nằm hai bên giếng Thiên Quang. Trên những tấm bia này có tên của các danh nhân Việt Nam, các nhà toán học, sử học, nhà văn, nhà chính trị v.v... 

Bạn biết không, nếu bạn đến nơi này, bạn sẽ cảm thấy một không khí trong lành, thanh tao và cổ kính. Giữa thành phố Hà Nội ồn ào náo nhiệt, sự yên tĩnh của Văn Miếu chắc sẽ làm bạn say mê đấy!

Bảng từ

kinh thành
thái tử
đời (vua)
quan văn
Quốc Tử Giám
Quốc Tử Viện
Quốc Học Viện
Thái Học Đường
triều đại
kế tiếp
học vị

bình thơ văn
nho sĩ
di tích
qui mô
chạm gỗ
độc đáo
giếng
danh nhân
trong lành
náo nhiệt
say mê

V. Bài tập:

1. Trả lời những câu hỏi về bài đọc:

a. Văn Miếu nằm ở đâu?

b. Văn Miếu được xây dựng năm nào?

c. Khi Văn Miếu được xây dựng, Hà Nội có tên là gì?

d. Văn Miếu được lấy làm nơi dạy học cho các thái tử vào thời gian nào?

e. Quốc Tử Giám chính thức được thành lập năm nào?

f. Từ khi thành lập, Văn Miếu được đổi tên mấy lần? Vào những năm nào?

g. Ngoài việc dạy học, người ta còn tổ chức những hoạt động gì ở đây.

h. Khuê Văn Các được xây dựng vào thời gian nào?

i. Văn Miếu có bao nhiêu tấm bia Tiến sĩ?

k. Không khí ở Văn Miếu thế nào?

2. Trong các câu sau, câu nào có từ ''cho'' với ý nghĩa mục đích? Hãy tìm và gạch chân các từ đó.

a. Mẹ cho tôi xe máy để tôi đi học cho tiện.

b. Ngày mai giáo sư cho chúng tôi nghỉ.

c. Anh ấy gửi thư cho tiện.

d. Các bạn phải phát âm cho đúng thanh điệu này.

e. Nếu đói, phải ăn cho no.

f. Cho tôi hai bát phở!

g. Nếu cho trẻ con đi chơi thì bố mẹ phải chú ý.

h. Rửa tay cho sạch rồi mới ăn cơm nhé! 

3. Tìm chỗ sai trong các câu sau rồi sửa lại

a. Người thanh niên mà là bạn của bạn tôi vừa đi Thái Lan về.

b. Nếu các anh không cho hiểu thì hãy nghe cô giáo đọc lại hiểu.

c. Anh phải nhớ kỹ, thông tin này cho rất quan trọng.

d. Cái bút bi mà ở trên quyển sách là của tôi.

e. Bài tập mà cô giáo cho khó chẳng mấy.

f. Sinh nhật con trai ông Hòa, ông ấy mua cho hẳn nó mười quyển truyện. 

4. Chọn câu trả lời đúng

a. Nếu chị cứ nói nhiều như vậy thì mọi người sẽ mệt ....................

A. à

C. chắc

B. đấy

D. nhé

b. Nóng quá, tôi phải uống một cốc nước lạnh ................. mát.

A. để

C. cho

B. làm

D. A & C đúng

c. Chữ ở tờ báo nhỏ quá, phải đeo kính để nhìn ................ không rõ.

A. cũng

C. để

B. cho

D. nên

d. Khi buồn, người ta thường uống .............. thật say.

A. cho

C. nhiều

B. đã

D. vì

e. Bài đọc ................... cô giáo cho hôm qua hay quá.

A. vì

C. nhưng

B. mà

D. và

5. Sắp xếp các câu sau thành một hội thoại đúng:

a. Ở đó người ta học về Nho giáo và các môn khoa học nhân văn.

b. Nora hiểu bài đọc chưa?

c. Còn bây giờ, người ta có đến đó để học không ạ?

d. Em hỏi đi!

e. Sau khi Quốc Tử Giám được thành lập và trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam thì người ta học gì ở đó ạ?

f. Em hiểu rồi, nhưng muốn hỏi thầy một chút.

g. Bây giờ thì không, Văn Miếu chỉ là di tích lịch sử - văn hóa thôi.

6. Điền các từ sau vào chỗ trống cho thích hợp:

thành lập

quyết định

sớm nhất

thuận lợi

không chỉ

 

gồm

 


Mấy năm trước, nhà nước Việt Nam đã (1) ................... thành lập hai đại học quốc gia tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, và tập trung đầu tư cho hai trường đại học này. Đại học Quốc gia Hà Nội được (2) .............. trên cơ sở sắp xếp lại một số trường đại học và viện nghiên cứu khoa học ở khu vực Hà Nội, (3) ................... ba trường: Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Sư phạm và Đại học Sư phạm Ngoại ngữ. Đây là những trường đại học ra đời (4) .............. Việt Nam, có các nhà giáo, nhà khoa học giỏi. Việc thành lập Đại học Quốc gia (5) ........... là việc ghép các trường đại học lại với nhau mà thực chất là để tạo ra một tổ chức đại học mới nhằm đảm bảo đào tạo chất lượng cao. Hiện nay Đại học Quốc gia Hà Nội mạnh về các ngành khoa học cơ bản. Đó là điều kiện rất (6) .................... để phát triển các ngành khoa học công nghệ (7) ................ Việt Nam đang rất cần như Công nghệ Thông tin, Điện tử - Viễn thông, Năng lượng hạt nhân v.v...

7. Anh / chị hãy  viết một bài giới thiệu về một di tích lịch sử- văn hóa ở đất nước mà anh / chị đang sinh sống.

 

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang