03/09/2019 04:17:00 PM
Ông Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ 3 triệu USD

Cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son bị Bộ Công an cáo buộc đã nhận 3 triệu USD từ chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ.

Hai cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn (từ trái qua). Ảnh: Bộ Công an. 

Đây là số tiền cơ quan điều tra xác định ông Son hưởng lợi bất chính từ việc chỉ đạo MobiFone mua 95% cổ phần của AVG, gây thiệt hại cho vốn nhà nước khoảng 7.000 tỷ đồng.

Ngày 31/8, trong bản kết luận điều tra vụ án sai phạm sử dụng vốn đầu tư công tại Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đề nghị truy tố cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son (nhiệm kỳ 2011-2016) về tội Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (điều 220, Bộ luật Hình sự 2015) và Nhận hối lộ (điều 354, Bộ luật Hình sự 2015).

Đầu năm 2015, được ông Son đồng ý chủ trương đầu tư dịch vụ truyền hình, MobiFone ký biên bản ghi nhớ mua 95% cổ phần của Công ty AVG, trị giá gần 8.900 tỷ đồng.

Quá trình thực hiện việc này, ông Son khai nhiều lần bị chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ hối thúc chỉ đạo việc sớm mua cổ phần. Ông Son muốn tạo dấu ấn trước khi rời ghế bộ trưởng vào tháng 4/2016 nên càng rốt ráo "phải mua được mảng truyền hình của AVG" trong năm 2015. Theo cáo buộc của cơ quan điều tra, ông Son tin nếu mọi việc trót lọt sẽ được các cổ đông của AVG "cám ơn bằng vật chất".

Khi dự án hoàn thành, ông Son nhận 3 triệu USD (hơn 65 tỷ đồng) do ông Phạm Nhật Vũ mang đến nhà riêng trên phố Lý Nam Đế (Hà Nội). Cơ quan điều tra cho rằng ông Son "nhận thức" việc đưa tiền là vì ông đã chỉ đạo thực hiện dự án.

Ông Son khai số tiền trên đã chuyển cho con gái khoảng 10 lần, tuy nhiên không có tài liệu chứng minh. Hiện, cựu bộ trưởng xin nộp hơn 500 triệu đồng để khắc phục hậu quả.

Cựu bộ trưởng thứ hai bị khởi tố trong vụ án này là ông Trương Minh Tuấn (nhiệm kỳ 4/2016-7/2018). Theo kết luận điều tra, ông Tuấn nhận nhiều cuộc gọi, tin nhắn từ chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ thúc giục "tạo điều kiện thực hiện nhanh dự án".

Tại phòng làm việc ở Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Tuấn đã nhận 200.000 USD (hơn 4,3 tỷ đồng) từ ông Vũ và hiểu lý do vì mình có tham gia dự án, trực tiếp ký quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông về phê duyệt vốn đầu tư mua AVG. Số tiền này ông Tuấn khai đã sử dụng cá nhân và xin nộp 2,12 tỷ đồng khắc phục hậu quả.

Trong bản kết luận được hoàn thành sau hơn 13 tháng điều tra, ngày 31/8 Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đề nghị VKSND Tối cao truy tố hai cựu bộ trưởng cùng 12 bị can.

Ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Cao Duy Hải (thành viên HĐTV, cựu tổng giám đốc MobiFone), Lê Nam Trà (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone) cùng bị đề nghị truy tố về hai tội: Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (điều 220, Bộ luật Hình sự 2015) và Nhận hối lộ (điều 354, Bộ luật Hình sự 2015). Theo cơ quan điều tra, ông Trà đã nhận 2,5 triệu USD (hơn 54,5 tỷ đồng) từ chủ tịch AVG, ông Hải nhận 500.000 USD (gần 11 tỷ đồng).

Ông Trà, Hải đều khai có trích lại lần lượt 700.000 USD và 200.000 USD để biếu ông Nguyễn Bắc Son. Do hai ông này thừa nhận, giao dịch đó chỉ là dân sự, cơ quan chức năng không xem xét hành vi đưa tiền cho ông Son.

Bị can Phạm Nhật Vũ bị đề nghị truy tố về tội Đưa hối lộ, theo điều 364 Bộ luật Hình sự 2015.

9 bị can còn lại gồm: Phạm Đình Trọng (cựu vụ trưởng Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông), Phạm Thị Phương Anh (cựu phó tổng giám đốc MobiFone), Phan Thị Hoa Mai (thành viên Hội đồng thành viên MobiFone), Hồ Tuấn (cựu phó tổng giám đốc MobiFone), Nguyễn Đăng Nguyên (cựu phó tổng giám đốc phụ trách MobiFone), Nguyễn Bảo Long (cựu phó tổng giám đốc MobiFone), Nguyễn Mạnh Hùng (cựu phó tổng giám đốc MobiFone), Võ Văn Mạnh (cựu giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX), Hoàng Duy Quang (nhân viên AMAX) bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.

Tổng công ty Viễn thông MobiFone thành lập ngày 1/12/2014 theo quyết định của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng.

Tháng 3/2016, thanh tra việc mua bán cổ phần giữa MobiFone và AVG, Thanh tra Chính phủ xác định dự án đã gây thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước, ước tính khoảng 7.000 tỷ đồng. Giá trị vốn chủ sở hữu của AVG chưa đến 2.000 tỷ đồng song được đẩy lên 16.500 tỷ đồng. Số liệu này được MobiFone dùng làm căn cứ mua 95% cổ phần.

Việt Dũng - Bá Đô/ VnExpress

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hành trình 70 năm xây dựng và phát triển của Việt Nam qua ảnh
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập
Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp Đại biện lâm thời Cuba tại Việt Nam
Bộ Ngoại giao, Bộ Công an tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin
Trung Quốc phá giá đồng NDT: Doanh nghiệp Việt đối phó ra sao?
“Việt Nam không phải nước lớn nhưng luôn được nước khác quan tâm”
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Ông Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang