26/07/2021 02:52:00 PM
Nghị trường nóng với thảo luận về các đại dự án thua lỗ, gây lãng phí

Nhiều đại biểu cho rằng chống tham nhũng cần đi đôi với chống lãng phí. Những thiệt hại do các dự án thua lỗ gây ra khiến Nhà nước lãng phí nguồn lực vật chất và phi vật chất.

 Nhà máy Đạm Ninh Bình, một trong 12 dự án nghìn tỷ đang thua lỗ. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Sáng ngày 26/7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020. Nhiều đại biểu cho rằng lãng phí là chủ đề rất lớn bao gồm cả vật chất (ngân sách, dự án đầu tư, tài sản…) và phi vật chất (bỏ lỡ thời cơ, không thực hiện được các cam kết quốc tế, bỏ lỡ người tài…).

Trong khuôn khổ phiên thảo luận, các đại biểu đã nêu ý kiến về những vấn đề còn tồn tại, khẳng định lãng phí còn nguy hiểm hơn tham nhũng đồng thời đại biểu cũng kiến nghị giải pháp để việc chống lãng phí đi vào thực chất.

Lãng phí đầu tư công: Cần con số cụ thể

Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội cho rằng báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 do Chính phủ thực hiện rất cụ thể, chi tiết từng lĩnh vực. Trong đó, đáng chú ý là các con số nêu trong báo cáo năm 2020, ngành Thanh tra cả nước đã triển khai 187.426 cuộc thanh tra, kiểm tra và phát hiện vi phạm về kinh tế 86.369 tỷ đồng, 6.366ha đất; kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 23.843 tỷ đồng và thu hồi 830ha đất.

Tuy nhiên, lãng phí trong đầu tư công luôn là vấn đề khiến dư luận đặc biệt quan tâm nhưng trong báo cáo lại chưa đề cập cụ thể, rõ ràng.

“Ngân sách nhà nước đang lãng phí bao nhiêu cho các dự án này, các dự án đầu tư công này không hoàn thành tiến độ kéo theo các dự án khác bị ảnh hưởng ra sao cần được Chính phủ làm rõ. Cùng với đó là những lãng phí trong tiêu dùng hàng ngày, Chính phủ cần đưa ra để mỗi người dân biết và thực hành tiết kiệm”, đại biểu nêu ý kiến.

Cũng chung quan điểm Chính phủ cần bổ sung các tiêu chí đánh giá mức độ lãng phí, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng hiện nay các tiêu chí đưa ra chung chung nên khó đánh giá được mức độ.

Lấy ví dụ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, đại biểu nói: “Địa phương nào có chỉ số PCI tốt thì sẽ thu hút đầu tư hơn, chỉ số này đã khiến các tỉnh phấn đấu tốt hơn. Vì vậy, tôi đề nghị cũng cần có những số liệu, chỉ tiêu cụ thể trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.”

Chống tham nhũng phải đi đôi với chống lãng phí

Đại biểu Đào Hồng Vận (tỉnh Hưng Yên) trăn trở khi nhắc đến sự lãng phí to lớn ở những dự án thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Ông cho rằng đầu tư công là vấn đề gây bức xúc đối với nhiều cử tri.

“Nhiều dự án chậm tiến độ hoàn thành dẫn đến lãng phí tài chính kéo dài. Yêu cầu tăng vốn thì lãng phí về mặt kinh tế, ngoài ra còn lãng phí cơ hội do không kịp đưa vào sử dụng, lãng phí về mặt xã hội bởi gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, thậm chí còn gián tiếp làm chậm các công trình khác, gây ra lãng phí cho các lĩnh vực liên quan,” đại biểu nói.

Ông cho rằng nước ta còn nghèo nên những quyết định đầu tư không đúng đắn sẽ gây ra hậu quả to lớn, không mang lại hiệu quả lợi ích xã hội.

“Những con đường hôm nay đào lên để làm, làm xong lấp đi rồi tháng sau cần làm lại đào lên, không có kế hoạch, tầm nhìn là tạo nên lãng phí”, ông chia sẻ.

Đại biểu còn chỉ ra những lãng phí trong việc sử dụng tài sản công, cụ thể là trụ sở làm việc, nhiều mảnh đất vàng nhưng không được sử dụng hiệu quả.

“Có cơ quan đã có trụ sở ở vị trí mới nhưng không trả hoặc chậm trễ trả lại vị trí cũ ở đất vàng, đó là lãng phí, làm mất cơ hội của nhưng tổ chức khác có thể đầu tư sử dụng hiệu quả hơn”, ông nêu vấn đề.

Đại biểu tiếp tục nêu lên lãng phí trong sử dụng con người, cụ thể là biên chế lao động trong các cơ quan Nhà nước. Dù báo cáo đã chỉ ra những thành tựu trong cải cách bộ máy, tinh giản biên chế song đại biểu băn khoăn rằng trong lực lượng lao đông hiện nay, có bao nhiêu % được sử dụng hiệu quả. Từ vấn đề này, ông kiến nghị cần có bộ tiêu chí đánh giá năng lực, năng suất người lao động mới có thể thực sự tiết kiệm trong công tác quản trị nhân lực.

“Một vấn đề nữa là cán bộ, viên chức trong diện quy hoạch cần phải học nghiệp vụ để chờ bổ nhiệm. Nhiều người phải học để có một loạt chứng chỉ, để đẹp hồ sơ. Tôi cho rằng đó cũng là lãng phí và không thực chất”, ông nói.

Không chỉ Nhà nước đang lãng phí nguồn lực mà người dân cũng lãng phí trong tiêu dùng. Ông lấy ví dụ trong việc tổ chức ma chay, việc sử dụng số lượng lớn vòng hoa là rất tốn kém trong khi đó, nhiều loại vòng hoa không sử dụng hoa tươi mà được làm bằng chất liệu nhân tạo, khó phân hủy, ảnh hưởng tới môi trường.

Nhiều đại biểu cho rằng chống tham nhũng cần đi đôi với chống lãng phí, cần có những sáng kiến xã hội để từng bước hoàn thiện quy định quản lý nhà nước, xã hội để tiết kiệm ko chỉ ngân sách nhà nước mà còn nguồn lực xã hội./.


Nhóm PV (Vietnam+)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Thúc đẩy cụ thể hóa khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Nhật Bản
Thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và khu vực Bắc Âu
Luật Đất đai sửa đổi: Cơ hội 'hút' vốn từ kiều bào, sử dụng hiệu quả tài nguyên
Việt Nam – New Zealand ký kết các văn kiện hợp tác quan trọng
Mô hình kết nghĩa xây chắc tình hữu nghị nhân dân Việt Nam-Trung Quốc
Toàn quyền New Zealand: Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa đặc biệt
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Ông Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang