03/04/2019 10:00:00 AM
Việt Nam coi Pháp là đối tác ưu tiên trong quan hệ hợp tác với châu Âu

Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérand Larcher nhận định chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có ý nghĩa quan trọng nằm trong chuỗi các chuyến thăm giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Chủ tịch Thượng viện CH Pháp Gerand Larcher. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Chiều 2/4 (theo giờ Việt Nam), trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, tại Paris, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérand Larcher.

Chủ tịch Thượng viện Gérand Larcher bày tỏ vui mừng đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam.

Theo Chủ tịch Thượng viện, đây không chỉ là chuyến thăm Pháp đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sau 11 năm mà còn là chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng nằm trong chuỗi các chuyến thăm giữa lãnh đạo cấp cao hai nước từ năm 2018 đến nay.

Chủ tịch Thượng viện Pháp nêu rõ, sự hiện diện của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam và đông đảo các nghị sỹ Pháp tại Trụ sở Thượng viện chính là minh chứng rõ nét cho mối quan hệ đang hết sức tốt đẹp giữa Quốc hội và Nghị viện hai nước.

Quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Pháp nằm trong khuôn khổ rộng lớn hơn, đó là quan hệ chính trị rất tốt đẹp giữa hai đất nước.

Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Thượng viện Pháp nhắc lại 2 cột mốc quan trọng trong quan hệ Pháp-Việt, đó là việc thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973 và thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2013.

Cùng với hợp tác về chính trị, ngoại giao, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước đang tiến triển rất tích cực và là một nội dung trọng tâm được thảo luận tại Hội nghị hợp tác giữa các địa phương được tổ chức tại thành phố Toulouse, Pháp cùng ngày 2/4.

Theo Chủ tịch Thượng viện Gérand Larcher, về mặt địa chính trị, Việt Nam đóng vai trò hết sức quan trọng, nhất là với tình hình thế giới có nhiều biến chuyển như hiện nay.

Nhắc lại sự kiện Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai vừa qua, Chủ tịch Thượng viện Pháp cho rằng theo đánh giá một cách tổng quát, Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc điều phối các hoạt động chính trị trong khu vực.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn Chủ tịch Thượng viện Gérand Larcher và các nghị sỹ Pháp đã dành thời gian cho cuộc tiếp; đồng thời nhất trí với Chủ tịch Thượng viện rằng, chuyến thăm Pháp lần này của Đoàn là sự tiếp nối các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước trong một năm qua, thể hiện một sự tin cậy chính trị và quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Chia sẻ với Chủ tịch Thượng viện về việc Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã có buổi ăn sáng làm việc với Nhóm Nghị sỹ hữu nghị và 15 doanh nghiệp lớn của Pháp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết nhân chuyến thăm của Đoàn tại thành phố Toulouse sẽ có nhiều hoạt động giữa doanh nghiệp hai nước.

Hiện nay có 200 doanh nghiệp Pháp hoạt động tại Việt Nam. Pháp là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam tại châu Âu. Việt Nam mong muốn Pháp đứng ở vị trí cao hơn nữa trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Chủ tịch Thượng viện CH Pháp Gerand Larcher. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN) 

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, quan hệ hợp tác Việt Nam-Pháp đã có bề dày rất lâu đời với 45 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2018) và nếu tính các kênh giao lưu nhân dân thì mối quan hệ giữa hai nước đã có hàng trăm năm.

Với việc Việt Nam có quan hệ thương mại với hơn 200 nước và có những đối tác rất lớn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ Việt Nam rất coi trọng quan hệ hợp tác với châu Âu, trong đó Pháp là một đối tác ưu tiên.

Qua các cuộc trao đổi, làm việc với các doanh nghiệp Pháp trong chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, các doanh nghiệp Pháp rất yên tâm khi đầu tư vào Việt Nam; đồng thời đã tìm hiểu, nghiên cứu rất kỹ môi trường đầu tư và tiềm năng hợp tác.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng có những doanh nghiệp đã hoạt động hơn 20 năm ở Việt Nam và rất nhiều doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội đầu tư ở rất nhiều lĩnh vực.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đó là lý do mà hai bên cần tăng cường hợp tác chặt chẽ về chính trị-ngoại giao để mở đường cho quan hệ kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn với vị thế và vai trò của nước Pháp tại châu Âu, Pháp và Thượng viện Pháp sẽ ủng hộ việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), trong đó sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA)...

Chủ tịch Thượng viện Pháp trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội đã mời sang thăm chính thức Việt Nam; cho rằng đây là một cơ hội để Thượng viện Pháp và các nghị sỹ Pháp sang thăm, làm việc tại Việt Nam; củng cố hơn nữa quan hệ giữa Quốc hội và Nghị viện hai nước, từ đó góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước, nhất là về hợp tác kinh tế.

Liên quan đến EVFTA, Chủ tịch Thượng viện Pháp khẳng định sự ủng hộ của Thượng viện Pháp đối với Việt Nam; đồng thời cho rằng, với những Hiệp định của các quốc gia không thuộc EU như Việt Nam thì không thể kéo dài việc chậm trễ ký kết bởi việc hoàn tất và phê chuẩn EVFTA không những có lợi cho các nước trong khối EU mà còn cho cả các nước ngoài liên minh.

Chủ tịch Thượng viện Pháp khẳng định chủ trương, tinh thần chung của EU là đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ ngoại giao và thương mại.

Ông Gérand Larcher nhấn mạnh Pháp là nước tiên phong trong việc thực hiện chủ trương, tinh thần của EU và cam kết sẽ cố gắng có tiếng nói thúc đẩy hơn nữa vấn đề này.

Tại cuộc hội kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Thượng viện Pháp cũng đã trao đổi về hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, ngôn ngữ hai nước thời gian qua.

Từ năm 1995, Việt Nam đã có các lớp học song ngữ Việt-Pháp. Cho rằng, đây là cầu nối quan trọng củng cố quan hệ giữa hai nước, Chủ tịch Thượng viện Pháp nhấn mạnh sức sống của cộng đồng người Việt tại Pháp và cảm ơn sự hiện diện của cộng đồng người Việt tại Pháp.

Ông Gérand Larcher cho rằng: "Nếu chúng ta củng cố hơn nữa vấn đề giáo dục song ngữ thì đây sẽ là điều không kém phần quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng quan hệ của hai nước.”

Trao đổi về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh và đánh giá cao lập trường của Pháp trong việc duy trì tự do hàng hải và trật tự dựa trên luật pháp quốc tế; đề nghị Pháp có tiếng nói mạnh mẽ hơn về vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn đa phương và trong trao đổi song phương với các đối tác ở châu Á-Thái Bình Dương…

Nhất trí với những vấn đề mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề cập, Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérand Larcher nêu rõ hoạt động tự do đi lại trên biển có ý nghĩa hết sức quan trọng và Pháp cũng rất quan tâm đến vấn đề này.

Theo Chủ tịch Thượng viện Pháp, hòa bình là sự lựa chọn để giải quyết những bất đồng và mâu thuẫn và đây cũng là tinh thần mà các nước đang hướng đến./.

Hoàng Thị Hoa (TTXVN)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hành trình 70 năm xây dựng và phát triển của Việt Nam qua ảnh
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập
Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp Đại biện lâm thời Cuba tại Việt Nam
Bộ Ngoại giao, Bộ Công an tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin
Trung Quốc phá giá đồng NDT: Doanh nghiệp Việt đối phó ra sao?
“Việt Nam không phải nước lớn nhưng luôn được nước khác quan tâm”
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Ông Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang