08/03/2019 10:21:00 AM
Việt Nam-Mauritius cam kết thúc đẩy quan hệ trên nhiều lĩnh vực

Quyền Tổng thống Matadeen mong muốn trong thời gian tới, hợp tác Mauritius-Việt Nam có những bước phát triển mới, thực chất hơn, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, viễn thông, du lịch.

 Đại sứ Việt Nam tại Mozambique kiêm nhiệm Mauritius Lê Huy Hoàng trình Quốc thư lên Quyền Tổng thống Cộng hòa Mauritius, Kheshoe Parsad Matadeen. (Ảnh: Lê Đình Lượng/TTXVN)

Ngày 6/3, tại Thủ đô Port Louis, Cộng hòa Mauritius, Đại sứ Việt Nam tại Mozambique kiêm nhiệm Mauritius Lê Huy Hoàng đã trình Quốc thư lên Quyền Tổng thống Cộng hòa Mauritius, Ngài Kheshoe Parsad Matadeen.

Lễ trình Quốc thư diễn ra trong không khí trang trọng tại Phủ Tổng thống.

Theo phóng viên TTXVN tại miền Nam châu Phi, tiếp Đại sứ Lê Huy Hoàng sau lễ trình Quốc thư, Quyền Tổng thống Matadeen đã gửi lời chúc tốt đẹp tới các vị lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, khẳng định Mauritius luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị với Việt Nam.

Đánh giá cao thành tích đổi mới kinh tế và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam, Ngài Matadeen mong muốn trong thời gian tới, hợp tác giữa 2 nước sẽ có những bước phát triển mới, thực chất hơn, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, viễn thông, du lịch, tư pháp và nông nghiệp.

Quyền Tổng thống Matadeen chúc Đại sứ có nhiệm kỳ thành công, tiếp tục làm cầu nối đóng góp tích cực cho việc củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa 2 nước.

Đại sứ Lê Huy Hoàng đã chuyển lời thăm hỏi và điện mừng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tới Tổng thống, Quyền Tổng thống và các vị lãnh đạo Mauritius nhân dịp Quốc khánh lần thứ 51 Cộng hòa Mauritius.

Khẳng định Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống với Mauritius, Đại sứ mong muốn sẽ nhận được sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả từ các bộ/ngành liên quan của sở tại, đóng góp đẩy mạnh hợp tác giữa 2 nước trên nhiều lĩnh vực.

Đại sứ mong 2 nước tiếp tục ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, Phong trào không liên kết và đề nghị Mauritius ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.

Nhân dịp này, Đại sứ Lê Huy Hoàng đã đến chào xã giao Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, đồng thời có các cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao, hội nhập khu vực và thương mại quốc tế, Bộ trưởng Công nghệ, truyền thông và đổi mới, Thứ trưởng Du lịch, Giám đốc Cơ quan phát triển kinh tế và đại diện giới doanh nghiệp của Mauritius.

Tiếp Đại sứ Lê Huy Hoàng, Thủ tướng Pravind Kumar Jugnauth bày tỏ ngưỡng mộ đối với công cuộc đổi mới của Việt Nam, nhất trí 2 nước cần đẩy mạnh quảng bá, có các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương về kinh tế, thương mại, du lịch, trong đó có việc xúc tiến để sớm ký các hiệp định và thỏa thuận như hiệp định tránh đánh thuế 2 lần, hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư.

Chủ tịch Quốc hội, bà Santi Bai Hanoomanjee đánh giá cao hoạt động của Quốc hội Việt Nam, mong muốn nghị sỹ 2 nước tiếp tục tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy quan hệ hợp tác nghị viện và quan hệ 2 nước nói chung.

Bộ trưởng Ngoại giao, hội nhập khu vực và thương mại quốc tế Seetanah Lutchmeenaraidoo nhắc lại ấn tượng tốt đẹp trong chuyến thăm Việt Nam khi dự Hội nghị Ấn Độ Dương tháng 8/2018, bày tỏ cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của Việt Nam và mong 2 nước tiếp tục phối hợp ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và khu vực, khẳng định Mauritius ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Bộ trưởng Công nghệ, truyền thông và đổi mới Sawmynaden Yogida bày tỏ mong muốn Việt Nam tăng cường đầu tư về công nghệ viễn thông ở sở tại như Việt Nam đang làm rất thành công tại một số nước châu Phi khác.

Thứ trưởng Du lịch, bà Devi Chand Anandi Rye Seewooruthun quan tâm tìm hiểu tình hình phát triển du lịch ở Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm và mong 2 nước đẩy mạnh hợp tác về lĩnh vực này.

Giám đốc Cơ quan phát triển kinh tế Mauritius, ông Francois Guibert cam kết sẽ tích cực làm cầu nối cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam thâm nhập thị trường Mauritius, mong muốn các doanh nghiệp 2 nước tiếp tục hợp tác liên kết, đầu tư, tận dụng thế mạnh của Việt Nam là nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh, thị trường lớn ở Đông Nam Á, trong khi Mauritius có nền kinh tế khá phát triển ở châu Phi, nhất là các ngành công nghệ cao, dịch vụ tài chính, và du lịch.

Trao đổi với các vị lãnh đạo chính quyền, quốc hội và đại diện giới doanh nghiệp sở tại, Đại sứ Lê Huy Hoàng thông tin về các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, mong muốn lãnh đạo các bộ/ngành, các cơ quan của Mauritius tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận, thâm nhập thị trường Việt Nam, xây dựng các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhất là về tài chính ngân hàng, đồng thời tạo điều kiện cho hàng hóa, lao động Việt Nam có điều kiện thâm nhập tốt hơn vào thị trường sở tại.

Cũng nhân dịp này, Đại sứ đã gặp gỡ, thăm hỏi đại diện cộng đồng người Việt ở sở tại. Đại sứ thông tin cho bà con về tình hình kinh tế-xã hội trong nước, phổ biến chủ trương, chính sách mới liên quan đến người Việt ở nước ngoài, động viên bà con đoàn kết, giúp đỡ nhau, luôn hướng về quê hương đất nước.

Nằm ở phía Nam Ấn Độ Dương, Mauritius được coi là trung tâm tài chính mới nổi của khu vực Nam Sahara châu Phi và có mức thu nhập bình quân theo đầu người đạt khoảng 11.000 USD/năm.

Những năm gần đây, quốc đảo này liên tục được xếp hạng là một trong những nước có môi trường kinh doanh thân thiện nhất châu Phi, với chỉ số tự do kinh tế năm 2018 đứng thứ 21 trong tổng số 180 nước được xếp hạng, cũng như với các thế mạnh về dịch vụ tài chính, du lịch, công nghiệp và nông nghiệp.

Việt Nam và Mauritius thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1994, tiềm năng hợp tác 2 bên rất lớn, dù trao đổi thương mại 2 nước năm 2017 mới đạt gần 95,7 triệu USD. Đến tháng 5/2018, Mauritius đứng thứ 3 (sau Xây-sen và Thổ Nhĩ Kỳ) trong số các nước Trung Đông-châu Phi đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với 49 dự án tổng trị giá 338 triệu USD, chủ yếu trong các lĩnh vực gia công hàng dệt may, đồ gỗ gia dụng, nuôi trồng chế biến thủy sản./.

Phi Hùng - Đình Lượng/ TTXVN/Vietnam+

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hành trình 70 năm xây dựng và phát triển của Việt Nam qua ảnh
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập
Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp Đại biện lâm thời Cuba tại Việt Nam
Bộ Ngoại giao, Bộ Công an tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin
Trung Quốc phá giá đồng NDT: Doanh nghiệp Việt đối phó ra sao?
“Việt Nam không phải nước lớn nhưng luôn được nước khác quan tâm”
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Ông Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang