12/12/2005 10:18:33 AM
Bài 10. Đi tham quan

I. Hội thoại: 

NOH:

- Ngày mai lớp ta sẽ đi tham quan. Chúng ta sẽ đi theo đoàn của Trung tâm do giáo sư Hiệp dẫn đầu.

BEN:

- Thế à? Đi đâu đấy?

NOH:

- Cậu như trên cung trăng ấy. Chúng ta sẽ đi Bãi Cháy và Hạ Long. Kế hoạch này đã được bàn từ hàng tuần nay rồi. Mải làm gì mà chẳng để ý gì hết cả?

BEN:

- Thật mà! Tớ không biết gì cả!

NOH:

- Thế cậu có đi không?

BEN:

- Tớ chẳng đi đâu hết! Đùa thôi, thế nào tớ cũng đi chứ. À, hôm qua tớ có gặp giáo sư Hiệp, nhưng chẳng thấy giáo sư nói gì cả.

NOH:

- Có lẽ giáo sư mải làm việc nên quên đấy. Cậu chuẩn bị đi nhé. Sáng sớm mai, 6 giờ 30' tập trung ở đây.

*
*          *

BEN:

- Nước Hạ Long xanh quá Noh nhỉ?

NOH:

- Ừ, Hạ Long đẹp thật. Trước khi đến Việt Nam, mình có nghe nói về Hạ Long nhưng không thể tưởng tượng rằng nó đẹp thế này.

BEN:

- Mình cũng thấy như vậy. Nếu không đến đây thì có nghe bao nhiêu cũng không hiểu gì cả.

NOH:

- Đây đúng là vùng biển có một không hai ở Việt Nam, Ben nhỉ?

BEN:

- Ừ, tớ thích nhất là những hòn đảo nhỏ mọc lên giữa biển. Kia kìa, hòn đảo kia trông giống như hai con gà đang nhìn nhau.

NOH:

- Không, chúng nó đang chọi nhau chứ!

Bảng từ

tham quan
đoàn
dẫn dầu
cung trăng
tưởng tượng

có một không hai
hòn đảo
mọc (lên)
chọi (nhau)

II. Chú thích ngữ pháp:

1. Không + động từ + gì cả

Kết cấu này có ý nghĩa phủ định một cách tuyệt đối.

Ví dụ:

- Tối qua tôi không ăn gì cả.
(= Tối qua tôi hoàn toàn không ăn gì)

Tương tự, có các kết cấu sau:

Chủ ngữ + không + động từ + gì cả /hết / hết cả
                          đâu 
                       ai

Ví dụ:

- Cô giáo cho bài tập nhưng anh ấy không làm gì cả.
 
- Hôm nay tôi chẳng đi đâu hết.
 
- Tôi chẳng quen ai ở đây hết cả.

2. Hàng + tuần / tháng / năm + nay

Kết cấu này dùng để biểu thị một khoảng thời gian tương đối dài, từ nhiều ngày trước (hoặc nhiều tuần / nhiều tháng / nhiều năm trước) cho đến thời điểm hiện tại.

Ví dụ:

- Trời mưa hàng tuần nay
 (= Trời mưa từ nhiều ngày trước, đến bây giờ vẫn mưa)
 
- Anh Henry đi du lịch hàng tháng nay.
 
- Hàng năm nay anh Hoàng không về Việt Nam thăm gia đình

3. Có + động từ

Kết cấu này dùng để xác nhận, khẳng định chắc chắn một hành động đã xảy ra trong quá khứ.

Ví dụ:

- Hôm qua tôi gặp anh ấy ở hiệu sách.
 
- Trước khi đến Việt Nam, tôi nghe nói về Hạ Long.

4. Mải + động từ

Kết cấu này biểu thị rằng một người quá chăm chú làm một việc gì đó, đến mức quên những việc khác.

Ví dụ:

- Anh ấy mải nghĩ nên tôi hỏi mà anh ấy không nghe thấy gì.
 
- Trẻ con mải xem phim hoạt hình, quên ăn cơm.

5. Thế nào... cũng

Kết cấu này có ý nghĩa ''chắc chắn sẽ...''

Mẫu:

Thế nào + chủ ngữ + cũng + động từ / tính từ

Hoặc:

Chủ ngữ + thế nào + cũng + động từ / tính từ

Ví dụ:

- Thế nào trời cũng mưa. 
 (= chắc chắn trời sẽ mưa)
 
- Anh ấy thế nào cũng gọi điện cho chị.
(= chắc chắn anh ấy sẽ gọi điện cho chị)

III. Bài luyện:

1. Dùng kết cấu ''không... gì / ai / đâu cả'' để trả lời những câu hỏi sau:

Mẫu:

- Hôm qua anh làm gì?

- Tôi chẳng làm gì cả.

a. Sáng nay anh ăn gì?

b. Ngày mai chị ấy có đi đâu không?

c. Cậu có biết gì về kế hoạch thi học kỳ sắp tới không?

d. Bài tập cô giáo cho hôm qua, anh làm xong chưa?

e. Trong những cái áo này, chị thích cái nào?

f. Trong phòng có ai không?

g. Cậu có hiểu ông khách du lịch kia nói gì không?

h. Vào đêm 30 Tết, trên trời có gì?

i. Cậu vào siêu thị mua gì đấy?

k. Các bạn chuẩn bị đi chơi à?

2. Tiếp tục dùng kết cấu ''không... gì / ai / đâu cả'' để viết tiếp những câu sau:

a. Con gọi bố mãi nhưng vì bố mải đọc báo nên.........................

b. Mặc dù sinh viên không hiểu ngữ pháp mới nhưng thầy giáo......................

c. Trong hiệu kem có nhiều kem rất ngon nhưng.........................

d. Vì hôm nay có mưa bão nên.........................

e. Trong phòng tối đen như mực, tôi........................

f. Tôi không muốn đến dự liên hoan vì ở đó tôi.........................

3. Dùng kết cấu ''hàng + ngày / tuần / tháng / năm + nay'' để diễn đạt lại các câu sau:

Mẫu:

- Nhiều ngày rồi anh ấy nghỉ học.

- Anh ấy nghỉ học hàng tuần nay.

a. Mưa to suốt nhiều tuần.

b. Nhiều năm rồi tôi chưa gặp lại bạn cũ.

c. Anh Kim ở nhà trong nhiều tuần để ôn thi tiếng Anh.

d. Nhiều tháng rồi bà Mai không đi ra ngoài được vì bị đau chân.

e. Suốt mười mấy năm ông nội tôi ở trong Nam, không ra ngoài Bắc.

f. Nhiều năm rồi mức tăng trưởng kinh tế luôn là 5%.

g. Tỉ giá đồng Việt Nam từ nhiều tháng rồi là 1 đô la đổi được 14.000 đồng Việt Nam.

h. Nhiều tuần rồi, nhiệt độ trung bình luôn trong khoảng 35 ~ 37oC.

4. Thêm từ “có” vào các câu sau:

a. Tôi nhìn thấy chị ấy đi trên phố Tràng Tiền chiều qua.

b. Anh ấy đến gặp Chủ nhiệm khoa để xin học.

c. Chị ấy mời tôi nhưng tôi không đến dự được.

d. Mẹ tôi bị đau bụng nhưng bây giờ khỏi rồi.

e. Anh ấy chờ chị một lúc rồi mới đi.

f. Chắc chắn là anh ấy ở đây.

g. Tháng trước tôi viết thư cho chị, chị không nhận được à?

h. Hôm qua bạn tôi gọi điện cho tôi, nhưng tôi không nhớ lúc mấy giờ.

i. Thưa cô, em làm bài tập, nhưng em quên vở bài tập ở nhà.

k. Chúng tôi đến rạp chiếu phim, nhưng hết vé nên đi về.

5. Thêm từ ''mải'' vào các câu sau:

a. Anh ấy nhìn cô gái đẹp nên vượt đèn đỏ.

b. Tôi quên giờ đi học vì xem truyện.

c.  Mẹ tôi nói chuyện với bác ấy, không nhớ rằng phải đi dự một đám cưới.

d. Anh ấy làm việc đến nỗi quên giờ hẹn với người yêu.

e. Xem đường phố nên cô ấy đâm phải cụ già.

f.  Nó không làm bài tập vì xem Tivi.

g. Hai người cãi nhau, quên thức ăn đang nấu trên bếp.

h. Anh Bình xem bóng đá đến nỗi kẻ trộm vào nhà mà không biết.

6. Dùng kết cấu “thế nào........ cũng” để đặt câu với các từ và nhóm từ sau:

a. bão

b. thăm Việt Nam

c. bị mẹ mắng vì ăn vụng

d. xây nhà mới

e. đạt điểm cao trong kỳ thi sắp tới

f. khỏi bệnh

g. kinh tế phát triển vì lạm phát giảm

h. bị công an phạt vì đi vào đường một chiều

i.  để quên ô trên xe taxi

k. trúng xổ số độc đắc

7. Sắp xếp các từ sau thành câu:

a. hôm nay / rằng / anh ấy / nghe / có / nói / tôi / lấy vợ / sắp / anh ấy.

b. về điều đó / gì / cả / chẳng / tôi / biết.

c. nhưng / nghe / chuyện ấy / có / hiểu / tôi / không / hết / gì.

d. mải / bị / nói chuyện / với / 2 bà / nồi cơm / cháy / nên / nhau.

e. đi / hè này / biển / ở / chúng tôi / nghỉ mát / thế nào / cũng / Nha Trang.

f.  to / mà / trời / hàng / mưa / không / tuần / nắng / nay.

IV. Bài đọc:

Chùa Hương

Tuần trước, chúng tôi đi tham quan chùa Hương. Chuyến đi của chúng tôi do công ty du lịch Tre xanh tổ chức. Qua chuyến đi, chúng tôi biết thêm nhiều về Việt Nam và hiểu rằng “đi một ngày đàng học một sàng khôn”.

Chùa Hương thuộc tỉnh Hà Tây, cách Hà Nội khoảng 60km về phía Tây. Đây là một di tích nổi tiếng từ hàng trăm năm nay. Đến chùa Hương, nơi đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là bến Đục Khê. Từ bến Đục Khê, những con đò nhỏ đưa chúng ta đi dọc theo suối Yến để đến các đền chùa. Trên đường đi, bạn có thể nhìn thấy phong cảnh rất đẹp như núi Ngũ Nhạc, núi Voi Phục, núi Thuyền Rồng, núi Con Phượng... Nơi đẹp nhất của thắng cảnh là động Hương Tích. Động này nằm sâu trong núi. Vào thế kỷ XVIII, chúa Trịnh Sâm lên đây, xúc động trước cảnh đẹp, ông có viết lên cửa động dòng chữ ''Nam thiên đệ nhất động'' (Động đẹp nhất trời Nam). Trong động có nhiều nhũ đá, tạo nên những hình thù rất đẹp. Người ta đồn rằng nếu lên được động này và cầu xin điều gì, thế nào cũng thành công. Nhiều bà cụ già suốt đời không đi đâu cả, nhưng thế nào cũng phải một lần leo lên chùa Hương, mặc dù đường xa và khó đi, bởi vì chùa Hương là ''đất Phật''. Chùa Hương là một điểm du lịch không thể thiếu trong các tua du lịch ở Việt Nam.

Bảng từ

chuyến đi
thắng cảnh
tre xanh
động
đáng
xúc động
sàng
nhũ đá
khôn
hình thù

di tích
đồn
bến
cầu xin
đò
leo
suối
tua du lịch
phong cảnh

 V. Bài tập:

1. Trả lời các câu hỏi về bài đọc:

a. Chùa Hương ở đâu?

b. Di tích này nổi tiếng đã lâu chưa?

c. Từ bến Đục Khê, làm thế nào để đến các đền chùa?

d. Ở chùa Hương có những núi gì?

e. Tại sao ở động Hương Tích có dòng chữ “Nam thiên đệ nhất động”?

f. Điểm đặc biệt trong động Hương Tích là gì?

g. Người ta đồn gì về chùa Hương?

h. Tại sao nhiều cụ già muốn đi chùa Hương?

2. Chọn khả năng đúng:

a. Anh ấy nói tiếng Việt, nhưng nói nhanh quá nên tôi.................... gì cả

A. không biết

B. không nghe

C. không hiểu

D. không làm

b. Hôm qua, tôi................... gặp vợ anh ấy đi với một người đẹp trai lắm.

A. thường

B. (không cần)

C. có

D. B & C đúng

c. Không................... thức khuya đâu đấy, con còn yếu lắm.

A. thể

B. có thể

C. nên

D. được

d. Vì mải chơi quá.................. nó không nói chuyện với ai.

A. nếu

B. nhưng

C. thì

D. nên

3. Đặt câu với những từ sau (dùng các kết cấu ngữ pháp trong bài):

a. Tháng trước / gặp / thủ tướng

b. Cô giáo / kể / học sinh / không hiểu

c. Anh ấy / đọc sách / quên / đi làm

d. Chúng tôi / nghe được / chương trình phát thanh tiếng Việt

e. Ở Việt Nam ba năm / không đi du lịch

4. Các câu sau, câu nào đúng, câu nào sai? Chữa lại cho đúng:

a. Năm ngoái, tôi có đi công tác ở Đà Lạt, và tôi dự định đã ở đó 3 tuần nhưng cuối cùng chỉ ở 2 tuần.

b. Ngày nào tôi cũng đọc báo để giải trí nhưng hôm qua tôi chẳng muốn đọc cả hết.

c. Bạn tôi dự định sẽ sang Việt Nam để học tiếng Việt và anh ấy sang năm sẽ thực hiện kế hoạch.

d. Anh ấy nói anh ấy đã xem phim này cách đây 10 năm và bây giờ có nhớ gì cả.

e. Cô ấy nghe nhưng cô ấy đã hiểu hết gì cả.

f. Anh tôi có gặp vợ anh ấy đi trên đường nhưng không dám gọi.

g. Thế nào anh ấy sẽ cũng không tin chị.

5. Sắp xếp những câu sau thành một hội thoại đúng:

A. Tuyệt lắm, cám ơn cậu đã thông báo cho mình.

B. Thế thì hay quá, cho mình đi với nhé.

C. Sao cậu hỏi như vậy, cậu biết là mình rất thích đi mà?

D. Thế thì tuần sau đi Huế nhé? Lớp mình sẽ đi đấy!

E. Chính xác là ngày nào?

F. Có gì thay đổi mình sẽ gọi điện cho cậu. Chào nhé!

G. Thứ bảy hoặc chủ nhật.

H. Này, cậu có thích đi du lịch không?

6. Chọn từ thích hợp điền vào các câu sau:

mải

nay

gì hết         

thế nào      

hiểu

trông

cũng

a. Chị ấy..................... nói với tôi về kế hoạch tuần này.

b. Cô ấy về mà không gọi điện cho tôi.....................

c. Chị........................ nhà giúp tôi một lúc được không?

d. Tôi nghe mà chẳng..................... gì cả.

e. Thế nào ngày mai chúng ta..................... đi.

f........................ anh ấy cũng thi trượt.

g. Anh..................... nhìn gì mà đâm vào tôi thế?

h. Hàng tháng....................., tôi chẳng có thời gian viết thư cho mẹ.

7. Anh / chị hãy viết về một chuyến đi du lịch của anh / chị.

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang