06/02/2020 02:53:00 PM
Hà Nội: Sương mù dày đặc, ô nhiễm không khí lại ở mức đáng báo động

Sáng nay, 6/2, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở thành phố Hà Nội lại chuyển sang màu ô nhiễm tương đối quen thuộc, đó là “cam” và “đỏ” - ngưỡng ô nhiễm không khí “kém” và “xấu”.

 Sáng nay, 6/2, sương mù dày đặc bao phủ khắp thành phố Hà Nội. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Sau hai ngày tận hưởng bầu không khí “xanh" - chất lượng không khí "tốt" nhờ gió mùa Đông Bắc mạnh tăng cường kết hợp mưa nhỏ, sáng nay, 6/2, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở thành phố Hà Nội lại chuyển sang màu ô nhiễm “cam” và “đỏ” - ngưỡng “kém” và “xấu”.

Đáng chú ý, mặc dù thời tiết ở Thủ đô sáng nay tiếp tục rét kèm theo màn sương mù dày đặc, nhưng chỉ số AQI ở hầu hết các điểm đo vẫn ở ngưỡng “không tốt cho sức khỏe”. Tên Hà Nội cũng đã xuất hiện ở vị trí thứ 6 trong top danh sách “10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới” được Airvisual quan trắc theo thời gian thực.

Ô nhiễm trở lại ngưỡng “xấu”

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, chỉ số AQI tại Hà Nội sáng nay đã trở lại ngưỡng “màu cam” theo cách tính chỉ số AQI của Mỹ và là ngưỡng “kém” theo cách tính chỉ số AQI của Việt Nam. Mức AQI phổ biến từ 101-150.

Ghi nhận từ Cổng thông tin quan trắc môi trường Thủ đô Hà Nội vào lúc 7 giờ sáng 6/2 cho thấy chỉ số AQI ở phần lớn các điểm đo đã tăng lên ở ngưỡng “kém”. Điển hình như khu vực Hàng Đậu hiển thị chỉ số AQI 125; Phạm Văn Đồng 126; Ccục Bảo vệ môi trường 112; Thành Công 118; Minh Khai (Bắc Từ Liêm) 110…

Tới thời điểm 9 giờ, hầu hết các điểm đo vẫn tiếp tục duy trì ở ngưỡng “kém” với chỉ số AQI cao nhất lên tới 145 ở khu vực Hàng Đậu. Trong khi hai ngày trước, chỉ số AQI ở hầu hất các điểm đo ở Hà Nội luôn phổ biến ở ngưỡng “xanh” - chất lượng không khí ở mức “tốt”, không ảnh hưởng tới sức khỏe.

Ghi nhận từ trạm quan trắc của Tổng cục Môi trường tại 556 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên vào lúc 7 giờ sáng hôm nay cũng cho thấy kết quả chỉ số AQI đã tăng lên 114, ở ngưỡng “màu cam” theo cách tính chỉ số AQI của Mỹ và là ngưỡng “kém” theo cách tính chỉ số AQI của Việt Nam.

Tới thời điểm 9 giờ, chỉ số AQI vẫn duy trì ở ngưỡng “kém” với chỉ số bụi mịn PM 2.5 lên đến 130 1µg/m³. Trong khi cùng thời điểm này vào những ngày nghỉ Tết, chỉ số AQI được trạm quan trắc của Tổng cục Môi trường ghi nhận được vẫn duy trì ở ngưỡng “màu xanh” - chất lượng không khí ở mức tốt.

Với diễn biến chỉ số AQI trên, Tổng cục Môi trường và Cổng thông tin quan trắc môi trường Thủ đô Hà Nội đều đưa ra cảnh báo đối với “những người nhạy cảm gặp phải các vấn đề về sức khỏe”.

Thậm chí, hệ thống đo chất lượng không khí của Airvisual (thuộc Tổ chức IQAir có trụ sở chính tại Thụy Sỹ) vào lúc 7 giờ sáng nay đã hiển thị ngưỡng “màu đỏ” ở hầu hết các điểm đo với chỉ số AQI phổ biến từ 151-198.

Đến thời điểm 9 giờ sáng, Hà Nội ở vị trí thứ 8 trong top danh sách “10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới”, nhưng chỉ số AQI ở hầu hết các điểm quan trắc vẫn tiếp tục hiện thị ngưỡng “màu đỏ” với chỉ số AQI cao nhất lên đến 195 tại khu vực Tây Hồ; Hàng Đậu 164; Thành Công 164; Hoàn Kiếm 153…

Ghi nhận trên Trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air trong sáng nay cũng hiển thị hai ngưỡng màu phổ biến là “cam” và “đỏ” - chất lượng không khí ở mức “xấu” xuất hiện tại hầu hết các điểm đo. Chỉ số AQI cao nhất mà ứng dụng PAM Air ghi nhận được lên tới 188 tại khu vực Nhân Chính (Thanh Xuân).

Trong khi cùng thời điểm này, trong hai ngày qua, chỉ số AQI mà PAM Air ghi nhận ở hầu hết các điểm quan trắc duy trì ở ngưỡng “màu xanh”.

 

 Chỉ số chất lượng không khí hiển thị trên Cổng thông tin quan trắc môi trường Thủ đô Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình)

Sẽ đồng bộ 81 trạm quan trắc không khí

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thời điểm đầu năm tháng 2, tháng 3 chất lượng không khí thường kém hơn các thời điểm khác trong năm. Do vậy, trong thời gian tới, để tiếp tục cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã điều chỉnh Dự án đầu tư hệ thống quan trắc không khí tự động (bao gồm 20 trạm quan trắc không khí cố định, 1 trạm quan trắc không khí lưu động), đảm bảo tiến độ trình Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt trong tháng 2, triển khai dự án hoàn thành trong năm 2020.

Với hiện trạng 11 trạm quan trắc hiện có, 50 trạm cảm biến và 20 trạm cố định đang thực hiện đầu tư, mục tiêu đến hết năm 2020 thành phố sẽ hoàn thiện đồng bộ hệ thống 81 trạm quan trắc không khí trên toàn địa bàn, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và nhu cầu theo dõi diễn biến chất lượng không khí của người dân Thủ đô.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đã và đang phối hợp đơn vị tư vấn khảo sát, lựa chọn 50 địa điểm trên nguyên tắc phù hợp với Quy hoạch mạng lưới quan trắc, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các quy hoạch chuyên ngành khác.

Sau khi được Ủy ban Nhân dân thành phố chấp thuận, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ thông báo cho đơn vị tài trợ là Công ty Trách nhiệm hữu hạn phát triển THT tổ chức lắp đặt các trạm quan trắc cảm biến, sớm đưa vào vận hành phục vụ người dân, dự kiến hoàn thành trong quý 1/2020.

Ngoài ra, thành phố cũng đang tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường không khí thông qua việc phối hợp với Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và đơn vị tư vấn của Pháp nâng cao năng lực quản lý hệ thống, dữ liệu quan trắc không khí tự động; nghiên cứu tiếp thu bài học kinh nghiệm đơn vị tư vấn Pháp đã triển khai thành công tại Paris và Bắc Kinh.

Dự kiến trong tháng 4/2020, một hội thảo chuyên đề sẽ được tổ chức nhằm đề xuất chương trình, kế hoạch hành động cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội./.

Hùng Võ/ Vietnam+

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hành trình 70 năm xây dựng và phát triển của Việt Nam qua ảnh
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập
Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp Đại biện lâm thời Cuba tại Việt Nam
Bộ Ngoại giao, Bộ Công an tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin
Trung Quốc phá giá đồng NDT: Doanh nghiệp Việt đối phó ra sao?
“Việt Nam không phải nước lớn nhưng luôn được nước khác quan tâm”
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Ông Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang