10/10/2005 08:46:07 AM
Bài 1. Gọi điện thoại

I. Hội thoại: 

THU: 

Alô! Thu nghe đây ạ! 

MAI:  

Thu đấy à? Mai đây! 

THU: 

A, Mai, cậu vừa mới đi công tác về phải không? 

MAI: 
 

Ừ, tớ vừa đi Hải Phòng về tối hôm qua. Tớ gọi điện thoại cho cậu ngay, nhưng máy bận. 

THU: 

Nếu cậu gọi lại thì cũng không gặp tớ, vì tối qua tớ đi vắng. Tớ đi chơi với Liên. 

MAI:  

Thế à, thích nhỉ! Cậu có số điện thoại mới của Liên không, cho tớ? 

THU:
 

Có, cầm máy đợi tớ một chút nhé (...). Đây rồi. Alô, Mai ơi, số điện thoại của Liên này: 8268541. 

MAI:  

Máy hơi lạo xạo, tớ nghe không rõ, có phải là 8268541 không? 

THU: 

Ừ, đúng rồi. Mai ơi, chủ nhật tuần này có rỗi không? 

MAI:  

Chủ nhật à? Không, tớ có hẹn với mấy người bạn ở cơ quan rồi. Sao? 

THU:

 

Giá cậu không bận thì bọn mình đến nhà Liên chơi. Lâu lắm rồi cậu không gặp Liên. Vậy thì chủ nhật tuần sau được không? 

MAI:  

Chắc là được. Bây giờ muộn rồi, thôi nhé!

THU: 

Ừ, chào nhé! Tớ sẽ gọi lại sau!

Bảng từ

đi công tác
máy bận
cầm máy

lạo xạo
số điện thoại

II. Chú thích ngữ pháp:

1. ...đi... về

Kết cấu này dùng để chỉ hành động di chuyển từ điểm xuất phát đến đích, rồi quay trở lại điểm xuất phát.

Mẫu 1:

Chủ ngữ + đi + danh từ nơi chốn + về

Ví dụ:

- Tôi đi chợ về.

- Anh ấy đi Hải Phòng về.

Mẫu 2: 

Chủ ngữ + đi + động từ + về

Ví dụ:

- Họ vừa đi du lịch về.

- Mẹ tôi đã đi làm về.   

2. hơi + tính từ

Phó từ hơi dùng trước tính từ, thường là tính từ có ý nghĩa tiêu cực, có nghĩa là “một chút”

Ví dụ:

- Hôm nay trời hơi nóng.

- Món ăn này hơi cay.

3. Nếu... thì...

Mẫu:

Nếu + chủ ngữ1+ động từ1 thì + chủ ngữ2+ động từ2
                             tính từ1                               tính từ2

Kết cấu này dùng để chỉ mối quan hệ điều kiện - kết quả giữa vế A và vế B trong câu. A là điều kiện, B là kết quả. Nếu đứng đầu mệnh đề phụ còn thì đứng đầu mệnh đề chính.

Ví dụ:

- Nếu anh gặp khó khăn thì tôi sẽ giúp.

- Nếu mưa to thì chúng ta nên ở nhà.

* Chú ý:

a. Khi chủ ngữ 1 và chủ ngữ 2 trùng nhau, chúng ta có thể lược bỏ 1 trong 2 chủ ngữ.

Ví dụ:

 

 

- Nếu anh mệt thì anh nên nghỉ.

- Nếu mệt thì anh nên nghỉ.

- Nếu anh mệt thì nên nghỉ.

b. Có thể đảo vị trí giữa vế A và vế B, khi đó từ “thì” bị lược bỏ.

Mẫu: 

B + nếu + A

 Ví dụ:   - Cô giáo sẽ tức giận nếu học sinh đến muộn.

4. Giá... thì

Kết cấu này cũng dùng để chỉ quan hệ điều kiện - kết quả giữa vế A và vế B, nhưng khác kết cấu “nếu... thì” ở chỗ:

+ giá... thì biểu thị sự giả dụ mong muốn, ước mơ của người nói, nhưng mong muốn đó không thực hiện được.

Ví dụ:

- Giá tôi là tổng thống thì tôi sẽ có nhiều quyền lực.

- Giá tôi trúng xổ số thì tôi sẽ mua ngay ngôi nhà này.

+ giá... thì cũng có thể biểu thị sự nuối tiếc vì một sự việc nào đó người nói muốn xảy ra nhưng đã không xảy ra.

Ví dụ:

- Giá anh ấy nghe tôi thì mọi việc đã tốt hơn.

- Giá hôm qua trời không mưa thì chúng tôi đã đi du lịch.

5. Mấy

Từ này dùng để chỉ số lượng không xác định, có nghĩa là “vài, một vài”.

Ví dụ:

- Hôm qua tôi gặp mấy người bạn cũ.

- Có thể chị ấy sẽ vào Huế mấy ngày.

III. Bài luyện

1.  Dùng kết cấu “......... đi......... về” để biến đổi các câu sau:

Mẫu:

- Anh Minh đi Hải Phòng và đã về.

- Anh Minh đã đi Hải Phòng về.

a. Mẹ đi chợ và vừa mới về đến nhà.

b. Em Nam đi học và về nhà lúc 12 giờ.

c. Anh Nam đi chơi với cô Hoa và vừa mới về.

d. Họ đi xem phim và về nhà lúc 10 giờ.

e. Chúng tôi đi đá bóng và về từ lúc nẫy.

f. Bố tôi đi công tác Trung Quốc và trở về cách đây 2 ngày. 

2. Dùng “hơi”  và các tính từ để hoàn thành các câu sau:

Mẫu:

- Trời..............., con quàng khăn vào đi.

- Trời hơi lạnh, con quàng khăn vào đi.

a. Cam 12000 đồng một cân thì............ 10000 nhé.

b. Chị ấy................ nên nằm nghỉ một lúc.

c. Từ đây đến hồ Hoàn Kiếm, nếu đi bộ thì................ Chúng ta đi xe máy nhé!

d. Cô nói................. xin cô nói chậm hơn được không?

e. Phòng này................. Tôi muốn thuê một phòng khác lớn hơn.

f. Chị thấy em................ Em phải ăn nhiều và chăm tập thể dục nhé!

g. Bài này................... nên nó phải nghĩ cẩn thận. 

3. Chọn các vế thích hợp ở A và B để ghép thành câu đúng:

Mẫu:  Bb + Aa

Ví dụ:  - Nếu anh ấy không đồng ý thì tôi cũng không bao giờ đồng ý.

A. a. tôi cũng không bao giờ đồng ý

    b. cô ấy vừa mới bay vào Nha Trang sáng nay

    c. giá tôi được gặp bạn tôi lúc này

    d. “Em không muốn ngồi đây”

    e. nếu mất điện

    f . thì ông ấy sẽ không hài lòng

B. a. thì tôi sẽ rất hạnh phúc

    b. nếu anh ấy không đồng ý

    c. “thì chúng ta ra ngoài nhé”

    d. thì nóng lắm

    e. nhưng tôi không biết điều đó

    f. nếu anh không hoàn thành công việc 

4. Hoàn thành các câu sau:

a. Nếu chiếc xe máy đó đắt quá.................

b. Nếu anh muốn gặp ông giám đốc................

c. Nếu có dịp đến Sài Gòn..................

d. Nếu anh vi phạm luật lệ giao thông....................

e. Nếu cô giáo đợi sinh viên lâu quá...................

f.  Nếu bộ phim đó không hay...................

g. Nếu mệt...................

h. Nếu nhà tôi ở gần biển.................... 

5. Dùng “mấy” và các từ dưới đây để hoàn thành các câu sau:

nước
cuốn từ điển
thứ

người bạn
từ

cậu bé
xe đạp
ngày

          

Mẫu:

- Sắp tới, tôi sẽ đi Sapa.

- Sắp tới tôi sẽ đi Sapa mấy ngày.

a.  -  Anh đi đâu đấy?

     - À, tôi đến cửa hàng điện tử mua..................

b. Tôi có.................. đang học ở Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hóa.

c. Trên giá sách chỉ có................... và một lọ hoa giấy màu đỏ.

d. Ông ấy vừa mới đi công tác ở.................. ASEAN về.

e. Tôi đang tìm mua............... cũ. Chị có biết ở đâu bán không?

f.  Cô ấy nói..............cuối cùng nhanh quá, tôi không hiểu.

6. Hoàn thành các câu sau:

a. Giá tôi có giọng hát hay........................

b. Giá anh ấy nói thật......................

c. Giá tối nay không mưa..................

d. Giá tôi gặp chị sớm hơn....................

e. Giá tôi học chăm chỉ hơn...................

f.  Giá hôm qua tôi không xem TV khuya quá..................

g. Giá như bây giờ tôi không bận...................

h. Giá lúc này tôi đang ở Paris......................

IV. Bài đọc 

Truy lùng tội phạm

Cảnh sát ở một thành phố lớn đang truy lùng một tên ăn trộm. Cuối cùng họ bắt được hắn và chụp ảnh hắn từ phía trước, bên phải, bên trái, đội mũ và không đội mũ. Bỗng nhiên tên ăn trộm tấn công cảnh sát và chạy. “Nếu hắn chạy thoát thì... “ - cảnh sát lo lắng và cố gắng tìm bắt hắn nhưng không được.

Mấy ngày sau, tiếng chuông điện thoại reo lên trong đồn công an:

- Alô, các anh đang tìm tên Danh phải không?

- Vâng, anh biết hắn ở đâu à?

- Hắn vừa mới rời khỏi đây đi Đáp Cầu, cách đây nửa tiếng.

- Thế à? Vậy thì chúng tôi phải đi ngay. Cám ơn anh.

Đáp Cầu là một thị trấn nhỏ cách thành phố khoảng 32km. Cảnh sát thành phố ngay lập tức gửi cho cảnh sát thị trấn 4 tấm ảnh khác nhau của tên ăn trộm. 12 tiếng đồng hồ sau, họ nhận được điện thoại từ cảnh sát thị trấn: “Chúng tôi vừa tìm được 3 tên, và sắp tìm được tên thứ 4!”

Bảng từ

truy lùng
tội phạm   
chuông điện thoại

chạy thoát
tấn công
reo lên

V. Bài tập:

1. Trả lời các câu hỏi về bài đọc:

a. Cảnh sát thành phố đang truy lùng ai?

b. Sau khi bắt được, họ đã làm gì?

c. Việc gì bỗng nhiên xảy ra?

d. Cảnh sát có bắt được hắn một lần nữa không?

e. Cảnh sát thành phố đã gửi gì cho cảnh sát thị trấn?

f. Cảnh sát thị trấn đã làm gì? Vì sao? 

2. Chọn câu trả lời đúng:

a. - Lạnh quá!

     - Thế thì............ cửa sổ..............

 A. đóng.........lại  

     B. đóng............ ra      

 C. mở .........ra  

     D. mở..............lại

b. Nếu chú ý nghe thầy giáo................. thì sẽ hiểu bài

A. viết   

    B. giảng

C. kể

    D. hỏi

 

 

 

c. Nếu cần thì gọi điện................em nhé!

A. với

 B. đi

C. về    

 D. cho

d............... tôi làm bài thi cẩn thận hơn thì đã không bị trượt

A. khi   

B. trong

C. giá   

D. hoặc

3. Trong các câu sau đây, câu nào đúng, câu nào sai? Chữa lại câu sai cho đúng.

a. Ông Ba không ở nhà. Ông ấy vừa mới đi Lào từ năm ngoái.

b. Nếu gặp họ thì tôi sẽ nói với họ điều đó.

c. Nếu cô ấy ốm thì bố mẹ cô ấy hết lo.

d. Nếu anh bận, thì tôi sẽ không đến.

e. Anh tôi vừa cưới vợ tuần trước.

g. Giá thời tiết xấu thì chúng tôi không thể đi chơi xa được.

h. Bố tôi đi đến mới công ty

4. Hoàn thành đoạn hội thoại sau:

- Alô!

- Dạ, làm ơn cho tôi (1)..................... với anh Duy.

- Xuyên (2)................? Anh đây.

- Anh Duy, anh có (3)................... bây giờ là mấy giờ không?

- Ờ, 9 giờ 15. Sao, có chuyện (4)................ thế?

- Anh không nhớ thật à? Sáng nay anh vừa mới gọi điện (5) ............... em, anh nói là tối (6)................. sẽ đến sớm, mà bây giờ em sắp ngủ rồi.

- Ôi trời ơi! Anh (7) ............... mất! Anh sẽ (8) .................ngay! Ơ, đừng bỏ máy! Xuyên! Xuyên!

5. Hãy nghĩ ra 3 cuộc đối thoại qua điện thoại trong những tình huống sau:

a. Bạn bị ốm, gọi điện thoại cho giáo viên để xin nghỉ học.

b. Bạn gọi điện thoại đến nhà hàng 202 phố Huế để đặt trước bàn ăn.

c. Điện thoại của bạn bị hỏng. Bạn gọi điện đến số 119 để yêu cầu họ sửa chữa điện thoại. 

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang