12/02/2019 08:30:00 AM
Thường trực Chính phủ họp về tình hình Tết Nguyên đán 2019

Chiều 11/2, chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về tình hình Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và những nhiệm vụ trọng tâm triển khai sau Tết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công tới lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo báo cáo tổng hợp về tình hình Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trình bày, công tác tổ chức cho nhân dân vui Xuân, đón Tết Kỷ Hợi 2019 đã diễn ra trong không khí vui tươi, đầm ấm, phấn khởi, an toàn, tiết kiệm. Rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có tấm lòng nhân ái đã chung tay chia sẻ, giúp đỡ người nghèo, người bệnh, người gặp khó khăn vui Xuân, đón Tết.

Thị trường hàng hóa phong phú, dồi dào, chất lượng bảo đảm. Giá cả ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Công tác thông tin, tuyên truyền, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch diễn ra sôi nổi, tạo khí thế vui tươi, phấn khởi trong nhân dân.

Lượng khách du lịch quốc tế và trong nước tăng cao, đặc biệt Việt Nam lọt vào top 12 địa điểm đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 thú vị nhất hành tinh do Đài truyền hình Mỹ CNN bình chọn. Các cơ sở y tế thực hiện khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân 24/24; đã khám, cấp cứu cho 319.438 trường hợp. Trên cả nước không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm nào. Không xảy ra bệnh dịch nguy hiểm, không phát sinh ổ dịch. Không xảy ra sự cố, tai nạn lao động nghiêm trọng.

Từ ngày mùng 2 Tết, nông dân đã xuống đồng sản xuất; ngư dân đã tổ chức lễ cầu ngư khai thác hải sản.

Trong 9 ngày nghỉ, toàn quốc xảy ra 276 vụ tai nạn giao thông, làm chết 183 người, bị thương 241 người. Trung bình một ngày xảy ra 30,6 vụ, làm chết 20 người, bị thương 26 người; giảm 1,6% số vụ, 27,5% số người chết, 4,6% số người bị thương so với dịp Tết 2018. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm quy định an toàn giao thông diễn ra còn nhiều, còn xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.

Sau khi nghe báo cáo tổng hợp của Văn phòng Chính phủ và ý kiến của các bộ, ngành trong các lĩnh vực như công thương, y tế, giao thông, nông nghiệp, ngân hàng, văn hóa, du lịch, an ninh, quốc phòng, đối ngoại…, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các cấp các ngành đã làm nhiều việc để bảo đảm cho nhân dân đón một cái Tết được đánh giá là an toàn, tiết kiệm, vui tươi, đầm ấm, đủ đầy.

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trong dịp Tết, đặc biệt là các cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an ngày đêm canh giữ, bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân, các bác sĩ, cán bộ và nhân viên y tế ngày đêm trực cấp cứu, điều trị, chăm sóc người bệnh; cán bộ, công nhân, người lao động trực làm việc trong dịp Tết.

Tuy vậy, theo Thủ tướng, có lúc, có nơi, có mặt chưa làm tốt như còn xảy ra tình trạng đốt pháo nổ, tai nạn giao thông giảm nhưng còn ở mức cao…, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Về nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai sau Tết, Thủ tướng nêu rõ, năm 2019 được xác định là năm bứt phá trong thực hiện mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020 và kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ. Trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, nhiệm vụ đặt ra cho Chính phủ và hệ thống hành chính Nhà nước rất nặng nề. “Chúng ta không được chủ quan với các thành tích đạt được mà cần nỗ lực đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động hơn nữa ngay sau Tết, phấn đấu thực hiện kế hoạch năm 2019 đạt kết quả tốt hơn”.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần đổi mới phương thức, cách làm, nâng cao trách nhiệm, nhất là các ngành liên quan trực tiếp đến nhân dân như y tế, giáo dục, năng lượng, giao thông vận tải, công an… để góp phần nâng cao uy tín của Chính phủ, tránh bệnh quan liêu, xa dân, gây ách tắc cho sự phát triển của đất nước, đồng thời gây mất niềm tin trong nhân dân.

Thủ tướng lấy ví dụ về một việc mà Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đã báo cáo, là kiểm tra xử lý phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Nhấn mạnh tinh thần là nghiêm cấm phế liệu làm ảnh hưởng đến môi trường, Thủ tướng cho rằng, bên cạnh đó vẫn cần một số lượng phế liệu nhập khẩu như giấy… để phục vụ sản xuất nhưng cần thay đổi phương thức kiểm tra, tránh đánh đồng tất cả, đồng thời xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương này để nhập ồ ạt phế liệu ảnh hưởng đến môi trường. Tổ công tác của Thủ tướng và các cơ quan liên quan cần giải quyết vấn đề này để rút kinh nghiệm chung. “Tôi lấy một ví dụ như vậy để đổi mới cách làm việc”, Thủ tướng nói.

Yêu cầu quán triệt phương châm hành động “12 chữ” của Chính phủ trong năm 2019, Thủ tướng nhấn mạnh, cần thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Các cơ quan hành chính không tổ chức du xuân, liên hoan, chúc Tết làm ảnh hưởng đến thời giờ, hiệu quả làm việc. Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công tới lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ.

Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công.

Các cấp, các ngành cần tập trung theo dõi sát tình hình thực tiễn, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng kịch bản tăng trưởng theo quý cho từng ngành, từng lĩnh vực, trình Chính phủ tại phiên họp tháng 2/2019; cùng với VPCP đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai ngay kế hoạch năm 2019, bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch được giao.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát diễn biến thời tiết, xử lý dứt điểm các ổ dịch, dự báo cung cầu, phát triển thị trường mới, nhất là đối với một số sản phẩm có tiềm năng. Hưởng ứng Tết trồng cây mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động hôm 10/2, Thủ tướng mong các thành viên Chính phủ, các cơ quan cùng tham gia với các địa phương phát động Tết trồng cây nhân dịp Xuân này.

Về công nghiệp, thương mại, Bộ Công Thương cần chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đặc biệt những ngành công nghiệp chủ lực ngay sau kỳ nghỉ Tết. Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.

Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi, quản lý chặt chẽ giá cả thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát tình hình, có giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho tiếp cận tín dụng, điều hành lãi suất, tỉ giá phù hợp. Thủ tướng tiếp tục lưu ý việc xử lý tình trạng tín dụng đen ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Về lĩnh vực bảo đảm an toàn giao thông, cần tiếp tục kiểm tra, kiểm soát và có các giải pháp rõ nét hơn nữa, xử lý triệt để vấn đề.

Về quản lý lễ hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, văn minh; xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, không để xảy ra các hoạt động phản cảm tại các lễ hội, nhất là tình trạng tăng giá, chèo kéo, ép khách. Thủ tướng hoan nghênh việc Bộ VHTT&DL thành lập 17 đoàn công tác kiểm tra về vấn đề này.

Bộ Y tế cần tiếp tục làm tốt công tác khám chữa bệnh cho nhân dân, tăng cường phòng chống dịch bệnh, tổ chức thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm tại các điểm du lịch, lễ hội.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương nắm tình hình lao động sau Tết, nhất là các khu công nghiệp, không để tình trạng bỏ việc, thiếu lao động, làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo, nắm tình hình, ngăn chặn mọi âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm an toàn giao thông.

Bộ Ngoại giao tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch, hoạt động đối ngoại năm 2019 và đặc biệt, phối hợp tổ chức chu đáo cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên tại Hà Nội vào cuối tháng này.

Nhân dịp này, Thủ tướng kêu gọi các hiệp hội ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân tranh thủ thời cơ thuận lợi đầu năm với khí thế mới, tổ chức lao động, sản xuất đầu tư kinh doanh có hiệu quả và về phía các cơ quan hành chính Nhà nước, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tập trung cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Đức Tuân/ baodientuchinhphu.vn

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Thúc đẩy cụ thể hóa khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Nhật Bản
Thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và khu vực Bắc Âu
Luật Đất đai sửa đổi: Cơ hội 'hút' vốn từ kiều bào, sử dụng hiệu quả tài nguyên
Mô hình kết nghĩa xây chắc tình hữu nghị nhân dân Việt Nam-Trung Quốc
Việt Nam – New Zealand ký kết các văn kiện hợp tác quan trọng
Góp ý kiến vào dự thảo Đề cương báo cáo của Tiểu ban Điều lệ Đảng Đại hội XIV
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Ông Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang