05/06/2018 03:11:00 PM
Israel thuyết phục châu Âu “hành động như Mỹ” trong vấn đề Iran

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 5/6 tới Pháp, chặng dừng chân tiếp theo trong chuyến công du một loạt nước châu Âu.

 Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu trong cuộc họp báo tại Berlin với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters

Ông Netanyahu muốn thuyết phục những nước này rút khỏi văn kiện như Mỹ đã làm nhằm cô lập hơn nữa Iran, quốc gia mà Israel luôn coi là “một mối đe dọa tuyệt đối”.

Phát biểu tại thủ đô Berlin, Đức, Thủ tướng Israel Netanyahu cho rằng, Iran không chỉ muốn sở hữu vũ khí hạt nhân, mà ảnh hưởng của nước này tại khu vực đang ngày càng trở nên “nguy hiểm”. Theo ông Netanyahu, người Iran cần phải rời khỏi Syria.

Tuy nhiên, cũng giống như lập trường lâu nay, Thủ tướng Đức Angela Merkel, với áo khoác màu xanh lá cây và quần âu màu trắng, trùng với màu cờ Israel, dù một lần nữa khẳng định sự ủng hộ của Đức đối với Nhà nước Do thái, song cũng không hề che giấu sự khác biệt về lập trường đối với tình hình Trung Đông, cũng như cách thức để đi tới hòa bình.

Thủ tướng Netanyahu thừa nhận: “Chúng tôi tôn trọng chính phủ và các chính sách của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Chúng tôi có một số bất đồng như các bạn thấy, song không phải là về mục tiêu, mà là vấn đề về phương cách thực hiện”.

Chuyến thăm châu Âu của Thủ tướng Israel Netanyahu diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang triển khai tất cả các nỗ lực nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran, đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết sau khi Mỹ rút khỏi hôm 8/5 vừa qua.

Đối với Thủ tướng Đức Angela Merkel, bảo vệ thỏa thuận này là cách duy nhất để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân: “Đức đã không rời khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, cùng với các đối tác châu Âu khác. Chúng tôi đồng ý rằng, ảnh hưởng của Iran tại khu vực là đáng lo ngại, đặc biệt là đối với an ninh Israel.

Đó là lý do chúng tôi sẽ thực hiện mọi nỗ lực ngoại giao để tận dụng ảnh hưởng của chúng tôi trong vấn đề chương trình đạn đạo của Iran cũng như những hoạt động của nước này tại Yemen hay sự hiện diện quân sự tại Syria”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng chia sẻ lập trường này. Thời gian qua, Người đứng đầu nước Pháp đã khá bận rộn trong vai trò “thuyết khách” của Liên minh châu Âu, với lịch trình công tác dày đặc, chỉ trong chưa đầy 2 tháng đã có một loạt chuyến thăm cấp nhà nước tới Đức, Mỹ và Nga.

Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Israel Netanyahu cũng diễn ra 3 tuần sau các vụ pháo kích của Israel nhằm vào người biểu tình Palestine tại dải Gaza, làm 60 người chết chỉ trong một ngày.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi đó đã chỉ trích mạnh mẽ hành vi mà ông cho là “tệ hại” này của Israel. Trong khi đó, nhiều hiệp hội, tổ chức nhân đạo đã kêu gọi biểu tình ở thủ đô Paris để phản đối chuyến thăm của Thủ tướng Israel.

Cần phải nhắc lại, mối quan hệ giữa Israel và Iran vốn chưa bao giờ hòa thuận giữa một Trung Đông nhiều bất ổn. Thủ tướng Israel luôn coi Iran là một đe dọa đối với an ninh nước này, trong khi Thủ lĩnh tinh thần tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei mới đây gọi Israel là “một khối ung thư cần phải cắt bỏ”.

Phát biểu trước khi lên đường sang châu Âu, Thủ tướng Netanyahu đã phần nào hé lộ mục đích chuyến công du nước ngoài lần này của mình, đó là sẽ không cho phép Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và ngăn cản tham vọng của Iran bành trướng và tấn công trên khắp Trung Đông, nhất là tại Syria.

Dù ngày càng không hài lòng với cách tiếp cận của Liên minh châu Âu trong nhiều vấn đề từ Iran đến tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine, song Thủ tướng Netanyahu cũng không thể phớt lờ sức nặng ngoại giao của Pháp, Đức và Anh, những nước tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân hạt nhân Iran năm 2015, cùng với Trung Quốc, Nga và Mỹ.

Ông Netanyahu không chỉ muốn ngăn chặn quyết tâm của những nước này tạo một mặt trận chung chống Mỹ và cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran, mà còn muốn không bị cô lập trên mặt trận ngoại giao do mối quan hệ ưu tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Một nguồn tin Israel cho biết, ông Netanyahu muốn thuyết phục châu Âu “chơi trò chơi của người Mỹ” và nói với người Iran rằng, cách duy nhất là duy trì thỏa thuận là đàm phán lại./.

Thu Hoài/VOV1

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hành trình 70 năm xây dựng và phát triển của Việt Nam qua ảnh
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập
Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp Đại biện lâm thời Cuba tại Việt Nam
Bộ Ngoại giao, Bộ Công an tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin
Trung Quốc phá giá đồng NDT: Doanh nghiệp Việt đối phó ra sao?
“Việt Nam không phải nước lớn nhưng luôn được nước khác quan tâm”
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Ông Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang