20/07/2021 09:38:00 AM
Hệ thống y tế trên bờ vực sụp đổ, Myanmar có nguy cơ thành “quốc gia siêu lây nhiễm”

Trong bối cảnh các bệnh viện thiếu nhân viên y tế và số ca mắc Covid-19 gia tăng chóng mặt trên toàn quốc, các tình nguyên viên tại Myanmar đang phải đi tới từng nhà để thu thập thi thể bệnh nhân tử vong vì Covid-19.

Nhân viên tình nguyện chuẩn bị an táng thi thể bệnh nhân Covid-19 tại một nghĩa trang ở Mandalay, Myanmar, hôm 14/7. Ảnh: Reuters 

Tình nguyện viên vận chuyển thi thể bị quá tải

Cứ vào sáng sớm, Than Than Soe lại nhận được điện thoại của các gia đình có người tử vong ở thành phố Yangon. Cô viết tên, địa chỉ và số điện thoại liên lạc của nạn nhân vào một cuốn sổ và cử một nhóm tình nguyện viên tới nhà họ. Trả lời phỏng vấn AFP, Than Than Soe cho biết: “Chúng tôi vô cùng bận rộn và không có thời gian nghỉ ngơi. Mỗi ngày đội của tôi thu thập từ 30 đến 40 thi thể. Tôi nghĩ các đội khác cũng như vậy. Đôi khi có 2 người chết trong cùng 1 nhà”.

Hiện, nhiều bệnh viện ở Myanmar đang vắng bóng cả bác sỹ và bệnh nhân do một cuộc đình công kéo dài nhằm phản đối chính quyền quân sự sau cuộc chính biến hồi tháng 2/2021. Nhiều người quyết định từ chối hệ thống y tế nhà nước bất chấp số ca bệnh ngày càng tăng, khiến các tình nguyện viên phải tìm cách tiếp cận với họ để cung cấp oxy và đưa người chết đi hỏa táng. Theo các chuyên gia, việc bệnh nhân từ chối đi xét nghiệm và cách ly không chỉ gây nguy hiểm cho sức khoẻ của chính họ, mà còn có thể khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng hơn.

Sann Oo – tình nguyện viên lái xe chở các đội gom thi thể sau đợt dịch đầu tiên bùng phát tại Myanmar vào năm 2020 cho biết, một ngày làm việc của anh kéo dài ít nhất 13 tiếng đồng hồ. “Trước kia chúng tôi thường đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Chúng tôi hỏi bệnh nhân “bạn muốn đến bệnh viện nào?”. Nhưng giờ thì khác. Khi nhận được cuộc gọi, chúng tôi phải hỏi “nghĩa trang nào?”.

Nhà chức trách Myanmar thông báo có khoảng 5.500 ca mắc mới vào ngày 17/7, mức gia tăng đỉnh điểm từ con số 50 ca mỗi ngày vào đầu tháng 5, song giới phân tích cho rằng, số ca mắc thực tế hiện nay còn có thể cao hơn nhiều.

Tại nhà của một bệnh nhân vừa tử vong, Sann Oo và các tình nguyện viên đưa thi thể lên cáng, trùm chăn và men theo cầu thang hẹp đưa xuống dưới đường. Họ đưa thi thể lên xe tải trong khi một tình nguyện viên khác đánh chiêng – nghi thức thường được thực hiện trong các đám tang ở Myanmar. Khi họ đến lò hỏa táng Kyi Su, có ít nhất 8 xe cứu thương khác đã đậu sẵn bên ngoài. Dòng chữ “Người vận chuyển xác chết” được tô đậm trên kính chắn gió của một trong số những chiếc xe.

Nguy cơ trở thành “quốc gia siêu lây nhiễm Covid-19”

Tuần trước, Hội đồng Quản lý Nhà nước Myanmar đã kêu gọi các bác sỹ và y tá tình nguyện tham gia nỗ lực chống Covid-19, đồng thời thừa nhận rằng, nước này đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh. Truyền thông Myanmar cuối tuần qua đưa tin, nhà chức trách đang gấp rút nhập khẩu oxy từ nước láng giềng Thái Lan và Malaysia để cung cấp cho nhu cầu trong nước. Còn Liên Hợp Quốc cảnh báo, Myanmar có nguy cơ trở thành “quốc gia siêu lây nhiễm Covid-19”.

Tình nguyện viên Than Than Soe cho biết, hai người trong nhóm của cô đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 kể từ đợt gia tăng đột biến số ca mắc trong thời gian gần đây và một người đã tử vong.

“Mọi thứ tôi nghe được chỉ toàn là tin xấu”, Than Than Soe cho biết.

Một nam nhân viên trong văn phòng của cô đã gọi điện cho anh trai người này ở nghĩa trang Kyi Su – nơi mẹ anh ấy chuẩn bị được hỏa táng, để yêu cầu anh trai anh đợi xe cấp cứu mang thi thể cha họ vừa qua đời tới. “Tôi muốn cha và mẹ tôi gặp nhau lần cuối”, nhân viên này nói qua điện thoại và bật khóc.

Đối với Than Than Soe, những cảnh tượng như vậy đã trở nên quá quen thuộc. “Đôi khi tôi không nhấc máy và không muốn trả lời các cuộc gọi. Không phải là vì tôi không muốn thực hiện nhiệm vụ mà vì tôi đang phải chịu rất nhiều nỗi đau”.

“Bệnh viện không thể làm gì cho họ”

Một bác sỹ được biết với tên gọi Pa Gyi – người tình nguyện giúp đỡ các bệnh nhân trên mạng xã hội cho biết, ông đã tiếp nhận hàng trăm yêu cầu chữa trị. Khi gọi điện đến các hộ gia đình, ông nhận thấy hầu hết những người bị bệnh điều có các triệu chứng mắc Covid-19 và có nồng độ oxy thấp.

“Tình hình rất nghiêm trọng. Các bệnh viện không thể làm bất cứ thứ gì cho họ. Vì thế tôi không thể ngồi im và nhìn khi ngày càng có nhiều người bệnh trở nên tuyệt vọng”, Pa Gyi cho biết.

Trong suốt một tuần, sinh viên 21 tuổi Phoe Thar đã phải ra ngoài từ rạng sáng để thu thập bình oxy từ nhà của các bệnh nhân mắc Covid-19 tại thành phố Mandalay. Anh và các tình nguyện viên khác xếp những bình oxy ở bên ngoài các trung tâm từ thiện để bơm đầy sau đó đưa trở lại để cố gắng cứu các bệnh nhân. “Số lượng người cần bình oxy quá nhiều. Đó là một thách thức lớn cho chúng tôi”, Phoe Thar nói.

Phoe Thar cho biết, hầu hết các nhóm tình nguyện viên ở Mandalay từ đợt dịch thứ nhất và đợt dịch thứ 2 đã giải tán. Nhóm của anh là do nhiều người tự đứng lên tổ chức, giống cách mà người dân Myanmar thường giúp đỡ nhau đối phó với các thảm họa trong quá khứ, chẳng hạn như cơn bão Nargis năm 2008.

Một nhóm tình nguyện viên khác tại thành phố Yangon cũng đang cố gắng nhập khẩu bình oxy từ nước láng giềng Thái Lan. Còn người dân tại thị trấn Kawlin ở Vùng Sagaing đang cố gắng huy động ít nhất 30.000 USD để nhập khẩu máy tạo oxy từ Trung Quốc. "Hiện chúng tôi đang hứng chịu đợt Covid-19 thứ ba. Chúng tôi không biết sẽ còn bao nhiêu đợt nữa", một người dân cho biết.

Các cuộc biểu tình phản đối quân đội, các cuộc đình công và tình trạng bạo lực đã khiến hệ thống y tế Myanmar gần như sụp đổ. Bên cạnh đó, sự đình trệ trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng, xét nghiệm và phòng ngừa Covid-19 đã khiến dịch bệnh lây lan tại Myanmar một cách không kiểm soát.

CNA cho biết, tổng số ca tử vong được ghi nhận chính thức tại Myanmar đã tăng hơn 40% trong tháng 7 này, lên tới 4.769 người trong bối cảnh biến thể Delta ngày càng hoành hành mạnh mẽ trên khắp khu vực Đông Nam Á. Tờ báo nhà nước Myanmar Global New Light cho biết, Bộ trưởng Y tế Thet Khaing Win đã tổ chức một cuộc họp vào cuối tuần qua để “đẩy nhanh động lực” đối phó với dịch Covid-19, trong đó có việc gia tăng nguồn cung oxy./.

(theo VOV.VN)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Thúc đẩy cụ thể hóa khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Nhật Bản
Thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và khu vực Bắc Âu
Luật Đất đai sửa đổi: Cơ hội 'hút' vốn từ kiều bào, sử dụng hiệu quả tài nguyên
Việt Nam – New Zealand ký kết các văn kiện hợp tác quan trọng
Mô hình kết nghĩa xây chắc tình hữu nghị nhân dân Việt Nam-Trung Quốc
Góp ý kiến vào dự thảo Đề cương báo cáo của Tiểu ban Điều lệ Đảng Đại hội XIV
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Ông Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang