25/05/2018 02:35:00 PM
Thủ tướng: Việt Nam-EU trước vận hội lớn để nâng tầm quan hệ

Ngày 25/5, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức Hội nghị “Gặp gỡ châu Âu 2018” nhằm tăng cường hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam với các cơ quan đối tác của châu Âu trên các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Triển vọng thúc đẩy thương mại Việt Nam-Liên minh châu Âu

Bàn về triển vọng Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), bà Miriam Garcia Ferrer, Trưởng Ban Quan hệ thương mại và kinh tế, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết Việt Nam đứng đầu tiên trong danh sách các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có quan hệ thương mại với Liên minh châu Âu. Điều này cho thấy mức độ quan trọng của Việt Nam và Liên minh châu Âu trong quan hệ thương mại hai chiều và trong tổng thể thương mại giữa Liên minh châu Âu và ASEAN. Đối với Liên minh châu Âu, Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất, do đó Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam-Liên minh châu Âu sẽ mang lại nhiều cơ hội cho phát triển thương mại tự do của Việt Nam, đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp châu Âu thâm nhập thị trường Việt Nam.

Theo bà Miriam Garcia Ferrer, Liên minh châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam với các mặt hàng: Linh kiện điện thoại, cà phê, hàng may mặc, thiết bị máy móc, sản phẩm chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp, một số mặt hàng tiêu dùng hàng ngày. Liên minh châu Âu hiện là nhà đầu tư lớn thứ 5 của Việt Nam. Các doanh nghiệp châu Âu đang có sự hiện diện rất quan trọng tại thị trường Việt Nam hiện nay. Liên minh châu Âu có thị trường lớn với hơn 500 triệu dân cho các nhà xuất khẩu Việt Nam hướng đến. Ngược lại, Việt Nam cũng là thị trường tiềm năng có hơn 90 triệu dân.

Bà Miriam Garcia Ferrer bày tỏ lạc quan vào triển vọng thúc đẩy thương mại giữa hai bên trong bối cảnh bảo hộ thương mại đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu đặt ra một khuôn khổ pháp lý nhằm khuyến khích các hoạt động đầu tư cũng như tự do hóa thương mại của Việt Nam cũng như châu Âu. Các công ty châu Âu đến Việt Nam sẽ được tạo điều kiện bình đẳng trong quá trình đầu tư, được tiếp cận thị trường tốt hơn. Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam-Liên minh châu Âu cũng giúp tăng cường chất lượng các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Liên minh châu Âu.

Bà Miriam Garcia Ferrer hy vọng, sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam-Liên minh châu Âu được ký kết, Việt Nam sẽ đảm bảo những điều kiện tốt nhất để trở thành một trung tâm sản xuất của khu vực, trên con đường hướng tới một nước công nghiệp hóa trong tương lai. Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam-Liên minh châu Âu sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương giữa Việt Nam và các quốc gia châu Âu.

Theo Đồng Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, ông Nicolas Audier, năm 2018 là năm của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu. “Gặp gỡ châu Âu” là sự kiện đặc biệt, cho thấy nỗ lực không mệt mỏi của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam trong việc tư vấn pháp lý đã được Chính phủ Việt Nam ghi nhận. Châu Âu là đối tác tin cậy, luôn đổi mới và bền vững.

Ông Denis Brunetti, Đồng Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho rằng, Liên minh châu Âu đã nhìn thấy những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện thể chế pháp luật, môi trường kinh doanh và định hình lại việc quản lý các doanh nghiệp Việt Nam truyền thống. Việt Nam đang trong quá trình chuyển mình và cần những đối tác có thể hỗ trợ quá trình phát triển này. Các doanh nghiệp châu Âu sẽ là những đối tác quan trọng ấy bởi kiến thức, kỹ năng và quá trình đầu tư mà họ mang lại cho thị trường Việt Nam.

Việt Nam-châu Âu tạo dựng kết nối ngày càng hiệu quả

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, quan hệ giữa Việt Nam và châu Âu đã trải qua chặng đường dài, hai bên cùng tự hào về nhiều kết quả hợp tác thành công, toàn diện cả về chính trị, kinh tế, thương mại và văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-kỹ thuật, hợp tác doanh nghiệp và giao lưu nhân dân... Các đối tác châu Âu đã trở thành những người bạn đồng hành thân thiết cùng Việt Nam trong 30 năm Đổi mới, phát triển và mở cửa hội nhập, là nhà đầu tư FDI lớn với tổng đầu tư gần 25 tỷ USD, nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất của Việt Nam, đặc biệt kim ngạch thương mại trong 10 năm qua (2006-2017) đã tăng gần 5 lần và đạt trên 50 tỷ USD năm 2017.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, ngày nay Việt Nam-châu Âu đang đứng trước những vận hội to lớn để có thể nâng tầm quan hệ, phát triển mạnh mẽ, sâu rộng hơn bao giờ hết. Nền kinh tế hai bên mang tính bổ sung cho nhau hơn là cạnh tranh. Việt Nam là quốc gia có chính trị xã hội, kinh tế vĩ mô ổn định, có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, liên tục trong nhiều năm. Quy mô nền kinh tế, thu nhập người dân ngày càng tăng, tầng lớp trung lưu hiện chiếm 13% dân số, sức mua của thị trường nội địa 93 triệu dân tăng nhanh.

Tinh thần doanh nghiệp, khởi nghiệp đang trở thành động lực cho phát triển quốc gia, nhất là trong lớp thanh niên trẻ. Việt Nam đang nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, liêm chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp; tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực quản trị, đem lại cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp, trong đó có các nhà đầu tư và doanh nghiệp châu Âu.

“Chúng tôi đang phấn đấu vươn lên nhóm đầu trong ASEAN và hướng tới các tiêu chuẩn cao về môi trường kinh doanh, đồng thời thực thi nghiêm túc các cam kết về bảo vệ sở hữu trí tuệ, khuyến khích các ý tưởng đổi mới sáng tạo, ưu tiên đầu tư công nghệ cao, thân thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế tư nhân, đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước…Tất cả các biện pháp cải cách đó đang lan tỏa đến 63 tỉnh, thành phố, địa phương nơi các nhà đầu tư, doanh nghiệp châu Âu đã, đang và sẽ có các dự án hợp tác, đầu tư kinh doanh,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam cùng với sự hợp tác hiệu quả của các đối tác quốc tế, trong đó có các đối tác châu Âu, đang tạo nên một dòng chuyển động tràn đầy sinh khí, tạo nên diện mạo mới, năng động mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, nâng tầm trình độ phát triển quốc gia trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để Việt Nam có thể tham gia sâu hơn, vươn lên những thang, bậc có giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

“Cơ hội và tiềm năng hợp tác không chỉ đến từ Việt Nam, mà còn đến từ sự sẵn sàng và quyết tâm của các bạn. Chính phủ Việt Nam luôn đánh giá cao hoạt động đầu tư, kinh doanh của cộng đồng với hơn 2.000 doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Nhu cầu phát triển của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực phù hợp với thế mạnh của các bạn về vốn, quản trị, công nghệ tiên tiến trong phát triển cơ sở hạ tầng, cảng biển, cảng hàng không, giao thông đô thị, năng lượng, điện, dầu khí, các ngành công nghệ chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, chế biến thực phẩm, phát triển nông nghiệp, du lịch, y tế…. Đồng thời, các tổ chức xã hội, các đối tác châu Âu hoàn toàn có thể thể hiện năng lực của mình trên những lĩnh vực liên quan đến bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu cũng như các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, phát triển thành phố thông minh, nông nghiệp thông minh, du lịch bền vững hay đào tạo nhân lực chất lượng cao,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương lắng nghe, tạo điều kiện, giải quyết các khúc mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp, đối tác châu Âu trong kinh doanh tại Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong các đối tác châu Âu có một chiến lược đầu tư, kinh doanh lâu dài ở Việt Nam, tạo dựng kết nối ngày càng hiệu quả với các đối tác Việt Nam.

Nhân dịp này, Bộ Ngoại giao và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu thúc đẩy hợp tác.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận nhiều chủ đề có ý nghĩa quan trọng, thiết thực như triển vọng hợp tác và thương mại tự do châu Âu-Việt Nam; năng lượng tái tạo và thành phố thông minh; nông nghiệp và thủy sản; cơ sở hạ tầng và logistics; công nghệ 4.0 và đào tạo nghề; dược phẩm và thiết bị y tế; du lịch, khách sạn và các lĩnh vực khác…/.

Hồng Điệp - Thu Phương/ TTXVN

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hành trình 70 năm xây dựng và phát triển của Việt Nam qua ảnh
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập
Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp Đại biện lâm thời Cuba tại Việt Nam
Bộ Ngoại giao, Bộ Công an tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin
Trung Quốc phá giá đồng NDT: Doanh nghiệp Việt đối phó ra sao?
“Việt Nam không phải nước lớn nhưng luôn được nước khác quan tâm”
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Ông Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang