21/03/2005 09:44:53 AM
Bài 12 - Các ngày lễ, ngày nghỉ trong năm

I. Các tình huống hội thoại 
 

1. Trước ngày nghỉ hè các bạn nói chuyện về kế hoạch học tập

Jack: Cậu có biết các trường học ở Việt Nam nghỉ hè mấy tháng không Harry?
Harry: Nghỉ hai tháng.
Jack: Nghỉ hai tháng à? Cậu có biết kế hoạch cụ thể không?
Harry: Nếu kế hoạch cũng giống như năm ngoái thì cuối tháng 6 sẽ thi hết năm, tháng 7 và tháng 8 nghỉ, đầu tháng 9 mới học lại.
Jack: Hè này có lẽ mình sẽ ở lại Việt Nam để đi du lịch Hạ Long.
Harry: Ừ, mùa hè ở Việt Nam đi Hạ Long tuyệt lắm. Hè năm ngoái mình cũng đi Hạ Long. Thế mà đã sắp hết một năm học nữa.

2. Nghỉ Tết, nghỉ đông

Harry: Sắp tới chúng mình có được nghỉ đông không?
Jack: Các trường học ở Việt Nam không nghỉ đông, chỉ nghỉ Tết âm lịch thôi.
Harry: Thế chúng mình được nghỉ bao lâu?
Jack: Hai tuần.

3. Mời dự lễ sinh nhật

Hà: Thứ bảy tới là ngày sinh nhật của mình, mời Helen đến dự nhé.
Helen: Ồ tuyệt quá. Hôm nay là thứ tư, chỉ còn 3 ngày nữa thôi. Hà tổ chức vào buổi nào?
Hà: Buổi tối, 19 giờ.
Helen: Có đông người dự không?
Hà: Không đông lắm. Mình chỉ mời các bạn thân thôi. Nhớ đến nhé.
Helen: Nhất định mình sẽ đến!


II. Ghi chú ngữ pháp 

1. Sắp: phó từ, đi kèm động từ để biểu thị ý nghĩa tương lai gần

 Ví dụ:

- Sắp hết một năm nữa.
- Trời sắp mưa.
- Anh ấy sắp về nước.

Chú ý:  Sắp có thể kết hợp với chưa tạo thành cặp "sắp...chưa" để hỏi về một hành động xảy ra trong tương lai gần.

Ví dụ:
- Sắp đi chưa?
- Anh ấy sắp về nước chưa?

2. À: ngữ khí từ, đặt ở cuối câu để tạo câu hỏi toàn bộ

Ví dụ:
- Em không nhớ à?
- Nghỉ hai tháng à?
- Ông ấy là bác sĩ à?

3. Câu ghép điều kiện - kết quả, cặp từ nối "nếu...thì..." biểu hiện quan hệ điều kiện - kết quả

Có thể đặt nếu trước mệnh đề điều kiện và thì trước mệnh đề kết quả. Khi đảo vị trí kết quả lên đầu thì chỉ cần giữ lại nếu.

Công thức:

Nếu + mệnh đề điều kiện + thì + mệnh đề kết quả
hoặc
Mệnh đề kết quả + nếu + mệnh đề điều kiện

Ví dụ:
- Nếu kế hoạch cũng giống như năm ngoái thì cuối tháng 6 sẽ thi hết năm.
- Nếu trời mưa thì chúng tôi không đi tham quan.

hoặc: Chúng tôi không đi tham quan nếu trời mưa

4. Chỉ...thôi: Kết cấu biểu thị số lượng ít ỏi, hoặc một hành động đơn nhất:

Ví dụ:

- Chỉ nghỉ Tết âm lịch thôi.
- Chỉ mời các bạn thân thôi.

 

 III. Bài đọc


Nhà khoa học và người lái đò

Có một nhà khoa học rất giỏi. Lĩnh vực khoa học nào ông cũng nổi tiếng: toán học, vật lý, sử học, ...

Một hôm đi trên một con đò qua sông, nhà khoa học hỏi người lái đò:
- Anh có biết toán học không?
- Dạ, tôi không biết toán học là gì.
- Ôi đáng tiếc, nếu thế thì anh đã mất 1/4 cuộc đời rồi.
- Thế anh có biết vật lý không?
- Dạ, cũng không biết.
- Ồ thế thì anh mất 1/2 cuộc đời. Vậy anh có biết sử học không?
- Dạ, tôi chưa bao giờ nghe nói đến sử học.
- Thế à? Thế thì anh đã mất tới 3/4 cuộc đời rồi còn gì.

Đúng lúc đó, bão nổi lên, mưa to gió lớn con thuyền sắp bị chìm. Người lái đò hỏi nhà khoa học:

- Thưa ông! Ông có biết bơi không ạ?
- Ôi! Tôi không biết bơi.

Người lái đò liền nói:

- Nếu thế thì ông sắp mất cả cuộc đời rồi.


Ghi chú: Cách đọc phân số: đọc tử số trước, mẫu số sau

Ví dụ: 1/4 = một phần tư, 1/2 = một nửa hoặc một phần hai, 3/4 = ba phần tư.

 

 


 

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang