07/01/2019 03:20:00 PM
Sự biến đổi của phong trào áo vàng tại Pháp

Cuộc biểu tình cuối tuần qua được coi là có sự “biến đổi về chất” vì yêu sách của phe “áo vàng” tại Pháp tập trung vào việc đòi Tổng thống từ chức.

Thứ Bảy ngày 5/1, phong trào “Áo vàng” đã bước vào đợt xuống đường lần thứ 8, với hơn 50.000 người biểu tình trên khắp nước Pháp và cảnh tượng bạo lực cũng đã tái diễn ở một số thành phố lớn như ở Paris hay Bordeaux.

Mặc dù số lượng người xuống đường không đông bằng những đợt biểu tình cao điểm hồi cuối tháng 11, đầu tháng 12/2018, song cuộc biểu tình cuối tuần qua được coi là có sự “biến đổi về chất” vì yêu sách của phe “áo vàng” tập trung vào việc đòi Tổng thống từ chức.

 Thứ Bảy ngày 5/1, phong trào “Áo vàng” đã bước vào đợt xuống đường lần thứ 8. Ảnh: Getty

Sự “biến đổi về chất”

Những người biểu tình “Áo vàng” giờ đây không còn biểu tình để chống các chính sách cụ thể như tăng giá nhiên liệu hay bất công trong cách tính thuế… mà đã đưa ra các yêu sách có tầm bao quát rộng hơn rất nhiều.

Từ hai tuần trở lại đây thì phe “Áo vàng” đã tập trung đấu tranh vào hai yêu cầu: một, là tiếp tục đòi Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron phải từ chức. Hai, quan trọng nhất, là yêu cầu chính quyền Pháp chấp nhận yêu sách được gọi là “Trưng cầu về sáng kiến công dân” (RIC). Thực sự, yêu sách này rất phức tạp bởi nó bao phủ một phạm vi rất rộng lớn về mặt luật pháp cũng như tổ chức xã hội nhưng có thể hiểu là người biểu tình “Áo vàng” muốn thông qua yêu sách về sáng kiến công dân này để lấy lại quyền lực về tay đám đông.

Cụ thể, theo sáng kiến này, nếu một vấn đề nào đó hội tụ đủ số người yêu cầu cần thiết, ví dụ là 700.000 người, thì vấn đề đó sẽ được đưa ra trưng cầu ý dân để người dân trực tiếp quyết định chứ không cần sự cho phép của Quốc hội hay chính phủ. Đây thực chất là một hình thức đòi hỏi dân chủ trực tiếp mà những người “Áo vàng” cho rằng nếu được đáp ứng thì người dân Pháp có thể trực tiếp thực thi 4 quyền sau: ra một bộ luật mới; yêu cầu 1 chính trị gia từ chức; yêu cầu huỷ bỏ một bộ luật; và yêu cầu sửa đổi Hiến pháp.

So với thời điểm cách đây 8 tuần thì giờ đây phong trào “Áo vàng” đã biến đổi nhiều, không còn dừng lại ở việc thể hiện sự giận dữ mà đã biến thành cuộc phản kháng đòi thay đổi xã hội Pháp. Đó chính là điều khiến cho tương lai của phong trào này còn diễn biễn rất phức tạp.

Chính phủ Pháp vào thế tự mâu thuẫn với nhau

Phong trào “Áo vàng” là cuộc khủng hoảng xã hội lớn nhất tại Pháp trong vài thập kỷ qua nên đã tác động sâu sắc đến mọi khía cạnh của đời sống chính trị-xã hội tại Pháp trong thời gian qua và đương nhiên là tạo ra rất nhiều chia rẽ trong nội bộ chính phủ Pháp cũng như đảng “Nền Cộng hoà tiến bước” của ông Macron hiện đang chiếm đa số tại Quốc hội Pháp.

Hiện tại, trong đội ngũ chính quyền của ông Macron đang chia ra làm 2 nhóm: một nhóm ủng hộ quan điểm cứng rắn của ông Macron, khi chỉ trích những người biểu tình “Áo vàng” là quá khích, bạo lực, phân biệt chủng tộc và mang tham vọng nổi loạn, lật đổ. Tiêu biểu trong nhóm này là Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner hay Phát ngôn viên Benjamin Griveaux.

Nhóm còn lại, tuy ít hơn, nhưng bày tỏ sự cảm thông và thấu hiểu các đòi hỏi của những người “Áo vàng” và cho rằng chính quyền của ông Macron cần phải lắng nghe và thay đổi. Nổi bật nhất trong nhóm này là Quốc vụ Khanh phụ trách lĩnh vực số hoá, ông Mounir Mahjoubi.

Hôm 3/1, ông Mahjoubi đã viết một bài báo trên tờ báo nổi tiếng nhất của Pháp là tờ “Thế giới” (Le Monde), kêu gọi đội ngũ chính quyền Pháp cởi mở tư duy để hợp tác với phong trào “Áo vàng” và coi đây là cơ hội để cải tổ nước Pháp. Ngoài ra, một Quốc vụ khanh khác là bà Brune Poirson của Bộ Mội trường cũng kêu gọi chính phủ Pháp phải “lắng nghe nhiều hơn” thay vì tự quyết định mọi việc.

Đây được coi là việc khá hiếm đối với nội bộ chính quyền Pháp bởi từ khi lên nắm làm Tổng thống thì ông Macron đã yêu cầu áp dụng kỷ luật phát ngôn rất chặt chẽ với các thành viên chính phủ cũng như các Nghị sĩ của đảng “Nền Cộng hoà tiến bước”. Điều này cho thấy là cách thức nắm quyền và điều hành có phần độc đoán của ông Macron đã tạo ra rạn nứt trong nội bộ đảng cầm quyền. Trước đó thì có một vài nghị sĩ đã từ bỏ đảng “Nền cộng hoà tiến bước” vì bất đồng quan điểm với chính phủ Pháp.

Sự mạnh tay của chính quyền Pháp sẽ dẫn tới những kịch bản nào?

Sau một số nhượng bộ hồi cuối năm ngoái, những ngày vừa qua, chính phủ Pháp dường như đang trở lại với các biện pháp cứng rắn để trấn áp biểu tình, trong đó có việc bắt giữ một thủ lĩnh của phong trào “Áo vàng”.

Tuy nhiên, bất chấp các biện pháp an ninh mạnh tay, phong trào “Áo vàng” vẫn được duy trì và có vẻ càng ngày càng được tổ chức chặt chẽ hơn. Việc phản kháng giờ không còn tập trung hết về thủ đô Paris mà đã chuyển sang các thành phố khác, nhất là Bordeaux. Điều này cho thấy, phong trào “Áo vàng” sẽ chưa sớm chấm dứt và nếu chính phủ Pháp xử lý không khéo, nó có thể bùng phát mạnh trở lại bất cứ lúc nào. Việc bắt giữ Eric Drouet, một trong các gương mặt lãnh đạo của phong trào “Áo vàng” càng khiến cho phe Áo vàng phẫn nộ hơn vì họ cho rằng, giới chức Pháp đã tạo ra các lí do không thoả đáng để bắt giữ người này. Và việc bắt giữ này còn tạo ra một gương mặt biểu tượng lớn hơn cho phe Áo vàng, giúp phe này tập hợp lực lượng và tổ chức tốt hơn.

Thực tế là nếu phong trào phản kháng này càng kéo dài thì chính phủ Pháp càng bất lợi bởi không chỉ thiệt hại về kinh tế, gia tăng bất ổn xã hội, bào mòn uy tín của Tổng thống Macron mà trước mắt vào tháng 5/2019 là cuộc bầu cử châu Âu nên nếu không sớm dẹp yên sự bất mãn của người biểu tình “Áo vàng” thì chắc chắn đảng của ông Macron, và cả các đảng cánh hữu, sẽ bị cử tri Pháp trừng phạt. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, tại cuộc bầu cử tháng 5/2019 tới, đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” của bà Marine Le Pen có thể giành nhiều phiếu nhất. Trong trường hợp những người “Áo vàng” đề cử được một danh sách tranh cử thì họ cũng sẽ chiến thắng.

Hiện tại nhiều người đang chờ đợi xem liệu đợt tranh luận và tham vấn chính sách mà chính phủ Pháp tổ chức trong 3 tháng tới trên toàn bộ lãnh thổ Pháp, với tất cả các thành phần xã hội và lực lượng chính trị có thể giúp chấm dứt được cuộc khủng hoảng này hay không./.

Quang Dũng/VOV

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hành trình 70 năm xây dựng và phát triển của Việt Nam qua ảnh
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập
Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp Đại biện lâm thời Cuba tại Việt Nam
Bộ Ngoại giao, Bộ Công an tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin
Trung Quốc phá giá đồng NDT: Doanh nghiệp Việt đối phó ra sao?
“Việt Nam không phải nước lớn nhưng luôn được nước khác quan tâm”
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Ông Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang