25/05/2017 02:35:00 PM
WHO hỗ trợ đắc lực giúp Việt Nam phát triển các chính sách y tế

Việt Nam đánh giá cao vai trò của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong việc xây dựng và phát triển các chính sách, chiến lược y tế và hướng dẫn kỹ thuật ở cấp độ toàn cầu và khu vực.

 Tư vấn, khám sàng lọc và tiêm vắc xin viêm gan B phòng bệnh cho sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa. 

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong bài phát biểu ngày 23/5 trước các đại biểu tham dự Phiên họp lần thứ 70 Đại hội đồng Y tế Thế giới, diễn ra từ ngày 22 đến 31/5 tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ).

Ghi nhận sự ủng hộ của Đại hội đồng Y tế Thế giới với Việt Nam, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh mong muốn của Việt Nam tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật từ WHO và các đối tác phát triển khác trong những năm tới để xây dựng hệ thống y tế có chất lượng, hiệu quả, công bằng, trách nhiệm và bền vững.

Bộ trưởng Y tế khẳng định với sự hỗ trợ liên tục của cộng đồng quốc tế, Việt Nam có thể bảo đảm thực hiện thành công chương trình chăm sóc sức khỏe và phúc lợi cho toàn dân.

Chia sẻ về việc Việt Nam cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh mục tiêu xây dựng một hệ thống y tế phù hợp, bền vững, nhằm giải quyết những thách thức trong giai đoạn chuyển đổi.

Cụ thể, vấn đề cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam đang tập trung vào việc củng cố các cơ sở y tế, nhất là các trung tâm y tế cộng đồng, coi trọng việc chăm sóc sức khỏe người dân thông qua phát triển y tế phổ cập, bác sỹ gia đình, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe ban đầu, hỗ trợ hiệu quả các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính ở cấp cộng đồng. Đồng thời, Việt Nam cũng chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại các bệnh viện công, phấn đấu vì sự hài lòng của người bệnh.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe người dân cũng hướng tới phát triển bảo hiểm y tế toàn dân, hiện nay tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm Y tế đạt 82% dân số, trong đó chính phủ trợ cấp cho người nghèo, người khuyết tật và người dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế chú trọng cải tiến đào tạo các cán bộ y tế, đảm bảo chất lượng và số lượng nhân lực y tế; huy động tất cả các nguồn lực từ xã hội để đối phó với các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi. Việt Nam đi đầu trong khu vực về thực hiện chương trình an ninh y tế toàn cầu nhằm chuẩn bị tốt việc kiểm soát các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự Phát triển Bền vững, trong đó nhiệm vụ của từng bộ, ngành và của mỗi giai đoạn được phân chia cụ thể, đảm bảo sự tham gia hiệu quả của chính phủ và xã hội cũng như việc phấn đấu đạt mục tiêu chung.

Phiên họp lần thứ 70 Đại hội đồng WHO quy tụ khoảng 3.500 đại biểu trong đó có nhiều Bộ trưởng Y tế, đại diện các thể chế, tổ chức đến từ 194 quốc gia thành viên WHO. Các đại biểu tập trung xây dựng các đường lối chính sách của tổ chức, xem xét chính sách tài chính, phê duyệt chương trình ngân sách 2018-2019 của WHO.

Chương trình nghị sự của phiên họp cũng bao gồm các cuộc thảo luận một loạt vấn đề y tế, các quyết định liên quan đến việc ứng phó của WHO trước các tình huống y tế khẩn cấp, Điều lệ Y tế quốc tế, và vấn đề chuẩn bị cho tình huống đại dịch cúm.

Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận các vấn đề liên quan đến bệnh bại liệt, các bệnh không truyền nhiễm, nhất là các bệnh sa sút trí tuệ và ung thư, kháng kháng sinh, tiếp cận với các loại thuốc và vắcxin, sức khỏe của những người tị nạn và người di cư, cải thiện điều khiển vector, y tế và quản lý vị thành niên hóa chất.

Đại hội đồng Y tế Thế giới cũng tập trung chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc về các bệnh không truyền nhiễm, sẽ diễn ra vào tháng 9/2018, các cách thức thúc đẩy Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, tập trung vào việc cải thiện hệ thống y tế.

Tại phiên họp lần này, Đại hội đồng WHO đã tiến hành bầu Tổng Giám đốc mới của WHO cho nhiệm kỳ 5 năm, 2017-2022. Cựu Bộ trưởng Y tế Ethiopia, tiến sỹ Tedros Adhanom Ghebreyesus, đã trúng cử vào vị trí Tổng Giám đốc mới WHO. Ông sẽ nhậm chức từ ngày 1/7 tới thay bà Margaret Chan, người lãnh đạo WHO trong 10 năm./.

(TTXVN/VIETNAM+)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hành trình 70 năm xây dựng và phát triển của Việt Nam qua ảnh
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập
Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp Đại biện lâm thời Cuba tại Việt Nam
Bộ Ngoại giao, Bộ Công an tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin
Trung Quốc phá giá đồng NDT: Doanh nghiệp Việt đối phó ra sao?
“Việt Nam không phải nước lớn nhưng luôn được nước khác quan tâm”
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Ông Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang