21/02/2019 02:46:00 PM
Khai mạc Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.

 Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Sáng 21/2, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì khai mạc Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Phiên họp thứ 31 được tiến hành trong một ngày. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về các vấn đề khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công và dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi); cho ý kiến về việc điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc; nghe Chính phủ báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Tiếp theo, với điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề còn có những ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

Sau khi nghe ý kiến thảo luận của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu phát biểu, kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh về phạm vi sửa đổi và tên gọi của Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí việc sửa đổi phạm vi và tên gọi của dự án Luật trên cơ sở tùy thuộc vào quá trình rà soát lại nội dung dự án luật với tinh thần bảo đảm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự phát triển và hạn chế tối đa sửa những điều chưa cần thiết hoặc sửa sẽ làm phá vỡ hệ thống pháp luật…

Về nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, có ý kiến đề nghị không quy định “nguồn vốn để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách” trong Luật này vì một số nguồn để lại cho đầu tư đã được điều chỉnh ở nhiều văn bản quy định khác nhau.

Một số ý kiến đề nghị cần quy định nội dung này để quản lý nguồn lực đầu tư của Nhà nước nhưng cũng cần tạo điều kiện để các đơn vị phát huy quyền tự chủ, đồng thời tránh những quy định chỉ mang tính hình thức và gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 31 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN) 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình theo hướng nguồn thu để lại cho các đơn vị hoặc các đơn vị sự nghiệp có thu tự chủ về tài chính, thay cho từ “ngoài ngân sách” thì vẫn là vốn đầu tư công nhưng theo trình tự riêng phù hợp với trình tự thủ tục tài chính hiện hành.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất không tách riêng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng là dự án độc lập (Điều 6).

Về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C (Điều 7-10), theo Ủy ban Tài chính-Ngân sách, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 35.000 tỷ đồng và điều chỉnh theo tỷ lệ tương ứng đối với các dự án nhóm A, B, C là mức điều chỉnh quá cao, dẫn tới khó kiểm soát, đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành.

Một số ý kiến cho rằng có thể điều chỉnh tổng mức đầu tư phân loại dự án nhưng phải trên cơ sở đánh giá trên thực tế.

Nhiều ý kiến trong Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng thực tế thời gian qua cho thấy, chỉ số giá không có biến động lớn và việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định.

Với quy định như Luật hiện hành, mới chỉ có hai dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội và không có vướng mắc gì.

Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn, sau gần bốn năm thực hiện Luật Đầu tư công, chỉ số CPI đã tăng khoảng 10%, quy mô thu ngân sách tăng khoảng 55%, chi ngân sách cho đầu tư phát triển tăng khoảng 120%, quy mô các dự án đầu tư công cũng lớn hơn, để Luật sửa đổi lần này phù hợp với thực tiễn biến động giá cả, phân loại dự án phù hợp với quy mô ngân sách, đề nghị mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng thêm 50% so với quy định hiện hành, lên 15.000 tỷ đồng.

Tương tự đối với các dự án nhóm A, B, C, đề nghị mức tăng 50% so với quy định hiện hành và thể hiện tại các điều 7, 8, 9, 10 của Dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành vì không cần thiết điều chỉnh và thực tế thực hiện không phát sinh vướng mắc. Cơ quan soạn thảo đề nghị điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia lên mức vốn 20.000 tỷ đồng.

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý rà lại, không chỉ về mặt giá trị mà cần rà lại cả những yếu tố liên quan đến môi trường, xã hội, về rừng, diện tích lúa nước, vấn đề mật độ dân cư và không đặt ra yếu tố dự án“đặc thù”, dự án“đặc biệt.”

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ chỉ có dự án khẩn cấp và dự án liên quan đến thiên tai địch họa nếu theo trình tự thì không thể giải quyết được; cần làm rõ vì sao phải điều chỉnh mức vốn, cần phải giải trình trước Quốc hội.

Đồng tình với cách tính của Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng ví dụ cách tính giá sắt thép cách đây 10 năm cũng khác so với hiện nay. Do đó, cần dựa trên cách tính về trượt giá cho phù hợp, khoa học bởi việc phân loại từ 10.000 tỷ đồng lên 35.000 tỷ đồng là không có căn cứ.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nên tính thêm để có khoảng thời gian “sống” của dự án cho hợp lý.

Về quy định quản lý nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ vẫn phải lấy Luật Quản lý nợ công làm gốc và tránh tình trạng chồng chéo giữa các cơ quan đầu mối trong quản lý.

Về Kế hoạch đầu tư công ba năm cuốn chiếu, có ý kiến cho rằng, để đảm bảo tính linh hoạt trong điều hành, đề nghị bổ sung Kế hoạch đầu tư công ba năm cuốn chiếu và Chính phủ sẽ điều chỉnh Kế hoạch này trong phạm vi Kế hoạch đầu tư công năm năm để phù hợp với thực tiễn. Có ý kiến đề nghị không quy định nội dung này trong Dự thảo Luật.

Sau khi các ý kiến phát biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, không quy định kế hoạch ba năm vì không cần thiết, tránh rườm rà, phức tạp thêm.

Về nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn năm năm và thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ trong việc quyết định danh mục dự án cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh để thể hiện đúng theo tinh thần Hiến pháp, Quốc hội quyết định về tổng mức đầu tư, tiêu chí, danh mục và Quốc hội có thể ủy quyền.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của thường trực Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh đến việc không quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng Nhân dân trong việc xem xét các dự án trong thời gian không diễn ra kỳ họp.

Về vấn đề này, nhiều ý kiến trong Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng việc bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng Nhân dân trong việc xem xét các dự án trong thời gian Hội đồng Nhân dân không họp là không phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng đã có quy định việc Hội đồng Nhân dân có thể họp nhiều hơn 2 kỳ/năm hoặc họp bất thường để giải quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Nhân dân, trong đó có việc quyết định chủ trương đầu tư.

Mặt khác, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đang được đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Để đảm bảo tính thống nhất về luật pháp, cần xem xét chức năng, nhiệm vụ của Thường trực Hội đồng Nhân dân tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương mang tính tổng thể, áp dụng cho nhiều lĩnh vực, trong đó có cả lĩnh vực đầu tư công.

Do đó, Ủy ban Tài chính-Ngân sách kiến nghị tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, không quy định về thẩm quyền của Thường trực Hội đồng Nhân dân vào Dự thảo Luật này./.

Hoàng Thị Hoa (TTXVN)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Thúc đẩy cụ thể hóa khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Nhật Bản
Thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và khu vực Bắc Âu
Luật Đất đai sửa đổi: Cơ hội 'hút' vốn từ kiều bào, sử dụng hiệu quả tài nguyên
Việt Nam – New Zealand ký kết các văn kiện hợp tác quan trọng
Mô hình kết nghĩa xây chắc tình hữu nghị nhân dân Việt Nam-Trung Quốc
Góp ý kiến vào dự thảo Đề cương báo cáo của Tiểu ban Điều lệ Đảng Đại hội XIV
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Ông Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang