26/12/2005 10:58:55 AM
Bài 12. Viết thư

I. 

Tokyo, ngày... tháng... năm...

       Thầy kính mến,

       Từ ngày em rời Hà Nội về nước đến nay đã gần 2 tháng. Em định viết thư thăm thầy sớm hơn, nhưng ngay khi về đến Tokyo, em bị ốm và phải nằm viện vài tuần. Vì vậy, hôm nay em mới viết thư cho thầy, mong thầy tha lỗi cho em. Đầu thư, em kính chúc thầy và gia đình mạnh khoẻ, hạnh phúc.

       Thưa thầy, dạo này thầy có bận lắm không ạ? Em nghe nói ngày càng có thêm nhiều sinh viên và nghiên cứu sinh đến Hà Nội học tập và nghiên cứu. Như thế các thầy cô giáo sẽ càng vất vả hơn. Tuy về nước gần hai tháng rồi nhưng có những lúc em tưởng mình vẫn ở Hà Nội. Những bức ảnh, lá thư của các bạn Việt Nam luôn làm cho em nhớ Hà Nội, nhớ các thầy cô và các bạn. Một năm sống ở Hà Nội đã khiến em hiểu thêm nhiều điều về đất nước và con người Việt Nam. Càng ngày em càng cảm thấy gắn bó với Hà Nội. Em mong muốn sẽ được trở lại Hà Nội càng nhanh càng tốt.

        Từ tháng sau, em và các bạn bắt đầu thi tốt nghiệp. Trước mắt chúng em là một thời kỳ vô cùng bận rộn. Em sẽ cố gắng hết sức để đạt kết quả tốt. Dự định của em là sau khi tốt nghiệp sẽ quay lại Việt Nam để tiếp tục học tiếng Việt cho thật giỏi. Em muốn làm việc ở Việt Nam thầy ạ.

       Thư đã dài, em xin dừng bút ở đây. Em xin kính chúc thầy mạnh khoẻ, đạt nhiều thành công trong công việc. Thầy cho em gửi lời thăm sức khoẻ tới các thầy cô giáo khác.

Kính thư

Bảng từ

kính mến
rời
tha lỗi
đầu thư
kính chúc
tưởng
gắn bó
khiến

trở lại
thi tốt nghiệp
thời kỳ
bận rộn
dự định
dừng bút
gửi (lời thăm)
kính thư

II. Chú thích ngữ pháp:

1. Nghe nói

Nghe nói thường đứng đầu câu, có nghĩa là: “tôi nghe người khác nói ......”. Cách nói này được dùng để giảm nhẹ trách nhiệm của người nói đối với lời nói của mình.

Ví dụ:

- Nghe nói cô Hoa học giỏi lắm.
 
- Nghe nói ông ấy đã về nước rồi.

2. ... càng ngày càng... / ... ngày càng...

Các cụm từ này thường kết hợp với các tính từ hoặc động từ chỉ cảm xúc (yêu, ghét, thích, giận...) để biểu thị sự tăng tiến theo thời gian.

Mẫu:

Chủ ngữ + càng ngày càng + tính từ / động từ cảm xúc
Chủ ngữ + ngày càng + tính từ / động từ cảm xúc 
Càng ngày + chủ ngữ + càng + tính từ / động từ cảm xúc

Ví dụ:

- Trời càng ngày càng lạnh.
 
- Cô ấy ngày càng đẹp.
 
- Càng ngày bài tập càng khó.

3. Làm cho / khiến cho

Mẫu:

Chủ ngữ 

+ làm 
   làm cho
   khiến
   khiến cho

+  danh từ 

+  động từ
    tính từ

Ví dụ:

 - Cô ấy làm cho mọi người vui.
 
- Câu hỏi khiến nó lúng túng.
 
- Thời tiết xấu khiến chúng tôi thay đổi kế hoạch du lịch.

4. Càng... càng...

Kết cấu này dùng để diễn đạt hai nội dung có quan hệ tăng tiến ở 2 vế trong một câu đơn hoặc ở hai mệnh đề trong một câu ghép.

Ví dụ:

+ Câu đơn: - Xin ông làm việc này càng nhanh càng tốt.
 
+ Câu ghép: - Đêm càng khuya, trăng càng sáng.

5. Cách viết thư:

Thông thường có hai loại thư: thư có tính chất công việc và thư ở mỗi loại có cách mở đầu và kết thúc riêng.

a. Thư có tính chất công việc:

* Mở đầu thư:

- Nếu thư gửi đến cơ quan, cách mở đầu thư như sau:  

Kính gửi + (tên cơ quan nhận thư)

Ví dụ: Kính gửi Bưu điện thành phố Hà Nội

Hoặc:  

Kính gửi + (tên bộ phận đại diện cho cơ quan nhận thư)

Ví dụ:

- Kính gửi Ban giám hiệu trường Đại học Kiến trúc.
 
- Kính gửi Ban giám đốc Nhà máy bia Sài Gòn.

- Nếu thư gửi trực tiếp cho một cá nhân trong cơ quan:

Kính gửi / kính thưa + ông / bà + (chức vụ của cá nhân nhận thư)

Ví dụ:

- Kính gửi ông Giám đốc ngân hàng.
 
- Kính thưa bà Trưởng phòng tổ chức.

* Kết thúc thư:

Để kết thúc, người ta thường dùng từ “Kính thư” ở cuối thư, sau đó ký tên và viết rõ họ tên của mình.

Ví dụ:

Kính thư
                                                    Tâm
                                              Hoàng Văn Tâm

b. Thư riêng:

* Mở đầu thư:

- Đối với người trên, người lớn tuổi hơn, có quan hệ xã giao, cách mở đầu như sau:

  Kính thưa + ông / bà / bác...  + tên người nhận thư (hoặc) 
  ông / bà / bác ...  + tên người nhận thư + kính mến

Ví dụ:

- Kính thưa ông Lâm
 
- Bác Mai kính mến
 
- Thầy kính mến

- Nếu người trên có quan hệ hết sức thân thiết, gần gũi với người viết thư, có thể thay “kính mến” bằng “kính yêu”.

Ví dụ:       - Bố mẹ kính yêu.

- Đối với người ngang hàng hoặc người dưới, có thể dùng “thân”, “thân mến” hoặc “quí mến”. Khi dùng từ “quí mến”, người viết thư bộc lộ tình cảm thân mật hơn so với “thân” hoặc “thân mến”.

Ví dụ:

- Anh Minh thân
 
- Hoàng thân mến
 
- Lan quí mến

- Đối với những người trong gia đình (bố mẹ, anh chị em, vợ chồng) hoặc với người yêu, người ta thường dùng “thân yêu”.

Ví dụ:

- Bố mẹ yêu quí
 
- Anh thân yêu

* Kết thúc thư:

- Đối với người trên, có quan hệ xã giao, người ta thường dùng “kính thư”

Ví dụ:

Kính thư
                          Cháu Hiền

- Để thân mật hơn, có thể dùng cách nói sở hữu.

Ví dụ:      Cháu của bác, con của bố mẹ, học trò của thầy.

- Đối với người ngang hàng hoặc người dưới, có thể dùng “tạm biệt” hoặc “thân mến”.

- Đối với người trong gia đình, có thể dùng “thân yêu”.

 III. Bài luyện:

1.  Hãy dùng “nghe nói” cho các câu dưới đây:

Mẫu:

- Thủ tục xin gia hạn VISA hơi phức tạp ạ!

- Nghe nói, thủ tục xin gia hạn VISA hơi phức tạp.

a. Con gái ông Ba học rất giỏi.

b. Anh ấy mới ra Hà Nội công tác mấy ngày.

c. Họ yêu nhau từ lâu lâu rồi.

d. Mùa đông Hà Nội lạnh lắm.

e. Gia đình anh đang sửa nhà phải không?

f. Trước đây anh và anh Park học cùng một lớp ở trường đại học, đúng không ạ?

2. Thêm  “... càng ngày càng .../... ngày càng ...” vào các câu sau:

Mẫu:

- Trời nóng.

- Trời càng ngày càng nóng. 

a. Bài học khó.

b. Hai vợ chồng hiểu nhau hơn.

c. Anh ấy học tiếng Việt tiến bộ.

d. Bạn tôi ít nói.

e. Xe đạp của tôi cũ.

f. Giá vàng tăng.

g. Kinh tế châu Á tăng trưởng.

h. Tóc ông nội bạc.

i. Thành phố này có nhiều công trình xây dựng to và đẹp.

k. Chất lượng sản phẩm của nhà máy bánh kẹo tốt hơn.

3. Hoàn thành các câu sau, dùng “làm cho /khiến cho”:

Mẫu:

- Tôi đã ..........................

- Tôi đã làm cho cô ấy buồn.

a. Kết quả kỳ thi của con trai rất tốt ...........................

b. Chuyến đi du lịch Huế ...........................

c. Lạm phát tăng ...........................

d. Những lời phê bình của ông giám đốc .........................

e. Cơn mưa bất ngờ đã ...........................

f. Những lời chúc mừng tốt đẹp của bạn bè ...........................

g. Anh ấy nhận được thư của người yêu. Điều đó..........................

h. Tắc đường đã 3 tiếng đồng hồ ........................

i. Chiến thắng của đội bóng đá Pháp tại giải bóng đá thế giới France’ 98 .............................

k. Thời tiết thay đổi ...........................................

l.  Câu chuyện cô ấy vừa kể ...............................

m. Sinh viên học chăm chỉ ..........................

4. Hoàn thành các câu sau:

a. Sức khỏe của ông cụ ngày càng.........................

b. Kinh tế Việt Nam càng ngày càng........................

c. Càng ngày, anh ấy phát âm tiếng Việt càng...........................

d. Các học sinh này thường xuyên trốn học đi chơi nên họ học ngày càng............................

e. Khí hậu trên trái đất càng ngày càng......................................

f. Càng ngày, tính đanh đá của cô ấy càng làm cho chồng cô ấy..........................

g. Vì thức khuya nhiều quá anh ấy càng ngày càng..........................

h. Có lẽ ông Minh đã bị nghiện rượn, càng ngày ông ấy càng.............................

5. Thêm “càng....... càng”  vào các câu sau cho phù hợp:

Mẫu:

- Tôi nói, chị ấy tức giận.

-  Tôi càng nói, chị ấy càng tức giận.

a. Anh nên làm việc này nhanh thì tốt.

b. Tôi sống ở Việt Nam lâu, hiểu thêm về cuộc sống của người Việt Nam.

c. Chúng tôi nghiên cứu sâu về đề tài này, cảm thấy nó rất thú vị.

d. Mưa to, nhà bị dột.

e. Hút thuốc lá nhiều thì bị ho.

f. Tiếp xúc nhiều với họ, chúng tôi quí mến họ hơn.

g. Trời tối, mọi người lo lắng vì họ vẫn chưa về.

h. Ti vi chiếu nhiều phim hay, trẻ con lười học.

i. Trời lạnh, mọi người ngại dậy sớm.

k. Trời nắng, cây héo.

6. Sắp xếp các từ thành câu đúng:

a. cô ca sĩ ấy / nổi tiếng / càng ngày / hơn / càng.

b. học / anh sinh viên này / càng / giỏi / càng ngày.

c. lo lắng /mọi người / những tin tức mới / khiến cho.

d. công việc / làm cho / kết quả / các nhà nghiên cứu / hài lòng.

e. càng / anh ấy / nói / càng / im lặng / cô ấy.

f. ông giám đốc / quyết định / của / đó / làm / nhân viên / các / ngạc nhiên.

g.  ý kiến / một / kỹ sư / nhiều người / trẻ / của / khiến / chú ý.

IV. Bài đọc:

Thư phàn nàn của bạn đọc gửi tới báo Tuổi Trẻ

Hà Tĩnh ngày .... tháng ..... năm .....

Kính gửi báo Tuổi trẻ,      

Sống ở một địa phương xa trung tâm nên dù rất yêu âm nhạc, chúng tôi vẫn luôn thiếu thông tin về đời sống âm nhạc hiện nay. Thỉnh thoảng mới có một vài buổi diễn của các nghệ sĩ từ Hà Nội hay Sài Gòn ghé qua đây, trong số đó có một vài ca sĩ được gọi là “ngôi sao”; những lúc đó chúng tôi rất vui mừng chờ đợi, nhưng...

Cuối tháng 12/1999, chương trình ca nhạc Giấc mơ 2000 được các nhà tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh quảng cáo rầm rộ tại Hà Tĩnh qua áp phích, tờ bướm, trên khắp các ngả đường với tên tuổi của ca sĩ Phương Thanh, Hồng Nhung... Nghe nói có các “ngôi sao”  như thế nên ai cũng muốn xem. Chỉ đến khi bắt đầu chương trình biểu diễn mới biết Hồng Nhung, Phương Thanh chẳng thấy đâu, trong khi nội dung chương trình dàn dựng hết sức cẩu thả, hệ thống âm thanh, ánh sáng sơ sài, giống như văn nghệ cấp địa phương. Hàng ngàn khán giả ở đó như bị dội nước lạnh!

Cuối tháng 3/2000 lại có một buổi diễn đến từ thành phố Hồ Chí Minh. Các ngôi sao được giới thiệu lần này là Đan Trường, Đình Văn, Lý Hải, và một lần nữa hàng ngàn khán giả lại đến xem. Từ 20 giờ đến tận 23 giờ 30’, người xem đứng dưới mưa chờ đợi các ngôi sao, nhưng chỉ có các ca sĩ hạng hai hát. Cuối cùng các ca sĩ ngôi sao ấy cũng xuất hiện, nhưng họ chỉ làm cho người xem thêm tức giận!

Không biết sau này những người yêu nhạc tỉnh lẻ chúng tôi sẽ bị lừa bao nhiêu lần nữa? Thông qua báo Tuổi trẻ, chúng tôi yêu cầu các nhà tổ chức và các ca sĩ cần có trách nhiệm hơn, có thái độ phục vụ nghiêm túc, tôn trọng khán giả. 

Kính thư
Trần Long
(Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Tĩnh)

Bảng từ

phàn nàn
Báo Tuổi trẻ
địa phương
kính gửi
buổi diễn
ghé
rầm rộ
áp phích
tờ bướm
ngả đường

tên tuổi
dàn dựng
cẩu thả
sơ sài
dội nước lạnh
tỉnh lẻ
lừa
nhà tổ chức
nghiêm túc
thái độ

V. Bài tập:

1. Dựa vào bài đọc, hãy cho biết những thông tin sau đúng hay sai:

a. Bức thư này phàn nàn về báo Tuổi trẻ.

b. Người viết thư rất yêu âm nhạc.

c. Các chương trình biểu diễn thường từ thành phố Hồ Chí Minh ra.

d. Khán giả địa phương không chờ đợi các ngôi sao.

e. Các ca sĩ nổi tiếng thường xuyên đến Hà Tĩnh.

f. Chương trình biểu diễn tháng 3/2000 được dàn dựng không tốt.

g. Các khán giả của buổi biểu diễn đó bị ướt vì nước lạnh.

h. Buổi biểu diễn thứ hai, có ít người đến xem.

i. Người xem chờ đợi ngôi sao gần 4 tiếng.

k. Các ngôi sao làm cho người xem hài lòng.

2. Trả lời các câu hỏi về bài đọc: 

a. Tại sao người dân tỉnh lẻ ít có thông tin về đời sống âm nhạc?

b. Tại sao các chương trình ca nhạc ở địa phương thường được quảng cáo là có “ngôi sao” từ thành phố?

c. Các nhà tổ chức quảng cáo cho chương trình ca nhạc của họ bằng những cách nào? 

d. Anh / chị hiểu thế nào về câu “Hàng ngàn khán giả ở đó như bị dội nước lạnh“?

e. Ở buổi biểu diễn tháng 3/2000, tại sao các ngôi sao làm cho người xem tức giận?

f. Người viết thư yêu cầu điều gì?

3. Chọn câu trả lời đúng:

a. Cô ấy là một nhà văn. Cô ấy càng ngày càng ......................

A. tốt

B. nổi tiếng

C. khỏe mạnh                            

D. xinh đẹp

b. Bệnh tình của ông ấy ngày càng .......................

A. khỏe

B. lo lắng

C. nặng

D. xuống

c......................... già, bà cụ càng khó tính.

A. càng ngày

B. càng ngày càng

C. ngày càng

D. càng

d. Những sản phẩm có chất lượng cao của nhà máy đó khiến cho khách hàng...............

A. hài lòng

B. đồng ý

C. vừa lòng

D. A & C đúng

e. Tiếng ồn ào xung quanh làm cho tôi..........................

A. đau bụng

B. đau đầu

C. lười

D. hạnh phúc

4. Sắp xếp những câu sau thành một hội thoại đúng:

A. Ừ, đúng đấy, trời càng ngày càng nóng?

B. Chị ấy khỏe, có vẻ béo hơn. Chị Liên gửi thư cho em đấy!

C. Bây giờ đã là tháng 6 rồi! Hè này, chị có định đi nghỉ mát ở đâu không?

D. Chà, thời tiết khó chịu quá?

E. Chị vừa mới đi Sầm Sơn về rồi! À, chị có gặp chị Liên ở đó.

F. Thế hả chị? Chị ấy viết thư cho em, nói là đầu tháng 6 sẽ ra Hà Nội, thế mà chưa thấy chị ấy đâu.

G. Chị Liên có khỏe không chị?

5. Tìm từ thích hợp và điền vào chỗ trống:

Hà Nội ngày ..... tháng ..... năm .......

Thu thân yêu,

Anh ................... nhận được thư của em sáng nay. Anh rất............... nên viết thư cho em ngay. Trong thư, em ............... rằng em hơi mệt. Chắc là em làm việc .................... quá. Trời ................... càng lạnh, em phải chú ý .................... sức khỏe, đừng làm việc nhiều quá, nhớ ................... áo ấm, em nhé !

Dạo này anh bận lắm. Hôm nào anh ................... về nhà lúc 9 giờ tối. Càng về cuối năm, ................... nhiều công việc. Anh vừa đi làm ............ học thêm tiếng Pháp vào buổi tối.

Có thể tháng sau, anh sẽ vào Huế .................. họp. Anh chưa biết ngày nào, nhưng ................... anh cũng vào. Nếu công việc ở Huế kết thúc sớm anh sẽ vào Nha Trang 1 tuần.

Anh mong em khoẻ. .................. cho anh nhé ! Anh gửi lời ................... chị Hạnh và các bạn của em. Nhớ em nhiều!  

Anh của em
Trọng

6. Anh / chị hãy viết một thư xin việc đến công ty mà anh / chị  muốn vào làm việc ở đó.

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang