09/02/2018 03:07:00 PM
“Những thành tựu tạo cơ sở quan trọng cho các mục tiêu đối ngoại”

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc trong bài trả lời phỏng vấn nhân dịp Xuân Mậu Tuất 2018.

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc 

PV: Những cái tên như Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (LHQ-UNDP), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO)… là những cụm từ không còn xa lạ với người Việt Nam. Thứ trưởng đánh giá thế nào về sự hỗ trợ của các tổ chức LHQ trong các chặng đường phát triển của đất nước? Theo ông, Việt Nam có thể tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của LHQ như thế nào trong thời gian tới?

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Có thể nói LHQ và các tổ chức chuyên môn đã luôn đồng hành và có những đóng góp thiết thực cho Việt Nam trong suốt 40 năm qua. Ngay từ những ngày đầu tái thiết đất nước sau chiến tranh, hoàn cảnh đất nước vô cùng khó khăn, nguồn viện trợ quý báu và kịp thời của LHQ không chỉ đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của Việt Nam về lương thực, giáo dục, y tế mà còn tạo cơ sở quan trọng về năng lực thể chế, khoa học kỹ thuật cho Việt Nam về lâu dài. Cho đến tận hôm nay, trong tâm trí nhiều người dân Việt Nam, những cái tên như Chương trình lương thực thế giới, Quỹ Nhi đồng LHQ vẫn luôn gắn liền với các chương trình viện trợ khẩn cấp, khắc phục hậu quả chiến tranh, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em những năm cuối thập kỷ 1970 và 1980.

Trong giai đoạn đất nước đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế, LHQ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực quan trọng như xóa đói giảm nghèo, cải cách hành chính, thúc đẩy phát triển bền vững... Nguồn vốn, tri thức, kinh nghiệm từ hệ thống điều phối viên và tổ chức phát triển LHQ tại Việt Nam trong những năm qua được coi là một trong những nguồn ngoại lực quan trọng giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.

Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực đã có nhiều thay đổi, bản thân hệ thống phát triển của LHQ cũng đang được cải tổ để thích ứng. Bên cạnh đó, nguồn vốn hỗ trợ từ LHQ không lớn nếu so với nhiều đối tác khác và đang có xu hướng giảm do Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của LHQ vẫn có ý nghĩa đặc biệt đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

Thứ nhất, LHQ là diễn đàn có vị trí quan trọng hàng đầu trong thúc đẩy hợp tác quốc tế để giải quyết các thách thức toàn cầu, phục vụ các mục tiêu phát triển của từng nước và quốc tế, về cơ bản đáp ứng được những mong đợi và phù hợp với lợi ích chính đáng của các quốc gia thành viên, nhất là những nước đang phát triển. Thí dụ điển hình là việc xây dựng và thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) trước đây và nay là các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), được đông đảo các nước nhất trí thông qua và huy động nguồn lực để thực hiện. Nhận thức được điều đó, chúng ta đã tranh thủ được các nguồn lực của LHQ để thực hiện đạt và vượt nhiều MDGs, đồng thời tham gia đóng góp tích cực trong toàn bộ quá trình xây dựng các SDGs ở cấp độ toàn cầu, phù hợp với quan tâm chung của cộng đồng quốc tế và các ưu tiên về phát triển của ta.

Thứ hai, LHQ có khả năng kêu gọi, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và huy động nguồn lực cho việc giải quyết những vấn đề quan trọng và cấp bách ở cấp độ toàn cầu, khu vực và đối với từng quốc gia cụ thể, đặc biệt là trong ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Việt Nam đã từng phối hợp với LHQ kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ khẩn cấp 48,5 triệu USD để ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng trong năm 2016, đồng thời Chương trình phát triển LHQ (UNDP) đã đề xuất đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần được hỗ trợ do ảnh hưởng mạnh mẽ bởi hiện tượng El Nino, nhờ đó Việt Nam được hưởng sự hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng El Nino của LHQ.

Thứ ba, với một hệ thống các tổ chức chuyên môn trên tất cả các lĩnh vực và hiện diện trên khắp toàn cầu, LHQ tiếp tục là nguồn tri thức, kinh nghiệm thực tế quý báu mà Việt Nam có thể tranh thủ nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong nhiều năm tới.

Thứ tư, chúng ta đã tham gia đóng góp và tạo được một số “dấu ấn” tại LHQ trong lĩnh vực hợp tác phát triển. Việt Nam là một điển hình trong thực hiện thành công nhiều Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của LHQ, đồng thời cũng là một trong những nước đi đầu triển khai sáng kiến Thống nhất hành động nhằm tăng hiệu quả hoạt động của LHQ ở cấp độ quốc gia và đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững. Thông qua chia sẻ kinh nghiệm của mình về hợp tác phát triển tại các diễn đàn của LHQ, đặc biệt trên các lĩnh vực ta có thế mạnh như an ninh lương thực, y tế, giáo dục, dân số, phụ nữ, trẻ em…, ta có thể phát huy vai trò, nâng cao vị thế của đất nước cũng như góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước, các đối tác chủ chốt.

PV: Xin Thứ trưởng đánh giá về những thành tựu của Việt Nam trong công tác đối ngoại về quyền con người?

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Năm 2017 là năm thành công của đối ngoại Việt Nam, trong đó có công tác đối ngoại về quyền con người.

Trước hết, chúng ta tích cực phát huy vai trò tại các diễn đàn đa phương về quyền con người trong khuôn khổ Liên hợp quốc như Hội đồng nhân quyền, Hội đồng Kinh tế - Xã hội (ECOSOC), Hội đồng chấp hành UNESCO. Chúng ta tiếp tục chủ động đề xuất và theo đuổi các sáng kiến về các lĩnh vực ưu tiên như xóa đói giảm nghèo, biến đổi khí hậu đối với quyền con người, bảo đảm quyền cho các đối tượng dễ bị tổn thương... Các sáng kiến này nhận được sự ủng hộ và quan tâm rộng rãi của các nước và tổ chức quốc tế.

Ở cấp độ khu vực, những đóng góp tích cực của Việt Nam trong các cơ chế của ASEAN được các nước đánh giá cao. Đặc biệt, trong khuôn khổ năm APEC 2017, Việt Nam đã thể hiện vai trò dẫn dắt trong việc bảo vệ các nguyên tắc kinh tế, thương mại, mang lại sự thịnh vượng cho các nền kinh tế và người dân, trong đó chủ động lồng ghép các sáng kiến trực tiếp hướng tới người dân, các nhóm dễ bị tổn thương.

Việt Nam cũng thể hiện sự nghiêm túc trong thực hiện các cam kết về quyền con người. Trong năm 2017, Việt Nam đã nộp báo cáo quốc gia thực hiện Công ước chống tra tấn và Công ước về các quyền dân sự, chính trị, thúc đẩy triển khai Kế hoạch thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ II (với hơn 80% các khuyến nghị được thực hiện sau 2 năm). Chúng ta cũng đón Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về quyền lương thực, được Báo cáo viên đánh giá cao về những nỗ lực trong bảo đảm quyền lương thực và an ninh lương thực. Bên cạnh đó, chúng ta tiếp tục duy trì Đối thoại Nhân quyền với Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Australia, Na Uy và Thụy Sỹ trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ song phương với các đối tác.

Những thành tựu trên đây tạo cơ sở quan trọng cho việc thực hiện các mục tiêu đối ngoại, cũng như góp phần vào nỗ lực chung của chúng ta trong xây dựng một đất nước giàu mạnh và bảo đảm cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người dân.

PV: Việt Nam đã cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ và đang tích cực hoàn tất công tác chuẩn bị để có thể sớm triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 (BVDC2), những nỗ lực này có ý nghĩa như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Tháng 6/2014 là mốc quan trọng khi lần đầu tiên Việt Nam bắt đầu cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (HĐGGHB LHQ) ở cấp cá nhân và đến nay, đã có 20 lượt sĩ quan, trong đó có 1 nữ sĩ quan làm nhiệm vụ tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở châu Phi. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Ngoại giao nỗ lực, tích cực chuẩn bị về mọi mặt để lần đầu tiên triển khai ở quy mô cấp đơn vị - BVDC2 với biên chế hơn 70 người vào năm nay.

Công tác này có ý nghĩa rất quan trọng thể hiện qua các điểm sau:

Thứ nhất, việc tham gia HĐGGHB LHQ của Việt Nam là bước đột phá trong triển khai chủ trương xuyên suốt của Đảng ta về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, đa phương hoá, đa dạng hoá trong quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình trên thế giới.

Thứ hai, sự tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ của Việt Nam cũng đã đánh dấu sự thay đổi về cả về chất và lượng trong hoạt động hợp tác đa phương nói chung và về quốc phòng, an ninh nói riêng. Song song việc tích cực tham gia thảo luận, hoạch định chính sách liên quan đến hòa bình, an ninh quốc tế, đề cao việc tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, đấu tranh chống chạy đua vũ trang, giải trừ quân bị, ngăn ngừa và giải quyết các tranh chấp xung đột bằng các biện pháp hòa bình, nay ta đã đồng thời cử lực lượng trực tiếp tham gia vào các hoạt động này.

Thứ ba, việc nâng cấp quy mô tham gia  HĐGGHB LHQ từ  cá nhân lên đơn vị cho thấy uy tín và sự trưởng thành vượt bậc của Việt Nam trong lĩnh vực này, đồng thời cũng thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của LHQ và các nước đối tác.

Có được kết quả trên là do ta đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chủ trương, phương thức và tổ chức thực hiện; công tác triển khai được tiến hành đồng bộ trên nhiều mặt với sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ban, ngành liên quan. Quan trọng hơn là đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, nhân dân trong nước đối với việc thực hiện nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng này. Với những kết quả tích cực trên, chúng ta hoàn toàn có cơ sở tin tưởng rằng, sự tham gia của Việt Nam vào các HĐGGHB LHQ trong các năm tiếp theo sẽ được nâng lên ở tầng cao mới, thêm nhiều thành công, góp phần thực hiện thành công chính sách đối ngoại và chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc do Đại hội lần thứ XII của Đảng đề ra./.

(Tin từ Bộ Ngoại giao)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hành trình 70 năm xây dựng và phát triển của Việt Nam qua ảnh
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập
Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp Đại biện lâm thời Cuba tại Việt Nam
Bộ Ngoại giao, Bộ Công an tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin
Trung Quốc phá giá đồng NDT: Doanh nghiệp Việt đối phó ra sao?
“Việt Nam không phải nước lớn nhưng luôn được nước khác quan tâm”
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Ông Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang