02/01/2006 11:56:19 AM
Bài 13. Ở bệnh viện

I. Hội thoại:

BÁC SĨ:  

- Đêm qua chị có ngủ được không? Chị thấy đỡ mệt hơn chưa?

BỆNH NHÂN: 

- Dạ, tôi đỡ mệt hơn và thấy khỏe ra rồi ạ. Có lẽ hôm nay tôi có thể đi lại được rồi.

BÁC SĨ:  

- Ồ chưa! Chờ một vài ngày nữa cho vết mổ ổn định, chị mới được đi lại.

BỆNH NHÂN: 

- Đến bao giờ tôi mới có thể đi lại? Đi ra ngoài chắc sẽ đỡ buồn hơn. À, tôi nghe nói ở phòng bên có một nhà sử học, tôi muốn gặp để hỏi ông ấy một số vấn đề.

BÁC SĨ:  

- Được, nhưng phải chờ một vài ngày nữa, khi nào chị có thể đi được thì tôi sẽ nói. Thôi tôi đi đây. Chào chị.

BỆNH NHÂN: 

- Chào bác sĩ ạ. 

*
*          *

KIM:

- Cậu đã đỡ mệt chưa?

SƠN: 

- Mình thấy khỏe lên rồi. Không còn mệt như mấy hôm trước nữa. Cậu đến đây một mình à?

KIM:

- Không, mình đi cùng với thày Thành. Thày đang hỏi bác sĩ về tình hình sức khỏe của cậu.

SƠN: 

- Thày và các bạn chu đáo quá! 

THÀY:

- Thế nào? Khỏe ra chứ?

SƠN: 

- Cảm ơn thày, em đỡ rồi ạ. 

THÀY:

- Trông anh gầy đi nhiều đấy.

SƠN: 

- Vâng, em cũng thấy gầy đi, nhưng đã đỡ mệt hơn rồi. Mấy hôm đầu em bị đau, không thể ngủ được, bác sĩ đành phải cho uống thuốc ngủ.

BÁC SĨ:

- Nói mãi anh ấy mới chịu uống đấy ạ! Thày giáo cứ yên tâm, vài ngày nữa anh ấy sẽ khỏe, nghỉ ngơi, ăn uống thoải mái, ít ngày nữa là đi học được.

THÀY:

- Ừ, trông cậu ấy cũng tỉnh táo đấy chứ? Tôi nghe các em sinh viên nói mà tưởng là sức khỏe của cậu ấy tồi lắm. Thôi, Sơn cố gắng ở đây thêm vài ngày nữa để điều trị cho khỏe nhé! Chúng tôi về đây!

SƠN: 

- Vâng, em cám ơn thày. Em chào thày ạ! 

Bảng từ

vết mổ
ổn định
chu đáo
đỡ

thuốc ngủ
chịu
tỉnh táo
điều trị

II. Chú thích ngữ pháp:

1. Đỡ + tính từ

Từ đỡ kết hợp với các tính từ hoặc động từ cảm xúc có tính chất tiêu cực (buồn, đau, mệt, ốm, thất vọng... ) để biểu thị sự giảm xuống của một cảm giác, một trạng thái... không tốt.

Ví dụ:

- Chị ấy đã đỡ đau.
 
- Anh ấy vẫn chưa đỡ buồn.

* Chú ý: so sánh “đỡ” và “hết”

Ví dụ: Chị Hoa bị sốt mấy ngày nay. Dưới đây là nhiệt độ cơ thể của chị ấy:

       Hôm kia                  Hôm qua                      Hôm nay

 

 

 

 

 

 

 

 

         39oC                       38oC                           37oC

Ta có thể nói:

- Hôm kia chị Hoa bị sốt cao.
 
- Hôm qua chị ấy đã đỡ sốt.
 
- Hôm nay chị ấy hết sốt.

2. Tính từ + ra / lên / đi / lại

Kết cấu này biểu thị sự biến đổi tăng lên hay giảm đi của một tính chất, một trạng thái... Ralên thường biểu thị sự biến đổi theo chiều hướng tốt, còn đilại biểu thị sự biến đổi theo chiều hướng xấu.

Ví dụ:

đẹp lên
sáng lên
khoẻ ra
nhanh lên    

xấu đi
tối đi
yếu đi
chậm lại

3. Đành... vậy

Kết cấu này biểu thị hành động được thực hiện một cách miễn cưỡng; nói cách khác “không muốn nhưng phải làm”.

Mẫu:

Chủ ngữ + đành / đành phải + động từ + (vậy)

Ví dụ:

- Anh ấy bị ho nhiều nên đành bỏ thuốc lá.
 
- Xe máy bị hỏng, tôi đành đi bộ vậy.

4. Mãi ... mới

Kết cấu này biểu thị một hành động nào đó diễn ra quá lâu. Kết cấu có ba loại:

a. Động từ + mãi: ý nghĩa “quá lâu”

* Trường hợp có một chủ ngữ và một động từ:
Mẫu:

Chủ ngữ + động từ + mãi + mới + xong / hết / khỏi

Ví dụ:

- Anh ấy ăn mãi mới xong.
(= Anh ấy ăn quá lâu)
 
- Nó bị ốm mãi mới khỏi.
(= Nó bị ốm quá lâu)

* Trường hợp có một chủ ngữ và hai động từ:

Mẫu:

Chủ ngữ + động từ1 + mãi + mới + động từ2

Ví dụ:

- Tối qua tôi xem vô tuyến mãi mới đi ngủ.
(= Tối qua tôi xem vô tuyến rất lâu, sau đó mới đi ngủ)
 
- Sau giờ học, bọn trẻ con đi đá bóng mãi mới về nhà.
(= Sau giờ học, bọn trẻ con đi đá bóng rất lâu, sau đó mới về nhà)

* Trường hợp có hai chủ ngữ và hai động từ:

Mẫu:

Chủ ngữ1 + động từ1 + mãi + Chủ ngữ2 + mới + động từ2 

Ví dụ:

- Tôi đợi mãi cô ấy mới đến.
(= Tôi đợi rất lâu, cô ấy mới đến)
 
- Mẹ gọi mãi con mới nghe thấy.
(= Mẹ gọi rất nhiều lần, con mới nghe thấy)

b. Mãi mới + động từ: ý nghĩa “quá muộn”

Trường hợp này chỉ có một chủ ngữ và một động từ

Mẫu: 

Chủ ngữ +  mãi mới + động từ

Hoặc: 

Mãi + chủ ngữ + động từ

Ví dụ:

- Anh ấy mãi mới đến.
(= Anh ấy đến rất muộn)
 
- Mãi chị ấy mới nói chuyện với chúng tôi.
(= Sau thời gian lâu chị ấy mới nói chuyện với chúng tôi)

c. Mãi + từ chỉ thời gian: ý nghĩa “sau một thời gian lâu” hoặc “quá lâu”

Mẫu:

Mãi + từ chỉ thời gian + chủ ngữ + mới + động từ

Ví dụ:

- Mãi tháng ba sang năm anh ấy mới đi Nhật.
 
- Mãi bây giờ tôi mới bỏ được thuốc lá.

III. Bài luyện:

1. Hoàn thành hội thoại sau:

A: .......................................?

B: Thưa bác sĩ, tôi đã đỡ mệt hơn rồi ạ.

A: Đêm qua anh có ngủ được không?

B: ........................, vì thế bây giờ tôi đã cảm thấy khỏe ra nhiều rồi ạ.

A: Thế thì ...................................

B: Thật à? Tôi có thể đi ra ngoài được rồi ạ? Thế thì tôi sẽ đỡ buồn hơn.

A: Nhưng anh chưa được hoạt động quá nhiều đâu!

B: ............................... Cảm ơn bác sĩ.

2. Chọn các tính từ ở A kết hợp với các từ ở B sao cho phù hợp, rồi đặt câu với các kết hợp đó:

A

B

sáng, trắng, nhanh, chậm, cao,ngắn, dài, nhỏ, hăng hái, chăm, đỏ

 ra, vào, lên, xuống, đi, lại

Đặt câu:

a.........................................................................................................

b.........................................................................................................

c.........................................................................................................

d.........................................................................................................

e.........................................................................................................

f.........................................................................................................

g........................................................................................................

h........................................................................................................

i.........................................................................................................

j.........................................................................................................

k........................................................................................................

3. Dùng kết cấu “đỡ + tính từ” để biến đổi các câu sau:

Mẫu:

- Hôm nay trời mát hơn hôm qua.

- Hôm nay trời đỡ nóng hơn thông qua.

a. Tuần này trời ấm hơn tuần trước.

b. Hôm kia tôi đau nhiều hơn hôm nay.

c. Dạo này chị ấy có vẻ béo ra, không còn ốm yếu như trước.

d. Khi đi dạo trong công viên, họ cảm thấy vui hơn một chút.

e. Ở đây yên tĩnh hơn ở khu phố cổ.

f. Từ khi mua xe máy, chúng tôi đi làm đúng giờ hơn.

4. Hoàn thành các câu sau:

a. Xe máy bị hỏng, anh ấy đành ...............................

b. Anh ấy không đến thì tôi đành phải ...............................

c Vì ốm nên cô ấy đành ...............................

d. Vì không có tiền nên anh ấy đành vừa học vừa ..........................

e. Vì không thể sống được với nhau nên họ đành ...............................

f. Hôm nay mẹ tôi đi vắng, không có ai nấu cơm nên tôi đành ...............................

g. Vì thi trượt vào công ty ấy nên tôi đành ...............................

h. Thày giáo không đến, chúng tôi đành ...............................

5. Thêm các từ sau vào chỗ trống sao cho thích hợp: “với, cùng, cùng với, về, đến, tới”

a. Nó chẳng quan tâm ....................... vấn đề này đâu!

b. Anh ấy hỏi tôi ......................... việc chuẩn bị Tết.

c. Chúng tôi thỏa thuận ................... họ về hợp đồng kinh tế.

d. Họ nói chuyện .............. nhau .............. lớp học.

e. Sáng mai tôi sẽ đi .................. anh đến thư viện.

f. Nói chuyện ................... anh ấy, ai cũng cảm thấy thú vị.

g. Họ thảo luận ................... chúng tôi ................... vấn đề mới nhất là tệ nạn xã hội. 

6. Dùng “mãi ... mới” ghép A với B thành những câu hợp lý:

A

B

1. Bây giờ

2. Tôi đợi

3. Tháng Bảy

4. Cô giáo đợi

5. Xe chạy

6. Tôi đọc quyển sách này

7. Cô giáo giảng

a. cô ấy đến

b. học sinh đến

c. tôi được nghỉ hè

d. tôi biết mặt chị ấy

e. nó hiểu

f. bình xăng hết                    

g. xong

7. Trả lời những câu hỏi sau:

Mẫu:

- Cô ấy nói, anh hiểu ngay phải không?

- Không, cô ấy nói mãi tôi mới hiểu. 

a. Anh đọc xong quyển sách ấy ngay phải không?

b. Anh ấy chờ, cô ấy đến ngay phải không?

c. Chị về, anh ấy đi ngay à?

d. Thày hỏi, nó trả lời ngay chứ?

e. Cô giáo giảng, chị ấy hiểu ngay phải không?

f. Anh có dịch xong ngay bài này không?

g. Đi làm về anh có ăn cơm ngay không?

8. Sắp xếp các từ ngữ sau thành câu đúng:

a. mãi / viết / bài này / cô ấy / xong / mới

b. bị ốm / khỏi / bà ấy / mới / mãi

c. nhiều / cô ấy / vì / đi biển / hai tuần / nên /đi / đen.

d. căn phòng này / lại / được / quét vôi / ra / sáng / nên.

e. xe máy / tôi / vì / đành / hỏng / vậy / xe ôm / đi.

IV. Bài đọc:

Cách chữa trị bệnh trầm uất

Đây là một căn bệnh phổ biến trong thế giới hiện đại mà hàng triệu người trên thế giới mắc phải. Do sức ép của công việc, của cuộc sống căng thẳng, của những nỗi âu lo, phiền muộn hàng ngày, người ta cảm thấy sức khỏe của mình yếu đi, luôn mệt mỏi, buồn chán, dễ tức giận... thậm chí không muốn làm gì nữa. Để chữa trị bệnh này, các bác sĩ đưa ra một số lời khuyên như sau:

* Tập thể dục: Đây là một trong những phương pháp tốt nhất để chống lại sự buồn chán, lo lắng. Thể xác càng mệt, tinh thần càng nhẹ nhàng. Khi bạn cảm thấy buồn chán, lo lắng, hãy thử làm những động tác thể dục hơi mạnh một chút, như chạy bộ vài cây số, nhảy xuống bể bơi... Sau đó bạn sẽ thấy mệt. Hãy tắm rửa sạch sẽ và lên giường ngủ ngay. Khi thức dậy, bạn sẽ thấy mình trở lại khỏe mạnh.

* Làm một việc gì tích cực: chẳng hạn như đi thăm một người bạn, đi bộ vòng quanh hay đi ra phố chơi, đánh cờ, đọc sách..., nhưng nhớ đừng xem truyền hình.

* Tìm một việc gì mình thích làm: chẳng hạn như đọc truyện cười, chơi game computer, vẽ một bức tranh, hát karaoke... Nếu bạn cảm thấy chẳng thích làm gì cả, cứ tìm một việc gì đó hàng ngày bạn thích; làm một cách chăm chú, rồi cảm giác buồn chán sẽ hết.

* Chia sẻ cảm giác buồn chán bằng cách tâm sự với người nào đó: Có lẽ không cần nói nhiều về phương pháp này vì bạn đã nhiều lần thấy được kết quả của nó trong đời sống hàng ngày.

* Khóc cho vơi cơn buồn: bất kể bạn là phụ nữ hay đàn ông, hay khóc hoặc chưa bao giờ khóc, phương pháp này sẽ giúp bạn vơi đi nỗi buồn, và khi nín khóc, đôi khi bạn thấy buồn cười với bản thân mình.

Trên đây chỉ là một số phương pháp để giải quyết bệnh trầm uất. Còn rất nhiều phương pháp thú vị khác. Còn bạn, khi cảm thấy buồn chán thất vọng, bạn làm thế nào? 

Bảng từ

căn bệnh
phổ biến
sức ép
căng thẳng
âu lo
phiền muộn
thể xác
tinh thần

động tác
chạy bộ
vòng quanh
chia sẻ
tâm sự
với
nín khóc
trầm uất

V. Bài tập:

1. Dựa vào bài đọc, hãy cho biết những thông tin sau đúng hay sai:

a. Bệnh trầm uất ít gặp trong đời sống hàng ngày.

b. Nguyên nhân của bệnh này là do xã hội phát triển quá nhanh.

c. Khi bị trầm uất, bạn làm việc tốt hơn.

d. Khi bị trầm uất, phải tập thể dục thật nhiều, thật mạnh.

e. Xem ti vi là phương pháp tốt để hết buồn chán.

f. Những việc tích cực giúp bạn hết trầm uất.

g. Đừng tâm sự với ai, vì bạn sẽ thấy chán hơn.

h. Nếu không thích làm gì cả thì đừng làm gì.

i. Nếu bạn không biết khóc, bạn không bao giờ bị trầm cảm.

2. Trả lời những câu hỏi sau:

a. Theo anh / chị, trong thế giới ngày nay, người ta hay mắc phải những bệnh gì?

b. Bệnh trầm uất có nguy hiểm không?

c. Uống thuốc và nằm bệnh viện có thể chữa được bệnh trầm uất không? Tại sao?

d. Vì sao khi tập thể dục xong, người ta đỡ buồn chán?

e. Việc tích cực, theo anh / chị là những việc gì?

f. Khi không làm việc, anh / chị thích làm gì?

g. Khi có chuyện không vui, anh / chị hay tâm sự với ai? Tại sao?

h. Theo anh / chị, khi đàn ông khóc thì có phải là việc xấu hổ không? Tại sao?

3. Chọn từ thích hợp điền vào chỗ trống:

mới        
đi
về            

yếu đi 
khỏe ra
béo ra

đành
mãi
đây

a. - Tại sao bây giờ vẫn chưa làm bài tập?

    - Vâng, con làm ngay ..........................

b. Dạo này anh ấy ăn ngon miệng, vì vậy anh ấy ..........................

c. Sau khi bị bệnh, bà ấy ..........................

d. Thày giáo hỏi tôi .......................... kết quả học tập.

e. Sau hai tuần nghỉ ngơi, tôi thấy ..........................

f. Tôi muốn ......................... cùng anh ấy đến thư viện.

g. Đường xa quá, ..................... bây giờ tôi .................... tới nơi.

h. Bạn tôi không thích uống bia, tôi ........................ uống một mình.

4. Sắp xếp những câu sau thành một đoạn hội thoại hợp lý:

a. Anh nói dối em, em biết em sắp chết.

b. Em đừng nói linh tinh, em sẽ khỏe lên. Tất cả mọi người đều biết như vậy!

c. Em cố gắng đi, một thời gian nữa em sẽ khỏe ra mà.

d. Em thấy em yếu đi nhiều lắm. 

e. Em vẫn còn mệt lắm, uống thuốc mãi mà vẫn không đỡ đau.

f. Hôm nay em thấy trong người thế nào?

5. Tìm chỗ sai trong các câu sau rồi chữa lại:

a. Tôi đã mệt đỡ sau một ngày nghỉ ngơi.

b. Mẹ tôi gầy ra sau một trận ốm.

c. Vì tập thể thao nhiều nên chị ấy yếu ra.

d. Căn phòng này tối ra sau khi bóng đèn bị cháy.

e. Cô ấy tức giận người yêu của mình đến nỗi mặt cô ấy đỏ ra.

6. Chọn câu trả lời đúng:

a. Sau kỳ nghỉ ở biển, bạn tôi đen .............. nhiều

A. lại
B. đi
C. lên
D. ra
 
b. Sau khi tâm sự với các bạn, cô ấy đã .............. buồn.

A. còn
B. vẫn 
C. hơi
D. đỡ
 
c. Tôi muốn gặp anh ấy để hỏi .............. dự án mới.

A. về
B. cho
C. đến
D. (không cần)
 
d. Cả thế giới đang chú ý .................. vấn đề môi trường.

A. tới
B. đến
C. (không cần)
D. A & B đúng
 
e. ............... hôm nay, tôi mới có thể đến thăm anh.

A. mới
B. trước
C. mãi
D. A & B đúng
 
7. Nghe và điền từ vào chỗ trống: 

Tuần trước, tôi đi (1) ............... giáo sư của tôi ở bệnh viện Hữu Nghị. Bệnh viện khá xa nơi tôi ở nên đi (2) ............... mới tới nơi. Sau 6,7 cây số đạp xe giữa trời nóng nực, tôi (3) ............... khỏe ra khi bước vào phòng bệnh trong không khí mát mẻ, sạch sẽ (4) ............... bệnh viện. Tôi hỏi thăm giáo sư (5) ............. sức khỏe của ông. Ông vui vẻ kể (6) ........... bệnh viện với thái độ rất hài lòng. Tôi thấy ông (7).................. ra sau hai tuần nằm viện. Nếu gặp ông lúc đó, có lẽ mọi người sẽ nghĩ rằng ông đi an dưỡng (8) ............... không phải đi chữa bệnh. Bệnh viện Hữu Nghị chắc chắn (9) ............... một bệnh viện (10)..................................

8. Anh / chị hãy viết về các bệnh viện ở nước anh/chị.

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang